Ảnh minh họa.
Án lệ và cơ sở pháp lý cho sự viện dẫn án lệ trong tranh tụng của Luật sư ở Việt Nam
Thuật ngữ “án lệ” lần đầu tiên xuất hiện trong Nghị quyết số 48- NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Theo đó, một trong những giải pháp về xây dựng pháp luật Việt Nam là “Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ, tập quán (kể cả tập quán, thông lệ thương mại quốc tế) và quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp, góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật”(1). Tiếp theo, Nghị quyết số NQ 49/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 02/6/2005 đã xác định “TAND Tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và đề cao nội dung cải cách tư pháp, trong đó có vai trò phát triển án lệ của TAND Tối cao, bảo đảm quyền tranh tụng tại Tòa án(2).
Án lệ được định nghĩa trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND Tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử(3).
Cũng giống như các nước theo truyền thống pháp luật thành văn, Việt Nam đã rất coi trọng sự phát triển của luật dân sự(4) sau khi đất nước bắt đầu thực hiện đổi mới và xây dựng hệ thống pháp luật theo nền kinh tế thị trường. Riêng trong lĩnh vực pháp luật dân sự, nguồn luật án lệ đã được thừa nhận rõ ràng và là một trong những nội dung thuộc quy định chung của Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều 6 Bộ luật này quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, trong đó có quy định án lệ là một nguồn luật được áp dụng trong xét xử(5). Tương tự, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định những trường hợp áp dụng án lệ trong xét xử các vụ án dân sự. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng. Khoản 3 Điều 45 Bộ luật này quy định về nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng: “…Án lệ được Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự khi đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND Tối cao công bố”, án lệ được coi là căn cứ để Tòa án ra bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm(6).
Luật Tố tụng hành chính năm 2015 cũng đã quy định các nguyên tắc áp dụng, viện dẫn án lệ trong xét xử. Khoản 3 Điều 191 Luật này quy định: “Khi nghị án, hội đồng xét xử chỉ được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của kiểm sát viên, các quy định của pháp luật và nghiên cứu áp dụng án lệ hành chính (nếu có) liên quan đến quyết định..”; điểm b khoản 2 Điều 194 quy định: “Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng, các chứng cứ được xem xét tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết của vụ án, những căn cứ pháp luật, án lệ (nếu có)…”; khoản 4 Điều 242 quy định: “Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng, các chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định về kháng cáo, kháng nghị, các tình tiết của vụ án, việc giải quyết, xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm, những căn cứ pháp luật, án lệ (nếu có)…”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và án lệ trong lĩnh vực pháp luật dân sự, hành chính nói riêng hiện nay đã có cơ sở pháp lý để nhận diện và áp dụng. Trước khi chưa có cơ sở pháp lý cho sự thừa nhận án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, án lệ được đề cập tới như là những yếu tố mới cần được tiếp nhận trong văn hóa pháp lý Việt Nam(7).
Cho đến nay, thuật ngữ án lệ đã trở thành một thuật ngữ pháp lý chính thức trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho sự pháp triển của án lệ và sự viện dẫn án lệ của Luật sư trong tranh tụng ở Việt Nam hiện nay. “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” được quy định tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013; được cụ thể hóa tại Điều 24 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 18 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Viện dẫn án lệ nói chung được hiểu là sự viện dẫn nguồn luật án lệ vào các lập luận pháp lý trong các văn bản của Tòa án hoặc các văn bản pháp lý khác. Trong đó, coi án lệ như là một nguồn luật có giá trị bắt buộc hoặc tham khảo nhằm tăng tính thuyết phục trong các lập luận pháp lý. Đối với hoạt động tranh tụng của Luật sư trong các loại tranh chấp, theo tiến trình tố tụng tại Tòa án, khi viện dẫn án lệ, về bản chất đó là sự viện dẫn nguồn luật án lệ cùng với những nguồn luật mà pháp luật thừa nhận để làm cơ sở pháp lý cho lập luận của mình, để tạo ra tính thuyết phục cho giải pháp cụ thể giải quyết tranh chấp.
Những thuận lợi và khó khăn cho sự viện dẫn án lệ trong tranh tụng của Luật sư
Nhìn từ góc độ luật so sánh, đối với các nước có hệ thống pháp luật mang đặc trưng thông luật (the common law system) có thể nhận thấy:
(1) Dưới góc độ văn hóa pháp lý, điều không thể phủ nhận rằng trong hệ thống pháp luật các nước mang đặc trưng thông luật thì việc sử dụng án lệ hiển nhiên được coi là một nguồn luật có giá trị bắt buộc cùng với những nguồn luật khác. Vì vậy, Luật sư của các nước trong hệ thống thông luật bị ảnh hưởng sâu sắc trong tư duy pháp lý của họ các lý thuyết về án lệ. Trong đó có lý thuyết, kỹ năng về hoạt động viện dẫn án lệ trong tranh tụng tại Tòa án.
