Sự tham gia của truyền thông trong thủ tục tố tụng: Kinh nghiệm một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam

20/06/2024 22:18 | 3 tháng trước

(LSVN) - Quyền xét xử công bằng (hay quyền được hưởng tố tụng công minh - the right to fair trial) là một quyền con người. Đây là một trong những bảo đảm cơ bản được ghi nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền toàn cầu (Universal Declaration on Human Rights - UDHR), nền tảng của hệ thống nhân quyền quốc tế. Văn kiện này không có tính ràng buộc pháp lí, nhưng đại diện cho sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế về chuẩn mực mà các quốc gia nên tuân theo. Bên cạnh UDHR, Công ước Liên hợp quốc về các quyền dân sự chính trị (ICCPR) cũng ghi nhận quyền được xét xử công bằng tại…. Công ước này là một trong số các khuôn khổ pháp lí có hiệu lực ràng buộc đối với các quốc gia thành viên. Một trong các thành tố bảo đảm quyền xét xử công bằng là bảo đảm tính công khai, minh bạch trong toàn bộ thủ tục tố tụng (từ bắt giữ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án). Dù vậy, yêu cầu về công khai, minh bạch trong giai đoạn tiến hành xét xử là quan trọng vì đây là giai đoạn xem xét chứng cứ và kết luận về hành vi bị tòa án xem xét.

Ảnh minh hoạ.

1. Khuôn khổ pháp luật quốc tế về quyền được xét xử công bằng

1.1. Quyền được xét xử công bằng

Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế 1948 ghi nhận “trên cơ sở bình đẳng, mọi người có quyền được xét xử một cách công khai và công bằng bởi một tòa án độc lập và khách quan”[1]. Quyền này tiếp tục được khẳng định trong Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự - chính trị tại khoản 1 Điều 14. Theo đó, quyền này được áp dụng với cả các trường hợp tố tụng hình sự và tố tụng phi hình sự. Ủy ban Công ước ICCPR đã lưu ý “Điều 14 yêu cầu các quốc gia thành viên phải tôn trọng và việc thực hiện các bảo đảm tố tụng quy định ở Điều này, bất kể truyền thống pháp lí và pháp luật của mỗi quốc gia[2]. Điều này có nghĩa là quyền được xét xử công bằng cần được tuân thủ bởi tất cả các hệ thống pháp luật, bất kể truyền thống pháp lí, văn hóa - xã hội có khác nhau ra sao. Các quốc gia thành viên không thể viện dẫn những khác biệt về truyền thống và văn hóa pháp lí để thoái thác nghĩa vụ bảo đảm quyền được xét xử công bằng của bất kì ai.

Khái niệm “công bằng” trong xét xử nói riêng và thủ tục tố tụng nói chung cũng được Ủy ban ICCPR giải thích là “việc xét xử không phải chịu những ảnh hưởng gián tiếp và trực tiếp, áp lực hay gợi ý hay áp đặt của bất cứ phía nào, nhằm bất cứ mục đích nào. Ví dụ, phiên tòa sẽ không được coi là công bằng nếu bị cáo phải đối mặt với thái độ thù địch từ phía công chúng hay bởi một bên trong phòng xử án mà có thể ảnh hưởng tới quyền bào chữa[3]. Cách giải thích này cũng đồng nghĩa với nguyên tắc cơ bản của tố tụng là các thành viên của Hội đồng xét xử chỉ phải tuân theo pháp luật, mà không phải vì áp lực từ bất kì yếu tố nào khác để tuyên án.

