Một số vấn đề về người làm chứng trong tố tụng hình sự Việt Nam

12/01/2023 04:29 | 1 năm trước

(LSVN) - Trong quá trình tố tụng hình sự, sự tham gia của người làm chứng (NLC) có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan, toàn diện vụ án. Lời khai của NLC là một nguồn chứng cứ rất quan trọng. Để phát huy vai trò, ý nghĩa đó, pháp luật quy định cho NLC những quyền và nghĩa vụ nhất định. Tuy nhiên, cũng xuất phát từ điều này, NLC sẽ đứng trước những mối đe dọa vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi phải có cơ chế bảo vệ phù hợp. Bài viết đưa ra một số vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của NLC, cơ chế bảo vệ NLC còn chưa phù hợp, chưa đầy đủ, từ đó đưa ra một số kiến nghị.

Ảnh minh họa.

1. Về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng

Kế thừa Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2003, chế định NLC tiếp tục được hoàn thiện và phát triển thêm trong BLTTHS 2015, trong đó, quyền và nghĩa vụ của NLC được quy định tại Điều 66. So với Điều 55 BLTTHS 2003, Điều 66 BLTTHS 2015 có một số điểm mới như: Thời điểm tham gia tố tụng của NLC được quy định sớm hơn (kể từ khi xác minh nguồn tin về tội phạm, trước đây trong giai đoạn xác minh tố giác, tin báo về tội phạm chưa phát sinh tư cách NLC); xác định rõ cơ chế, biện pháp bảo vệ NLC… Đây là những điểm mới tích cực, bảo đảm phát huy tối đa vai trò, ý nghĩa của NLC khi tham gia tố tụng hình sự. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập như sau:

Thứ nhất, về quyền được thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo Quyết định 41/2012/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ thì NLC được nhận chế độ bồi dưỡng là 50.000 đồng/ngày và chi phí đi lại. Cũng giống như chế độ bồi dưỡng đối với các thành phần khác, chế độ bồi dưỡng này là rất thấp, không tương xứng. Theo đó, để tham gia phiên tòa, NLC phải bỏ lỡ công việc của mình, thậm chí công việc đó là rất quan trọng hay những người lao động theo hợp đồng phải nghỉ trong khi Bộ luật Lao động 2019 không quy định về trường hợp nghỉ khi có giấy triệu tập của Tòa án với tư cách NLC.

Như vậy, so với mức thu nhập trung bình thì mức chi bồi dưỡng 50.000 đồng/ngày là không đáp ứng nhu cầu. Từ đó có thể dẫn đến việc vắng mặt của NLC. Do đó, cần sửa đổi quy định về mức chi bồi dưỡng đối với NLC nói riêng và các đối tượng khác nói chung cho phù hợp.

Thứ hai, về nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đây là nghĩa vụ của NLC và được hiểu NLC chỉ có có mặt nếu có giấy triệu tập, nếu không có giấy triệu tập, NLC chỉ có mặt với tư cách công dân mà không phải tư cách NLC. Thực tiễn có trường hợp bị can, bị cáo, bị hại đề nghị Tòa án triệu tập NLC và NLC cũng có nguyện vọng, đề nghị được tham gia phiên tòa nhưng Chủ tọa đã không triệu tập NLC đó. Điều này có khả năng dẫn đến tiêu cực trong việc xét xử, cố ý loại trừ NLC trái ý định, đường lối giải quyết của Chủ tọa. Do đó, cần có quy định quyền được đề nghị tham gia phiên tòa của NLC mà không chỉ dừng lại ở nghĩa vụ.

Thứ ba, về nghĩa vụ trình bày trung thực tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án. Trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến chuyên môn nghề nghiệp, nhất là các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, y học, biến đổi gen… có không ít trường hợp người làm chứng từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp thông tin vì họ sợ nếu lộ những thông tin này sẽ ảnh hưởng đến sự độc quyền, đến lợi nhuận. Vậy, trường hợp này xử lý thế nào? Nếu NLC vẫn phải trình bày trung thực tất cả mà có thiệt hại thì người nào phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do tiết lộ thông tin về nghề nghiệp và ai sẽ là người bồi thường thiệt hại đó [1].

2. Về cơ chế bảo vệ người làm chứng

Bảo vệ NLC là chế định quan trọng, nhiều quốc gia trên thế giới còn ban hành riêng đạo luật về bảo vệ NLC và có nhiều cách thức thực thi khác nhau. Tham khảo pháp luật của một số nước trên thế giới, có một số cách thức bảo vệ NLC như:

- Bố trí lực lượng bảo vệ NLC (bảo đảm an ninh chỗ ở, sẵn sàng phục vụ trong trường hợp khẩn cấp; có những biện pháp tránh lộ lọt tin tức…);

- Giấu tên, thay đổi nhận dạng NLC (thay bằng tên giả, mã hóa, hoặc cho phép NLC thực hiện các động tác như đeo tóc giả, mặt nạ, thiết bị thay đổi giọng nói…);

- Thay đổi nơi cư trú, tên, tuổi cho NLC;

- Áp dụng công nghệ kỹ thuật trong xét xử (xét xử trực tuyến, xét xử thông qua máy thu hình, sử dụng thiết bị đối chất NLC tại phiên tòa…).

