Luật sư Nguyễn Xuân Anh: Bị cáo Hà Văn Thắm không phạm tội “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chiếm đoạt”

03/05/2018 23:18 | 6 năm trước

LSVNO - Bào chữa cho bị cáo (BC) Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch Oceanbank, Luật sư Nguyễn Xuân Anh (Công ty Luật TNHH Hoàn Kiếm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, BC Hà Văn Thắm chỉ phạm tội “Cố ý làm...

LSVNO - Bào chữa cho bị cáo (BC) Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch Oceanbank, Luật sư Nguyễn Xuân Anh (Công ty Luật TNHH Hoàn Kiếm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, BC Hà Văn Thắm chỉ phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và không phải bồi hoàn số tiền hơn 847 tỷ đồng đã nêu trong Bản án sơ thẩm. LSVNO xin giới thiệu quan điểm bào chữa của Luật sư Xuân Anh tới bạn đọc.

Tôi là Luật sư Nguyễn Xuân Anh, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BC Hà Văn Thắm trong vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản xảy ra tại ngân hàng Oceanbank và các đơn vị liên quan”.

Do không đồng ý với quyết định nêu trong Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, thân chủ tôi là BC Hà Văn Thắm đã gửi đơn kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao xem xét toàn diện về 02 tội danh “Tham ô tài sản” theo Điều 278 BLHS 1999, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 280 BLHS 1999 và phần trách nhiệm dân sự trong tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 BLHS 1999.

Sau khi nghiên cứu toàn bộ những tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nghe lời trình bày của các bị cáo cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa và các luật sư đồng nghiệp cùng bào chữa cho BC Hà Văn Thắm phát biểu, tôi xin phát biểu quan điểm bào chữa của tôi. Quan điểm bào chữa của tôi cũng nêu lên các vấn đề các luật sư khác đã trình bày, nhưng mang tính chất bổ sung và phân tích ở những góc độ khác nhau của cùng sự việc.

Bị cáo Hà Văn Thắm kháng cáo về 02 tội danh “Tham ô tài sản”và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Về phần trách nhiệm dân sự trong tội 165

Tôi xin trích dẫn một phần trong đơn kháng cáo về trách nhiệm dân sự của thân chủ tôi như sau: “Tôi thừa nhận tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên tội của tôi là cố ý làm trái gây hậu quả phi vật chất (cho chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước)”. Tại phần xét hỏi trong phiên tòa phúc thẩm, thân chủ tôi cho biết vẫn giữ nguyên kháng cáo đó. Như vậy tại phần kháng cáo về trách nhiệm dân sự này, thân chủ tôi nhận thức và xác định rằng 1.576 tỷ đồng không phải là thiệt hại mà Oceanbank phải gánh chịu, mà đây là chi phí phục vụ trong quá trình kinh doanh của ngân hàng. Thiệt hại (nếu có) trong vụ việc này là thiệt hại phi vật chất, là thiệt hại cho chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, thiệt hại không tính được bằng tiền.

Theo quy định tại Điều 165 BLHS, tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được mô tả như sau: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm  đến năm năm”.

Theo như mô tả, tội cố ý làm trái là tội có cấu thành vật chất. Người thực hiện hành vi này chỉ bị coi là phạm tội khi và chỉ khi có hậu quả xảy ra, tức là thiệt hại có thể tính được bằng tiền và số tiền phải từ một trăm triệu đồng trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ vào nội dung đơn kháng cáo của thân chủ tôi, có thể nhận ra rằng thân chủ tôi xác định 1.576 tỷ đồng không phải là thiệt hại của Oceanbank đồng nghĩa với việc không hề thừa nhận có hậu quả vật chất xảy ra. Như vậy với tội danh này, đã không đáp ứng đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm của tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cụ thể là thân chủ tôi mới chỉ nhận có hành vi vi phạm, có lỗi nhưng không thừa nhận có hậu quả, và do đó cũng không thể có quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Như vậy mới chỉ có hai trên bốn yếu tố trong cấu thành tội phạm, nghĩa là chưa có hành vi phạm tội xảy ra.

