Một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về tội 'Cố ý gây thương tích hoặc gây hại cho sức khỏe của người khác'

29/12/2023 23:08 | 4 tháng trước

(LSVN) - Tuy Bộ luật Hình sự (BLHS) đã có sửa đổi, bổ sung ngày càng hoàn thiện nhưng trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật để xét xử người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây hại cho sức khỏe của người khác xảy ra trong thực tiễn cho thấy vẫn còn có sai sót, vướng mắc, bất cập chưa phù hợp về mặt lý luận và thực tiễn.

Ảnh minh họa.

1. Một số vướng mắc, bất cập

Thứ nhất, bất cập trong việc quy định tình tiết cố ý gây thương tích “đối với người chữa bệnh cho mình”.

Điểm d khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 quy định về tình tiết phạm tội “Đối với người chữa bệnh cho mình”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đa số các trường hợp tấn công nhân viên y tế không phải do bệnh nhân thực hiện mà chủ yếu là do người thân của họ thực hiện. Thậm chí có những trường hợp sau khi đã kết thúc việc khám chữa bệnh thì người nhà bệnh nhân mới quay lại hành hung bác sĩ.

Như trường hợp của bác sĩ P.Đ.V. công tác tại Bệnh viện T. bị cha của một bệnh nhi hành hung. Nguồn tin ban đầu cho biết người gây thương tích cho bác sĩ V. là T.T.A. Trước đó, vào ngày 30/5/2017, con của T.A. được đưa đến bệnh viện khám do bị ngã và được bác sĩ V. chẩn đoán chỉ bị thương phần mềm nhưng khi đưa đến khám tại bệnh viện khác thì được chẩn đoán bị rạn xương phải bó bột. T.A. cho rằng việc chẩn đoán của bác sĩ V. sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con mình nên vào ngày 17/6/2017, A. rủ T.V.Q. cùng đến bệnh viện gây thương tích và bắt bác sĩ V. quỳ xuống xin lỗi, đồng thời dùng điện thoại ghi hình lại quá trình đó. Hành vi của T.T.A. cũng như các trường hợp tấn công nhân viên y tế khác đều là hành vi vô cùng đáng lên án, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám, chữa bệnh mà còn đe dọa tính mạng, sức khỏe, làm ảnh hưởng tinh thần, động lực và sự tận tụy với nghề của đội ngũ y, bác sĩ nói riêng và nhân viên y tế nói chung.

Do đó, việc BLHS 2015 chỉ dừng lại ở việc quy định trường hợp cố ý gây thương tích đối với người chữa bệnh cho mình là chưa đủ đáp ứng nhu cầu đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trên thực tế. 

Thứ hai, bất cập trong việc chỉ quy định tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” tại điểm d khoản 2.

Việc BLHS 2015 chỉ quy định tình tiết định khung “Tái phạm nguy hiểm” tại khoản 2 mà không quy định tình tiết này tại khoản 3, 4, 5 của điều luật và việc quy định tình tiết không gắn liền với hậu quả tương ứng đã gây ra một số bất cập. Ví dụ: A. gây thương tích cho B. với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 27%, cho C. với tỉ lệ tổn thương cơ thể 26% và gây thương tích thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS mà thuộc trường hợp A. “tái phạm nguy hiểm” thì lúc này A. bị xét xử theo khoản 3 Điều 134 hay khoản 2 Điều 134. Vì hành vi gây thương tích cho 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS thì bị xử phạt theo điểm d khoản 3 Điều 134 còn đối với trường hợp tái phạm nguy hiểm thì bị xử phạt theo điểm d khoản 2 Điều 134. Điều này vô hình trung đã tạo ra sự bất cập trong việc áp dụng pháp luật và bất cập trong quyết định hình phạt, nhất là việc quyết định hình phạt đối với các đối tượng nguy hiểm, coi thường pháp luật. Để khắc phục tình trạng trên nhà làm luật nên quy định theo hướng đưa tình tiết “tái phạm nguy hiểm” là dấu hiệu định tội quy định từ khoản 2 đến khoản 5 Điều 134 và gắn liền với hậu quả tương ứng.

Thứ ba, bất cập trong việc chỉ quy định tình tiết định khung “gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” tại điểm b khoản 4.

Việc BLHS 2015 chỉ quy định tình tiết định khung “gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” tại khoản 4 mà không quy định tình tiết này tại khoản 5 với yêu cầu kèm theo các điều kiện sẽ dẫn đến bất cập sau:

Trường hợp 1: A. dùng axit nguy hiểm cố ý gây thương tích cho B. và C., tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người là 61%. Do đó, A. bị truy cứu TNHS theo  khoản 5 Điều 134 BLHS với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Trường hợp 2: A. cố ý gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của B. và C., tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người là 61%. A. chỉ bị truy cứu TNHS theo khoản 4 với khung hình phạt từ 07 năm đến 14 năm.

Trường hợp 3: A. cố ý gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của B. tỉ lệ tổn thương cơ thể là 61%. A. cũng bị truy cứu TNHS theo khoản 4 với khung hình phạt từ 07 năm đến 14 năm.