Theo pháp luật Việt Nam, cơ chế bảo vệ NLC được quy định trong chương XXXIV BLTTHS cùng với việc bảo vệ người tố giác, bị hại và người tham gia tố tụng khác. Theo đó, NLC nếu bị cơ quan, cá nhân, tổ chức nào đe dọa hoặc cưỡng bức đến bản thân hoặc người thân tích thì có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.

BLTTHS quy định trách nhiệm áp dụng các biện pháp bảo vệ chỉ thuộc về Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân và quân đội nhân dân. Ở các giai đoạn truy tố, xét xử, nếu có yêu cầu thì Viện Kiểm sát, Tòa án làm văn bản đề nghị Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với NLC.

Về trình tự, thủ tục, nếu muốn được bảo vệ, NLC phải có văn bản đề nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ, nội dung đơn thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều này (ngày, tháng, năm; tên, địa chỉ người đề nghị; lý do, nội dung đề nghị; chữ ký hoặc điểm chỉ hoặc đóng dấu đối với cơ quan, tổ chức).

Trong trường hợp khẩn cấp, người được bảo vệ trực tiếp đề nghị hoặc thông qua phương tiện thông tin liên lạc nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản. Sau khi nhận được văn bản yêu cầu, Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cứ, tính xác thực của đề nghị, nếu đủ căn cứ thì ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ và lập hồ sơ. Nếu không cần thiết phải áp dụng biện pháp bảo vệ phải thông báo rõ lý do cho người yêu cầu, đề nghị biết.

Các biện pháp bảo vệ NLC gồm: Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ; hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ; giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ; di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý; răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật; các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, các biện pháp bảo vệ được quy định trong BLTTHS có nhiều nét tương đồng với những biện pháp được áp dụng trên thế giới, đồng thời có nhiều điểm mới so với BLTTHS 2003, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả xét xử, phòng, chống tội phạm, oan sai và bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, một số hạn chế cần sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất, chưa quy định thời hạn cơ quan có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ là bao lâu kể từ ngày nhận được đơn. Theo đó, BLTTHS  2015 không quy định trong thời hạn lâu kể từ ngày nhận được đơn thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Điều này dẫn đến việc áp dụng các biện pháp bảo vệ của các cơ quan có thẩm quyền không kịp thời gây bất lợi cho người làm chứng. Vì vậy, cần quy định rõ thời hạn xác minh, kiểm tra căn cứ và nếu xét thấy có căn cứ thì phải áp dụng biện pháp bảo vệ ngay lập tức mới bảo đảm.

Thứ hai, chưa quy định hình thức và trách nhiệm trong việc giải thích rõ ràng lý do cho người yêu cầu khi không áp dụng biện pháp bảo vệ. Theo đó, không phải mọi yêu cầu bảo vệ của người làm chứng đều có cơ sở và nếu như áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ người làm chứng đối với những yêu cầu không có cơ sở này sẽ dẫn đến tốn kém thời gian, kinh phí. Tuy nhiên, khi quyết định không áp dụng biện pháp bảo vệ, đòi hỏi phải thông báo, giải thích lý do cho người đề nghị, yêu cầu biết. Để việc này được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, việc thông báo, giải thích đòi hỏi phải được thực hiện thông qua “văn bản” và lưu vào hồ sơ bảo vệ.

Thứ ba, trách nhiệm bảo vệ sau khi xét xử xong. Theo BLTTHS 2015, thời gian bảo vệ được tính từ khi áp dụng biện pháp bảo vệ đến khi có quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ. Quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ được ban hành khi xét thấy căn cứ xâm hại hoặc đe dọa xâm hại không còn. Quy định này còn rất chung chung, trao quá nhiều quyền cho cơ quan đánh giá mức độ, nguy cơ mối đe dọa. Có trường hợp cho rằng đã xét xử xong, người phạm tội đã bị kết án phạt tù và bị giam trong trại tạm giam, trại giam thì không còn nguy cơ đe dọa. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh rằng mặc dù đã xét xử nhưng mối đe dọa vẫn hiện hữu (như vụ án giết người em trai của người làm chứng xảy ra tại Hà Giang, nạn nhân là ông Thào Seo Sáng, là em ruột của ông Thào Chính Dí).

Do đó, cần có quy định chặt chẽ hơn về các căn cứ, trình tụ thủ tục đánh giá nguy cơ, mối đe dọa trước khi quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ, nhất là việc đánh giá sau khi xét xử.

[1] Thạc sĩ Bùi Ai Giôn, Một số ý kiến về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng trong BLTTHS năm 2015, Tạp chí TAND số 16/2018, trang 7-9.

VĂN LINH

TAQS Khu vực Hải quân

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư, các Luật sư Việt Nam