Hình thức chuộc tội bằng tiền trong Luật Gia Long

14/09/2021 02:49 | 2 năm trước

(LSVN) - Ngoài 5 hình phạt cổ điển là Ngũ hình (gồm xuy, trượng, đồ, lưu, tử), Luật Gia Long còn có quy định về hình phạt tiền, hình phạt tịch thu tài sản và cho phép tội nhân được chuộc tội bằng tiền.

Ảnh minh họa.

Luật Gia Long đã chấp nhận 5 loại hình phạt cổ điển của luật nhà Đường và được gọi là Ngũ hình (gồm xuy, trượng, đồ, lưu, tử), đồng thời còn phân ra hai loại là chính hình và phụ hình. Chính hình là hình phạt chính yếu, chính thức đối với tội phạm, bao giờ chúng cũng phải được ghi một cách minh bạch trong bản án. Còn phụ hình là các hình phạt phụ thuộc, được thêm vào với chính hình để cho sự trừng phạt được có hiệu quả hơn.

Ngoài ra, nhà làm luật còn sử dụng đến các hình phạt truất quyền (như cách chức, giáng chức...) và hình phạt tiền (như bắt phải bồi thường, hay nộp phạt về tiền thuốc men...).

Trong đó, Luật Gia Long đã quy định về hình phạt tiền, hình phạt tịch thu tài sản và cho phép tội nhân được chuộc tội bằng tiền, cụ thể như sau:

Phạt tiền

Trong Luật Gia Long không có điều khoản nào quy định về hình phạt tiền một cách tổng quát, mà chỉ có vài điều dự liệu về hình phạt này trong các trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn như tại Điều 74 của Luật Gia Long trừng phạt các xã trưởng ẩn lậu dân đinh. Ngoài những tội trượng, đồ, lưu, pháp quan còn được phép gia giảm tùy theo số đinh đã ẩn lậu, xã trưởng và những dân đinh ẩn lậu phải bị phạt tiền; số tiền phạt này cũng được gia giảm tùy theo số dân đinh mà họ ẩn lậu, đồng thời đem số tiền đó để thưởng cho người đã tố giác.

Hay tại Lệ 10 Điều 281 của Luật Gia Long đã trừng phạt tội "Giết người" của người điên, trong đó cũng đã dự liệu về một số tiền nộp phạt để trả làm tiền mai táng cho gia đình của nạn nhân.

Điều 261 của Luật Gia Long dự liệu trong tội "Vô ý giết người" (gọi là thất sát), phạm nhân bị phạt tội giảo, nhưng được chuộc tội và tiền chuộc này được giao cho gia đình của nạn nhân để làm tiền mai táng.

Tịch thu tài sản

Sự tịch thu toàn thể gia sản: Trong một số trường hợp phạm tội nặng, phạm nhân còn bị tịch thu toàn thể gia sản và đem sung công.

Sự tịch thu một phần gia sản: Sự tịch thu một phần gia sản thường liên hệ đến các tài sản có dính líu trực tiếp đến tội phạm. Chẳng hạn như các đồ vật hoặc đã được dùng để gây nên tội phạm hoặc là đã do sự phạm pháp mang lại cho phạm nhân. Luật cũng ấn định về kỳ hạn phải tịch thu, tùy theo giá trị của tài sản bị tịch thu.

Chuộc tội bằng tiền (thục hình)

Lệ chuộc tội bằng tiền trong luật hình Việt Nam đã vay mượn từ trong cổ luật của Trung Hoa. Ở Luật Gia Long, nhà làm luật cho chuộc tội đối với tất cả các hình phạt được ghi trong bảng Ngũ hình gồm: xuy, trượng, đồ, lưu, tử.

Tuy nhiên, người ta chỉ cho phép đổi với các “tội tạp phạm", nghĩa là những tội vô ý hay bất hạnh xảy ra, hoặc do người khác gây ra mà can phạm phải chịu tội lây, hoặc do các người già cả, trẻ con, phế tật, các người xem thiên văn, các người đàn bà có tài sản, hay vợ của quan chức gây nên.

Những tội không thể chuộc được là những “tội thực phạm" như tội “thập ác", các tội dẫu gặp ân xá cũng không được tha, các tội can danh, phạm nghĩa và tham tang, uống pháp, hối lộ, thông gian, ăn trộm, ăn cắp, giết người...

Trong luật còn có những quy định về một vài trường hợp mà phạm nhân phải chịu thụ hình một phần số trượng trong hình phạt và chỉ được phép chuộc tội phần còn lại.

Bộ luật Gia Long là văn bản pháp luật quan trọng nhất và cũng là di tích pháp lý lớn nhất của Nhà nước phong kiến Việt Nam thế kỉ XIX.

Bộ luật Gia Long, tên gọi chính thức là “Hoàng Việt luật lệ”, ngoài ra, còn được gọi với tên khác như “Hoàng triều luật lệ”, “Quốc triều điều luật". Bộ luật do Tổng tài Nguyễn Văn Thành chủ trì việc biên soạn từ năm 1811 theo chỉ dụ của vua Gia Long và được ban hành năm 1815.

Bộ luật gồm 398 điều, chia thành 22 quyển, được xây dựng trên cơ sở khảo xét, tham chiếu Bộ luật Hồng Đức (tức Quốc triều Hình luật, là Bộ luật của nhà Lê), nhưng chủ yếu là mượn bộ luật của nhà Thanh, nhưng đã được chỉnh sửa và cập nhật cho phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam lúc bấy giờ. 

Hoàng Việt luật lệ ngoài quyển đầu là mục lục các điều luật, bảng (hay đồ), thể lệ về phục tang, diễn giải thuật ngữ, các quyển còn lại được chia thành 6 thể loại, tương ứng với việc của 6 bộ: Lại, Bộ, Lễ, Binh, Hình, Công. 

CẨM NGỌC

Tội tử hình trong Luật Gia Long

Từ khoá : lsvn.vn LSVN