Nếu xét về tính chất nguy hiểm của hành vi và mức độ nghiêm trọng của hậu quả thì rõ ràng hành vi của A. ở trường hợp 2 có tính nguy hiểm tương đương với trường hợp 1 và nguy hiểm hơn trường hợp 3. Do đó, A. nên bị truy cứu TNHS cùng một khung hình phạt với trường hợp 1 chứ không phải trường hợp 3. Nhưng vì BLHS 2015 không có quy định thể hiện sự phân hóa TNHS trong trường hợp chỉ gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của một người với trường hợp gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của 02 người trở lên nên ở trường hợp 2, không thể truy cứu TNHS đối với A. theo khung hình phạt tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội (tương đương với khung hình phạt của trường hợp 1).

Thứ tư, quy định tình tiết “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác” tại khoản 5.

Khi xây dựng BLHS 2015, các nhà làm luật đã bỏ đi tình tiết “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác” vốn được quy định tại khoản 4 Điều 104 BLHS 1999 và cụ thể hóa thành trường hợp “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”. Tuy nhiên, việc BLHS 2015 quy định cụ thể hóa như trên là chưa thật sự thỏa đáng. Vì “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1” chỉ là một trong các trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng khác không thể thay thế đầy đủ cho tình tiết này. Theo cách quy định của BLHS 2015 thì thực tế khi xảy ra một tình huống được nhận định là phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng vì không thuộc 02 trường hợp được quy định tại khoản 5 Điều 134 nên không có căn cứ để áp dụng khung hình phạt cao nhất đối với người phạm tội. Như vậy, vô hình chung BLHS 2015 đã tự thu hẹp khả năng áp dụng pháp luật trong các trường hợp cần thiết mà luật chưa thể dự liệu được hết.

2. Kiến nghị hoàn thiện

Từ các vướng mắc, bất cập trên và nhu cầu trên thực tế về công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện như sau:

Thứ nhất, về tình tiết “đối với người chữa bệnh cho mình”.

Bạo hành y tế đang là một vấn nạn của xã hội, nó nghiêm trọng hơn nhiều so với những cuộc ẩu đả, đôi co bình thường; bởi lẽ việc khám, chữa bệnh là một lĩnh vực vô cùng đặc biệt và quan trọng, có liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người. Khi nạn bạo hành y tế ngày càng gia tăng thì không những nhân viên y tế gặp nguy hiểm mà chính bệnh nhân sẽ là người chịu thiệt hơn cả. Do đó, nếu các nhà làm luật muốn đấu tranh với tình trạng này thì việc chỉ điều chỉnh đối với hành vi của bệnh nhân là chưa đủ vì thực tiễn cho thấy các trường hợp hành hung y, bác sĩ và nhân viên y tế không chỉ do bệnh nhân thực hiện mà đa số là do người nhà bệnh nhân gây ra. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe và sự an tâm công tác cho nhân viên y tế cũng như xử lý nghiêm khắc đối với những người có hành vi không đúng mục đối với đội ngũ y, bác sĩ, chúng tôi đề xuất nên sửa quy định “đối với người chữa bệnh cho mình” tại điểm d khoản 1 Điều 134 BLHS thành “đối với cán bộ, nhân viên y tế vì lý do khám, chữa bệnh”.

Thứ hai, về tình tiết “tái phạm nguy hiểm”.

Chúng tôi đề xuất sửa đổi điều kiện áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” tại khoản 2 kèm theo dấu hiệu tỉ lệ tổn thương cơ thể, đồng thời bổ sung tình tiết này vào các khoản 3, 4, 5 Điều 134 để tạo sự thống nhất trong kĩ thuật lập pháp và công bằng trong chính sách xử lý người phạm tội.

Thứ ba, về tình tiết “gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” và “tình tiết phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng”.

BLHS 2015 chỉ quy định tình tiết gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên tại điểm b khoản 4 Điều 134, nhưng không quy định tại khoản 5 trường hợp gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể mỗi người 61% trở lên Điều này là không phù hợp với cơ cấu chung của Điều luật, không thể hiện được sự phân hóa TNHS.

Do đó, chúng tôi kiến nghị bổ sung tại khoản 5 tình tiết trên, đồng thời bổ sung thêm trường hợp “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” để tạo cơ sở xử lý khi có tình huống cần thiết phát sinh trong thực tiễn.

Như vậy, trên cơ sở đề nghị các nội dung hoàn thiện quy định pháp luật về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác", Điều 134 BLHS 2015 được sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:

Điều 134. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

đ) Đối với cán bộ, nhân viên y tế vì lí do khám, chữa bệnh;

e) Có tổ chức;

g) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

h) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

i) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

k) Có tính chất côn đồ;

l) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm l khoản 1 Điều này hoặc thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm l khoản 1 Điều này hoặc thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm l khoản 1 Điều này hoặc thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm l khoản 1 Điều này hoặc thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm l khoản 1 Điều này hoặc thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm l khoản 1 Điều này hoặc thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.

d) Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;

2. Thân Hoàng – Hoài Nam, “Người nhà bệnh nhân hành hung, bắt bác sĩ quỳ gối xin lỗi”, https://tuoitre.vn/nguoi-nha-benh-nhan-hanh-hung-bat-bac-si-quy-xin-loi-1334157.htm, truy cập ngày 03/12/2023.

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ THÚY LOAN

Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 9

HUỲNH HẢI DUY

Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 9

Chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ và thực trạng áp dụng tại Việt Nam