(2) Đối với những nước có hệ thống pháp luật mang đặc trưng của hệ thống pháp luật thông luật thì mô hình tố tụng của họ được xây dựng trên cơ chế tranh tụng “adversarial system” thay vì cơ chế thẩm vấn “inquysitorial system” như các nước có hệ thống pháp luật mang đặc trưng dân luật thành văn (the civil law system). Chính trong cơ chế tranh tụng của các hệ thống pháp luật thông luật, Luật sư và thẩm phán sẽ vận dụng triệt để sự viện dẫn án lệ để bảo vệ công lý cho các tranh chấp trong hoạt động xét xử.
Ngày nay, khi mà xu hướng giao thoa và ảnh hưởng tích cực của các thành tố văn hóa pháp lý ngày càng trở nên rõ rệt thì sự viện dẫn án lệ trong các hệ thống pháp luật dân luật thành văn rất phổ biến. Ở châu Âu như Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, hay những hệ thống pháp luật ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc…, các Luật sư đã và đang vận dụng triệt để tính hữu ích của việc viện dẫn án lệ trong tranh tụng. Thậm chí trong các tranh tụng về dân sự và trọng tài thương mại, ở nhiều nước còn khuyến khích các Luật sư viện dẫn án lệ của các hệ thống pháp luật nước ngoài để giúp các bên và thẩm phán tìm ra một giải pháp xử lý thuyết phục cho tranh chấp giữa các bên.
Trong các thiết chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế như cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc Luật sư đại diện cho các quốc gia là thành viên WTO vận dụng án lệ trong tranh tụng là một yêu cầu cần thiết trong giải thích các quy định của WTO. Vai trò và chức năng của án lệ trong luật quốc tế đang gia tăng, bởi vì đang có một sự đồng thuận về tính hợp lý của án lệ trong nguồn của luật quốc tế(8). Xu hướng này của văn hóa pháp lý toàn cầu đang ảnh hưởng đến văn hóa pháp lý của mỗi quốc gia trên thế giới. Vì vậy, có thể nói rằng hệ thống pháp luật Việt Nam không thể phát triển tách biệt và xa rời với xu hướng này. Đã đến lúc chúng ta nhận thấy các thẩm phán và Luật sư của Việt Nam cần có một sự thay đổi trong tư duy pháp lý của họ về sự cần thiết của việc viện dẫn án lệ theo xu hướng tranh tụng trong luật quốc tế.
Ở Việt Nam, việc viện dẫn án lệ trong tranh tụng của Luật sư hiện đang có những thuận lợi, khó khăn như sau:
Thứ nhất, hiện nay án lệ đã từng bước được khẳng định trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Theo thống kê của từ Trang tin điện tử về án lệ của TAND Tối cao, tính đến nay (tháng 5/2024) Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã công bố tổng số 70 án lệ gồm 17 án lệ về hình sự; 04 án lệ hành chính; 33 án lệ về dân sự; 05 án lệ về hôn nhân và gia đình; 09 án lệ về kinh doanh thương mại; 02 án lệ về luật lao động(9). Trên cơ sở các án lệ đã được công bố, đến nay cao đã tổ chức nghiên cứu, mời một số thẩm phán, chuyên gia giàu kinh nghiệm để viết bình luận về các án lệ này, xây dựng nội dung và xuất bản 04 cuốn “Án lệ và bình luận”; tạo thuận lợi cho các thẩm phán, người giữ chức danh tư pháp khác nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và viện dẫn án lệ trong quá trình thực hiện nhiệm của mình; giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm tới hoạt động của Tòa án có thể dễ dàng tiếp cận với các án lệ đã được ban hành; tạo nguồn tham khảo cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học liên quan đến án lệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Như vậy hiện nay, mặc dù số lượng các án lệ còn hạn chế nhưng các thẩm phán cũng như các Luật sư đã có nguồn luật án lệ để viện dẫn trong các vụ án tương tự mà án lệ điều chỉnh.
Thứ hai, trong xu hướng cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện thì vai trò tranh tụng của Luật sư ngày càng được đề cao và nội dung này đang được bảo đảm chặt chẽ hơn về mặt pháp lý. Cụ thể, ngày 30/5/2016, Chánh án TAND Tối cao đã ban hành Chỉ thị số 04/2016/TATC-CA về việc tăng cường công tác phát triển và công bố án lệ, áp dụng án lệ trong xét xử. Ngày 04/7/2017, TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 144/TATC-PC hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án. Đặc biệt, ngày 11/7/2017, TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 146/TANDTC- PC về viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì sự viện dẫn án lệ trong tranh tụng của Luật sư ở Việt Nam còn gặp một số khó khăn trên thực tế. Đầu tiên có thể kể đến nhận thức về án lệ và sự vận dụng các bước, kỹ năng cho sự viện dẫn án lệ của một bộ phận không nhỏ Luật sư và thẩm phán ở nước ta còn hạn chế. Điều này có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là sự đào tạo luật và nghề luật ở nước ta còn chưa thực sự gắn với việc sử dụng nguồn luận án lệ trong đào tạo. Việc nghiên cứu án lệ còn chưa được chú trọng. Thậm chí, nhiều Tòa án còn áp dụng chưa đúng án lệ (cụ thể là án lệ số 47/2021/AL về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại). Để bảo đảm việc áp dụng án lệ số 47/2021/AL được thống nhất, đúng pháp luật trong các Tòa án, ngày 13/6/2023, TAND Tối cao đã có Công văn số 100/TANDTC-PC gửi các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, các đơn vị thuộc TAND Tối cao, quán triệt việc áp dụng số 47/2021/AL nêu trên(10).