1.2. Xét xử công khai - một thành tố của công bằng trong thủ tục tố tụng

Xét xử công khai thường đòi hỏi các bên và công chúng, bao gồm cả các phương tiện truyền thông, có thể tham dự phiên xét xử. Ủy ban Công ước ICCPR cho rằng, để đảm bảo quyền này, Toà án phải cung cấp thông tin về thời gian và địa điểm của phiên tòa cho công chúng và cung cấp những cơ sở đủ để đảm bảo sự tham dự của các thành viên trong công chúng có quan tâm đến vụ việc. Việc cung cấp thông tin của tòa án cần bảo đảm thực hiện trong giới hạn thời gian hợp lí và có tính đến những yêu cầu và thời gian xét xử”[4]. Việc vi phạm yêu cầu này có thể biểu hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau:

Yếu tố

Biểu hiện vi phạm

Ví dụ

Giải pháp

Không gian

Phiên tòa diễn ra trong một phòng xử án nhỏ, không thể đáp ứng mức độ tham gia của lượng công chúng quan tâm. Thậm chí, phiên tòa không mở cho công chúng tham dự.

- Tổ chức phiên xét xử trong các địa điểm với cơ sở hạ tầng quá cũ, chật hẹp trong khi vẫn có sẵn các điểm hạ tầng rộng rãi đã được nâng cấp, đổi mới.

- Tổ chức phiên xét xử tại những địa điểm mà công chúng khó tiếp cận. Chẳng hạn như ở những trụ sở có yêu cầu cao về an ninh từ cổng vào, điều kiện được vào tham dự thắt chặt, hoặc tổ chức ở những địa điểm hẻo lánh.

- Linh hoạt sử dụng địa điểm hạ tầng phù hợp với mức độ quan tâm của công chúng đối với vụ việc cụ thể.

- Đối với các khu phức hợp văn phòng cơ quan và phòng xử án, nên mở các cổng vào tách biệt với khu vực văn phòng cấp cao - nơi đòi hỏi điều kiện an ninh chặt chẽ.

Thời gian

Phiên tòa được tổ chức vào khung thời gian không phù hợp, hoặc được thông báo quá gấp gáp.

- Phiên tòa được diễn ra vào sáng sớm khiến những người quan tâm khó thu xếp lịch trình để tham dự vì xung đột với công việc hàng ngày.

- Thông báo về thời gian, địa điểm tổ chức phiên xét xử hoặc thông báo điều chỉnh được đưa ra quá gấp gáp mà không vì các sự kiện bất khả kháng

- Lựa chọn khung thời giam tổ chức xét xử phù hợp với tập quán sinh hoạt phổ biến của cộng đồng.

- Sớm đưa ra thông tin về thời gian và địa điểm mở phiên tòa, chỉ điều chỉnh kịp thời khi cần thiết.

Điều kiện tham dự

Phân loại những người được tham dự phiên xét xử.

- Chỉ cho phép người có liên quan đến vụ việc vào tham dự.

- Yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh thân phận, vị trí công tác để cho vào tham dự.

- Không đưa ra những hạn chế hoặc tiêu chí phân loại đối với người tham dự phiên tòa. Nếu cần có tiêu chí phân loại nhằm phục vụ cho việc sắp xếp vị trí phù hợp, các tiêu chí đó cũng không nên được áp dụng cứng nhắc hay bắt buộc.

 Ngay cả trong trường hợp mà công chúng không được tham dự phiên tòa thì bản án, bao gồm những phát hiện quan trọng, chứng cứ và lập luận pháp lí phải được công khai, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em, hoặc trong thủ tục tố tụng liên quan đến tranh chấp hôn nhân hoặc người giám hộ của trẻ em.

1.3. Những trường hợp ngoại lệ về tính công khai

Mặc dù quyền xét xử công bằng là thiết yếu, nhưng yêu cầu về tính công khai của phiên tòa có thể bị giới hạn. Những giới hạn này có thể chia thành 3 nhóm: (i) những giới hạn chung; (ii) giới hạn đối với chủ thể đặc biệt; và (iii) giới hạn theo thủ tục xét xử.