Tại phiên tòa phúc thẩm, BC Hà Văn Thắm có sự thay đổi về thiệt hại và vẫn giữ nguyên quan điểm rằng các khoản chi lãi ngoài không phải là thiệt hại. Tuy nhiên, Thắm lại có ý kiến rằng những khoản chi lãi ngoài, nếu có khoản nào, vì lý do nào đó không đến được tay khách hàng là các tổ chức/cá nhân có tiền gửi tại OJB, bị những cá nhân thuộc hay không thuộc OJB giữ lại chiếm hưởng thì đó là thiệt hại.

Thân chủ tôi đã có 1 bản giải trình chi tiết vào ngày 24/4/2018 (đã gửi đến HĐXX và VKS) số tiền 1576 tỷ đồng chia thành 09 khoản cụ thể, trong đó có 04 khoản (tương đương 622 tỷ) có thể là thiệt hại đối với OJB. Số tiền này là số tiền chi lãi ngoài cho các tổ chức, cá nhân nhưng có thể không đến tay các tổ chức, cá nhân nhận tiền mà được giữ lại trong quá trình giao nhận tiền giữa nhân viên OJB và đại diện của khách hàng. Trong phạm vi xét xử phúc thẩm này, mới chỉ có khoản tiền mà Nguyễn Xuân Sơn nhận để chi cho PVN và các doanh nghiệp thuộc tập đoàn PVN đang tạm bị quy kết là Sơn chiếm hưởng, hiện Sơn cũng đang kháng cáo. Còn các khoản chi khách, có khoản đang bị điều tra hình sự (Vinashin, PVoil, Lọc hóa dầu Bình sơn và Liên doanh Vietso Petro), có nhiều khoản còn chưa được điều tra hình sự, mới chỉ dừng lại ở mức độ cơ quan điều tra có văn bản hỏi xác minh, chưa khởi tố hình sự (ngày 27/4/2018, Cơ quan điều tra C46 Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam bị can Vũ Mạnh Tùng, Phó giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Đây là tín hiệu tốt đối với vụ án này nhưng tất cả vẫn chỉ là tiếp tục điều tra…; kết quả ra sao thì vẫn chưa rõ). Do đó, nếu xác định ngay tổng số tiền bị thiệt hại trong bản án phúc thẩm sẽ là thiếu căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và có thể gây các mâu thuẫn giữa bản án trong vụ án này với các bản án trong vụ án khác.

Còn 05 khoản với tổng giá trị khoảng 954 tỷ đồng, theo quan điểm của BC Thắm, số tiền này không phải là thiệt hại của OJB bởi đây là số tiền chi lãi ngoài cho các tổ chức, cá nhân và đã được chi đến địa chỉ người nhận.

Theo quy kết tại Bản án sơ thẩm, số tiền chi lãi ngoài khoảng gần 1.000 tỷ, nếu bị coi là thiệt hại thì đây là số tiền rất lớn, là sự việc rất nghiêm trọng nếu nhìn từ góc độ thu nhập của người dân.

Tuy nhiên, dưới góc độ chi phí kinh doanh của OJB lúc đó, hơn 1.576 tỷ này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số 18.759.790.373.067 đồng, đây là số tiền OJB chi trả trong 4 năm (2010 – 2014) cho việc huy động vốn và chỉ chiếm khoảng 0,8% (chưa đến 1%) so với số tiền 191.877.130.502.733 đồng mà OJB huy động được từ việc chi ra hơn 1000 tỷ này để bảo đảm tính thanh khoản và duy trì hoạt động của OJB.

Qua báo cáo tài chính có kiểm toán của các năm, đều thể hiện Oceanbank hoạt động có lãi trong thời gian BC Thắm chi khoản tiền 1000 tỷ cho việc chăm sóc khách hàng, trả lãi ngoài, cụ thể: Năm 2010 lãi 1.241.326.463.968 đồng; năm 2011 lãi 1.594.554.513.612 đồng; năm 2012 lãi 1.620.362.528.592 đồng; năm 2013 lãi 1.421.137.071.215 đồng; năm 2014 lãi 356.103.863.409 đồng.

Số tiền huy động được sau đó lại được cho vay ra. Vòng lưu chuyển tiền tệ này đã giúp Oceanbank duy trì hoạt động; tạo công ăn việc làm cho trực tiếp hơn 3.000 cán bộ nhân viên trong hệ thống Oceanbank; đóng thuế lớn cho Nhà nước; thực hiện nhiều hoạt động phúc lợi xã hội; góp phần thực hiện nhiều chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng chính sách trên phạm vi toàn quốc…

Không dừng ở đó, số tiền này khi được Oceanbank cho vay đã đi vào các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế – giúp cho việc kinh doanh, đầu tư, sinh lời – tạo ra bao công ăn việc làm cho rất nhiều người trong xã hội, tạo nguồn thu ngân sách,…, những lợi ích to lớn này không thể tính được bằng con số.

Việc Ngân hàng Nhà nước xác định Oceanbank nợ lớn (âm 2,5 lần vốn chủ sở hữu) dẫn tới bị mua 0 đồng, đây hoàn toàn là thủ pháp triển khai các nghiệp vụ quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng khi dựa vào các tiêu chí để xác định nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro…, chứ đó chưa phải là thiệt hại thực tế của Oceanbank tại thời điểm đó cũng như sau này. Không phải tất cả các khoản nợ xấu đều dẫn tới mất vốn (việc này có 1 minh chứng thực tiễn lớn là sau thời điểm bị mua 0 đồng, tổng số tiền thu hồi được từ các khoản bị coi là nợ xấu là hơn 8.000 tỷ).

Như vậy, ở góc độ luật sư chúng tôi và góc độ kinh doanh/hoạt động ngân hàng, số tiền gần 1,000 tỷ chỉ là một phần nhỏ trong chi phí vốn, chứ hoàn toàn không phải thiệt hại. Việc xác định số tiền này là thiệt hại sẽ rất khiên cưỡng, không phải ánh đúng bản chất của hoạt động ngân hàng, đặc biệt là vào thời điểm/giai đoạn mà OJB bị quy kết “có thiệt hại” đó.

Luật sư Nguyễn Xuân Anh bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm. Ảnh: internet

Về trách nhiệm dân sự của Hà Văn Thắm

Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định: “Trong số tiền 1.576.012.242.219 đồng thiệt hại về vật chất nói trên, có 246.603.989.000 đồng được OJB chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn trong giai đoạn Sơn là Phó tổng giám đốc PVN theo yêu cầu và bị Sơn chiếm đoạt theo quy kết của tòa sơ thẩm. Do vậy, hậu quả thiệt hại vật chất của hành vi cố ý làm trái của Hà Văn Thắm và các đồng phạm gây ra chỉ còn là 1.329.408.253.219 đồng (trang 192/242 của Bản án sơ thẩm)”.

Vấn đề 80-20      

Nếu như đã xác định trong 246 tỷ có 20% vốn góp của PVN thì đối với 1.329 tỷ đồng còn lại cũng phải có 20% của PVN và 80% của các cổ đông khác. Vấn đề kỳ lạ là, dù 20% đã được tòa tuyên trả cho PVN, nhưng 80% còn lại thì tòa sơ thẩm lại tuyên trả không phải là cho các cổ đông khác mà lại  là trả cho OJB MTV.

Việc 20% đó có phải của PVN hay không, vấn đề này đại diện pháp luật của PVN đã có câu trả lời. Khẳng định của PVN bằng việc không kháng cáo Bản án sơ thẩm nghĩa là thừa nhận 20% là của PVN. OJB MTV cũng không kháng cáo đòi nốt 20% này cho mình. Như vậy OJB Mới thừa nhận 20% đó là của Cổ đông PVN.

Vậy thì, căn cứ vào đâu để OJB MTV xác định được 80% còn lại là của mình – mà không phải là của các Cổ đông khác.

OJB MTV có biết 20% kia cũng là của mình nhưng không dám đòi hay OJB MTV biết 80% còn lại không phải là của mình nhưng cứ nghiễm nhiên hưởng… hay nói không quá là việc “ngậm miệng ăn tiền” trên cơ sở Bản án tòa cấp sơ thẩm tuyên???

Ai được nhận số tiền nếu thu hồi được từ những tổ chức, cá nhân nhận lãi ngoài?

Việc tuyên trả cho OJB MTV 80% số tiền còn lại mà không trả cho các cổ đông khác là mâu thuẫn, không công bằng, không bình đẳng giữa các cổ đông (bình đẳng một trong những quyền cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp) và không công bằng với chính PVN khi chỉ được tuyên trả 20% của hơn 246 tỷ đồng mà không được tuyên trả 20% của cả số tiền hơn 1.329 tỷ.

Trong 80% còn lại, có 62,9% là của các tổ chức cá nhân đại diện của BC Hà Văn Thắm. Kính mong HĐXX tuyên trả cho các cổ đông còn lại của OJB 80% còn lại của khoản tiền hơn 1.329 tỷ và khoản tiền hơn 246 tỷ.

Ai là người phải trả cho các Cổ đông, nếu số tiền hơn 1.329 tỷ đích thực là thiệt hại?

Theo kháng cáo và ý kiến của BC Hà Văn Thắm, số tiền chi lãi không phải thiệt hại. Nếu số tiền này là hợp pháp, những tổ chức/cá nhân đã nhận khoản tiền này sẽ coi đây là thu nhập hợp pháp của họ. Khi đó, không đặt ra vấn đề là những người nhận phải trả lại.

Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng và Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định đây là thiệt hại. Vì xác định có thiệt hại mới đủ cấu thành tội phạm của tội “Cố ý làm trái…

Mặc dù xác định gần 1.000 tỷ là thiệt hại do OJB chi trả lãi ngoài trái quy định của pháp luật, nhưng kỳ lạ là Tòa án sơ thẩm lại không buộc những người chiếm hưởng tiền trái pháp luật hoàn trả mà lại coi đây là khoản tiền đã mất để buộc Hà Văn Thắm và các bị cáo khác liên đới bồi thường. Như vậy, những người chiếm hưởng thực tế khoản tiền này nghiễm nhiên được hợp pháp hóa thu nhập này của họ.

Trong trường hợp này, lẽ ra Tòa án sơ thẩm phải buộc các tổ chức, cá nhân đã nhận lãi ngoài trái pháp luật phải bồi hoàn cho các cổ đông chứ không phải buộc các BC phải bồi thường.

Việc tòa án cấp sơ thẩm buộc các BC bồi thường cho OJB MTV vừa không đúng đối tượng được hưởng, vừa không thống nhất và bình đẳng giữa những người tham gia tố tụng.

So sánh trong vụ án này giữa BC Nguyễn Xuân Sơn và các BC khác sẽ thấy một vấn đề nổi lên là BC Sơn do không chứng minh được số tiền đã đi chăm sóc khách hàng nên ngoài việc bị quy kết tội danh “Tham ô” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, Sơn còn bị yêu cầu trực tiếp trả lại số tiền đó.

Trong vụ án này, ngoài BC Sơn còn có hơn 40 cán bộ của OJB từ Hội sở đến các chi nhánh và 227 nhân viên thuộc các chi nhánh là những người trực tiếp nhận tiền từ OJB để trực tiếp đi chi cho khách hàng.

Những người này trong quá trình tố tụng đã nộp cho Cơ quan Tố tụng hơn 29 tỷ đồng. Số tiền này có lẽ là một phần từ các tổ chức, cá nhân đã nhận lãi ngoài, nay trả lại thông qua các bị cáo, chứ không hoàn toàn đó là tiền túi của các BC. Vậy mà tòa án cấp sơ thẩm lại tuyên trả toàn bộ số tiền này cho những người đã nộp.

Đối với số tiền lãi ngoài, xét dưới góc độ trái pháp luật, có hai cách đánh giá

Ở góc độ dân sự, nếu khẳng định việc chi lãi vượt trần là vi phạm điều cấm của pháp luật thì giao dịch dân sự vô hiệu. Khi đó thì bên nhận hoàn trả lại cho bên giao; ở góc độ hình sự, nếu số tiền này là khoản tiền được chi ra trái pháp luật thì các tổ chức, cá nhân đang giữ khoản tiền đó đang có hành vi chiếm giữ tài sản một cách trái phép, không có căn cứ pháp luật. Ở góc độ này, người chiếm giữ trái phép phải hoàn trả cho chủ sở hữu.

Trong vụ án này, quan điểm của luật sư là “áp dụng chế định hoàn trả/bồi hoàn, chứ không phải áp dụng chế định bồi thường”. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án thể hiện cơ quan điều tra đã tổng hợp được số lượng hơn 51 nghìn cá nhân và gần 400 tổ chức nhận số tiền chi lãi ngoài của OJB. Ngay trong kết luận điều tra, cơ quan điều tra đã có kiến nghị “tiếp tục điều tra làm rõ, thu hồi, đảm bảo công bằng, nghiêm minh…”

Ngoài ra, trước khi xét xử sơ thẩm, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án tại VINASHIN đối với ông Trần Hữu Chính và sau phiên tòa sơ thẩm, ngày 13/09/2017, cơ quan điều tra đã khởi tố tiếp 03 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro; Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PV Oil)…

Rõ ràng, quá trình xác minh, điều tra về việc giao nhận tiền giữa các cán bộ OJB và các tổ chức, cá nhân nhận lãi ngoài vẫn đang tiếp tục, chưa kết thúc.

Tại sao Tòa án sơ thẩm đã vội vàng tuyên buộc BC Thắm và các BC khác phải bồi thường mà không tách ra phần trách nhiệm dân sự để giải quyết, sau khi các vụ án đã được khởi tố (và có thể sẽ tiếp tục được khởi tố) kết thúc quy trình tố tụng, để xác định rõ việc giao nhận tiền giữa cán bộ, nhân viên OJB và các tổ chức, cá nhân như thế nào rồi sau đó giành quyền cho các cổ đông cũ của OJB khởi kiện đòi bồi hoàn từ những người đã nhận và/hoặc đang chiếm giữ bất hợp pháp số tiền này, tương ứng với kết quả cuối cùng của các các vụ án đó.

Trường hợp đã buộc BC Thắm và các BC khác phải bồi thường trong vụ án này mà trong các vụ án sau xác định được các cá nhân, tổ chức phải bồi thường (nữa) thì trả cho ai? Ai sẽ là người được hưởng các khoản bồi thường đó?

Không lẽ lúc đó cơ quan tố tụng lại tuyên trả cho bị cáo Thắm, trong khi Thắm thực tế và các tổ chức, cá nhân đó không có bất kỳ quan hệ gì về cả dân sự và hình sự???

Tổng hợp tất cả các vấn đề nêu trên, vấn đề 20/80, vấn đề trả ai, ai trả, vấn đề tỷ lệ chiếm hưởng…, kính đề nghị HĐXX tách toàn bộ phần dân sự của vụ án này để giải quyết trong giai đoạn sau khi các vụ án kia đã kết thúc để đảm bảo tính tuân thủ, nghiêm minh và công bằng của pháp luật.

Ở đây có một vấn đề cần giải thích rõ. Đối với hành vi chi lãi ngoài cho các tổ chức/cá nhân, BC Hà Văn Thắm luôn nhận về mình trách nhiệm hình sự và có nhiều lần xin tòa án xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các nhân viên dưới quyền. Tuy nhiên, đối với phần trách nhiệm dân sự cũng như việc giao nhận tiền giữa nhân viên OJB với khách hàng, rõ ràng dù Hà Văn Thắm có tỏ ra tin tưởng Nguyễn Xuân Sơn thì các cơ quan tố tụng vẫn kết luận Sơn không đưa tiền về PVN mà tự mình chiếm hưởng, bên cạnh đó một số trường hợp khác còn đang trong quá trình điều tra xem xét; về quản trị nội bộ, chắc chắn Hà Văn Thắm chỉ nhận trách nhiệm hình sự đối với những nhân viên thực hiện đúng việc chi trả lãi ngoài cho khách hàng. Còn đối với những người không thực hiện việc chi tiền hoặc chi không hết số tiền chi trả cho khách, đây sẽ là hành vi không tuân thủ đường lối chỉ đạo và có tính trục lợi. Luật sư cho rằng nếu quả có trường hợp nào đó như vậy thì những trường hợp đó không xứng đáng được Hà Văn Thắm nhận trách nhiệm hình sự thay cho người đó và người đó cần bị xử lý, dù là hình thức nhẹ nhất là bồi hoàn dân sự.

