Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Luật sư đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

10/06/2023 23:09 | 11 tháng trước

(LSVN) - Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng đã xác định việc “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bài viết thể hiện quan điểm về một số khía cạnh nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nghề Luật sư ở Việt Nam nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực pháp luật Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa.

Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 ghi nhận về chế định Luật sư của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký rất sớm ngay sau ngày giành được độc lập. Tuy nhiên, đào tạo nghề Luật sư ở Việt Nam chỉ được chính thức ghi nhận tại Pháp lệnh Luật sư năm 2001, với quy định “một trong những điều kiện để trở thành Luật sư là phải tốt nghiệp khóa đào tạo nghề Luật sư”. Khóa đào tạo nghề Luật sư đầu tiên trong cả nước đã được tổ chức vào năm 2000 tại Trường Đào tạo các chức danh tư pháp 3, với số lượng 125 học viên, có thời gian đào tạo là 4 tháng. Ngày 25/02/2004, Học viện Tư pháp được thành lập theo Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg mở đầu cho thời kỳ hoạt động đào tạo nghề Luật sư ở Việt Nam được thực hiện một cách chính quy, bài bản và cho đến nay đây cũng là nơi duy nhất trong cả nước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực Luật sư phục vụ cho nhu cầu của xã hội.

Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, việc đào tạo, bồi dưỡng hướng đến việc phát triển số lượng Luật sư, nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư để phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế khi gia nhập WTO và các định chế pháp lý quốc tế khác mà Việt Nam đã và đang chuẩn bị tham gia, cũng như để đáp ứng yêu cầu công cuộc cải cách tư pháp, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đặc biệt định hướng chiến lược “Đào tạo, phát triển đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn…”, qua đó khẳng định phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn là những nội dung nền tảng tạo nên chất lượng của đội ngũ Luật sư và đào tạo Luật sư chính là yếu tố then chốt để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Trên cơ sở các tiền đề pháp lý và nhu cầu của xã hội, Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 (Chiến lược phát triển nghề Luật sư), với mục tiêu tổng quát: “từng bước xây dựng nghề Luật sư ở Việt Nam thành một nghề với đội ngũ Luật sư, tổ chức Luật sư chuyên nghiệp, cung cấp dịch vụ pháp lý chất lượng đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội dân chủ, công bằng, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước”(1) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011. Quan điểm có tính định hướng và cũng là mục tiêu của Chiến lược là phát triển về số lượng đến năm 2020 có từ 18.000 đến 20.000 Luật sư; về chất lượng, phải từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp hoạt động của Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư để có thể đáp ứng được nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao của xã hội, đảm bảo thực hiện tốt chức năng xã hội và trách nhiệm của Luật sư đối với cộng đồng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả. Mặt khác, với định hướng lấy bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề là gốc của nghề Luật sư ở Việt Nam, kết hợp với tính “độc lập tương đối, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tuân theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam”, đề cao vai trò tự chủ của Luật sư và tính tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp, đòi hỏi càng phải phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Luật sư. Đồng thời, để thực hiện mục tiêu bổ sung nguồn lực cho các chức danh tư pháp và chức danh quản lý nhà nước từ đội ngũ Luật sư giỏi, có bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức phải tiến hành tốt việc quản lý Luật sư và đánh giá chất lượng Luật sư. Với mục tiêu đó, việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực nghề Luật sư để có thể phát triển đội ngũ Luật sư đủ về số lượng và chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu của xã hội; đồng thời phải ngày càng có nhiều Luật sư am hiểu pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, giỏi kỹ năng hành nghề Luật sư, có trình độ ngang tầm với các Luật sư trong khu vực và quốc tế... ngày càng trở nên cấp thiết.

Qua thực tiễn triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển nghề Luật sư”, có thể thấy được những kết quả hết sức tích cực và có ý nghĩa đối với sự phát triển đội ngũ Luật sư Việt Nam:

Số lượng Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư đã và đang phát triển mạnh mẽ

Hai năm sau khi có Pháp lệnh Luật sư năm 1989, cả nước chỉ có 186 Luật sư, tính đến 30/9/2001 số lượng Luật sư cả nước là 2.100 Luật sư. Thời điểm Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập vào tháng 5/2009, Việt Nam có tổng số là 5.300 Luật sư. Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nghề Luật sư, số lượng Luật sư của cả nước là 14.178. Có thể thấy, trong 10 năm thực hiện “Chiến lược phát triển nghề Luật sư” số lượng Luật sư tăng đều hàng năm, trung bình mỗi năm tăng hơn 700 Luật sư. Theo Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2022, Liên đoàn Luật sư Việt Nam hiện có hơn 17.300 Luật sư hoạt động trong toàn quốc. Qua số lượng nói trên, có thể thấy mục tiêu đến năm 2020 có từ 18.000 đến 20.000 Luật sư đã được đề ra trong “Chiến lược phát triển nghề Luật sư” vẫn chưa thực hiện được, mặc dù đã vượt qua mốc thời gian là 03 năm.

