Luật sư Trần Vũ Hải: “10 bất công đối với bị án tử hình Nguyễn Xuân Sơn”

03/05/2018 18:09 | 6 năm trước

LSVNO - Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - cựu Tổng giám đốc OceanBank - tại phiên tòa phúc thẩm, cùng với Luật sư Nguyễn Minh Tâm còn có 03 luật sư khác là: Luật sư Phạm Công Hùng, Luật sư Lê...

LSVNO - Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - cựu Tổng giám đốc OceanBank - tại phiên tòa phúc thẩm, cùng với Luật sư Nguyễn Minh Tâm còn có 03 luật sư khác là: Luật sư Phạm Công Hùng, Luật sư Lê Đình Ứng và Luật sư Trần Vũ Hải. LSVNO xin giới thiệu một phần trong bài bào chữa bổ sung của Luật sư Trần Vũ Hải tại phiên tòa phúc thẩm về vụ án này để các luật sư đồng nghiệp và bạn đọc hiểu thêm về bản chất vụ việc có liên quan đến hành vi của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: TTXVN

Đó là việc Bản án sơ thẩm số 330/HSST ngày 29/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội coi ông Sơn có vai trò tại Tập đoàn dầu khí (PVN) lẫn Oceanbank, hơn cả người đứng đầu PVN như Đinh La Thăng và ông chủ thực sự của Oceanbank (OJB) ông Hà Văn Thắm, cụ thể như sau:

1/ Bản án Sơ thẩm gán ghép ông Sơn chức vụ quyền hạn đại diện vốn, quản lý của PVN tại Oceanbank mà ông Sơn không có. Thực tế ông Sơn khi làm Tổng giám đốc OJB đã chấm dứt hợp đồng lao động với PVN, không còn là cán bộ của PVN, và chỉ là người làm thuê cho Hà Văn Thắm tại OJB. Khi ông Sơn quay về PVN, nhận chức Phó Tổng giám đốc PVN, không có văn bản hợp pháp nào của PVN bổ nhiệm ông Sơn là đại diện của PVN tại OJB, theo đúng như Quy chế 4090 ngày 7/12/2007 của PVN về cử người đại diện vốn PVN tại các doanh nghiệp khác và thực tế ông Sơn cũng chưa bao giờ nhận trách nhiệm đại diện PVN quản lý vốn tại OJB như nhận định của bản án sơ thẩm. Trong khi PVN đã có quyết định đúng theo Quy chế 4090 bổ nhiệm hai người khác làm đại diện PVN tại Oceanbank từ năm 2008-2015 (đến khi OJB bị Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng).

2/ Bản án khẳng định ông Sơn là người chi phối và quyết định đến việc gửi tiền của PVN và các thành viên của PVN tại Oceanbank, trong khi ông Đinh La Thăng và nhiều vị khác có văn bản chỉ đạo, khuyến khích PVN và các thành viên gửi tiền tại Ngân hàng và sử dụng dịch vụ tại OJB, không có công văn nào do ông Sơn ký. Không có căn cứ, chứng cứ nào xác định ông Sơn có "quyền năng" chi phối việc gửi tiền như bản án sơ thẩm. Đây là suy diễn bất công, gây bất lợi nghiêm trọng cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

3/ Bản án sơ thẩm khẳng định ông Sơn là người chỉ đạo bà Nguyễn Minh Thu (Tổng giám đốc OJB sau ông Sơn) và Nguyễn Thị Minh Phương Phó Tổng giám đốc của OJB khi ông Sơn rời khỏi OJB. Trong khi ông Sơn và chính bà Thu khẳng định không có bàn bạc gì sau khi ông Sơn thôi chức Tổng giám đốc OJB, ông Sơn cũng không có trách nhiệm, quyền hạn gì liên quan đến các công việc của những người này tại OJB, và ông HVT mới là người chỉ đạo họ. Không có chứng cứ nào xác định ông Sơn có quyền uy "chỉ đạo" vượt mặt ông Hà Văn Thắm tại OJB, trong khi ông Hà Văn Thắm mới là ông chủ nắm quyền chi phối tại OJB. Nhận định bất công, vô căn cứ này khiến mọi người nhầm tưởng vai trò lẫn trách nhiệm của ông Nguyễn Xuân Sơn tại OJB .

4/ Bản án sơ thẩm buộc ông Sơn chịu trách nhiệm bồi thường OJB số tiền 200 tỷ do những việc ông Sơn không làm, không tham gia, không có lợi ích. Theo bản án sơ thẩm này, Nguyễn Minh Thu và Nguyễn Thị Minh Phương chi lãi ngoài cho một số công ty con của PVN sau khi ông Sơn rời khỏi PVN, tổng số tiền chi là 297 tỷ. Do Nguyễn Thị Minh Phương bị bệnh nặng, phải tạm đình chỉ điều tra, nên toà xác định ông Sơn, Hà Văn Thắm và bà Thu phải chịu trách nhiệm dân sự, và buộc ông NXS bồi thường 200 tỷ, hơn hẳn trách nhiệm của Hà Văn Thắm, trong khi như phân tích trên ông Sơn không làm, không liên quan, không chỉ đạo, không có lợi ích. Một quyết định vô lý và vô căn cứ, tạo gánh nặng bất công muôn đời cho ông Sơn và gia đình ông Sơn.

5/ Bản án sơ thẩm xác định ông Sơn khởi xướng việc thu phí khách hàng (của Oceanbank) ở BSC, chiếm đoạt toàn bộ tiền của khách hành gần 69 tỷ đồng thu được tại BSC, công ty do Hà Văn Thắm chi phối và buộc Sơn phải nộp sung công quỹ khoản tiền này. Đây là kết luận sai trái, vô lý, trái sự thật, bất công, mâu thuẫn và gây bất lợi cho Nguyễn Xuân Sơn:

Thứ nhất, trước khi ông Sơn làm Tổng giám đốc Oceanbank (1/1/2009), BSC đã ký 8 hợp đồng thu phí và thu phí 2 hợp đồng, như vậy ông Sơn không khởi xướng việc thu phí (từ khách hàng của OJB) tại BSC.

Thứ hai, từ 1/1/2009 đến 15/11/2010 (khi ông Sơn làm Tổng giám đốc OJB), BSC mới thu phí 41 tỷ đồng của khách hàng, vậy làm sao ông Sơn chiếm đoạt của những người này 69 tỷ đồng?

Thứ ba, chính Hà Văn Thắm đã khai sử dụng hết 40,2 tỷ đồng từ khoản thu phí (của khách hàng OJB) tại BSC và chi phí còn lại cho hoạt động BSC (cũng không đủ), vậy làm gì còn tiền thu phí khách hàng để Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt? Chính Hà Văn Thắm khai đã sử dụng nguồn tiền từ các công ty của mình để chi cho Sơn "chăm sóc khách hàng của OJB". Một luật sư đồng nghiệp tại phiên toà phúc thẩm đã phát hiện VNT một công ty của Hà Văn Thắm cho BSC vay đúng bằng tiền Hà Văn Thắm đưa cho Nguyễn Xuân Sơn qua BSC, kể cả số lẻ. Như vậy buộc tịch thu từ Nguyễn Xuân Sơn 69 tỷ đồng vì lý do chiếm đoạt của khách hàng tại BSC là vô lý, nếu cho rằng khoản này là thu nhập bất chính, phải thu từ người đã sử dụng những khoản tiền này, chứ không phải là từ Nguyễn Xuân Sơn.

6/ Bản án sơ thẩm khẳng định ông Sơn buộc ông Hà Văn Thắm chi 246 tỷ đồng từ Oceanbank và chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. Đây là quy kết bất công, không phù hợp với bản chất vụ việc. Vì Hà Văn Thắm, với tư cách chủ sở hữu chi phối OJB , mong muốn được huy động vốn nhiều cho OJB, đã chọn Nguyễn Xuân Sơn (là người Hà Văn Thắm tin tưởng vì ông Sơn đã làm Tổng giám đốc OJB cho hà Văn Thắm) làm người khuân vác tiền cho Hà Văn Thắm đến các địa chỉ mà theo Hà Văn Thắm cần "chăm sóc"; có nghĩa không thể có chuyện Nguyễn Xuân Sơn buộc Hà Văn Thắm phải chi tiền cho mình. Và Nguyễn Xuân Sơn cũng không phải là người chiếm đoạt toàn bộ khoản tiền này, Hà Văn Thắm đã xác nhận bằng những phương thức kiểm tra khác nhau, biết Nguyễn Xuân Sơn đã chi theo mục đích của Hà Văn Thắm. Tại các cơ quan điều tra, trong các phiên toà, Nguyễn Xuân Sơn đã khai chi cho Ninh Văn Quỳnh, kế toán trưởng của PVN 180 tỷ đồng, các khoản chi phí đối ngoại cho PVN..trong đó đã xác định ít nhất Quỳnh đã thừa nhận 20 tỷ đồng.

7/ Bản án sơ thẩm kết tội ông Nguyễn Xuân Sơnchiếm đoạt tiền với lý do ông không giải trình được tiền chi như thế nào, trong khi có những bị cáo khác không giải trình tiền từ Oceanbank đi thế nào, thậm chí tự thừa nhận sử dụng cá nhân, nhưng lại chỉ bị quy về tội cố ý làm trái. Kết tội như vậy là bất công đối với Nguyễn Xuân Sơn, không đảm bảo công bằng giữa các bị cáo. Trang 102 và trang 108, 189 ..bản án, đặc biệt bút lục 96040 do Tổ giám định Ngân hàng cung cấp, xác nhận có ít nhất 455 tỷ đồng chi ra từ OJB, nhưng không xác định được chi như thế nào, trong đó thuộc về trách nhiệm của một số bị cáo trong vụ án này.

8/ Một bất công khác: Bị án Ninh Văn Quỳnh cũng là người có chức vụ quyền hạn ở PVN, vai trò cụ thể hơn so với Nguyễn Xuân Sơn trong việc gửi tiền nhàn rỗi của PVN và quản lý vốn, nhưng với hành vi lấy 20 tỷ đồng của Oceanbank qua Nguyễn Xuân Sơn nằm trong số 246 tỷ đồng (từ nguồn chăm sóc khách hàng PVN) lại chỉ bị kết tội về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, trong khi Nguyễn Xuân Sơn bị kết tội lạm dụng chức vụ lẫn tội tham ô.

9/ Nguyễn Xuân Sơn đã có nhiều công lao đóng góp cho PVN, đã từng quyết đoán về một số dự án của PVN, đem lại lợi ích cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng bản án sơ thẩm không ghi nhận những công lao đóng góp đặc biệt đó của ông Sơn là bất công đối với ông, trong một vụ án hình sự kinh tế.

10/ Tại phiên tòa sơ thẩm, nhiều luật sư của Nguyễn Xuân Sơn (trong đó có luật sư Nguyễn Minh Tâm, cũng tham gia phiên tòa phúc thẩm này) đã trình bày nhiều ý kiến, lý lẽ xác đáng, nhưng bản án sơ thẩm chỉ ghi một số ý kiến, nhưng không ghi nhận đầy đủ những lý lẽ cốt lõi của các luật sư này. Bản án cũng không lập luận bác bỏ những ý kiến, lý lẽ của luật sư, nhưng vẫn kết tội tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn. Đây là bất công nghiêm trọng của cấp sơ thẩm, vi phạm quyền bào chữa của bị cáo, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, dẫn đến một bản án đầy suy diễn, không có căn cứ pháp luật và đầy bất lợi cho bị cáo.

Chúng tôi thông cảm ở cấp sơ thẩm phải xử hơn 50 bị cáo, nên sai sót là không tránh khỏi. Nhưng để kết án tử hình một con người, phải dựa vào những chứng cứ và căn cứ pháp lý vững chắc, không thể bác bỏ được. Việc kết án tử hình một con người là một việc làm hết sức hệ trọng, nên không thể cho phép bất cứ sai sót, sai lầm nào dẫn đến việc kết án đó, vì nếu án tử hình được thi hành, không còn cơ hội sửa sai không chỉ đối với người bị kết án, mà cả đối với các cơ quan pháp luật, với xã hội. Do đó, chúng tôi kính đề nghị các vị Viện Kiểm sát và Toà án cấp phúc thẩm xem xét thật thận trọng các căn cứ pháp lý để kết tội bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, đặc biệt về tội danh tham ô, kiểm tra các tài liệu mà chúng tôi đã nêu trong các bản bào chữa .

Chúng tôi tin tưởng, những bất công đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn sẽ được xoá bỏ trong bản án phúc thẩm.

                                                                                  Luật sư Trần Vũ Hải