Một số yếu tố đặc trưng trong quan hệ Luật sư và khách hàng

12/01/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Việc nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá các yếu tố có tính chất quyết định việc tạo lập mối quan hệ giữa Luật sư và khách hàng là việc làm cần thiết phục vụ công tác xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, tự quản hành nghề Luật sư nói chung và trong ứng xử của Luật sư với khách hàng trong các vụ việc nói riêng. Điều này đặc biệt quan trọng khi hiện nay chúng ta đang định hướng xây dựng Luật Luật sư mới.

Ảnh minh họa.

Qua thực tiễn hoạt động nghề nghiệp, tác giả nhận thấy một số yếu tố đặc trưng có tính chất quyết định mối quan hệ Luật sư và khách hàng sau:

Thứ nhất, nghề Luật sư có tính chất định tính cao và ít tính chất định lượng.

Thước đo, cách đánh giá kết quả hoạt động nghiệp vụ của Luật sư phần nhiều dựa vào cảm tính, tình cảm, lý trí mà ít hoặc không đưa ra các định lượng được cân đong, đo đếm được cụ thể để đánh giá kết. Ví dụ, Luật sư tham gia bào chữa cho một bị cáo và Tòa án xử bị cáo hưởng án treo nhưng vẫn có thể có ý kiến cho rằng hoạt động của Luật sư chưa đạt kết quả cao vì bị cáo có thể được áp dụng cải tạo không giam giữ, được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt… Đối với các dịch vụ khác kết quả vụ việc được định lượng và thỏa thuận rất cụ thể và được xác định rõ ngay khi giao kết hợp đồng, ví dụ kết quả của dịch vụ vận tải là việc vận chuyển hàng hóa, con người đến đúng địa điểm, thời gian… được ghi trong hợp đồng.

Trong khi đó, pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định cấm Luật sư hứa hẹn, cam kết về kết quả thực hiện vụ việc với khách hàng đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng, điều đó cho thấy rất rõ tính chất định tính của nghề Luật sư trong quan hệ với khách hàng. Tâm lý chung người bỏ tiền thuê dịch vụ luôn hướng đến và yêu cầu người cung cấp dịch vụ phải đạt những kết quả cụ thể, rõ ràng và không dễ gì để thuyết phục được khách hàng chấp nhận hoạt động dịch vụ pháp lý của Luật sư không được cam kết kết quả với khách hàng.

Thứ hai, khách hàng thuê Luật sư trước hết dựa trên yếu tố niềm tin, sự kỳ vọng.

Trong khi đó khách hàng không nhận được sự hứa hẹn, bảo đảm về kết quả vụ việc. Chúng ta có thể gọi đó là sự tạm ứng niềm tin của khách hàng với Luật sư. Do các bên tạo lập quan hệ trên cơ sở niềm tin, việc mất niềm tin, đổ vỡ niềm tin cũng có thể xảy ra khi có tranh chấp hợp đồng giữa các bên. Vì vậy, việc minh định hóa, tiết chế và hướng khách hàng đến những niềm tin, kỳ vọng có thể thực hiện được là cần thiết.

Thứ ba, khách hàng lựa chọn và sử dụng dịch vụ của Luật sư với một sự kỳ vọng to lớn, thậm chí sự kỳ vọng đó vượt quá khả năng, năng lực và bản chất hoạt động của Luật sư có thể mang lại cho khách hàng. Do đó, việc xác định là làm rõ những công việc Luật sư có thể thực hiện và không thể thực hiện khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng là rất cần thiết để tránh nhầm lẫn, tranh chấp.

Thứ tư, khách hàng là bên yếu thế, sự yếu của khách hàng ở đây bao gồm sự yếu thế của một tổ chức, cá nhân đơn lẻ trước pháp luật mà trong đó ý chí của giai cấp chi phối quy định pháp luật. Sự yếu thế với các chủ thể khác trong vụ việc cụ thể; sự yếu thế với cơ quan công quyền khi giải quyết vụ việc của khách hàng; sự yếu thế của khách hàng so với Luật sư do sự ít hiểu biết về pháp luật hơn Luật sư.

Thứ năm, Luật sư không phải người có quyền quyết định. Hiện nay pháp luật giao quyền cho Luật sư chủ yếu trên nguyên tắc Luật sư là người được ủy quyền thực hiện các quyền của chính đương sự để bảo vệ đương sự. Luật sư chưa phải là người tiến hành tố tụng, do vậy quyền quyết định trực tiếp của Luật sư rất hạn chế. Quyền của Luật sư hiện nay chủ yếu thể hiện dưới góc độ là quyền vận dụng, sử dụng các quy định của pháp luật để buộc người thực thi pháp luật phải tuân thủ pháp luật.

Theo tác giả, đây là nội dung cần thiết phải sửa đổi trong thời gian tới theo hướng công nhận Luật sư là một chức danh tư pháp độc lập và giao Luật sư các quyền tự chủ, độc lập chỉ Luật sư mới có.

Thứ sáu, Luật sư không phải người làm được mọi việc. Luật sư là một nghề và chỉ làm được một số công việc. Để phục vụ nghề Luật sư cũng cần các nghề khác hỗ trợ. Ví dụ, Luật sư có thể đưa ra đánh giá về kết quả giám định chứ Luật sư không thể làm công tác giám định thay các cơ quan chuyên môn… Luật sư cần nhận thức và giải thích cho khách hàng hiểu điều này khi cung cấp dịch vụ.

Thứ bảy, quan hệ giữa Luật sư và khách hàng bắt buộc phải có căn cứ, có hợp đồng. Luật sư là một nghề và hoạt động Luật sư là cung cấp dịch vụ, nhưng dịch vụ của Luật sư liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, liên quan trực tiếp đến sinh mạng chính trị, pháp lý, sinh học của một tổ chức, cá nhân. Do vậy, tính có căn cứ và cần được xác lập bởi hợp đồng để ràng buộc trách nhiệm các bên là hết sức cần thiết.

Trong thời đại hiện nay các quy định về giao kết, hợp đồng dịch vụ của Luật sư cũng cần thích ứng linh hoạt phù hợp sự phát triển của xã hội. Việc yêu cầu hợp đồng của Luật sư phải bằng văn bản và có nhiều quy định quá cứng nhắc như hiện nay cũng cần xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư, các Luật sư Việt Nam