Ngay ở khoản 1 Điều 14 ICCPR đã nêu rõ “Báo chí và công chúng có thể không được phép tham dự toàn bộ hoặc một phần của phiên toà vì lí do về đạo đức, trật tự công cộng hoặc an ninh quốc gia trong một xã hội dân chủ, hoặc vì lợi ích cuộc sống riêng tư của các bên tham gia tố tụng, hoặc giới hạn với chừng mực cần thiết theo nhận định của toà án trong những hoàn cảnh đặc biệt mà việc xét xử công khai có thể làm phương hại đến công lý”.

Điều đó có nghĩa là, quyền tham dự một phần hoặc toàn bộ phiên tòa của công chúng chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp cụ thể, đó là:

(i) Vì lí do đạo đức: Ví dụ một số phiên tranh tụng liên quan đến hành vi phạm tội tình dục.

(ii) trật tự công cộng: Chủ yếu liên quan đến trật tự trong phòng xử án.

(iii) an ninh quốc gia trong một xã hội dân chủ.

(iv) Vì lợi ích cuộc sống riêng tư của các bên có yêu cầu: Chẳng hạn như để bảo vệ danh tính của các nạn nhân của bạo lực tình dục.

(v) Sự cần thiết theo nhận định của tòa án trong trường hợp đặc biệt mà sự công khai xét xử sẽ làm phương hại đến công lý.

Ngoài ra, có những trường hợp ngoại lệ rõ ràng để bảo vệ quyền lợi và sự riêng tư của chủ thể đặc biệt như trẻ em bị buộc tội vi phạm luật hình sự hoặc là nạn nhân hoặc nhân chứng của tội phạm. Ủy ban Công ước về quyền trẻ em khuyến cáo rằng các quốc gia nên xét xử kín các vụ án mà trẻ em là bị cáo. Cùng với đó, nhà chức trách cần phải rất thận trọng về việc cung cấp thông tin cho báo chí liên quan đến các tội phạm mà nghi phạm là trẻ em và chỉ cung cấp hạn chế trong những trường hợp đặc biệt. Các nhà chức trách cần phải tiến hành các biện pháp để đảm bảo rằng trẻ em sẽ không bị tiết lộ danh tính qua việc cung cấp thông tin cho báo chí. Các nhà báo xâm phạm quyền được tôn trọng sự riêng tư của một nghi phạm là trẻ em cần phải bị kỷ luật và nếu cần thiết (ví dụ như trong trường hợp tái phạm) sẽ bị trừng phạt theo pháp luật hình sự [5].

Cùng với đó, Ủy ban Công ước ICCPR cũng lưu ý, những nội dung về quyền tiếp cận công bằng với tòa án thể hiện tại khoản 1 Điều 14 “là tiếp cận về thủ tục sơ thẩm và không giải quyết quyền kháng cáo hoặc các biện pháp khắc phục khác[6].

Dù áp dụng những giới hạn nào, các quốc gia thành viên đều cần tiết giảm ở mức tối thiểu (cố gắng giảm các ngoại lệ) và quy định rõ trong luật những trường hợp ngoại lệ với việc xét xử công khai. Những biện pháp khác cũng có thể cần được thực hiện để đảm bảo không có thông tin hoặc dữ liệu cá nhân của trẻ em được cung cấp cho truyền thông. Nguyên tắc căn bản của việc lựa chọn áp dụng những giới hạn về tính công khai của phiên tòa là phải dựa trên đồng thời hai yếu tố: sự cần thiết và tính tương xứng.

2. Quy định của một số quốc gia về sự tham gia của truyền thông trong thủ tục tố tụng

2.1. Quy định tại Hoa Kì

Hệ thống tòa án ở Hoa Kì được khẳng định là cơ quan công mà các thành viên của giới truyền thông và công chúng có thể vào bất kì tòa án và phòng xử án nào, trừ một số hiếm các ngoại lệ. Tuy vậy, Hướng dẫn của Văn phòng hành chính Tòa án liên bang lưu ý rằng, các cơ quan tư pháp có một số khác biệt so với các cơ quan nhà nước khác mà giới truyền thông cần phải lưu tâm, bao gồm [7]:

- Các phóng viên không cần bằng cấp về luật để có thể tác nghiệp tại các tòa án liên bang, nhưng điều cần thiết là phải hiểu và có thể dịch các thuật ngữ và thủ tục pháp lí cho người đọc hoặc người xem. Bất kì khi nào có nghi ngờ về các thuật ngữ và thủ tục, phóng viên nên đối chiếu với danh mục thuật ngữ được cung cấp công khai.

- Mỗi tòa án đều là thực thể độc nhất: ngoài những quy định chung, các tòa án địa phương có thẩm quyền để ban hành những quy tắc và thực hành thủ tục cục bộ (local rules and practices). Việc nắm bắt và hiểu về các quy định bổ sung này sẽ giúp quá trình tác nghiệp được thuận lợi.

- Chỉ thông qua Thủ tục tố tụng chính thức, không phỏng vấn thẩm phán: Để phù hợp với các quy tắc đạo đức, các thẩm phán liên bang không cho phép phỏng vấn các vụ việc đang diễn ra. Thẩm phán sẽ “lên tiếng” thông qua các ý kiến ​​đưa ra tại phiên tòa công khai hoặc thông qua các quyết định bằng văn bản. Các phóng viên phải dựa vào thủ tục tố tụng vụ án chính thức làm nguồn thông tin chính của họ.

- Các phóng viên cũng chỉ tiếp cận khu vực xét xử và hồ sơ vụ việc giống như công chúng thông thường khác. Một số tòa án cho phép các phóng viên có bằng cấp hợp pháp được vào nhanh chóng. Hầu hết các thủ tục tố tụng tại tòa án đều được mở công khai trên cơ sở ai đến trước được phục vụ trước. Khi có nghi ngờ, có thể hỏi văn phòng thư kí trước phiên tòa hoặc phiên điều trần để tìm hiểu xem liệu có những sắp xếp đặc biệt nào cho phương tiện truyền thông hay không, chẳng hạn như chỗ ngồi dành riêng trong phòng xử án hoặc phòng truyền thông riêng biệt.

- Phóng viên và người tham dự là công chúng không được vượt quá khu vực dành cho công chúng (public gallery) khi chưa có sự cho phép của thẩm phán.

- Hầu hết các tài liệu trong hồ sơ của vụ việc sẽ được công bố trực tuyến, nhưng thẩm phán có thể xác định và bảo mật những tài liệu nhất định. Những tài liệu không được công khai bao gồm: các giấy triệu tập hoặc lệnh chưa được thực hiện; báo cáo về việc bảo lãnh trước khi xét xử và báo cáo hiện diện; hồ sơ vị thành niên; tài liệu chứa đựng thông tin về bồi thẩm đoàn; và nhiều hồ sơ khác nhau, chẳng hạn như hồ sơ chi tiêu, có thể tiết lộ chiến lược bào chữa của luật sư do tòa án chỉ định. Cùng với đó, trong những trường hợp cụ thể, thẩm phán cũng có thẩm quyền bảo mật thêm các tài liệu khác hoặc chuyển phiên xét xử từ công khai sang xét xử kín nhằn bảo vệ nạn nhân hoặc tránh tiết lộ thông tin có thể ảnh hưởng đến cuộc điều tra hình sự đang diễn ra hoặc các quyền tố tụng hợp pháp của bị cáo.

- Về việc sử dụng ghi âm, ghi hình: Trong những trường hợp cụ thể, chẳng hạn như lễ tấn phong, nhập tịch hoặc các thủ tục nghi lễ khác, thẩm phán có thể cho phép công chúng và giới truyền thông chụp ảnh và tiến hành ghi video và ghi âm bên trong tòa án. Và theo quy định của địa phương, Tòa phúc thẩm khu vực thứ hai và thứ chín sẽ xem xét các yêu cầu của phương tiện truyền thông về việc ghi lại hoặc phát sóng một thủ tục phúc thẩm.

