/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số đánh giá về mức phạt vi phạm tối đa trong hợp đồng xây dựng

Một số đánh giá về mức phạt vi phạm tối đa trong hợp đồng xây dựng

14/04/2024 06:08 |

(LSVN) - Trong số các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng, phạt vi phạm được các bên thỏa thuận áp dụng rất phổ biến, nhất là trong hoạt động xây dựng. Mức phạt vi phạm tối đa được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005, Luật Xây dựng năm 2014 và có sự khác biệt giữa các văn bản nêu trên. Trong khi đó, hợp đồng xây dựng có thể đồng thời chịu sự điều chỉnh của Luật Xây dựng, Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự[1], điều này dẫn đến xung đột pháp luật về mức phạt vi phạm tối đa áp dụng đối với hợp đồng xây dựng. Bên cạnh đó, thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng tại Tòa án và Trọng tài cho thấy có sự không thống nhất trong việc giải thích và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên để xác định mức phạt vi phạm tối đa.

Ảnh minh hoạ. 

Xung đột pháp luật về mức phạt vi phạm tối đa trong hợp đồng xây dựng

Mức phạt vi phạm tối đa 12% theo Luật Xây dựng

Hoạt động xây dựng bao gồm việc lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, quản lý dự án, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo hành, bảo trì công trình và hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình (khoản 21 Điều 3 Luật Xây dựng). Nhằm thực hiện các công việc nêu trên, chủ đầu tư thường phải giao kết hợp đồng xây dựng với nhà thầu.

Như vậy, hợp đồng xây dựng là sự ràng buộc pháp lý giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong một hoạt động đặc thù – hoạt động xây dựng và chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành – pháp luật xây dựng, bao gồm Luật Xây dựng và các văn bản quy định chi tiết. Theo đó, Luật Xây dựng quy định mức phạt vi phạm không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Tuy nhiên, mức phạt vi phạm tối đa nêu trên chỉ áp dụng trong trường hợp công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công (khoản 2 Điều 146).

Đối với hợp đồng xây dựng không sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, pháp luật chưa có quy định về mức phạt vi phạm tối đa. Do đó, có thể áp dụng tương tự pháp luật trong trường hợp này (Điều 6 Bộ luật Dân sự) để xác định mức phạt vi phạm tối đa trong các hợp đồng xây dựng nêu trên cũng là 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (tương tự như công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công).

Như vậy, mức phạt vi phạm tối đa 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm được áp dụng cho tất cả hợp đồng xây dựng, bao gồm sử dụng hoặc không sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công.

Đây dường như cũng là quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và được ghi nhận tại 01 (một) văn bản hướng dẫn với nội dung như sau: “Khi xem xét mức phạt do vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng cần lưu ý áp dụng luật chuyên ngành là Luật Xây dựng năm 2014 (khoản 2 Điều 146)… có mức phạt vi phạm tối đa không quá 12% giá trị vi phạm”[2].

Trong thực tiễn xét xử, có trường hợp Tòa án đã áp dụng mức phạt vi phạm tối đa là 12% giá trị phần bị vi phạm đối với hợp đồng xây dựng không sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, trên cơ sở nhận định: Mặc dù mức phạt vi phạm không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm tại Điều 146.2 Luật Xây dựng “không áp dụng cho các doanh nghiệp”. Tuy nhiên, tranh chấp giữa hai công ty phát sinh từ hợp đồng xây dựng nên cần áp dụng mức phạt vi phạm tối đa là 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm theo pháp luật xây dựng[3].

Mức phạt vi phạm tối đa 8% theo Luật Thương mại

Hợp đồng xây dựng cũng có thể là hợp đồng thương mại và chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại. So với hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại có hai đặc trưng sau đây: (i) ít nhất một bên tham gia là thương nhân và (ii) được giao kết nhằm mục đích sinh lợi (khoản 1 Điều 1, khoản 3 Điều 1và khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại). Do đó, nếu một hợp đồng xây dựng thỏa mãn 02 điều kiện nêu trên thì hợp đồng xây dựng đó là hợp đồng thương mại và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại[4].

Trước đây, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 cũng liệt kê xây dựng là một trong những hoạt động thương mại (điểm g khoản 1 Điều 29). Mà hoạt động thương mại thì chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại, theo quy định tại khoản 1 Điều 1của luật này. Như vậy, hợp đồng trong hoạt động xây dựng cũng là hợp đồng thương mại và phải tuân thủ Luật Thương mại.