Sự phân bố nhân lực Luật sư không đồng đều

Số lượng Luật sư tăng nhanh nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở các thành phố lớn, đặc biệt là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong số 17.300 Luật sư của cả nước thì Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có gần 6.000 Luật sư, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh có hơn 7.000 Luật sư, chiếm hơn 2/3 tổng số Luật sư của cả nước, 61 Đoàn Luật sư còn lại có số lượng khoảng hơn 4.000 Luật sư, chiếm khoảng 30% số lượng Luật sư trong toàn quốc. Tỷ lệ này cho thấy sự mất cân đối trong phát triển nghề Luật sư giữa các vùng miền, xu thế phát triển nghề Luật sư theo quy luật của nền kinh tế thị trường và cả những khó khăn nhất định cho sự điều hành quản lý, cũng như đáp ứng một cách toàn diện nhu cầu xã hội.

Chất lượng đội ngũ Luật sư và khả năng đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý của xã hội chưa ngang tầm

Nếu chia bình quân đầu người theo dân số của Việt Nam (gần 100 triệu dân/17.300 Luật sư) sẽ có tỷ lệ xấp xỉ là 01 Luật sư/5.780 người dân. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Đoàn Luật sư, trong 05 năm kể từ năm 2015 đến 31/12/2020, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã tham gia 81.072 vụ án hình sự trong đó có 37.503 vụ án hình sự chỉ định và 72.028 vụ án hình sự được khách hàng mời; tham gia vào 67.339 vụ việc dân sự, 52.885 vụ việc trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, 4.097 vụ án hành chính, 1.854 vụ án lao động, tham gia tư vấn pháp luật 490.570 vụ việc, tham gia đại diện ngoài tố tụng 22.887 vụ việc, tham gia vào các dịch vụ pháp lý khác 22.880 vụ việc, tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí 161.996 vụ việc(2)... Các con số trên chỉ ra số lượng dịch vụ pháp lý của Luật sư nhìn chung năm sau tăng hơn năm trước, nhưng chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ đòi hỏi của xã hội trong các lĩnh vực dịch vụ pháp lý. Đặc biệt là tỷ lệ tham gia của Luật sư trong các vụ án hình sự là rất thấp, trong 05 năm (2015- 2020) chỉ có 81.072 vụ án hình sự có Luật sư tham gia (trong đó khoảng 50% là án chỉ định), chia đều các vụ án hình sự trên cho đội ngũ Luật sư Việt Nam thì mỗi Luật sư chỉ tham gia khoảng 0,8 vụ án trong 05 năm hành nghề Luật sư.

Các con số với tỷ lệ bình quân như trên cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của người dân chưa cao, sự phát triển của nghề Luật sư chưa thực sự mạnh mẽ để có thể đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của xã hội hoặc do vấn đề về nhận thức, thể chế pháp lý chưa đầy đủ dẫn đến vai trò, địa vị pháp lý của Luật sư trong tố tụng hình sự nói riêng và trong hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý nói chung vẫn còn hạn chế.

Đào tạo phát triển nguồn nhân lực Luật sư chưa thực sự tương xứng với nhu cầu xã hội

Thực tế cho thấy, nguồn để đào tạo đội ngũ Luật sư rất đa dạng, tiêu chuẩn trở thành Luật sư chỉ là cử nhân luật của bất kỳ loại hình đào tạo nào (Điều 10, 12 Luật Luật sư) đã mở rộng cửa cho đầu vào đào tạo Luật sư, cùng với sự gia tăng ồ ạt các loại hình đào tạo cử nhân luật của các trường đại học (từ xa, tại chức, liên thông...), cộng thêm sự kiểm soát, kiểm định chất lượng của các loại hình đào tạo cử nhân luật nói trên chưa thực sự chuẩn mực... đã góp phần ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đội ngũ Luật sư. Hơn nữa, kể từ khi việc đào tạo Luật sư được chính thức ghi nhận trong Pháp lệnh Luật sư năm 2001 và Luật Luật sư năm 2026, Học viện Tư pháp - Bộ Tư pháp cho đến nay vẫn là nơi duy nhất đảm trách công tác đào tạo nghề Luật sư ở Việt Nam. Kết quả công tác đào tạo Luật sư do Học viện Tư pháp thực hiện đã đáp ứng được về cơ bản đối với sự phát triển đội ngũ Luật sư cả về số lượng và chất lượng, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách tư pháp và phục vụ nhu cầu xã hội trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, vẫn chưa có căn cứ đầy đủ cho việc so sánh, đánh giá, đối chiếu sản phẩm của quá trình đào tạo để khẳng định chất lượng đào tạo đã đáp ứng được yêu cầu của Nhà nước và xã hội.

