/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Luật sư Việt Nam: Lớn mạnh nhưng còn nhiều thách thức

Luật sư Việt Nam: Lớn mạnh nhưng còn nhiều thách thức

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Đội ngũ Luật sư Việt Nam đã đông hơn, mạnh hơn, uy tín cao hơn… nhưng giới luật sư vẫn còn nhiều thách thức, nhất là trong cạnh tranh với các hãng luật nước ngoài.

Hôm nay (10/10), giới Luật sư Việt Nam kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống của mình. Báo chí đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Vai trò của Luật sư trong bảo vệ quyền con người

PV:Câu hỏi đầu tiên là cảm xúc của ông trong những ngày này thế nào, thưa ông?

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh: Chắc không phải tôi, mà bất cứ người hành nghề LS nào, những ngày này chắc đều có ít nhiều trăn trở về nghề, về giới nghề nghiệp của mình. Nếu nói về nghề thì nghề Luật sư trên thế giới có từ lâu lắm rồi, còn ở ta thì cũng vậy. Sự ra đời của nghề này đi liền với quá trình vận động, phát triển nhận thức về quyền con người và bảo vệ quyền con người.

Còn cụ thể ngày truyền thống 10/10 thì gắn liền với Cách mạng Tháng Tám, với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Giới Luật sư là một bộ phận của nước Việt Nam mới ấy, được khẳng định bằng Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 duy trì các tổ chức đoàn thể Luật sư.

Nói là lâu vậy nhưng cũng phải đến năm 2009, Luật sư mới thành một giới với đại diện là Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Và phải năm 2013, giới Luật sư mới có ngày truyền thống của mình, 10/10, bằng Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

PV:Năm 2013 cũng là năm Quốc hội ban hành hiến pháp mới với nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng khẳng định, đề cao hơn nữa quyền con người. Vậy Quyết định 149 vào năm ấy là ngẫu nhiên hay…?

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh: Vậy nên ngày 10/10 ấy càng ý nghĩa. Tôi nghĩ đấy cũng là một kết quả của quá trình vận động và phát triển. Luật sư là thiết chế không thể thiếu, tham gia trực tiếp vào quá trình bảo vệ quyền con người, nhất là trước Cơ quan công quyền.

Đúng như bạn nói, Hiến pháp 2013 có những sửa đổi, bổ sung quan trọng đề cao quyền con người, quyền công dân. Nhiều luật sau đó được sửa đổi toàn diện cũng theo quan điểm chính trị pháp lý ấy, nhất là các luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính và cả các luật nội dung như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự.

Từ ngày 10/10/2013 đến 10/10 năm nay là bảy năm giới Luật sư cùng với cơ quan nhà nước các cấp, các ngành cùng thi hành Hiến pháp 2013 và đạo luật. Thực thi pháp luật dân chủ, nghiêm minh chính là khẳng định, bảo vệ quyền con người trong một giai đoạn mới của đất nước đang hội nhập quốc tế toàn diện.

Còn nhiều dư địa cho luật sư

PV: Đội ngũ Luật sư đáp ứng đến mức nào yêu cầu của thời cuộc, của hội nhập, của cải cách tư pháp, thưa ông?

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh: Nếu so với trước, đội ngũ LS đã đông hơn, mạnh hơn; uy tín nghề nghiệp, vai trò xã hội cũng lớn hơn, được cộng đồng doanh nghiệp công nhận. Nhưng so với yêu cầu, đòi hỏi của Đảng, Nhà nước, của xã hội, của doanh nghiệp thì LS vẫn còn phải phấn đấu nhiều lắm…

Phải thừa nhận là chất lượng đội ngũ Luật sư chưa đồng đều. Nhu cầu, thị trường dịch vụ pháp lý chất lượng cao, những lĩnh vực liên quan đầu tư, thương mại quốc tế là rất rộng, rất lớn nhưng số lượng Luật sư Việt Nam đáp ứng được vẫn còn ít, chưa cạnh tranh nhiều với các hãng luật nước ngoài.

Bạn có đề cập tới cải cách tư pháp nhưng tôi muốn mở rộng hơn là nhận thức về pháp quyền của một bộ phận không nhỏ cán bộ công quyền vẫn còn nhiều hạn chế. Ta hay nói về pháp chế, pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhưng Luật sư chỉ là một bên thôi, một bàn tay thôi. Không thể có tiếng vang nếu không đồng nhịp…

PV: Những dịp như thế này, chắc cũng không nên né tránh dư luận đây đó cho rằng “Luật sư ở Việt Nam chỉ… “chạy án"?

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh: Phải khẳng định đa số Luật sư đã làm tròn trách nhiệm của mình trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, tham gia tố tụng.

Còn dư luận về việc Luật sư tham gia “chạy án”, tôi thấy có từ xa xưa rồi. Quan điểm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là phản đối những hành vi về các Luật sư có việc làm đó. Chúng tôi đề nghị phải xử lý nghiêm minh.

Tuy nhiên, cũng nên thẳng thắn với nhau, nếu có việc “chạy án” đó thì chắc cũng không thể một mình, đơn phương từ phía Luật sư được. Nếu người tiến hành tố tụng không tiếp tay, không tham gia thì sao mà “chạy” được.