Theo quy định của Luật Thương mại, mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (Điều 301). Vì vậy, đối với các hợp đồng xây dựng là hợp đồng thương mại thì mức phạt vi phạm tối đa được áp dụng là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Quan điểm nêu trên được chấp nhận rộng rãi trong thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng, bao gồm cả tố tụng tòa án và tố tụng trọng tài. Chẳng hạn, trong một vụ án, Hội đồng xét xử nhận định: Thỏa thuận mức phạt tối đa không quá 10% giá trị hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong hợp đồng xây dựng, là không phù hợp với quy định về chế tài phạt vi phạm trong giao dịch thương mại theo quy định của Luật Thương mại, nên không được chấp nhận. Trên cơ sở đó, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xác định mức phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, là có cơ sở, phù hợp với quy định tại Điều 301 Luật Thương mại[5].

Tương tự, khi giải quyết một vụ tranh chấp hợp đồng xây dựng, Hội đồng Trọng tài phân tích như sau: Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng bằng hai lần giá trị hợp đồng, là không phù hợp với quy định tại Điều 301 Luật Thương mại. Vì vậy, Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng mức phạt vi phạm là 8% trên phần trị giá phần hợp đồng vi phạm theo quy định nêu trên[6].

Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan có nhiệm vụ, quyền hạn “hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng” (điểm g khoản 6 Điều 2 Nghị định số 52/2022/NĐ-CP), Bộ Xây dựng cũng có quan điểm: Những nội dung chưa được quy định trong Luật Xây dựng và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng thì căn cứ vào các quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện, trong đó bao gồm Luật Thương mại[7]. Như vậy, có thể hiểu rằng, mức phạt vi phạm tối đa áp dụng đối với hợp đồng xây dựng không sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại, bởi vì nội dung này Luật Xây dựng và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP không quy định.

Không có giới hạn mức phạt vi phạm tối đa theo Bộ luật Dân sự

Hợp đồng xây dựng cũng có thể chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự. Bởi lẽ, Luật Xây dựng đã khẳng định hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự, với nội dung như sau: “Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng” (khoản 1 Điều 138). Theo Bộ luật Dân sự, phạt vi phạm không có giới hạn mức tối đa (như quy định trong Luật Thương mại hoặc Luật Xây dựng), mà thực hiện theo sự thỏa thuận của các bên (khoản 2 Điều 418). Vì vậy, hợp đồng xây dựng không áp dụng giới hạn tối đa đối với mức phạt vi phạm.

Thực tế, quan điểm nêu trên cũng được các cơ quan quản lý nhà nước và Tòa án áp dụng rất phổ biến. Chẳng hạn, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn vướng mắc của một doanh nghiệp về mức phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng theo hướng: Hợp đồng đã giao kết giữa các bên có thỏa thuận nếu nhà thầu chậm tiến độ quá mười lăm ngày thì bị phạt vi phạm với mức 20% giá trị hợp đồng. “Do đó, trường hợp dự án không sử dụng vốn nhà nước thì các bên áp dụng mức phạt theo hợp đồng xây dựng đã ký kết”[8].

Ngoài ra, trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho rằng hợp đồng giữa các bên “liên quan đến hoạt động xây dựng”, “nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại áp dụng Luật Thương mại để giải quyết vụ án là không đúng. Trong trường hợp này, cần xác định quan hệ tranh chấp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, nên cần áp dụng pháp luật xây dựng. Trường hợp pháp luật xây dựng không quy định thì áp dụng bộ luật dân sự để giải quyết”[9]. Trên cơ sở giải thích của Tòa án nhân dân tối cao, có thể rút ra 02 nội dung quan trọng về việc áp dụng pháp luật trong hợp đồng xây dựng như sau: (i) Không áp dụng Luật Thương mại cho hợp đồng xây dựng và (ii) áp dụng Bộ luật Dân sự để giải quyết những vấn đề mà pháp luật xây dựng không quy định.

Trong một số trường hợp, Tòa án địa phương đã vận dụng hướng dẫn nêu trên của Tòa án nhân dân tối cao, để đi đến kết luận rằng: Do pháp luật xây dựng (Luật Xây dựng và các văn bản quy định chi tiết) chưa quy định về mức phạt vi phạm tối đa đối với hợp đồng xây dựng không sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, nên phải căn cứ Bộ luật Dân sự để xác định mức phạt vi phạm theo sự thoả thuận của các bên và không bị giới hạn tối đa trong trường hợp này.

Ví dụ: Trong một vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng, Tòa án nhận định rằng mức phạt tối đa 12% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm chỉ áp dụng cho công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước. Đối với công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước, pháp luật xây dựng không quy định mức phạt tối đa mà thực hiện theo thỏa thuận của các bên như quy định tại Điều 418.2 Bộ luật Dân sự[10]. Tương tự, trong vụ án sau đây, Tòa án cũng theo hướng chấp nhận mức phạt vi phạm là 10% giá trị hợp đồng do các bên thỏa thuận, mà không bị giới hạn bởi mức phạt vi phạm tối đa là 8% (Luật Thương mại) hay 12% (Luật Xây dựng) giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, cụ thể như sau: “Theo quy định tại Điều 7.3: trong trường hợp bên B không thực hiện Hợp đồng thì sẽ bị phạt một khoản tiền trị giá 10% giá trị hợp đồng. Như vậy tiền phạt vi phạm được tính như sau: 30.852.168.667 đồng  x 10% = 3.085.216.667 đồng”[11].