Các nhà báo không được ghi lại hoặc chụp ảnh hoạt động liên quan đến phiên tòa, trong phòng xử án hoặc ở những khu vực có sẵn âm thanh hoặc video mạch kín. Vi phạm quy tắc này có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt đáng kể của tòa án. Theo quy định của địa phương, tòa án có thể chỉ định các khu vực cách xa phòng xử án nơi có thể sử dụng camera để phỏng vấn và đưa tin trên truyền hình. Những khu vực này thường ở bên ngoài phòng xử án. Các tòa án khu vực và tòa án quận cũng có thể đặt ra các quy định về việc liệu công chúng và giới truyền thông có được phép mang các thiết bị liên lạc điện tử cầm tay (chẳng hạn như điện thoại di động, máy tính xách tay và máy tính bảng) vào tòa án của họ hay không, cũng như quy định liệu các thiết bị đó có thể được sử dụng hay không, và sử dụng ở đâu. Ngay cả khi tòa án cho phép sử dụng các thiết bị điện tử, cá nhân thẩm phán vẫn có thể cấm các thiết bị đó trong phòng xử án [8].

Quy định ở Vương quốc Anh [9] cũng tương tự, chỉ có hai lựa chọn cho việc tham dự phiên tòa của công chúng hoặc truyền thông: (i) trực tiếp nhưng ở khu vực công chúng dự khán (public gallery); hoặc (ii) từ xa (qua kết nối âm thanh hoặc ghi hình). Nếu muốn tham dự theo cách thứ 2, cá nhân cần đăng kí trước, cung cấp họ tên và địa chỉ thư điện tử. Nếu tòa án không có nguồn lực phù hợp, tòa sẽ đề nghị tham dự trực tiếp. Danh mục vật dụng được mang và không được mang theo khi tham dự phiên tòa trực tiếp cũng được quy định rõ ràng và có thể tra cứu trực tuyến.

Thẩm phán trong mỗi trường hợp sẽ quyết định cách tổ chức phiên điều trần, bao gồm cả việc liệu mọi người có thể quan sát phiên điều trần hay không và bằng cách nào. Nếu họ cho rằng cần thiết (để thực thi công lý đúng đắn), thẩm phán có thể quyết định tổ chức phiên điều trần riêng tư, không cho phép người quan sát. Những người quan sát, theo dõi phiên tòa, với bất kì tư cách nào đều không thể ghi âm, phát sóng hoặc chụp ảnh bất kì phiên điều trần nào.

2.2. Quy định tại New Zealand

Tòa án ban hành hướng dẫn khá chi tiết về các bước đăng kí cũng như lưu ý khi tiến hành ghi âm, ghi hình tại phiên tòa của phóng viên [10].

Các phương tiện truyền thông được xác định là đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tin về công việc của tòa án. Điều này được phản ánh trong luật cho phép truyền thông có quyền ở lại tòa án, trong mọi trường hợp ngoại trừ những trường hợp đặc biệt nhất (quan ngại về an ninh hoặc quốc phòng). Tuy nhiên, thẩm phán có quyền kiểm soát hành vi trong phòng xử án và có thẩm quyền vốn có và rộng theo luật định để bảo vệ tính liêm chính của quá trình xét xử, đảm bảo quyền xét xử công bằng được duy trì và duy trì nguyên tắc pháp quyền. Mọi quyết định liên quan đến việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông tại tòa đều theo quyết định của thẩm phán.