Thực tế vấn đề đào tạo nguồn nhân lực nghề Luật sư vẫn đang đặt ra những thách thức, yêu cầu và đòi hỏi thực sự cấp thiết để có thể xây dựng và phát triển một đội ngũ Luật sư ngang tầm với chức năng, vai trò mà xã hội giao phó, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu xã hội cả về kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp, cũng như sánh vai được với khu vực và quốc tế. Để thực hiện được mục tiêu này, cần phải xây dựng Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nghề Luật sư ở tầm vĩ mô, huy động các nguồn lực xã hội, quán triệt và thực hiện quyết liệt các quan điểm, đường lối, chính sách, định hướng của Đảng và Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực nghề Luật sư. Hiện vẫn còn rất nhiều những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nghề Luật sư nói riêng và nguồn nhân lực pháp luật nói chung cần phải tiếp tục được tháo gỡ.

Về nguyên nhân chủ quan, hiện chỉ có duy nhất một cơ sở đào tạo nghề Luật sư nên không thể có sự so sánh, đối chiếu về chất lượng đào tạo; việc tuyển chọn giảng viên có tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, tâm huyết để làm cán bộ, giảng viên cơ hữu vẫn còn gặp nhiều khó khăn; chương trình đào tạo vẫn mang nặng tính lý thuyết với nhiều giờ nghe giảng (độc thoại) với thời lượng quá lớn trong đào tạo nghề là chưa phù hợp. Mặt khác, đầu vào để tuyển chọn đào tạo đội ngũ Luật sư vẫn bị buông lỏng nên đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đội ngũ Luật sư tương lai...

Về nguyên nhân khách quan tác động đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nghề Luật sư, như môi trường hành nghề và cơ chế tố tụng vẫn chưa thực sự thuận lợi cho Luật sư phát huy vai trò trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý; hoạt động hành nghề của Luật sư còn gặp khó khăn do nhận thức của một số cá nhân, cơ quan trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; thể chế pháp luật trong lĩnh vực Luật sư đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn bộc lộ một số nội dung chưa theo kịp với yêu cầu xây dựng phát triển đội ngũ Luật sư, yêu cầu quản lý Luật sư và yêu cầu hội nhập quốc tế...

Ảnh minh họa.

Để định hướng, chỉ đạo, tháo gỡ những điểm nghẽn cho quá trình nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, cũng như nguồn nhân lực nghề Luật sư, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đã xác định: “Hoàn thiện thể chế về Luật sư và hành nghề Luật sư, để Luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với Luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề Luật sư. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế”.

Như vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nghề Luật sư đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực pháp luật Việt Nam, cần phải chú trọng định hướng, bổ sung xây dựng chương trình, nội dung đào tạo nguồn nhân lực nghề Luật sư, tập trung vào một số mục tiêu cụ thể sau:

Một là, cần nâng cao chất lượng đầu vào trong đào tạo nghề Luật sư, có sự tuyển chọn để trở thành Luật sư. Điều này đồng nghĩa với việc phải làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh, bảo đảm chất lượng các loại hình đào tạo cử nhân luật và bổ sung quy định phải tốt nghiệp một đại học chuyên nghành khác (ngoài luật) hoặc phải có quá trình thực tiễn nghề luật trong một thời gian nhất định mới được tham gia học kỹ năng nghề nghiệp, tập sự hành nghề và được chọn lọc (qua kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề) để trở thành Luật sư.

