Một số vướng mắc khi áp dụng Điều 132, Bộ luật Hình sự về tội 'Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng'

15/03/2023 09:35 | 1 năm trước

(LSVN) - Tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" là tội phạm nằm trong chương XIV của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 quy định về nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự của con người. Trên thực tế việc áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm này vẫn còn một số vướng mắc nhất định.

Ảnh minh họa.

1. Quy định của pháp luật

Điều 132. Tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng"

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội này phải thoả mãn hai yếu tố: là người có năng lực trách nhiệm hình sự và có điều kiện, khả năng cứu giúp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý hoặc cố ý gián tiếp.

Khách thể của tội phạm: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng đã xâm hại tới tính mạng của người khác một cách gián tiếp. Ở đây là quyền được sống, được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm. Người phạm tội đã không tuân thủ quy tắc xử xự được pháp luật quy định nên đã làm người khác chết.

Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi: Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi không hành động phạm tội. Ở đây, người phạm tội đã không thực hiện hành vi cứu giúp người khác mặc dù có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện nghĩa vụ này do sợ bị hiểu nhầm; sợ liên quan, phiền phức; quan niệm lạc hậu dẫn đến hậu quả người không được cứu giúp chết.

Hậu quả: Đây là tội phạm có cấu thành vật chất, hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của tội này. Nếu nạn nhân không chết thì không cấu thành tội phạm này, tức là phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người thì mới thoả mãn dấu hiệu cấu thành bắt buộc của tội phạm này.

2. Vướng mắc trong thực tiễn áp dụng

Thứ nhất, pháp luật chưa quy định rõ thế nào là một người đang ở trong trạng thái đang nguy hiểm tới tính mạng, khi áp dụng pháp luật thì thường tình tiết này được hiểu một cách chung chung, có thể bị chấn thương nặng, bị ngộ độc, bị ngã xuống hồ nước, bị bệnh nặng,… dễn đến việc áp dụng pháp luật không được thống nhất.

Thứ hai, về quy định chủ thể của tội phạm là người có điều kiện cứu giúp nhưng không cứu và hậu quả bắt buộc của tội phạm này là chết người. Vấn đề này chưa có quy định để xác định một chủ thể có đủ điều kiện cứu giúp người khác, nếu giả sử họ có chức trách, nhiệm vụ được pháp luật quy định thì việc xác định tội phạm khá dễ nhưng một người bình thường khi sự việc xảy ra người đó dùng nhiều thủ đoạn để che giấu cho hành vi không cứu giúp của mình thì cơ quan tiến hành tố tùng rất khó để xử lý trách nhiệm hình sự của người này. Hậu quả bắt buộc của tội phạm là chết người, nếu quy định như vậy, vấn đề phát sinh là thể trạng, mức độ chịu đựng của mỗi người là khác nhau, giả sử cùng một mức độ chấn thương những người bị thương rất nặng do họ sức khoẻ, thể trạng tốt nên không chết, người khác thể trạng yếu hơn thì lại chết. Như vậy, nếu quy định việc chết người là hậu quả bắt buộc thì khi xử lý loại tội phạm này là không công bằng, hành vi bỏ mặc người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng là nguy hiểm cho xã hội cho dù người bị bỏ mặc không chết thì theo tác giả vẫn cần xử lý hình sự ở mức độ tương đương.