Các đại diện truyền thông phải xác nhận danh tính của họ với thư kí tòa án trước khi phiên tòa bắt đầu bằng cách cung cấp thẻ căn cước hoặc thư từ tổ chức làm việc và một mẫu giấy tờ tùy thân cá nhân như giấy phép lái xe hoặc hộ chiếu. Cơ quan đăng kí tòa án cũng có thể yêu cầu chi tiết liên lạc của phóng viên. Các nhà báo không được công nhận (hành nghề tự do) và các phương tiện truyền thông nước ngoài cần có sự cho phép của thẩm phán để đưa tin về các thủ tục tố tụng tại tòa án. Yêu cầu này cũng áp dụng đối với các nhà báo tự do và hợp đồng cũng như những người đại diện cho các cơ quan báo chí thuộc diện không phải tuân thủ quy tắc đạo đức và thủ tục khiếu nại của cơ quan quản lí tiêu chuẩn truyền thông của New Zealand.

Phóng viên hoặc cơ quan truyền thông muốn ghi âm, ghi hình tại phiên tòa cần điền vào Đơn đăng kí và nộp trước khi mở phiên tòa 10 ngày. Thẩm phán sẽ quyết định cấp phép ghi âm, ghi hình dựa trên các tiêu chí: (a) sự cần thiết bảo đảm xét xử công bằng; (b) mong muốn về sự công khai của công lý; (c) bảo đảm nguyên tắc các phương tiện truyền thông có vai trò quan trọng trong việc đưa tin về các phiên tòa với tư cách là tai mắt của công chúng; (d) bảo đảm nghĩa vụ của tòa án đối với người bị hại của tội phạm; (e) phù hợp với lợi ích, mối quan tâm và nhận thức hợp lí của các bên, nạn nhân và nhân chứng.

Khi được cấp phép ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, Cơ quan/phóng viên phải tuân theo bất kì lệnh cấm nào theo luật định đối với việc công bố tên, thông tin chi tiết hoặc bằng chứng. Khi có lệnh cấm như vậy, nhân chứng không được chụp ảnh, quay phim hoặc ghi âm nếu không có sự cho phép của thẩm phán. Đồng thời, thẩm phán cũng có thể thu hồi cấp phép ghi âm, ghi hình bất cứ lúc nào nếu: (a) có sự vi phạm Nguyên tắc hoặc bất kì điều kiện nào của việc cấp phép; (b) bất kì bên nào phải chịu áp lực vô lí của giới truyền thông bên ngoài phòng xử án; (c) quyền được xét xử công bằng của một bên có thể hoặc sẽ bị tổn hại nếu việc đưa tin tiếp tục; (d) nếu việc đưa tin về phiên tòa đang làm gián đoạn quá trình tố tụng.

Việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình cũng chỉ được thực hiện nhân danh cơ quan truyền thông, báo chí (theo thông tin đã đăng kí). Nếu bên thứ ba muốn sử dụng bản ghi âm, ghi hình (ví dụ cơ quan báo chí B muốn sử dụng bản ghi âm, ghi hình mà cơ quan báo chí A có được theo cấp phép) thì bên đã được cấp phép trước đó (cơ quan A) phải đệ trình đăng kí mới lên tòa án, thay mặt cho bên thứ ba (cơ quan B) để được xem xét. Bản ghi âm phải thể hiện chính xác, công bằng và cân bằng về phiên điều trần và không được sử dụng hoặc xuất bản ngoài ngữ cảnh. Đơn đăng kí có giá trị trong suốt thời gian diễn ra mỗi sự kiện điều trần. Nếu phiên điều trần được hoãn lại sang một ngày mới, đơn đăng kí mới sẽ cần phải được nộp lại.

Trong quá trình ghi âm, ghi hình, phóng viên/người được cấp phép đưa tin phải tuân thủ một số quy định như:

- Bảo đảm độ trễ tối thiểu là mười phút trước khi bạn có thể phát hoặc xuất bản bản ghi của mình;

- Không được phép liên lạc điện tử trong khi thẩm phán đang ngồi tại hội trường xét xử hoặc trong phòng họp kín. Nếu có thể hãy ngồi ở khu vực dành riêng cho giới truyền thông (thường là ghế báo chí). Khi ở khu vực này, phóng viên có thể giao tiếp (không phô trương) qua thiết bị điện tử từ trong ra ngoài phòng xử án.

