Ảnh minh họa.
Luật Căn cước công dân năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật này đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung, như: Công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau; chưa có quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; chưa quy định về căn cước điện tử (hiện nay đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, văn bản dưới luật…).
Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 còn nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về căn cước, nhằm tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân như: quy định về khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ căn cước; bổ sung một số trường thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân,…
Qua nghiên cứu dự thảo Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân hiện hành (dự thảo xin ý kiến đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan ngày 31/8/2023), tác giả tham gia một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, tại khoản 2 Điều 7 dự thảo Luật Căn cước quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn chưa cụ thể hóa như thế nào là hành vi giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật, đồng thời chưa quy định về biện pháp xử phạt vi phạm đối với các hành vi nêu trên.
Thứ hai, tại Điều 9 dự thảo quy định về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ quan soạn thảo nên cân nhắc nội dung thông tin tại các khoản 15, 21, 23 có sự trùng lắp các thông tin như: Khoản 1 thể hiện họ, tên; khoản 21 thể hiện thông tin về tình trạng hôn nhân, trong khi khoản 15 đã có thông tin của vợ/chồng (họ tên, số định danh, quốc tịch); khoản 15 chứa thông tin và các mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, trong khi khoản 23 thể hiện thông tin thành viên hộ gia đình.
Thứ ba, nội dung thể hiện trên thẻ căn cước quy định tại Điều 18 dự thảo. Cơ quan soạn thảo nên rà soát, đối chiếu các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước quy định tại khoản 1 Điều 18 với các nội dung quy định tại Điều 9 (thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư), Điều 32 (danh tính điện tử của công dân Việt Nam) để thống nhất xây dựng các thông tin.
Qua nghiên cứu thấy rằng, chưa có sự thống nhất về các thông tin của một công dân giữa thẻ căn cước và căn cước điện tử (chẳng hạn tại Điều 9 của dự thảo không quy định thông tin về vân tay).
Do vậy, để đảm bảo có sự thống nhất giữa thông tin thẻ căn cước và căn cước điện tử của một công dân đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý cho phù hợp.
Thứ tư, tại điểm c khoản 1 Điều 24 dự thảo quy định về các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, trong đó có trường hợp thay đổi nhân dạng, xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật Dân sự và luật khác có liên quan.
Như vậy, bất kỳ cá nhân nào có nhu cầu thì đều có quyền được chuyển đổi giới tính và được Nhà nước công nhận bằng cách đi đăng ký thay đổi hộ tịch. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 mới chỉ dừng lại ở việc xác định nguyên tắc “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật” nhưng đến nay, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể nhằm chính thức hiện thực hóa quyền này trên thực tế.
Thứ năm, tại điểm b khoản 4 Điều 29 dự thảo (thu hồi, tạm giữ thẻ căn cước) quy định “Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao có thẩm quyền thu hồi thẻ căn cước trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao thực hiện thu hồi thẻ căn cước có trách nhiệm giao lại thẻ căn cước đã thu hồi cho cơ quan quản lý căn cước”.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam thì: “Trường hợp người được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam hoặc đã từng có thời gian cư trú tại Việt Nam thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định cho thôi quốc tịch, tước quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp thông báo cho Bộ Công an để chỉ đạo cơ quan công an có thẩm quyền xóa đăng ký thường trú, thu hồi hộ chiếu Việt Nam, chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người đó theo quy định của pháp luật”.
Đồng thời, thẩm quyền thu hồi thẻ căn cước cũng đã được quy định rõ tại điểm a khoản 4 Điều 29 của dự thảo Luật: “Cơ quan quản lý căn cước thực hiện thu hồi thẻ căn cước trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này”, trong đó đã bao gồm cả trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Do đó, tác giả đề nghị cân nhắc lại nội dung trên cho phù hợp, thống nhất giữa các điều khoản và các quy định pháp luật có liên quan.
Thứ sáu, điểm b khoản 4 Điều 30 dự thảo quy định về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước: “Cơ quan quản lý căn cước của công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện tổ chức làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong trường hợp cần thiết”.
Quy định “trong trường hợp cần thiết” là điều kiện để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn như thế nào là “trong trường hợp cần thiết”, điều này dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện trong việc áp dụng.
Do đó, Luật cần bổ sung “trong trường hợp cần thiết” được hiểu như thế nào để các cơ quan có thẩm quyền áp dụng quy định một cách đồng bộ, thống nhất.
Việc đổi mới công tác quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân vào công tác quản lý nhà nước để đem lại nhiều lợi ích cho người dân là yêu cầu cấp thiết, cần được ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng chuyển đổi số quốc gia ở nước ta.
Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, góp phần tạo bước đột phá về chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số ở nước ta.
Thạc sĩ NGUYỄN THỊ LIỄU
Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông
Dự án Luật Căn cước: Một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính