Một số quan điểm xác định tội "Đánh bạc"

26/08/2023 23:08 | 8 tháng trước

(LSVN) - Sau khi Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 được ban hành và có hiệu lực pháp luật thì các văn bản quy định cũ đã hết hiệu lực, tuy nhiên chúng ta vẫn sử dụng tinh thần của các văn bản đó để áp dụng đối với BLHS hiện hành. Cá nhân tác giả sau khi nghiên cứu và nhận thấy rằng nên có văn bản mới để thay thế cho các văn bản đã hết hiệu lực và đưa ra những quy định mới nhằm bảo đảm ngăn ngừa, phòng, chống tội phạm đánh bạc. Dựa trên mục đích của người phạm tội, và số tiền người chơi có thể bỏ ra để có thể đáp ứng được mục đích mà người phạm tội mong muốn. Do đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị thể hiện quan điểm lập pháp về cách xác định số tiền đánh bạc để xác định trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với các chủ thể có hành vi đánh bạc.

Ảnh minh họa.

Thứ nhất, xử phạt cả người đánh đề dù chưa biết kết quả.

Đối với việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cả độ, chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc, điểm a mục 5.1 và điểm a mục 5.2 khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn xác định tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền họ tham gia đánh bạc cùng với số tiền mà người chơi đề, cá độ trúng thưởng như sau:

“5.1. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc

a) Trường hợp người chơi số đề, cả độ có trúng số đề, thắng cược cả độ thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cả độ.

2. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của chủ đề, chủ cả độ dùng đánh bạc

a) Trường hợp có người chơi số đề, cả độ trúng số đề, thẳng cược cả độ thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ và số tiền mà chủ đề, chủ cả độ phải bỏ ra để trả cho người trúng (có thể là một hoặc nhiều người)...".

Như vậy, việc xác định tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc trong trường hợp trên không chỉ dựa vào hành vi đã thực hiện mà còn dựa vào thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Tác giả cho rằng, cách tính số tiền đánh bạc trong trường hợp này là chưa đúng, chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi mà người đánh bạc đã thực hiện.

Như đã biết, để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, khoa học luật hình sự chia quá trình thực hiện tội phạm qua 03 giai đoạn. Tùy thuộc vào việc tội phạm bị phát hiện khi đang được thực hiện ở giai đoạn nào mà TNHS sẽ được đặt ra tương ứng. Theo đó, TNHS sẽ được xác định theo hướng nghiêm khắc hơn theo thứ tự của từng giai đoạn là chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tội phạm hoàn thành.

Bên cạnh đó, BLHS còn quy định việc truy cứu TNHS một người căn cứ vào hành vi mà họ thực hiện. Sau khi hành vi phạm tội đã hoàn thành, việc dựa vào hậu quả để truy cứu TNHS chỉ áp dụng trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp. Trong khi đó, đối với tội "Đánh bạc", người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp nhưng theo khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP thì việc truy cứu TNHS lại người đánh bạc lại dựa vào thời điểm phát hiện tội phạm trong khi hành vi phạm tội đã hoàn thành từ thời điểm hai bên thỏa thuận xong số tiền đánh bạc và tỷ lệ thắng thua.

Chẳng hạn, vào khoảng 16 giờ 30 ngày 30/5/2021, Công an bắt quả tang chủ đề A đang ghi đề. Khi đó, số tiền thể hiện trên các phơi đề là 1.500.000 đồng. Vì vậy, A không bị khởi tố do số tiền dùng để đánh bạc chưa đủ định lượng (2 triệu đồng) theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS. Đến khoảng 17 giờ, B là người mua đề của A đến nhà A để nhận tiền trúng đề sau khi dò kết quả xổ số trên đài. Khi đến nhà A thì B bị Công an mời về trụ sở làm rõ hành vi của A và biết được B có mua đề của A con số 49 với số tiền 300.000 đồng. Theo tỷ lệ thắng thua là 1 ăn 70 thì hành vi của B đã đáp ứng mặt khách quan của tội "Đánh bạc" (300.000 đồng x 70=21.000.000 đồng).