- Chỉ được phép có một camera trong phòng xử án, bất kể có bao nhiêu người được cấp phép ghi hình. Các phương tiện truyền thông cần phải quyết định xem máy ảnh của ai sẽ được sử dụng. Vị trí camera phải được thẩm phán chấp thuận. Các phóng viên được khuyến cáo cẩn thận khi quay phim trong và xung quanh tòa án để bảo đảm không công bố hình ảnh của bồi thẩm đoàn hoặc cá nhân được bảo vệ bởi lệnh ngăn chặn hoặc lệnh cấm theo luật định.

3. Một số khuyến nghị cho Việt Nam

Tranh luận về việc cho phép các cơ quan truyền thông được ghi âm, ghi hình tại phiên tòa đã được khởi xướng trong những năm gần đây ở Việt Nam. Có quan điểm cho rằng “Khi Tòa án đã xét xử công khai thì không được hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí. Công khai diễn biến phiên tòa không chỉ là yêu cầu chính đáng của nhân dân mà còn là nhiệm vụ của Tòa án để thể hiện uy quyền, vị thế trong thực hiện quyền tư pháp và thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật, gia tăng tính hiệu quả trong công tác xét xử”[11].

Nhiều quan điểm khác nhau đã được nêu ra trên các diễn đàn về việc cần cho phép ghi âm, ghi hình trong toàn bộ diễn biến của phiên tòa (thay vì chỉ ở một số thủ tục ở phiên tòa). Tiếp thu các quan điểm góp ý, Dự thảo (lần thứ 5) Luật tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi đã ghi nhận ở Điều 141 về “Tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp”. Theo đó, việc ghi âm/ghi hình của người tham dự phiên tòa được phân loại theo đối tượng của hoạt động ghi âm/ghi hình - chia thành hai nhóm:

Đối với việc ghi âm, ghi hình người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, “chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp”. Đối với việc ghi âm/ghi hình người tham gia tố tụng “phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp”.

Cách quy định như dự thảo có thể gây khó khăn cho tất cả các bên trong quá trình thực hiện, bởi vì người tham dự phiên tòa (nhất là với những người mới) có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt các giai đoạn của phiên tòa hoặc không xác định được các chủ thể tiến hành tố tụng hoặc tham gia tố tụng khác nhau. Bên cạnh đó, có thể phải tiếp tục đặt ra nhu cầu về giám sát người tham dự phiên tòa, giám sát việc ghi âm/ghi hình để đảm bảo tuân thủ nội dung của dự thảo. Từ đó sẽ dẫn tới những lãng phí về nguồn lực và thời gian.

Thông qua nghiên cứu khuôn khổ pháp lí quốc tế và kinh nghiệm một số quốc gia cho thấy:

- Quyền xét xử công bằng nói chung và bảo đảm tính công khai trong xét xử không đồng nghĩa với việc những người tham dự phải được ghi âm, ghi hình. Việc ghi âm, ghi hình có thể được thực hiện bởi chính tòa án nhằm phục vụ giám sát hoặc rà soát rút kinh nghiệm hoặc nghiên cứu cải thiện chất lượng, hiệu quả của hoạt động tố tụng. Bản ghi âm, ghi hình do tòa án thực hiện có thể được cung cấp công khai hoặc theo yêu cầu cung cấp thông tin (theo Luật tiếp cận thông tin) do Thẩm phán xem xét quyết định dựa trên từng trường hợp và từng phần nội dung có thể cung cấp.