Đối với các tội danh “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”

Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định rằng: Bị cáo Thắm bị quy kết đồng phạm chủ mưu và chỉ đạo thực hiện đắc lực, giúp cho bị cáo Sơn chiếm đoạt 69.380.500.000 đồng qua Công ty BSC, phạm tội Lạm Dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. (Trang 187 Bản án ST). Ngoài ra, bị cáo Thắm còn bị quy kết đồng phạm giúp sức, bị động cho bị cáo Sơn tham ô 49.320.797.800 đồng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 197.283.191.200 đồng (Trang 213 Bản án sơ thẩm).

Với cùng một việc chi lãi ngoài, ở giai đoạn 1 của vụ án này, BC Hà Văn Thắm bị truy tố 02 tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hÀnh công vụ” theo Điều 281 BLHS 1999  và tội “Cố ý làm trái…” theo Điều 165 BLHS 1999 .

Khi tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ điều tra bổ sung, tội danh của các BC đã có sự thay đổi vô cùng lớn, đặc biệt đối với BC Sơn và BC Thắm. BC Sơn bị đổi tội danh từ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sang “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. BC Hà Văn Thắm bị quy buộc đồng phạm với BC Sơn về 02 tội danh này.

Cùng một hành vi chi lãi ngoài, đối với khoản tiền 246 tỷ đồng có nguồn gốc chi từ OJB đưa cho Sơn trả lãi ngoài cho PVN, trước khi bị trả hồ sơ điều tra bổ sung, BC Thắm chỉ bị quy kết một tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng sau khi điều tra bổ sung và truy tố, xét xử lại, Hà Văn Thắm lại bị quy buộc thành 2 hướng tội danh hoàn toàn khác biệt so với lúc đầu, mà lại toàn là những tội có mức hình phạt cao nhất nhì trong hệ thống các hình phạt của Luật Hình sự.

Như vậy, ở giai đoạn 1, các cơ quan tố tụng đã xác định tội danh dựa trên nguồn gốc số tiền chi lãi ngoài hợp đồng (tiền từ BSC là tội tại Điều 281, tiền từ OJB là tội tại Điều 165).

Ở giai đoạn 2, sau khi tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, các cơ quan tố tụng lại xác định tội danh dựa trên cá nhân người thực hiện việc chi trả lãi ngoài. Những cá nhân khác ở OJB trực tiếp chi tiền lãi ngoài thì bị quy kết là “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” còn đối với khoản tiền BC Sơn nhận để chi lãi ngoài thì bị quy kết về tội “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, BC Thắm cũng bị quy kết với vai trò đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn về 02 tội danh trên.

Điều đó chứng tỏ Cơ quan tố tụng chỉ dựa vào chủ thể của việc thực hiện chi lãi ngoài chứ không hề căn cứ vào cấu thành tội phạm để xác định tôi danh, gây oan sai cho BC Hà Văn Thắm về hai tội danh này. Để xác định được BC Hà Văn Thắm có đồng phạm với BC Sơn hay không, theo các yêu tố cấu thành tội phạm, cần phải chứng minh xem BC Thắm có bàn bạc trước và biết rõ BC Sơn chiếm đoạt số tiền dùng để chi lãi ngoài không? Có cùng thực hiện hành vi chiếm đoạt không? Có cùng hưởng lợi số tiền chiếm đoạt không? Hoặc ít nhất, dù không bàn bạc trước nhưng BC Thắm biết và tiếp nhận ý chí đó của BC Sơn hay không?

Thực tế hồ sơ vụ án hoàn toàn không có chứng cứ nào chứng minh những vấn đề nêu trên. BC Thắm chỉ thỏa thuận với BC Sơn về việc chi tiền cho khách hàng có gửi tiền gửi tại Oceanbank, cụ thể là PVN và các công ty con của PVN, không thỏa thuận chi cho một cá nhân cụ thể nào.

