Một số góp ý đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

14/04/2024 21:36 | 2 tuần trước

(LSVN) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, được thể hiện trong nhiều nghị quyết, văn kiện quan trọng. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Ảnh minh họa.

Việt Nam hiện đang có 07 bộ luật, luật điều chỉnh trực tiếp những vấn đề liên quan đến trẻ em, gồm: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trẻ em và 23 đạo luật điều chỉnh liên quan đến tư pháp hình sự người chưa thành niên và nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đang tồn tại một số hạn chế như: (1) Thủ tục tố tụng hình sự vốn được thiết kế dành cho người trưởng thành và có một số quy định để giải quyết các vấn đề liên quan đến người chưa thành niên, dẫn đến thủ tục chưa thực sự thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và sự phát triển của người chưa thành niên; (2) Biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự tuy đã được quy định trong Bộ luật Hình sự để thay thế các hình phạt nhưng hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi; hệ thống hình phạt chưa phù hợp với tính chất, hành vi phạm tội của người chưa thành niên; (3) Về cam kết trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên chưa được nội luật hóa đầy đủ (theo quy định tại Điều 40 Công ước quốc tế quyền trẻ em, Việt Nam còn chưa quy định đối tượng người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được quyền trợ giúp pháp lý miễn phí; chưa hình thành các cơ quan, tổ chức riêng dành cho trẻ em mà mới chỉ thiết lập một phần tại Tòa án - Tòa gia đình và người chưa thành niên); một số quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế; (4) Còn thiếu thiết chế, cơ chế đặc thù riêng biệt để bảo vệ có hiệu quả các quyền và lợi ích chính đáng của người chưa thành niên trong các giai đoạn tố tụng; chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia về tư pháp người chưa thành niên; (5) Chưa quy định về vị trí, vai trò, trách nhiệm của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; (6) Các quy định về giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên còn chưa đa dạng, hiệu quả chưa cao.

Từ những thực tiễn nêu trên, các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng. Để thể chế hóa những yêu cầu, nhiệm vụ đó thì việc đề xuất xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên là giải pháp phù hợp và khả thi để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới. Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật đã giao cho Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (dự thảo) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV. Sau thời gian soạn thảo, dự thảo gồm 173 Điều được bố cục thành 05 phần, 12 chương. Để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, qua nghiên cứu, tác giả xin có một số góp ý vào dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (dự thảo 1.3 ngày 29/01/2024) một số nội dung sau:

- Tại Điều 2, khoản 1, Điều 5; khoản 1, khoản 2, Điều 9; khoản 2, Điều 20; khoản 4, Điều 55; khoản 3, Điều 118; khoản 1, Điều 150 của dự thảo có cụm từ “lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên”, đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ cụm từ này, cần liệt kê chi tiết nhóm quyền, lợi ích tốt nhất, hoặc định nghĩa về khái niệm “lợi ích tốt nhất” trong các quy định này. Bên cạnh đó, cũng tại các điều khoản nêu trên, cần thống nhất dùng từ “cho” hoặc từ “của” trong câu “lợi ích tốt nhất cho/của người chưa thành niên”, vì trong dự thảo có nơi dùng từ “cho”, có nơi dùng từ “của”.

- Tại khoản 2, Điều 7, dự thảo quy định: “Quan tâm đến các nhu cầu của người chưa thành niên ở những nhóm đặc biệt dễ tổn thương, bao gồm trẻ em gái, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số”. Để quy định nội hàm được đầy đủ hơn, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét chỉnh sửa thành: “Quan tâm đến các yếu tố ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sức khỏe của người chưa thành niên, nhu cầu thuộc nhóm đặc biệt dễ tổn thương, bao gồm: trẻ em gái, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số”.

- Tại Điều 8, dự thảo, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm cụm từ: “Đối với người chưa thành niên là người dân tộc thiểu số trong trường hợp xét thấy cần thiết phải sử dụng song song ngôn ngữ tiếng Việt và ngôn ngữ mẹ đẻ của người chưa thành niên tham gia tố tụng” cho phù hợp với thực tế hiện nay.

- Tại khoản 2 và khoản , Điều 29 của dự thảo quy định “người chưa thành niên tự nguyện thừa nhận hành vi phạm tội và đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng” là một điều kiện để áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là không phù hợp với các điều kiện khác. Bởi, vì việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng phải căn cứ vào độ tuổi, nhận thức, hoàn cảnh cũng như tính chất, mức độ hành vi phạm tội của người chưa thành niên để đánh giá khả năng để cải tạo, phục hồi cho người chưa thành niên chứ không phụ thuộc vào ý chí, mong muốn của người chưa thành niên. Quy định này tương tự như quy định của pháp luật hiện hành về áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không cần thiết phải có sự đồng ý của người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nên cân nhắc sử dụng cụm từ trên.

- Tại khoản 2, Điều 39 dự thảo có quy định: “Cấm đến một địa điểm…”. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ hơn đối với nội dung này. Bởi trong trường hợp gia đình của người bị cấm phải thay đổi nơi cư trú trong thời gian bị cấm thì giải quyết thế nào? Ví dụ: Gia đình cháu (ở nhà thuê) và ông/bà cư trú ở 02 nơi khác nhau. Do người cháu vi phạm pháp luật tại nơi cư trú của ông/bà dẫn đến cháu bị cấm đến nơi cư trú của ông/bà trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, trong thời gian người cháu đang chấp hành lệnh cấm, gia đình cháu phải chuyển chỗ ở đến sinh sống tại nơi ông/bà thì giải quyết thế nào?.

- Tại khoản 1, Điều 49, dự thảo, thông báo về việc thụ lý hồ sơ đề nghị, nên bổ sung thêm cụm từ “Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (nếu có” thành: “Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ đề nghị, Tòa án phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý hồ sơ đề nghị cho người đề nghị, người chưa thành niên được đề nghị áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (người được đề nghị), cha mẹ hoặc người giám hộ của người được đề nghị, người đại diện hợp pháp của người được đề nghị (nếu có), người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (nếu có) và viện kiểm sát cùng cấp”, để cho đầy đủ và thống nhất với các điều luật khác trong dự thảo.

- Đề nghị bỏ nội dung quy định: “Cán bộ, giáo viên trường giáo dưỡng phải là người am hiểu tâm, sinh lý hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến người chưa thành niên” tại khoản 1, Điều 77, dự thảo vì đã được quy định tại Điều 16, dự thảo.

- Tại khoản 3, Điều 77 về chế độ quản lý học sinh, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định về thẩm quyền ra quyết định truy tìm học sinh bỏ trốn khỏi trường giáo dưỡng của hiệu trưởng trường giáo dưỡng. Vì tại khoản 1, Điều 76 đã quy định cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện nơi người đó cư trú phải ra quyết định truy tìm học sinh bỏ trốn. Nên nghiên cứu quy định này theo hướng: trường hợp học sinh bỏ trốn thì hiệu trưởng trường giáo dưỡng có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện nơi người đó cư trú phải ra quyết định truy tìm.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo nên rà soát, thống nhất tên gọi của các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội trong toàn bộ dự thảo như: “Tòa án nhân dân”, “Viện Kiểm sát nhân dân” thay cho việc ghi: “Tòa án”, “Viện Kiểm sát”. Bên cạnh đó, cần quy định rõ người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng do dự thảo Luật này điều chỉnh gồm những người đã được quy định tại Điều 72, Bộ luật Tố tụng hình sự để bảo đảm tính thống nhất.

ThS. LÊ THỊ THẢO

Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông

Một số đánh giá về mức phạt vi phạm tối đa trong hợp đồng xây dựng