- Có thể cho phép người tham dự được ghi âm, ghi hình diễn biến của phiên tòa, nhưng cần gắn liền với các điều kiện chặt chẽ nhằm bảo đảm sản phẩm ghi âm, ghi hình chỉ được phục vụ duy nhất cho những mục đích được tuyên bố (ví dụ mục đích truyền thông của cơ quan báo chí); nhằm phòng ngừa sử dụng bản ghi âm, ghi hình vào các mục đích cá nhân (bao gồm cả cá nhân phóng viên/người tham dự phiên tòa); bảo đảm trách nhiệm bảo mật thông tin của bên nắm giữ bản ghi âm, ghi hình.

- Việc sử dụng bản ghi âm/ghi hình/ảnh chụp tại phiên tòa phải có độ trễ nhất định so với diễn biến thực tế (nghĩa là không được truyền phát sóng trực tiếp, trừ những trường hợp theo luật định hoặc Hội đồng xét xử quyết định). Việc này nhằm bảo đảm những thông tin chưa được kiểm chứng qua lời khai của các bên hoặc thông tin có ảnh hưởng tiêu cực đến nạn nhân, gia đình bị hại… có thể được bảo mật kịp thời.

- Việc đăng kí trước và kiểm soát thiết bị mang theo trong phòng xử án cũng cần được coi trọng để đảm bảo người tham dự có nhu cầu ghi âm, ghi hình sẽ nhận được sắp xếp/bố trí/hỗ trợ phù hợp và tránh ảnh hưởng đến diễn biến phiên tòa cũng như những người tham dự khác.

Nếu chưa thể bảo đảm được những điều kiện và biện pháp giám sát quá trình sử dụng bản ghi âm, ghi hình, việc cho phép ghi âm, ghi hình tại phiên tòa sẽ dẫn đến những thiệt hại khó xác định đối với tất cả các bên liên quan.

[1] Liên hợp quốc (1948), Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, Điều 10.

[2] Human Rights Committee (2007), General Comment No. 32, đoạn 4. (Bình luận chung này đã được Trường ĐH Luật - ĐHQGHN dịch sang tiếng Việt trong ấn phẩm “Quyền con người: Tập hợp những Bình luận/ Khuyến nghị chung của Ủy ban công ước Liên hợp quốc”, NXB Công an nhân dân, 2010).

[3] Human Rights Committee (2007), General Comment No. 32, đoạn 25.

[4] Human Rights Committee (2007), General Comment No. 32, đoạn 28.

[5] Ủy ban Công ước quyền trẻ em (2007), Bình luận chung số 10, đoạn 64 và 66.

[6] Human Rights Committee (2007), General Comment No. 32, đoạn 12.

[7] Administrative Office Of The United States Courts, A Journalist’s Guide to the Federal Courts, xem tại: https://www.uscourts.gov/statistics-reports/publications/journalists-guide-federal-courts (truy cập ngày 10/6/2024).

[8] Administrative Office Of The United States Courts, Federal Court: Media Basics – Journalist’s Guide, xem tại: https://www.uscourts.gov/statistics-reports/federal-court-media-basics-journalists-guide (truy cập ngày 10/6/2024).

[9] Vương quốc Anh, Guidance Observe a court or tribunal hearing, xem tại: https://www.gov.uk/guidance/observe-a-court-or-tribunal-hearing (truy cập ngày 10/6/2024).

[10] Courts of New Zealand, In-court media coverage, xem tại: https://www.courtsofnz.govt.nz/going-to-court/media/reporting-the-courts/ (truy cập ngày 10/6/2024)

[11] Đặng Văn Cường (2024), Bàn về quy định ghi âm, ghi hình tại tòa phải xin phép, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, xem tại: https://lsvn.vn/ban-ve-quy-dinh-ghi-am-ghi-hinh-tai-toa-phai-xin-phep-1712377211.html (truy cập ngày 12/6/2024).

Tiến sĩ NGUYỄN ANH ĐỨC

Trường Đại học Luật, Đại học quốc gia Hà Nội

Sử dụng chứng cứ điện tử để chứng minh trong tố tụng hình sự

Từ khoá : lsvn.vn LSVN