Trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác

13/06/2024 22:48 | 1 tuần trước

(LSVN) - Cùng với tội phạm, hình phạt, thì trách nhiệm hình sự là một trong những vấn đề cơ bản, trọng tâm của khoa học hình sự. Bởi, khi giải quyết bất cứ vụ án hình sự nào cũng xoay quanh vấn đề xác định chính xác về trách nhiệm hình sự, khi đã xác định tội phạm, quyết định hình phạt hoặc không có tội phạm, qua đó bảo đảm xử lý đúng người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội, đúng tội, đúng pháp luật.

Ảnh minh họa.

Khái niệm trách nhiệm hình sự định nghĩa như sau: “Trách nhiệm hình sự là một dạng của trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất và là hậu quả pháp lý bất lợi của việc thực hiện tội phạm và được thể hiện bằng việc áp dụng một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế hình sự do Bộ luật Hình sự quy định đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội". Như vậy, việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người, pháp nhân thương mại phạm tội có căn cứ, chính xác và đúng pháp luật đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm, cải tạo và giáo dục người, pháp nhân thương mại phạm tội, qua đó làm giảm bớt tình hình tội phạm và kiểm soát tội phạm cũng như nguyên nhân phát sinh tội phạm.

Ngày nay, pháp luật hình sự ở các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt nam nói riêng đều không loại trừ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội khi họ thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia. Trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội do dùng rươu, bia hoặc chất kích thích khác, Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, về cơ bản, quy định này vẫn kế thừa quy định tại Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 nhưng có hai điểm mới sửa đổi, bổ sung.

Trước đây, các nhà làm luật sử dụng cụm từ “phạm tội trong tình trạng say” nay thay bằng “phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 còn bổ sung trường hợp phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do dùng “bia” - “một loại đồ uống chứa cồn được sản xuất bằng qúa trình lên men đường lơ lửng trong môi trường lỏng và nó không được chưng cất sau khi lên men”. Khi sử dụng quá mức có thể dẫn đến làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của con người. Do đó, Bộ luật Hình sự đã bổ sung để xử lý toàn diện, bao quá hơn và quan điểm của các nhà làm luật là “người phạm tội” (vẫn xem là người phạm tội) trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng đều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì “vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Đặc biệt tình tiết sử dụng rượu, bia hay các chất kích thích khác không phải là căn cứ để giảm nhẹ trách nhệm hình sự theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Thậm chí, trong một số trường hợp, tình tiết này còn là căn cứ để định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội (ví dụ như tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ lật Hình sự năm 2015).

Như vậy, người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở chung.

Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 quy định tương đối chặt chẽ, đầy đủ, sử dụng cụm từ “phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” thay cho “phạm tội trong tình trạng say” hàm ý để dẫn đến tình trạng này là do dùng rượu, bia hoặc cất kích thích mạnh khác, chứ không chỉ do rượu, chất kích thích mạnh khác, mà còn cả bia cũng dẫn đến tình trạng đó.

Người phạm tội do dùng rượu, bia hoặc cất kích thích khác vẫn phải chịu trách nhệm hình sự khi thỏa mãn các điều kiện (dấu hiệu) sau đây:

- Chủ thể đã gây thiệt hại cho xã hội: Chủ thể là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (hay gây thiệt hại cho xã hội) mà hành vi này thỏa mãn một cấu thành tội phạm do bộ Bộ luật Hình sự quy định.

- Chủ thể thực hiện hành vi trên trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Nếu mất hoàn toàn cũng có thể xem là trường hợp rơi vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.

- Tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình là do chủ thể có nguyên nhân là do sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác. Như vậy, nguyên nhân của tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình là do chủ thể đã sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác. Trước khi lâm vào tình trạng này, chủ thể hoàn toàn là người bình thường, tuy nhiên, họ đã “tự tước bỏ khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình, tự đặt mình vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi và do vậy, bị coi là có lỗi đối với hành vi có tính chất gây thiệt hại cho xã hội đã thực hiện trong tình trạng như vậy”.

Theo đó, để bảo đảm giải quyết thỏa đáng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia và bảo đảm công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia, cần hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự) về trách nhiệm hình sự của người tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia. Căn cứ khoản 7 Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, các địa điểm công cộng là nơi không được uống rượu, bia nhằm giảm bớt tác hại của rượu, bia. Hành vi gây rối trật tự công cộng trong tình trạng có sử dụng rượu, bia làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và có nguy cơ tăng mức độ nguy hiểm của hành vi hơn trường hợp bình thường do rượu, bia ảnh hưởng đến khả năng kiềm chế hành vi của người phạm tội. Vì vậy, theo tác giả, ngoài các tội phạm quy định tại Điều 260, Điều 267 và Điều 270 về người phạm tội có sử dụng rượu, bia là tình tiết định khung tăng nặng vì liên quan đến tính chất công việc có khả năng gây nguy hiểm cho nhiều người, nên bổ sung tình tiết người phạm tội trong tình trạng sử dụng rượu, bia vào khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự nhằm tăng mức hình phạt, bảo đảm hiệu quả răn đe người thực hiện hành vi phạm tội này.

HOÀNG THÙY LINH

Tòa án Quân sự Quân khu 7

Bảo đảm bí mật thông tin người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số ở Việt Nam