Thứ ba, trường hợp nạn nhân sử dụng chất kích thích, ma tuý làm cho bản thân mình lâm vào tình trạng nguy hiểm tới tính mạng thì người không cứu giúp rất khó để biết tình trạng của nạn nhân nhưng trong trường hợp này trên thực tiễn người không cứu giúp vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 132, BLHS. Nội dung vụ án như sau: Khoảng 21 giờ ngày 29/8/2020, Đặng Đình Ch. (sinh năm 1987), trú tại: thôn 2, xã Quảng B., huyện Chương M., TP. HN điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Vision BKS 29X1-714.13 đến nhà Nguyễn Viết Kh. (sinh năm 1975) là bạn cùng thôn và rủ Kh. đi sử dụng ma túy, Kh. đồng ý. Ch. chở Kh. sang địa phận huyện Thanh O., TP. HN để mua ma túy. Trên đường đi, Kh. thấy Ch. sử dụng điện thoại Nokia gọi điện cho ai đó nói: “Anh T. à? Anh để cho em 200.000 đồng tiền hàng nhé”. Khi đến gần ngõ rẽ vào nhà T. ở xã Bình M, huyện Thanh O. thì Kh. xuống xe, còn Ch. đi một mình vào nhà T. để mua ma túy. Sau khi mua được ma túy, Ch. đi xe ra phía ngoài đón Kh., cả hai đi ra ngoài đường 21B theo hướng Hà Đ. Đi được khoảng 500 mét thì rẽ vào một hiệu thuốc bên phải đường, Ch. đứng ở ngoài còn Kh đi vào hiệu thuốc mua 02 bơm kim tiêm và 01 lọ nước cất hết 5.000 đồng. Sau đó, Ch. và Kh. tiếp tục đi được khoảng 200m thì rẽ trái vào nghĩa trang thôn Qu , xã Bình M. Tại đây, hai đối tượng lấy dụng cụ và ma túy loại Heroine ra để sử dụng. Sau khi sử dụng ma túy xong, Kh. vẫn tỉnh táo, Kh. nghe Ch. nói: “Em mệt quá, anh có chạy được xe không thì chở em về”, Kh. nghĩ Ch. đang “phê” ma túy, ngồi nghỉ một lúc sẽ tỉnh nên nói với Ch.: “Mệt thì cứ ngồi đây nghỉ, tý rồi về”. Đồng thời, Kh. ngồi bên cạnh Ch., dùng tay vỗ vào lưng Ch. cho Ch. mau tỉnh. Được một lúc thì Kh. lên xe mô tô ngồi đợi, thi thoảng Kh. xuống xe gọi, lay Ch. nhưng không thấy Ch. phản ứng. Đến khoảng 00 giờ ngày 30/8/2020, Kh. thấy Ch. vẫn thở nhưng chưa tỉnh táo, không thể lên xe để đi về. Lúc này, Kh. nghĩ Ch. đang bị mệt quá, do lúc đi cùng Ch., Kh. ngửi thấy trên người Ch. có mùi rượu, lại sử dụng ma túy nên bị yếu, không tỉnh được. Nghĩ vậy, Kh. liền bỏ Ch. lại ở nghĩa trang rồi điều khiển xe mô tô của Ch. về nhà và định sáng sớm sẽ quay lại đón Ch. sau. Đến khoảng 05 giờ ngày 30/8/2020, Kh. đi xe mô tô quay lại nghĩa trang đón Ch. Khi đi đến nơi, Kh. vỗ vai Ch. nói: “Sáng rồi, về thôi em ơi” nhưng không thấy Ch. phản ứng gì, Kh. vẫn thấy Ch. thở đều. Lúc này, Kh. thấy có người đi tập thể dục gần đó, sợ bị người khác phát hiện việc sử dụng ma túy nên Kh. liền điều khiển xe mô tô của Ch. đi về một mình và bỏ Ch. nằm ở vệ cỏ trong nghĩa trang. Về nhà, Kh. nằm ngủ đến trưa dậy thì nghe tin Ch. đã chết. Sợ gia đình Ch. phát hiện mình có liên quan đến cái chết của Ch. nên Kh. cất xe mô tô của Ch. ở nhà mà không trả lại cho gia đình Ch. Đến ngày 31/8/2020, do không có tiền mua ma túy nên Kh. rủ bạn là Đặng Đình Đ. (sinh năm 1982) ở thôn 3, xã Quảng B., huyện Chương M., TP. HN. mang xe mô tô của Ch đi đến một cửa hàng sửa xe ở khu vực xã Thanh C , huyện Thanh O để bán nhưng không bán được do không có giấy tờ xe. Vì vậy, Kh mang xe về nhà rồi tháo biển số xe, cất trong buồng để tránh bị phát hiện. Toà án nhân dân huyện Thanh O., TP. HN tuyên phạt tuyên bố bị cáo Nguyễn Viết Kh. phạm tội: “Không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Toà án nhận định, ngày 30/8/2020, Nguyễn Viết Kh. đã có hành vi bỏ mặc, không cứu giúp anh Đặng Đình Ch. đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng sau khi biết Ch. vừa sử dụng ma túy xong, nằm bất tỉnh trong khu vực nghĩa trang thôn Q., xã Bình M., Thanh O., TP. HN; dẫn đến hậu quả anh Ch. chết. Ngoài ra, sau khi được Ch. nhờ điều khiển xe mô tô chở về nhà, Kh. đã lấy xe mô tô BKS 29X1-764.31 của Ch. để đi về nhà. Sau khi biết anh Ch. đã chết, Kh. đã nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc xe mô tô trên của anh Ch. trị giá 25.000.000 đồng và mang đi tiêu thụ nhưng không tiêu thụ được vì không có giấy tờ xe.

Hành vi Nguyễn Viết Kh. đã phạm vào tội “Không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo quy định tại khoản 1, Điều 132, BLHS và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 175, BLHS.

Theo tác giả, cả hai đối tượng cùng sử dụng ma tuý, Kh. không biết (rất khó để biết) Ch. đang ở tình trạng nguy hiểm tới tính mạng mà cho rằng chỉ đang “phê” ma tuý thông thường, Kh. cũng không có ý định bỏ mặc cho Ch. chết vì sáng hôm sau Kh. ra gọi Ch. về, theo tác giả trường hợp này hành vi của Kh. không thoả mãn yếu tố cấu thành tội phạm của tội “Không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 132, BLHS.

3. Kiến nghị

Một là, trong thời gian tới cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn cụ thể như thế nào là việc một người đang ở trong trạng thái nguy hiểm tới tính mạng để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, tránh việc đánh giá tội phạm một cách cảm tính, chủ quan.

Hai là, theo tác giả cơ quan tiến hành tố tụng cần có hướng làm hệ quy chiếu để cơ quan tiến hành tố tụng xác định khả năng, điều kiện cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng của một người bình thường đồng thời cần sửa đổi khoản 1, Điều 132 như sau: “1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết hoặc sẽ chết nếu không được cứu giúp kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Do bổ sung khoản 1 như vậy thì cũng cần bổ sung khoản 3, Điều 132 như sau: “Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết hoặc sẽ chết nếu không được cứu giúp kịp thời, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”. Việc sửa đổi, bổ sung như vậy sẽ giải quyết được vướng mắc, vì hành vi bỏ mặc người đang ở trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng là nguy hiểm cho xã hội nên cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự dù nạn nhân có chết hay không chết.

Ba là, cơ quan có thẩm quyền cũng cần có hướng dẫn áp dụng trong trường hợp một người cố tình sử dụng chất kích như rượu bia, ma túy tự làm mình lâm vào tình trạng nguy hiểm tới tính mạng mà người khác biết người đó có dùng chất kích thích nhưng không biết về tình trạng nguy hiểm tới tính mạng của nạn nhân thì sẽ không bị xử lý hình sự.

VŨ VIỆT PHƯƠNG

Toà án Quân sự khu vực - Quân khu 1

Bàn về việc áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” đối với tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’

Từ khoá : lsvn.vn LSVN