Như vậy, trong vụ án này, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP thì A không bị truy cứu TNHS do hành vi của A bị phát hiện trước khi có kết quả xổ số; trong khi hành vi của B lại bị truy cứu TNHS do bị phát hiện sau khi có kết quả xổ số. Vì vậy việc Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP quy định tiền trúng xổ số thực tế được dùng làm căn cứ xác định tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra so với việc dùng tiền ảo như hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS.

Tuy nhiên, việc vẫn duy trì cách tính tiền đánh bạc dựa vào thời điểm phát hiện tội phạm như hướng dẫn tại khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP là chưa đúng với nguyên tắc xác định hành vi phạm tội, các giai đoạn thực hiện tội phạm, nguyên tắc xác định lỗi mà BLHS quy định và thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Hơn nữa, đối với các hình thức cá độ bóng đá, đánh đề thì việc phát hiện, xử lý thường diễn ra trước khi có kết quả xổ số hoặc kết quả của trận đấu. Với quy định thời điểm phát hiện hành vi phạm tội dựa vào mốc thời gian có kết quả thắng thua hay không là chưa phù hợp đối với việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho hành vi phạm tội mà người đánh bạc đã thực hiện.

Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về xác định số tiền dùng để đánh lô, đề dựa vào mục đích được mất cho phù hợp với thực tiễn, góp phần đấu tranh đối với loại tội phạm này đạt hiệu quả cao hơn.

Thứ hai, quy định về hành vi đánh bạc một người với nhiều người và nhiều người với nhau.

Một số hình thức đánh bạc hiện nay có hành vi, tính chất tương đối giống nhau tuy nhiên cách đánh giá, nhìn nhận những hành vi này khác nhau đã làm cho mức độ TNHS khác nhau. Ví dụ như đối với chơi lô đề và xóc đĩa có hành vi tương tự như nhau: Đều là một người cầm cái và nhưng người chơi còn lại đặt cược; cùng với đó việc sát phạt ở đây cũng chỉ diễn ra giữa chủ cái và những người chơi còn giữa những người chơi lại không có mối liên hệ nào để sát phạt nhau.

Tuy nhiên cách nhận định để đưa ra đánh giá khách quan hành vi này hiện nay vẫn cho rằng việc xác định số tiền dùng để đánh bạc đối với hành vi này lại khác nhau: Đối với lô đề việc xác định dựa vào thời gian khi phát hiện hành vi và số tiền đánh đa số được ghi chép đầy đủ còn đối với xóc đĩa được xác định số tiền khi bắt quả tang tại chiếu bạc, tổng số tiền có trên chiếu và số tiền có liên quan xác nhận là có thể dùng để đánh bạc. Từ cách đánh giá số tiền như trên vẫn có điểm chưa hợp lý đó là việc chơi xóc đĩa nếu như mỗi người đang chơi xác minh được đúng số tiền họ đưa ra để chơi hoặc số tiền còn lại trên chiếu mà họ đang chơi thì số tiền mà họ dùng để đánh bạc ở đây là tổng số tiền giữa người chơi và chủ cái.

Cách xác định tiền đối với hai hành vi này tác giả cho rằng cần phải thống nhất với nhau bởi vì cách chơi, luật chơi đối với các hành vi này là tương tự nhau tính chất mức độ phụ thuộc vào số tiền mà họ đưa ra để sát phạt nhau, mục đích của những người chơi cũng chỉ là để thắng chủ cái mà không ảnh hưởng những người xung quanh. Nếu việc xác định số tiền trên chơi của từng người đối với xóc đĩa không trùng khớp với việc khai nhận của các đối tượng chơi lúc này mới xác định trách nhiệm của từng cá nhân là tổng số tiền trên chiếu do số tiền thực tế trên chiếu bao giờ cũng lớn hơn số tiền người chơi đưa ra và số tiền họ có thể đạt được nếu thắng khi chơi. 

Do đó cần thống nhất lại cách xác định tiền đối với các hình thức đánh bạc có hành vi giống nhau và mức độ nguy hiểm như nhau. Như phân tích ở trên có thể thấy được hành vi giống nhau nhưng cách thức xác định số tiền khác nhau sẽ gây ra khung hình phạt khác nhau cho cùng hành vi đó. 

ĐẶNG ĐÌNH THÁI

Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu 4

Từ khoá : lsvn.vn LSVN xử phạt