Khi BC Thắm và BC Sơn bàn bạc và thống nhất với nhau thì đều với tư cách là người của Oceanbank. Khi BC Sơn giữ chức Tổng giám đốc Oceanbank và cả khi Sơn không còn giữ chức vụ gì tại Oceanbank, BC Thắm tiếp tục nhờ BC Sơn mang tiền đi chi cho các khách hàng dầu khí với tư cách thay mặt Oceanbank. Như vậy BC Thắm chỉ bàn bạc với BC Sơn về việc chi tiền cho khách hàng, không hề bàn bạc hay biết trước ý định chiếm đoạt số tiền này của Sơn.

Bên cạnh đó, cho đến phiên tòa phúc thẩm này, BC Thắm vẫn luôn tin tưởng rằng BC Sơn đem tiền chi cho PVN như đã thỏa thuận và BC Sơn luôn khẳng định rằng không chiếm đoạt khoản tiền dùng để chi lãi ngoài thì làm sao BC Thắm tiếp nhận ý chí chiếm đoạt của BC Sơn từ lúc thực hiện hành vi chi lãi ngoài được.

Ngoài ra, một điều mâu thuẫn nữa trong án sơ thẩm là số tiền 246 tỷ Sơn nhận được chủ yếu từ Thắng (226 tỷ). Số tiền này là đối tượng bị thiệt hại/chiếm đoạt trong hai tội danh “Tham ô” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Vậy mà Thắng vẫn bị kết tội “Cố ý làm trái…” với vai trò đồng phạm.

Có thể khẳng định rằng, đối với Thắm và Thắng, 246 tỷ này vẫn là vấn đề của hành vi cố ý làm trái, dù có đúng là thiệt hại hay không đi nữa. Và thực sự Thắng là đồng phạm giúp Thắm đưa tiền, chuyển tiền, và đối với Thắm và Thắng, tất cả chỉ có thế, giống như hơn 1329 tỷ còn lại được chi trên toàn bộ hệ thống của OJB.

Việc tách số tiền 246 tỷ sang hai tội “Tham ô” và “Chiếm đoạt tài sản” làm cho Thắng có vẻ bị oan vì hành vi của Thắng không có thiệt hại và không có đồng phạm. Làm sao lại có tình huống đồng phạm mà các đồng phạm lại bị truy tố xét xử bằng các tội danh khác nhau????

Thực tế Thắng có oan không? Câu trả lời là không và người bị oan chính là BC Hà Văn Thắm.

Từ những phân tích nêu trên có đủ căn cứ xác định BC Thắm không đồng phạm với BC Sơn về tội “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Nếu quy kết BC Thắm đồng phạm với BC Sơn về 02 tội danh này là oan cho BC Thắm. Quy kết như vậy là “khoác” cho Thắm tội mà Thắm không thực hiện, đẩy BC lên mức án cao nhất ở dạng tồn tại cho có trên thế gian, chỉ sau mức án khắc nghiệt nhất là “loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội”.

Trên đây là toàn bộ quan điểm bào chữa tôi cho thân chủ tôi là bị cáo Hà Văn Thắm, kính đề nghị Hội đồng xét xử lưu tâm xem xét và quyết định:

1. BC Hà Văn Thắm chỉ phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong giới hạn số tiền không đến tay khách hàng;

2. BC Hà Văn Thắm không đồng phạm với BC Sơn về tội “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”;

3. BC Văn Thắm không phải bồi hoàn số tiền hơn 847 tỷ đồng đã nêu trong Bản án sơ thẩm;

4. Tách toàn bộ phần liên quan đến trách nhiệm dân sự của vụ án này để giải quyết sau khi kết thúc các vụ án có liên quan.

Tôi tin tưởng rằng, bằng sự công minh, chính trực của mình, HĐXX sẽ có một phán quyết công minh, chính xác, đúng người đúng pháp luật, sao cho tiêu chí nghiêm minh nhưng đầy nhân văn, nhân đạo trong chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước thể hiện qua bản án phúc thẩm được lan tỏa toàn xã hội.

Luật sư Nguyễn Xuân Anh