Nguyên tắc xác định mức phạt vi phạm hợp đồng tối đa trong hợp đồng xây dựng

Do hợp đồng xây dựng chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật (Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại và Luật Xây dựng) nên phát sinh xung đột giữa các văn bản về mức phạt vi phạm tối đa trong hợp đồng xây dựng là điều khó tránh khỏi[12]. Khi giữa các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau, thì tính thống nhất của hệ thống các văn bản được bảo đảm bằng nguyên tắc luật chung – luật chuyên ngành[13]. Theo nguyên tắc nêu trên: (i) luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng trước luật chung và (ii) luật chung được áp dụng để giải quyết những vấn đề không được quy định trong luật chuyên ngành mà có quy định trong luật chung. Bởi lẽ, khi xây dựng pháp luật, các nhà làm luật đã dự liệu những quy định có tính đặc thù của luật chuyên ngành so với quy định có tính nguyên tắc của luật chung và dự liệu đó là “có chủ đích một cách rõ ràng”[14].

Xem xét mối quan hệ giữa Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại, thì Bộ luật Dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự, còn Luật Thương mại là luật chuyên ngành điều chỉnh các hoạt động thương mại. Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa Luật Thương mại với Luật Xây dựng, thì Luật Thương mại lại là luật chung và Luật Xây dựng được xem là luật chuyên ngành quy định về một hoạt động thương mại đặc thù – hoạt động xây dựng. Áp dụng nguyên tắc luật chung – luật chuyên ngành để giải quyết xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên liên quan đến mức phạt vi phạm tối đa trong hợp đồng xây dựng, chúng ta rút ra được các kết luận như sau:

- Mức phạt vi phạm tối đa là 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm theo quy định của Luật Xây dựng (Điều 146.2) áp dụng đối với hợp đồng xây dựng liên quan đến công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công;

- Mức phạt vi phạm không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm theo quy định của Luật Thương mại (Điều 301) áp dụng cho hợp đồng xây dựng là hợp đồng thương mại và không liên quan đến công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công.

- Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, không bị giới hạn mức tối đa như quy định của Bộ luật Dân sự (khoản 2 Điều 418) áp dụng trong các trường hợp còn lại, tức là hợp đồng xây dựng không sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và không phải là hợp đồng thương mại thì. 

= = =

[1] Trương Nhật Quang và Phạm Hoài Huấn (2019), “Phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 24 (400), kỳ 2 tháng 12/2019, tr. 37.

[2] Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC ngày 25/9/2020 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

[3] Bản án số 341/2021/KDTM-PT ngày 12/4/2021 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

[4] Trương Nhật Quang và Phạm Hoài Huấn (2019), “Phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 24 (400), kỳ 2 tháng 12/2019, tr. 37 và Đinh Văn Trường (2014), Trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng thi công xây dựng công trình, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 34.

[5] Bản án số 660/2022/KDTM-PT ngày 10/11/2022 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

[6] Phán quyết trọng tài Vụ tranh chấp số 67/18 HCM ngày 10/4/2019 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

[7] Công văn số 1123/BXD-KTXD v/v giải đáp kiến nghị của Công ty CP Tự động hoá Tân Phát của Bộ Xây dựng.

[8] Công văn số 48/BXD-KTXD v/v giải đáp vướng mắc của Công ty CP Xây dựng và kết cấu thép Đại Tín ngày 03/9/2019 của Bộ Xây dựng.

[9] Quyết định giám đốc thẩm số 12/2019/KDTM-GĐT ngày 24/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao.

[10] Bản án số 30/2022/KDTM-PT ngày 08/9/2022 của Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng.

[11] Bản án số 04/2021/KDTM-PT ngày 05/3/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

[12] Trương Nhật Quang và Lê Trần Quỳnh Thy (2020), “Nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 17 (417) kỳ 1 tháng 9/2020, tr. 14. 

[13] Đinh Văn Trường (2014), Trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng thi công xây dựng công trình, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 33.

[14] Nguyễn Văn Hiển (2020), “Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản do cùng một chủ thể ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 07 (407), kỳ 1 tháng 4/2020, tr. 24 – 29.

 Luật sư VÕ QUỐC AN

Công ty Luật TNHH ALB & Partners

Tăng cường trách nhiệm của các ISP trong bảo vệ bản quyền: Đòi hỏi bức xúc từ thực tiễn

Nguyễn Mỹ Linh