Mà tôi nhớ Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) còn đặt vấn đề PCTN trong chính lực lượng PCTN mà…

Mong Luật sư được tạo điều kiện hành nghề tốt hơn

PV: Thưa ông, Luật sư đây đó vẫn than phiền việc bị gây khó khăn trong thực hiện quyền bào chữa, bảo vệ cho thân chủ đang bị bắt, tạm giam. Đây có phải là hiện tượng phổ biến không và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đang làm gì để khắc phục?

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh: Tôi nhớ là khi Quốc hội bàn về Hiến pháp 2013, rồi bàn về Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có nhiều ý kiến phàn nàn về tình trạng này. Và quan điểm chung khi ban hành hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự lúc đấy là phải đảm bảo quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, tạm giam.

Những hiện tượng này thì có từ lâu rồi nhưng ngay cả quan điểm của Cơ quan lập pháp tiến bộ như vậy thì xem ra chuyển biến tình hình vẫn còn chậm lắm. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của lãnh đạo các cơ quan tư pháp, của người tiến hành tố tụng.

Từ nhận thức đến thực thi là một quá trình. Trách nhiệm của các Luật sư, khi không may bị cản trở thì phải chủ động kiến nghị trước. Sau đó, Luật sư phải đề xuất với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư… bảo vệ mình và cuối cùng cần tận dụng các kênh truyền thông.

Mỗi Luật sư phải ý thức mình phải có trách nhiệm thực hiện đúng luật pháp và phối hợp với các cơ quan tố tụng để họ không hiểu nhầm, hoặc tránh những vấn đề bị cho là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Có như thế các cơ quan nhà nước mới tôn trọng Luật sư và xử lý được các cán bộ cản trở quyền hành nghề của Luật sư. Tôi cho rằng điều này cần phải có nỗ lực của cả xã hội trong một thời gian lâu dài.

PV: Nói về nghề, về giới vào những ngày mà Trung ương Đảng họp chuẩn bị cho Đại hội XIII. Ông có gửi gắm gì không?

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh: Với xu thế phát triển của xã hội, của nghề Luật sư thì tôi tin nhận thức của xã hội, của các cơ quan công quyền, của người dân về Luật sư sẽ ngày càng tốt hơn. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy nghề Luật sư nếu phát triển đúng hướng, có một thể chế, hành lang pháp lý tương đối hoàn thiện thì nghề Luật sư có thể phát triển vững chắc. Khi đó niềm tin của người dân sẽ tăng lên.

Không có nghề nào có tiềm năng, thuận lợi hơn nghề Luật sư để đưa pháp luật vào đời sống xã hội. Khi góp phần đưa được pháp luật vào cuộc sống, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của nhà nước thì Luật sư tự thân sẽ tạo lập được niềm tin với người dân và xã hội.

Hy vọng văn kiện Đại hội XIII sẽ đề cập tới giới Luật sư chúng tôi, cả những mặt tích cực và hạn chế, với những quan điểm mới hơn, mạnh mẽ hơn để Luật sư có thể phát triển lớn mạnh, đóng góp được nhiều hơn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

PV:Xin cám ơn và chúc ông cùng giới Luật sư luôn là điểm tựa pháp lý vững chãi cho người dân, doanh nghiệp và cả chính quyền.

Có trân quý Luật sư mới phát huy vị thế thẩm phán
Chúc mừng ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10), thay mặt TAND TP. HCM, tôi kính chúc sức khỏe toàn thể đội ngũ Luật sư, mong các quý Luật sư đạt được nhiều thành công trong nghề nghiệp.
Gắn bó với công việc xét xử nhiều năm, bản thân tôi cùng các đồng nghiệp luôn trân trọng những đóng góp của giới Luật sư. Đặc biệt trong tiến trình cải cách tư pháp và quá trình hội nhập sâu rộng thì vai trò của Luật sư nói chung ngày càng được nâng tầm.
Trong tình hình cải cách tư pháp rất mạnh mẽ, theo hướng tranh tụng, vai trò của Luật sư trong các vụ án, đặc biệt là tại các phiên tòa ngày càng quan trọng. Luật sư có phát huy tốt hoạt động tranh tụng thì mới thể hiện được rõ nét tinh thần của cải cách tư pháp. Trong xét xử có trân quý vai trò, vị thế của người Luật sư mới có thể phát huy vị thế của người thẩm phán.
Cá nhân tôi khi xét xử vụ án mà có Luật sư tham gia thì rất an tâm. Các Luật sư giúp HĐXX làm sáng tỏ tất cả góc khuất tất, xác định đúng bản chất vấn đề và đi đến tận cùng sự thật vụ án. Điều này giúp HĐXX giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng pháp luật, nhằm đảm bảo công lý được thực thi.
Với sự phát triển nhanh về số lượng đi cùng chất lượng đội ngũ Luật sư những năm qua, tôi bày tỏ sự cám ơn đến các đóng góp của Luật sư trong đời sống xã hội.
Chánh án TAND TP. HCM LÊ THANH PHONG

ĐẠI THANH / PLO

/vai-tro-cua-lien-doan-luat-su-viet-nam-trong-viec-bao-ve-quyen-hanh-nghe-cua-luat-su.html