Năm Mão nói chuyện con mèo

21/01/2023 15:55 | 1 năm trước

(LSVN) - Đã từ lâu, 12 con giáp đã trở thành một biểu tượng quen thuộc và phổ biến trong đời sống của người Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến xuân về, năm cũ qua đi năm mới đến, người ta lại có dịp bàn luận, tìm hiểu về con giáp năm mới. Thường thì mỗi con đại diện cho một năm và trở thành con vật cát tường cho năm đó, được mọi người yêu thích, trân trọng tạc tượng, sáng tạo ra những tác phẩm văn hóa nghệ thuật độc đáo. Theo quy luật vận động của 12 con giáp, năm 2023 này là năm Quý Mão hay còn gọi là năm của con mèo.

Ảnh minh họa.

Mèo (hay còn được gọi là miêu hay tiểu hổ) được coi là loại thú nhỏ, cùng họ với hổ, báo (họ mèo), là loài vật được biết đến rộng khắp trên thế giới và xuất hiện trong nhiều nền văn hóa khác nhau, như: Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Theo các tài liệu khoa học, Ai Cập được coi là một trong những trung tâm thuần dưỡng mèo rất sớm (khoảng 6000 năm trước công nguyên). Người Ai Cập cổ đại rất coi trọng, sùng bái mèo coi như thần giữ kho thóc, vị thần bảo hộ và ban phúc cho con người (mèo được chôn theo vua chúa, chủ nhà phải cạo lông mày để tang, giết mèo bị án tử hình…).

Ở Ấn Độ, mèo tượng trưng cho kẻ khổ hạnh đi tìm hạnh phúc an lạc. Trung Quốc coi mèo là con vật báo điềm lành. Trong tôn giáo, đạo Phật coi mèo là kẻ vô cảm, đạo Hồi coi mèo khá tốt lành…

Ở Việt Nam, cách đây khoảng 2000 năm mèo đã được thuần dưỡng từ mèo rừng trở thành mèo nhà, với nhiều giống mèo khác nhau, như: Mèo tam thể, mèo mướp, mèo vàng, mèo đen, mèo xù lông… Mèo trở thành vật nuôi trong nhà, người bạn thân thiết, gần gũi với con người và cho tới hiện nay, mèo được coi là một trong những thú cưng, có dáng vẻ ngoan ngoãn, hiền lành, đáng yêu nên rất được yêu thương, chiều chuộng.

Trong văn hóa 12 con giáp của người Việt, mèo đứng ở vị trí thứ tư và được coi là con vật hiền lành. Khác với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và đặc biệt là Trung Quốc – nơi được coi là khởi nguồn của văn hóa 12 con giáp thì đây lại là con thỏ. Theo một số ghi chép đã lý giải rằng việc nhầm lẫn giữa thỏ và mèo là do người Trung Quốc tuổi Mão là tuổi con thỏ, người Việt gọi là tuổi mèo. Hoặc có ý kiến cho rằng cách gọi khác nhau có thể do đồng âm: Mao là Thỏ và Mao cũng là Mèo, một số khác thì giải thích, theo văn hóa Trung Quốc, nữ thần Mặt Trăng đã chọn thú cưng là một con thỏ, bởi chỉ có sinh vật này mới đủ khả ái để sánh bên vẻ đẹp cao quý của nàng. Nói cách khác Thỏ là hóa thân của nữ thần Mặt Trăng, là biểu tượng của sự thuần khiết và tốt bụng. Trong 12 con giáp, con thỏ được người Trung Quốc yêu thích nhất bởi sự dịu dàng, hoạt bát, thông minh, mưu trí đồng thời gửi gắm niềm mơ ước sống lâu, tượng trựng cho sự cát tường, hạnh phúc và khỏe mạnh.

Hình tượng con mèo cũng được phản ánh khá phong phú, đa dạng trong văn hóa dân gian Việt Nam, là nguồn cảm hứng, phương tiện cho những sáng tạo nghệ thuật. Trong nghệ thuật tạo hình dân gian, hình tượng mèo xuất hiện chễm chệ trong bức tranh Đám cưới chuột (dòng tranh Đông Hồ) với đầy hàm xúc về ý nghĩa, phản ánh những vấn đề xã hội sâu sắc, mối quan hệ giữa người yếu kẻ mạnh hay những bức phù điêu Mèo ngoặm cá, Mèo và cá tôm thường thấy ở điêu khắc đình chùa của người Việt. Có thể nói, những hình vẽ, tranh ảnh, sinh hoạt văn hóa về mèo đã làm cho cuộc sống của con người thêm phần thi vị.

