Luật sư không được sử dụng các chức danh khác ngoài danh xưng Luật sư để mưu cầu lợi ích

20/02/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Khách hàng A đến gặp Luật sư B nhờ tư vấn vụ việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”. Trong quá trình tư vấn, Luật sư B có giới thiệu mình nguyên là Thẩm phán nên có quen biết với các Thẩm phán tham gia giải quyết vụ việc của khách hàng A để tạo niềm tin cho khách hàng A ký hợp đồng dịch vụ pháp lý. Vậy hành vi của Luật sư B có vi phạm đạo đức hành nghề Luật sư không?

Ảnh minh họa.

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư quy định những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng như: “Lạm dụng các chức danh khác ngoài danh xưng Luật sư trong hoạt động hành nghề để mưu cầu lợi ích trái pháp luật” (Quy tắc 9.10).

Khi xây dựng mối quan hệ với khách hàng tư cách, danh xưng Luật sư phải được đặt lên hàng đầu để thể hiện rõ đây là mối quan hệ giữa Luật sư với khách hàng. Việc sử dụng một chức danh tư pháp khác để giới thiệu bản thân nhằm tăng giá trị của Luật sư, tạo thêm niềm tin với khách hàng thì pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư không cấm. Tuy nhiên, nếu việc đưa thông tin nhằm mục đích ám chỉ để khách hàng biết về mối quan hệ cá nhân giữa Luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền nhằm mục đích gây niềm tin với khách hàng về hiệu quả công việc hoặc mục đích bất hợp pháp là vi phạm quy tắc đạo đức, ứng xử và hành nghề Luật sư. Việc Luật sư B ám chỉ với khách hàng về việc có quen biết với Thẩm phán nhằm tạo niềm tin cho khách hàng A về kết quả vụ việc của khách hàng là đang làm trái với quy tắc đạo đức, ứng xử hành nghề Luật sư.

Việc Luật sư giới thiệu với khách hàng mình từng là Thẩm phán để thuyết phục khách hàng ký hợp đồng dịch vụ cũng vi phạm thêm Quy tắc 9.7 trong Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư là: “Cố ý đưa ra những thông tin làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng và trình độ chuyên môn của mình để tạo niềm tin cho khách hàng ký kết hợp đồng”. 

Chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chánh án Tòa án,... không phản ánh được năng lực cũng như trình độ chuyên môn của Luật sư. Có một thực tế là trong điều kiện hiện nay, không phải Luật sư nào cũng tinh thông hết các lĩnh vực chuyên môn. Xuất phát từ xu hướng tạo dựng uy tín, tên tuổi của Luật sư theo phạm vi tranh tụng hay tư vấn, hay theo chuyên ngành mà mỗi Luật sư sẽ chủ yếu tập trung phát triển năng lực và chuyên môn về một lĩnh vực nào đó để xây dựng thương hiệu cá nhân cho chính mình.

Việc các Thẩm phán, Kiểm sát viên, sau khi nghỉ hưu ra làm Luật sư thì họ cũng sẽ có lĩnh vực chuyên môn nhất định mà họ am hiểu nhưng không đồng nghĩa là họ có thể am hiểu tất cả các lĩnh vực chuyên môn. Trong trường hợp khách hàng ít có hiểu biết về pháp luật, việc Luật sư đưa ra thông tin trước kia mình từng làm Thẩm phán, Chánh án,… có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng rằng đây là Luật sư có trình độ chuyên môn, có thể giúp khách hàng đạt được hiệu quả mong đợi từ đó khiến khách hàng đồng ý ký hợp đồng dù cho có thể vụ việc của khách hàng không thuộc chuyên môn của Luật sư.

THIÊN AN

Covid-19 chính thức được xem là bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội