Luật sư và công tác trợ giúp pháp lý

01/02/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Mục 4.2 Quy tắc 4, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định: “Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bằng sự tận tâm, vô tư và trách nhiệm nghề nghiệp như đối với các vụ việc có nhận thù lao”.

Ảnh minh họa.

Tham gia hoạt động cộng đồng, luôn sẵn sàng và tích cực tham gia vào những hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội, phù hợp với nghề nghiệp của Luật sư là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của nghề Luật sư; là cách thức để người Luật sư tri ân với nghề đồng thời sử dụng hoạt động nghề nghiệp để góp phần tạo lập, khẳng định vai trò vị trí của nghề Luật sư và người Luật sư trong xã hội. Hoạt động trợ giúp pháp lý là hoạt động quan trọng trong các hoạt động cộng đồng của người Luật sư. Thực tiễn đã ghi nhận vai trò, vị trí, kết của công tác trợ giúp pháp lý nói chung và việc trợ giúp pháp lý miễn phí qua Trung tâm Nhà nước nói riêng của giới Luật sư trong. Có thể khẳng định kết quả, thành tích của công tác trợ giúp pháp lý có đóng góp quan trọng của Luật sư, mặt khác chính hoạt động trợ giúp pháp lý cũng góp phần thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động nghề Luật sư phát triển. 

Hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư hiện nay có thể được phân loại được phân loại theo nhóm quy định pháp luật điều chỉnh.

Thứ nhất, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp pháp lý miễn phí qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước các tỉnh thành phố và qua Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp. Hoạt động này được điều chỉnh bởi Luật Trợ giúp pháp lý Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ hai, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bắt buộc theo quy định của Luật Luật sư và quy định nội bộ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Hiện nay một Luật sư phải thực hiện trợ giúp pháp lý bắt buộc tối thiểu 08h/ năm.

Thứ ba, Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư tự, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố tổ chức trợ giúp pháp lý miễn, giảm phí, hoạt động trợ giúp pháp lý khác phù hợp quy định pháp luật.

Thứ tư, chế định thực hiện bào chữa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng – Bào chữa chỉ định cũng có thể được xem như một dạng hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư.

Nâng cao chất lượng hoạt động của Luật sư khi thực hiện trợ giúp pháp lý

Kết quả công tác trợ giúp pháp lý của Luật sư trong những năm qua được ghi nhận và đánh giá cao. Tuy vậy, đâu đó thực tế vẫn ghi nhận hiện tượng tượng về chất lượng, cách thức khi “Luật sư  thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí chưa tương ứng như khi thực hiện vụ việc do khách hàng mời”. Điều này là không phù hợp quy định của hoạt động nghề nghiệp và chưa đáp ứng yêu cầu của Bộ Quy tắc. Cách thực hiện vụ việc, chất lượng thực hiện vụ việc còn một số hạn chế, chưa thật sự cao như khi thực hiện vụ việc do khách hàng trả thù lao mời Luật sư. Theo tác giả, thực tế này xuất phát từ nhiều phía, nhiều nguyên nhân trong đó có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan và cả quy định từ cơ chế. 

Khi thực hiện trợ giúp pháp lý Luật sư ít chịu sự giám sát, đôn đốc, đòi hỏi từ khách hàng hơn so việc thực hiện vụ việc do khách hàng mời. Do đương sự không phải là người trả tiền thuê dịch vụ, và đa số người được trợ giúp pháp lý miễn phí thuộc nhóm đối tượng yếu thế, việc hiểu biết xã hội, hiểu biết pháp luật có nhiều hạn chế hơn. Vì vậy, nhóm đối tượng này ít đưa ra các yêu cầu, đòi hỏi về mặt pháp luật, về kỹ năng thực hiện vụ việc, về trách nhiệm của Luật sư khi thực hiện vụ việc...

Về phía tổ chức hành nghề Luật sư cũng còn quan niệm trợ giúp pháp lý là công việc của cá nhân Luật sư với Trung tâm Trợ giúp pháp lý hoặc đối tượng chứ không phải công việc của tổ chức. Trên thực tế cũng không có quy định trách nhiệm của tổ chức về việc đảm bảo chất lượng vụ việc trong trường hợp Luât sư thực hiện trợ giúp pháp lý. Việc phối hợp, hỗ trợ, sử dụng trí tuệ tập thể, tài chính của các Luật sư trong tổ chức cho vụ việc trợ giúp bị hạn chế hơn.

Tâm lý “người nhà”, “việc nhà” của Luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Với quan niệm đây là việc chung hoặc công việc nhà nước giao, việc thiện nguyện từ đó Luật sư và cả người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng có thể có tâm lý dễ dãi trong hoạt động, phối hợp. Luật sư có thể thụ động, bỏ qua những yêu cầu, đề xuất với cơ quan chức năng mà trong trường hợp thực hiện do khách hàng mời Luật sư sẽ có ứng xử khác. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng có tâm lý dễ dãi hoặc ít chú trọng các quy định và quyền của Luật sư hơn so với các vụ án Luật sư tham gia do khách hàng mời. 

Nâng cao chất lượng, số lượng hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư

Phát huy kết quả trợ giúp pháp lý của Luật sư, giới Luật sư cần tiếp tục tuyên tuyền, động viên giới Luật sư tích cực tham gia vào công tác trợ giúp  pháp lý. Đẩy mạnh vai trò, trách nhiệm của Đoàn Luật sư trong việc tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý, huy động sự chủ động tham gia của các tổ chức hành nghề Luật sư thực hiện công tác này. Đồng thời xem xét tổ chức bình chọn các vụ việc tiêu biểu, đạt chất lượng cao và đưa ra phổ biến, truyền thông trong toàn xã hội cũng như có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời cũng là cần thiết. phù hợp. Hiện nay, Tòa án, Viện Kiểm sát đã thực hiện các phiên tòa rút kinh nghiệm của ngành, của liên ngành, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp các tỉnh thành phố đã tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm. Việc lựa chọn và tổ chức các vụ án, vụ việc rút kinh nghiệm nhằm đánh giá và nâng cao chất lượng vụ việc có Luật sư, cộng tác viên khi tham gia vụ án trợ giúp pháp lý cũng là cần thiết.

Nên chăng, chúng ta nghiên cứu, xem xét tổ chức Ngày hội Trợ giúp pháp lý để tôn vinh những người làm công tác trợ giúp pháp lý trong đó có Luật sư.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư, các Luật sư Việt Nam