Trong nghệ thuật ngôn từ dân gian thì con mèo hiện diện trong những câu chuyện kể như: Đeo nhạc cho mèo, Mèo lại hoàn mèo… Ở những tác phẩm này, mèo thường đóng vai là những kẻ phản diện, xấu tính, nham hiểm, gian xảo, mang đầy tính phê phán. Ngoài ra, trong kho tàng tục ngữ, thành ngữ, ca dao Việt Nam mèo hiện diện tương đối nhiều, như: Chó giữ nhà, mèo bắt chuột (ý nói ai cũng có nghề nghiệp, lĩnh vực của mình, đừng tị nạnh, đừng lấn át nhau); Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào (ngụ ý mỗi người đều có sở trường, thế mạnh riêng của người ấy, chưa chắc ai hơn ai), Chó chê mèo lắm lông (phê phán kẻ không thấy lỗi của mình, mà chỉ thấy lỗi của người khác); Chó tha đi, mèo tha lại (nói những vật không có giá trị bị bỏ bê chẳng ai thèm lấy)… Và trong cuộc sống hàng ngày, những câu nói liên quan đến mèo thường thấy như: Ăn như mèo hay cắn nhau như chó với mèo…

Trong lịch sử Việt Nam, cũng có rất nhiều các trạng nguyên, bảng nhãn, danh nhân văn hóa tuổi mèo, tiêu biểu như: Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, Mạc Đăng Dung, Phạm Ngũ Lão, Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Siêu,… Theo quan niệm của người xưa, mỗi người cầm tinh một con vật và dựa vào ngày giờ sinh để suy ra tính cách, dự đoán hành vi, vận mệnh của người đó. Người ta cho rằng, người tuổi mèo là người được thần linh bảo trợ (vận đỏ), có số mệnh may mắn nhất trong 12 con giáp. Họ là người có lối sống đơn giản, hiền lành, dễ thỏa hiệp, dễ hài lòng với những gì mình có, không nhiều tham vọng vì thế họ thường gây dựng được lòng tin, được quý mến, ít gặp rủi ro, biến cố. 

Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng từng nói: "Dường như người Việt Nam ta ở trong một thế lưỡng khi nhận thức về giống mèo", cụ thể như việc biểu tượng mèo là một biểu tượng đa nghĩa, là con vật đa năng, nó vừa là một loài “tinh quái”, “ranh vặt”, “vờ vịt”, “gian xảo”, kẻ báo hiệu điềm gở… nhưng đồng thời cũng lại là kẻ giúp việc đắc lực, con vật rất có ích cho con người, được con người yêu thương chiều chuộng như một người bạn gần gũi, gắn bó trong cuộc sống hàng ngày. Điều dễ nhận thấy là mặc dù rất yêu thích mèo nhưng người Việt Nam lại cho rằng gặp mèo là điềm gở, mèo đến nhà thì khó, bị coi là kẻ mang điều không may tới cho gia đình nên nó thường không được đón tiếp nồng hậu và thậm chí bị xua đuổi. Có ý kiến lý giải rằng, phải chăng vì vẻ thâm hiểm, bí ẩn bề ngoài, hành động không mấy thiện cảm khi lao vào chuột “kẻ gieo rắc cái chết từ phía không thể biết”. Hoặc do tiếng kêu “ngao ngao” gần với tiếng “nghèo nghèo” điều người ta thường không thích, đặc biệt trong dịp đầu năm mới.

Người Việt Nam cũng có một số kiêng kị khác liên quan đến mèo như quan niệm người chết nếu chưa khâm liệm phải canh kỹ và không được để mèo nhảy qua vì như vậy xác chết sẽ bật dậy ngay. Theo lý giải của một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, việc kiêng kị này bắt nguồn từ việc người ta sợ rằng luồng điện của mèo và người mất dễ chập vào nhau. Bởi đối với một người khi mất đi, hồn sẽ thoát ra ngoài từ khóe mắt có màu xanh phát quang giống như ánh sáng từ con đom đóm nên người xưa thường cho rằng khi nhìn thấy đom đóm là thấy ma, còn mèo khi về đêm mắt cũng có ánh sáng phát quang vì vậy nếu gặp nhau chúng dễ có sự xung đột tạo nên hiện tượng bất thường.

Cũng có truyện kể lại rằng, nếu nghe tiếng mèo gào vào nửa đêm là điềm báo sẽ có tai ương, kêu 07 tiếng thì sẽ có người phải lìa đời, còn kêu 09 tiếng thì như oan hồn người chết về nhập vào con mèo như muốn đi đòi mạng người còn sống. Theo quan niệm của một số dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày Thái, đặc biệt là Tây Thanh, Mãn Thanh, những người mất đi nếu sinh năm mèo sẽ cần phải thực hiện một nghi thức ma thuật, người ta sẽ đổ mỡ hoặc dầu ăn lên mặt quan tài để cho mèo liếm và khi đưa người chết đến gần điểm chôn thầy sẽ làm lễ cúng và chặt đôi con mèo. Người ta tin rằng khi làm như vậy hồn người chết sẽ không nhập vào con mèo. Vì vậy, những con mèo hay gào vào đêm người ta cho rằng chúng là quỷ dữ, chuyên báo hiệu cái chết.

Có thể nói, cùng với các loài vật khác, mèo là một trong 12 con giáp đã góp phần tạo nên nét văn hóa riêng, độc đáo, tạo nên bức tranh đời sống vô cùng phong phú, đa dạng cho người Việt ta từ xưa đến nay.

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ THANH MAI

Giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Lời chúc Tết Xuân Quý Mão 2023 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 
Từ khoá : lsvn.vn LSVN