Luật sư cần giữ hòa khí khi giải quyết tranh chấp với đồng nghiệp

07/02/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Mục 20.1 Quy tắc 20, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định về ứng xử khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp như sau: “Trường hợp có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp, Luật sư cần thương lượng, hòa giải để giữ tình đồng nghiệp; chỉ thực hiện việc khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp khi việc thương lượng, hòa giải không có kết quả”.

Ảnh minh họa.

Khác với ngành nghề kinh doanh thông thường, Luật sư hành nghề bằng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp, uy tín của chính cá nhân Luật sư. Có thể nói, phẩm chất và năng lực cá nhân của Luật sư là yếu tố quyết định trong hành nghề Luật sư. Do vậy, nghề Luật sư là một ngành nghề đặc trưng, riêng biệt, không nhằm mục đích kinh doanh mà hoạt động với mục đích cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng nói riêng; bảo vệ công lý, công bằng xã hội và Nhà nước pháp quyền nói chung.

Dưới góc độ là một hoạt động nghề nghiệp trong xã hội, sự cạnh tranh nghề nghiệp giữa các Luật sư vẫn thường hay xảy ra và là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp. Theo hướng tích cực, cạnh tranh nghề nghiệp của Luật sư là khách quan tất yếu, thúc đẩy nghề Luật sư phát triển. Tuy nhiên, nếu việc cạnh tranh dẫn đến tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp và giải quyết tranh không ổn thỏa các tranh chấp ấy sẽ mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và uy tín của nghề Luật sư. 

Chính vì lẽ đó, ứng xử của Luật sư khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp cần phải tuân thủ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư, luôn đề cao tinh thần thương lượng, hòa giải để đi đến kết quả hài hòa, vừa giữ vững hòa khí vừa đảm bảo quyền và lợi ích của các bên. Do vậy, Mục 20.1 Quy tắc 20, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam có nhấn mạnh “thương lượng, hòa giải” là phương pháp tối ưu đầu tiên để giải quyết xung đột, mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi của Luật sư với đồng nghiệp và chỉ thực hiện “khiếu nại, khởi kiện” khi thương lượng, hòa giải không thành.

Bên cạnh đó, Mục 20.2 Quy tắc 20, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam cũng quy định: “Trước khi khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp, Luật sư cần thông báo cho Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư nơi mình là thành viên và Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư nơi đồng nghiệp là thành viên biết để có thể hòa giải”.

Như vậy, có thể thấy, việc khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp để giải quyết tranh chấp quyền lợi giữa các Luật sư là phương pháp không được khuyến khích. Bởi lẽ, việc tự hòa giải hay được hòa giải kịp thời tranh chấp giữa các Luật sư có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn đoàn kết nội bộ, củng cố tình đồng nghiệp giữa các Luật sư và bảo vệ uy tín của nghề Luật sư. 

Ngoài ra, để hạn chế các tranh chấp quyền lợi giữa các Luật sư, khi hành nghề Luật sư cần tuân thủ và bám sát tuyệt đối Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, nhất là các quy tắc liên quan đến cách phối hợp, ứng xử với đồng nghiệp và cạnh tranh lành mạnh như Quy tắc 17 về tình đồng nghiệp của Luật sư; Quy tắc 18 về tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp; Quy tắc 19 về cạnh tranh nghề nghiệp; Quy tắc 21 về những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp,…

Việc giải quyết tốt các tranh chấp với đồng nghiệp của Luật sư thể hiện sự chuyên nghiệp, uy tín và bản lĩnh trong quá trình hành nghề; bởi lẽ giải quyết tốt các tranh chấp với đồng nghiệp thì người Luật sư mới có thể giải quyết tốt nhất tranh chấp của khách hàng.

THANH THỊNH

Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan trong hoạt động hành nghề Luật sư