Bên cạnh đó, cho dù nguồn án lệ đã từng bước được bổ sung, nhưng hiện nay các lĩnh vực pháp luật từ dân sự, hành chính, hình sự, lao động, thương mại còn quá nhiều khoảng trống, bất cập cần phải được bổ sung bởi án lệ. Từ năm 2015 đến nay, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới chỉ công bố được hơn 70 án lệ. Số lượng này là quá hạn chế so với những đòi hỏi của thực tiễn về chức năng hướng dẫn áp dụng thống nhất thông qua việc vận dụng án lệ trong tranh tụng và xét xử. Mặt khác, sự nhân rộng những điển hình hiệu quả trong việc thể hiện kỹ năng viện dẫn án lệ của Luật sư trong tranh tụng còn hạn chế.
Một số gợi mở cho việc tăng cường viện dẫn án lệ của Luật sư tại toà án
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của đội ngũ Luật sư về án lệ, về vai trò của án lệ trong tố tụng, sự phát huy hiệu quả của việc viện dẫn án lệ trong tranh tụng tại Tòa án để bảo đảm công bằng, bình đẳng trong xét xử.
Thứ hai, cần có cơ chế giám sát để các thẩm phán trong tiến trình tố tụng bảo đảm quyền tranh tụng của Luật sư và nội dung viện dẫn án lệ trong tranh tụng. Dưới góc độ về văn hóa pháp lý (legal cuture), hệ thống pháp luật Việt Nam đã thành công trong việc tiếp nhận những nhân tố hợp lý của học thuyết án lệ của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc lan tỏa giá trị tích cực của việc áp dụng án lệ trong xét xử gắn với quyền viện dẫn án lệ của Luật sư cần được đẩy mạnh hơn nữa để hệ thống tư pháp Việt Nam từng bước theo kịp các nền tư pháp tiên tiến trên thế giới.
Thứ ba, cải cách tư pháp thời gian tới phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo đảm tranh tụng trong xét xử, đẩy mạnh hơn nữa tranh tụng tại tất cả các phiên tòa, không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng và quyền viện dẫn án lệ trong tranh tụng. Nếu việc tranh tụng viện dẫn án lệ có thuyết phục thì Tòa án phải ghi nhận trong bản án như là căn cứ pháp lý để đưa ra quyết định.
Thứ tư, trong đào tạo luật nói chung và đào tạo Luật sư nói riêng ở nước ta đã đến lúc cần đổi mới mạnh mẽ theo xu hướng đào tạo gắn với thực tiễn, sử dụng nhiều nhất có thể những case-studies, tăng cường sử dụng phương pháp đào tạo luật trên cơ sở án lệ trong nước, nước ngoài và án lệ của các thiết chế giải quyết tranh chấp quốc tế.
Thứ năm, đội ngũ Luật sư ở nước ta cần học hỏi, chọn lọc kỹ năng viện dẫn án lệ trong tranh tụng của Luật sư nước ngoài, Luật sư quốc tế để vận dụng hiệu quả việc viện dẫn án lệ trong tranh tụng tại các Tòa án phù hợp với mô hình tố tụng trong nước.
(1) Xem Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Mục III, 1, 1.7 “Các giải pháp về xây dựng pháp luật”. (2) Nguyễn Hòa Bình, Một số nội dung cải cách tư pháp trong thời gian tới, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/ asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-noi-dung-cai-cach-tu-phap-trong-thoi-gian-toi (3) Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về quy trình lựa chọn và áp dụng án lệ. (4) Sau thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã ban hành 03 Bộ luật Dân sự gồm: Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015. (5) Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự; 2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”. (6) Khoản 2 Điều 264; điểm b khoản 2 Điều 266; khoản 4 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. (7) Nguyễn Văn Nam, Lý luận và thực tiễn về án lệ trong hệ thống pháp luật các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức và những kiến nghị đối với Việt Nam, NXB Công an nhân dân, 2012, tr. 376-379. (8) Raj Bhala, Symposium: Global Trade Issues in the New Millennium The Power of The Past: Towards De Jure Stare Decisis In WTO Adjudication (Part Three Of A Trilogy), George Washington International Law Review, 2001.(33 Geo,Wash. Int’L.Rev.837). (9) https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/anle , ngày 13/5/2024. (10) TS Nguyễn Viết Giang, Một số vấn đề về áp dụng và viện dẫn án lệ trong thực tiễn xét xử tại tòa án hiện nay, |
TS. NGUYỄN VĂN NAM
Học viện An ninh nhân dân