Hai là, hướng đến đào tạo tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho Luật sư. Đào tạo nghề Luật sư đòi hỏi phải tính đến việc tạo ra sản phẩm có tính chuyên nghiệp của nghề Luật sư, bởi chính những cá nhân Luật sư phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng khi thực hành nghề nghiệp trong môi trường chuyên nghiệp. Cần có sự hoạch định về kế hoạch, chương trình, mục tiêu đào tạo để tạo ra những sản phẩm có thể thích ứng ngay với các yêu cầu của xã hội, đáp ứng nhu cầu xã hội mà không phải mất một thời gian dài lúng túng, ngỡ ngàng trước đòi hỏi của thực tiễn, kể cả việc để xã hội phải định hướng hoặc đào tạo lại về nghề nghiệp. Do vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Luật sư cần được thực hiện thông qua việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế;

Ba là, hướng đến việc đào tạo để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức nghề nghiệp Luật sư, tính tự quản của hoạt động nghề nghiệp Luật sư. Tổ chức hành nghề Luật sư, các Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam buộc phải nâng tầm trình độ quản lý, chuyên môn hóa các bộ phận quản trị văn phòng, tài chính, kế toán một cách chuyên nghiệp để đáp ứng được yêu cầu tự quản phối hợp với quản lý nhà nước và nhu cầu xã hội. Đào tạo các kỹ năng quản trị tổ chức hành nghề Luật sư nói chung để nâng cao nhận thức, khả năng quản lý, điều hành của các Luật sư đối với các tổ chức hành nghề do mình thành lập hoặc nơi mình tham gia hành nghề, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ Luật sư và thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tự quản kết hợp với quản lý nhà nước đối với đội ngũ Luật sư.

Bốn là, công tác đào tạo nguồn nhân lực Luật sư cần chú trọng những phẩm chất đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư. Đây là một vấn đề khá cấp thiết đặt ra từ góc độ thực tiễn, đòi hỏi công tác đào tạo nghề Luật sư phải đặc biệt quan tâm trong định hướng, phát triển đội ngũ Luật sư nói riêng, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực pháp luật nói chung. Bởi lẽ, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp là một đòi hỏi tất yếu và cơ bản nhất về các phẩm chất và kỹ năng cần có của một Luật sư chuyên nghiệp. Một Luật sư giỏi chuyên môn nghiệp vụ, thạo nghề nhưng không có ý thức tôn trọng, tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, thì có thể sẽ dễ dàng bị cuốn vào những rủi ro tiềm ẩn, dễ bị vấp ngã, tha hóa trước những cám dỗ của vật chất, cạm bẫy, dẫn đến những hệ lụy xấu cho xã hội và cho thanh danh của giới Luật sư.

Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Luật sư được thực hiện thông qua việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề Luật sư. Nguyên tắc kết hợp giữa quản lý nhà nước và tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp phải được tôn trọng và thực hiện triệt để. Trong quá trình thực hiện, các bên phải chủ động thực hiện nhiệm vụ, chủ động phối hợp theo đúng quy định của pháp luật, phải luôn bảo đảm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được mỗi Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư, tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư tuân thủ thực hiện. Mặt khác, những công việc có tính tự quản thuộc phạm vi tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cần tôn trọng, không can thiệp, gây trở ngại khó khăn để hạn chế quyền tự quản theo quy định pháp luật.

Có thể khẳng định rằng, để trở thành một Luật sư thực thụ và xứng đáng với danh xưng cao quý đó, đòi hỏi một cá nhân phải được đào tạo bài bản và được tôi luyện trong môi trường nghề nghiệp. Đào tạo nghề Luật sư đóng vai trò tiền đề đặc biệt quan trọng có tính quyết định trong việc hình thành bước đầu những kỹ năng chuyên môn và đạo đức ứng xử nghề nghiệp cho Luật sư. Để chấm dứt tình trạng chỉ lấy chứng chỉ hành nghề, thẻ Luật sư về mặt hình thức, mang tính danh xưng nhưng không thực chất, không đáp ứng được đòi hỏi của công cuộc cải cách tư pháp cũng như yêu cầu xã hội, việc đào tạo nguồn nhân lực pháp luật nói chúng, trong đó bao gồm nguồn nhân lực nghề Luật sư phải được hoạch định một cách căn cơ trên cơ sở của một chính sách tổng thể về phát triển nguồn nhân lực đội ngũ Luật sư, có chú trọng đến tính đặc thù nghề nghiệp, cơ cấu vùng miền, tính nổi trội của hoạt động chuyên sâu (như tư vấn, tranh tụng, yếu tố quốc tế trong nghề nghiệp...), trên có sở đó định hướng và xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo phù hợp để phát triển mạnh mẽ đội ngũ Luật sư Việt Nam, không chỉ đáp ứng tốt cho nhu cầu của xã hội mà từng bước ngang tầm với khu vực và thế giới.

(1) Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Báo cáo tổng kết Chiến lược phát triển nghề Luật sư.

(2) Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tlđd.

Luật sư LÊ QUANG Y

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Xây dựng pháp luật bảo đảm sự lãnh đạo của đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp