Luật sư đề nghị không khởi tố phó chánh án

11/11/2017 00:07 | 6 năm trước

LSVNO - Ông Nguyễn Văn Thanh Bình, Phó chánh án TAND TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), bị Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) khởi tố bị can ngày 16/10/2017 về tội “Ra quyết đ...

LSVNO - Ông Nguyễn Văn Thanh Bình, Phó chánh án TAND TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), bị Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) khởi tố bị can ngày 16/10/2017 về tội “Ra quyết định trái pháp luật”. Ngày 9/11, Luật sư Nguyễn Trường Thành, Văn phòng Luật sư Vạn Lý-Cần Thơ (bào chữa cho bị can) có văn bản đề nghị “xem xét lại việc khởi tố vụ án và khởi tố bị can”. Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, Luật sư Việt Nam Online có cuộc trao đổi với Luật sư Thành.

Tóm tắt vụ án

Theo hồ sơ, tại TP. Sóc Trăng có ngôi nhà của vợ chồng ông Đặng Văn Muôn và bà Trần Thị Lẫm. Khi ly hôn, ông Muôn được quyền sở hữu căn nhà và hơn 4 năm trước, ông bán cho bà Nguyễn Thị Ngọc. Hai ngày sau, bà Ngọc bán căn nhà cho ông Lê Ngọc Phượng, nhận 2 tỷ đồng đặt cọc. Nhưng ngay sau đó, bà Lẫm gửi đơn yêu cầu TAND TP. Sóc Trăng hủy giao dịch mua bán của ông Muôn với bà Ngọc vì cho rằng chồng cũ còn nợ tiền. Ngày 22/2/2013, thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình ký quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT), cấm ông Muôn và bà Ngọc chuyển nhượng nhà.

Bị cấm mua nhà, bà Ngọc khiếu nại nhưng Chánh án TAND TP. Sóc Trăng ra quyết định không chấp nhận khiếu nại. Sau đó, bà Ngọc khiếu nại lên TAND tỉnh Sóc Trăng và ngày 29/8/2013, TAND tỉnh Sóc Trăng có quyết định hủy quyết định BPKCTT của TAND TP. Sóc Trăng. Lúc này, vì ông Muôn đã xuất cảnh ra nước ngoài nên TAND TP. Sóc Trăng chuyển hồ sơ vụ án dân sự cho TAND tỉnh Sóc Trăng giải quyết, nhưng bà Lẫm rút đơn kiện vì thế ngày 2/7/2014, TAND tỉnh Sóc Trăng đình chỉ vụ án.

Tiếp đó, ông Phượng kiện bà Ngọc về tranh chấp “hợp đồng đặt cọc”, rồi họ thuận ngoài trả tiền đặt cọc 2 tỷ đồng, bà Ngọc bồi thường 1,9 tỷ đồng cho ông Phượng. Vụ kiện này được TAND TP. Sóc Trăng và tỉnh Sóc Trăng xử đi xử lại hai lần, tòa án cấp cao xem xét giám đốc thẩm một lần. Ngày 27/4/2017, TAND tỉnh Sóc Trăng xử phúc thẩm lần hai, quyết định: “Công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự Lê Ngọc Phượng và Nguyễn Thị Ngọc, theo đó bà Nguyễn Thị Ngọc thống nhất hoàn trả cho nguyên đơn Lê Ngọc Phượng số tiền 2 tỷ đồng đặt cọc và bồi thường 1,9 tỷ đồng”.

Qua toàn bộ vụ việc, Cơ quan điều tra Viện KSNDTC cho rằng, thẩm phán Bình đã ban hành quyết định BPKCTT ngày 22/2/2013 là trái pháp luật, gây thiệt hại cho bà Ngọc nên khởi tố vụ án và khởi tố bị can để điều tra.

Tống đạt lệnh khởi tố bị can ông Bình hôm 24/10.

“Không cấu thành tội phạm”

PV: Quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can không rõ chỗ nào mà ông đề nghị xem xét lại?

Luật sư Nguyễn Trường Thành: Khởi tố tội “Ra quyết định trái pháp luật” theo Điều 296 Bộ luật hình sự năm 1999 là chưa bảo đảm căn cứ pháp lý vững chắc. Bởi lẽ, quyết định BPKCTT của ông Bình căn cứ vào Khoản 1, Điều 100; khoản 1, Điều 99 và Điều 115 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2005 là đúng thẩm quyền. Trong lúc, Điều 296, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội “Ra quyết định trái pháp luật” đã xác định rõ đối với tội danh này chỉ bị xử lý hình sự khi người ban hành quyết định biết rõ quyết định mình ban hành là trái pháp luật cũng như quyết định đó gây ra thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân. Hồ sơ ở đây chưa rõ Thẩm phán Bình biết quyết định của mình là sai và nhất là chưa rõ thiệt hại từ quyết định áp dụng BPKCTT.

Căn cứ vào đâu để cho rằng Phó chánh án Bình không biết rõ quyết định của mình là sai?

Trước khi nộp đơn khởi kiện, bà Lẫm có đơn ngăn chặn tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng TN&MT TP Sóc Trăng và cơ quan này có thông báo hướng dẫn bà Lẫm yêu cầu tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT. Sau đó, bà Lẫm làm đơn, được UBND phường 8 xác nhận, mới gửi đến tòa yêu cầu áp dụng BPKCTT. Quyết định của ông Bình căn cứ đơn của bà Lẫm, có xác nhận của chính quyền và hướng dẫn của cơ quan đăng ký đất đai, nên không thể biết quyết định BPKCTT là sai.

Luật sư Nguyễn Trường Thành trả lời phỏng vấn.

Bên cạnh đó, quyết định BPKCTT được gửi Viện KSND TP. Sóc Trăng để giám sát nhưng Viện không có kiến nghị, tức là thừa nhận quyết định đúng. Ở đây, Chánh án TAND TP Sóc Trăng cũng có quyết định giải quyết khiếu nại và xác định quyết định của thẩm phán Bình có căn cứ nên giữ nguyên.

Cơ quan điều tra Viện KSNDTC cho rằng, quyết định BPKCTT gây thiệt hại cho bà Ngọc 1,9 tỷ đồng, theo bản án công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự của TAND tỉnh Sóc Trăng, ông có nhận xét gì?

Không có căn cứ pháp lý. Bởi lẽ, quyết định BPKCTT của ông Bình không phải tự mình mà theo yêu cầu của đương sự. Tại Khoản 1, Điều 101, Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định: “Người yêu cầu tòa án áp dụng BPKCTT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình trong trường hợp yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ 3 thì phải bồi thường”.

Hơn nữa, Thẩm phán Bình ban hành quyết định BPKCTT là thực hiện thẩm quyền được pháp luật cho phép, nếu có gây ra thiệt hại cho đương sự thì theo quy định của pháp luật thuộc trường hợp “Bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước”. Tuy nhiên, Điều 28, Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước đã loại trừ trách nhiệm bồi thường của thẩm phán khi áp dụng BPKCTT theo yêu cầu của đương sự.

Vậy cụ thể ông kiến nghị xem xét lại như thế nào?

Tôi trân trọng đề nghị Viện trưởng Viện KSNDTC, Vụ trưởng Vụ kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện KSNDTC căn cứ Điều 169 và Điều 107, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 để đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nguyễn Văn Thanh Bình vì hành vi không cấu thành tội phạm.

Xin nói thêm, ông Bình là một thẩm phán tuổi đời còn trẻ đã được đào tạo căn bản, quá trình làm việc trong ngành tòa án nhiều năm chưa có vi phạm, kỷ luật gì, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nhưng luôn luôn có trách nhiệm với nghề nghiệp nên tôi trân trọng đề nghị Viện KSNDTC, Cơ quan điều tra Viện KSNDTC sớm quan tâm xem xét.

Sáu Nghệ