/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số vướng mắc tại Điều 255 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Một số vướng mắc tại Điều 255 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

10/01/2022 19:33 |

(LSVN) - Để đảm bảo quyền của những người tham gia tố tụng, đặc biệt là quyền bào chữa của bị cáo; cho bị cáo quyền được biết mình bị truy tố và xét xử về tội gì, theo quy định tại điểm, khoản và điều luật nào của Bộ luật Hình sự; chúng tôi đề xuất cần chỉnh sửa điểm d, khoản 1, Điều 255 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng như sau: "d) Tội danh và điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự mà VKS truy tố và Toà án xét xử đối với bị cáo".

Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại Điều 255 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về nội dung "Quyết định đưa vụ án ra xét xử", cụ thể như sau:

“1. Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ghi rõ:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định; tên Tòa án ra quyết định; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa;

b) Xét xử công khai hay xét xử kín;

c) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của bị cáo;

d) Tội danh và điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự mà VKS truy tố đối với bị cáo;

đ) Họ tên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án; họ tên Thẩm phán dự khuyết, Hội thẩm dự khuyết, Thư ký Tòa án dự khuyết (nếu có);

e) Họ tên Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa; họ tên Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có);

g) Họ tên người bào chữa (nếu có);

h) Họ tên người phiên dịch (nếu có);

i) Họ tên những người khác được triệu tập đến phiên tòa;

k) Vật chứng cần đưa ra xem xét tại phiên tòa.

2. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm ghi rõ các nội dung quy định tại các điểm a, b, e, g, h, i và k, khoản 1, Điều này; tội danh và hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định; họ tên người kháng cáo, người bị kháng cáo, người bị kháng nghị; VKS kháng nghị; họ tên Thẩm phán, Thư ký Tòa án; họ tên Thẩm phán dự khuyết, Thư ký Tòa án dự khuyết (nếu có)”.

Như vậy, theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 255 thì quyết định đưa vụ án ra xét xử cần phải ghi tội danh và điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự mà VKS truy tố đối với bị cáo. Đây là nội dung quan trọng trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, ảnh hưởng đến quyền lợi của những người tham gia tố tụng, đặc biệt là quyền bào chữa của bị cáo.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều quy định mới, trong đó Điều 298 quy định về giới hạn xét xử của Toà án đã bổ sung thêm khoản 3, theo đó đã mở rộng phạm vi xét xử của Toà án. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định như sau: “Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội nặng hơn tội danh VKS truy tố thì Toà án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người địa diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Toà án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”.

Tuy nhiên, đối với trường hợp Toà án xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà VKS truy tố thì trong quyết định đưa vụ án ra xét xử có ghi tội danh và điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự mà Toà án xét xử hay không? Vấn đề này chưa được quy định trong Điều 255 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Do đó, để đảm bảo quyền của những người tham gia tố tụng, đặc biệt là quyền bào chữa của bị cáo; cho bị cáo quyền được biết mình bị truy tố và xét xử về tội gì, theo quy định tại điểm, khoản và điều luật nào của Bộ luật Hình sự; chúng tôi đề xuất cần chỉnh sửa điểm d, khoản 1, Điều 255 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng như sau: “d) Tội danh và điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự mà VKS truy tố và Toà án xét xử đối với bị cáo”.

Trên đây là một số nội dung liên quan đến Điều 255 Bộ luật Tố tụng hình sự mà chúng tôi chỉ ra, rất mong nhận được sự trao đổi từ bạn đọc.

TRẦN QUANG HIẾU

Thẩm tra viên, Toà án Quân sự Khu vực Quân khu 4

Những vấn đề pháp lý xung quanh việc đấu giá 04 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Lê Minh Hoàng