Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ hiện trường trong điều tra vụ án hình sự

28/08/2023 23:23 | 8 tháng trước

(LSVN) - Khám nghiệm hiện trường là một hoạt động quan trọng nhằm truy nguyên những dấu vết, chứng cứ để góp phần tìm ra sự thật khách quan của vụ án hình sự. Tuy nhiên trong thực tế, hiện trường luôn bị thay đổi bởi tác động của con người, các yếu tố tự nhiên hoặc do sự tự biến đổi của bản thân của chúng. Các yếu tố này ít nhiều làm cho hiện trường không còn nguyên vẹn. Do đó, cần phải có hoạt động bảo vệ hiện trường, mặc dù có vai trò quan trọng trong như vậy nhưng công tác này hiện nay vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Vì vậy, bài viết này sẽ đưa ra một số hạn chế còn tồn tại và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo vệ hiện trường, từ đó giúp quá trình điều tra vụ án hình sự được nhanh chóng, khách quan và chính xác.

Ảnh minh họa.

Công tác bảo vệ hiện trường hiện nay được thực hiện thông qua 02 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất

Bắt đầu từ khi lực lượng bảo vệ tiếp cận hiện trường cho đến khi lực lượng điều tra, khám nghiệm hiện trường đến. Ở giai đoạn này, khi thực hiện công tác bảo vệ hiện trường cần phải triển khai các công việc như: Tiếp cận hiện trường; Ghi lại thời gian; Quan sát xác định giới hạn phạm vi hiện trường cần phải bảo vệ; bảo vệ dấu vết, vật chứng để không bị phá hủy; bảo vệ hiện trường để hiện trường không bị xáo trộn; Báo cáo với lực lượng điều tra, khám nghiệm hiện trường.

Giai đoạn thứ hai

Bắt đầu từ khi lực lượng điều tra khám nghiệm đến cho tới khi kết thúc cuộc khám nghiệm hiện trường. Việc bảo vệ hiện trường trong giai đoạn này cần phải thực hiện một số hoạt động như: Phối hợp với lực lượng khám nghiệm hiện trường; Tiếp tục canh gác, theo dõi biến động của người, xe cộ; Thực hiện những yêu cầu của Điều tra viên tại hiện trường; Có kế hoạch, biện pháp canh gác, bảo vệ, tạo điều kiện yên tĩnh và an toàn cho lực lượng khám nghiệm, điều tra tại hiện trường. Nhiệm vụ bảo vệ hiện trường của lực lượng bảo vệ chỉ kết thúc khi người chỉ huy lực lượng điều tra hay khám nghiệm tại hiện trường tuyên bố kết thúc cuộc khám nghiệm, bãi bỏ nhiệm vụ bảo vệ hiện trường.

Đối với hiện trường có nạn nhân bị thương

Cần nhanh chóng ghi nhận vị trí, tư thế, dáng điệu của người đó bằng cách mô tả, vẽ sơ đồ, chụp ảnh, đồng thời với việc cứu chữa nạn nhân, lấy lời khai ngắn gọn, ghi nhận dấu vết thương tích. Đối với hiện trường có nạn nhân chết: Phải giữ nguyên vị trí, tư thế, dáng điệu, trạng thái ban đầu của tử thi, di chuyển nạn nhân đến nơi phù hợp trong trường hợp cần thiết, bảo vệ tốt các dấu vết, vật chứng (máu, lông, tóc) nhất là khi di chuyển nạn nhân. Đối với hiện trường vụ trộm: Nhanh chóng xác định lối vào, ra khu vực hiện trường, bảo vệ từng khu vực khác nhau, xác định hậu quả, đặc điểm, loại tài sản vụ trộm; thời gian xảy ra, phát hiện; nhân chứng. Đối với hiện trường cháy, nổ và sự cố kỹ thuật: Phải xác định giới hạn bảo vệ dựa trên vị trí, đặc điểm, cấu trúc địa hình và tính chất của sự việc; thu giữ giấy tờ máy móc bị hư hỏng; hạn chế tối đa thiệt hại đối với tài sản.

Công tác bảo vệ hiện trường trong điều tra vụ án hình sự hiện nay có vai trò đặc biệt quan trọng như sau:

Thứ nhất, bảo vệ hiện trường có vai trò trong việc bảo vệ dấu vết, vật chứng để công tác thu thập chứng cứ khi khám nghiệm được chính xác, khách quan, đầy đủ. Bảo vệ hiện trường sẽ giảm thiểu tối đa sự dịch chuyển, xáo trộn dấu vết vật chứng, từ đó đảm bảo các dấu vết, vật chứng không bị thay đổi hay mất đi, giúp cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm được thuận lợi hơn. Đồng thời là cơ sở quan trọng trong việc xác định, phân tích, đánh giá phương tiện, công cụ gây án. Đây là một vai trò hết sức quan trọng nhằm giúp kết quả khám nghiệm hiện trường được kết quả khách quan nhất.

Thứ hai, bảo vệ hiện trường giúp cho hoạt động khám nghiệm của cơ quan điều tra được trng tâm, trọng điểm. Bởi lẽ, khi bảo vệ hiện trường lực lượng bảo vệ cần tiến hành xác định phạm vi, hiện trường cần bảo vệ, giới hạn khoảng không gian cần thiết nơi diễn ra sự việc. Cũng nhờ đó mà cơ quan điều tra có thể đánh giá sơ bộ về dấu vết, vật chứng, từ đó đưa ra được những phương pháp khám nghiệm hiện trường cụ thể, phù hợpđáng ứng yêu cầu điều tra.

Thứ ba, bảo vệ hiện trường giúp cơ quan điều tra làm việc độc lập, không bị cản trở, chống đối bởi các yếu tố, đối tượng xung quanh, từ đó lực lượng khám nghiệm được đảm bảo yên tĩnh, an toàn. Như trong một vụ án tai nạn giao thông, xảy ra ngay trên đường không tránh khỏi sự hiếu kỳ của người dân đi đường, có trường hợp người thân, người nhà của nạn nhân không kìm được đau thương lao vào hiện trường gây xáo trộn hiện trường, cản trở công tác khám nghiệm. Hoặc trong một số vụ án, thủ phạm quay lại hiện trường và có hành động tấn công, gây rối lực lượng khám nghiệm. Do đó, công tác bảo vệ hiện trường sẽ giúp cho cơ quan điều tra khám nghiệm được tập trung, không bị ảnh hưởng hay bị tác động bởi ngoại cảnh bên ngoài.

Mặc dù công tác bảo vệ hiện trường có vai trò đặc biệt quan trọng đối với khám nghiệm hiện trường và giải quyết vụ án, tuy nhiên thực tế công tác này vẫn còn tồn tại một số hạn chế, chưa đạt hiệu quả cao. Cụ thể:

- Mặc dù khám nghiệm hiện trường đã được quy định tại Điều 201, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 nhưng hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ về lực lượng bảo vệ hiện trường gồm những ai, ai có thẩm quyền, nhiệm vụ bảo vệ hiện trường và trách nhiệm bắt buộc khi thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào. Thực tế hiện nay, lực lượng bảo vệ hiện trường ngoài chính quyền địa phương, dân phòng, Ban Chỉ huy Quân sự xã, Công an xã/ phường còn có thể là công nhân nhà máy, xí nghiệp hoặc người dân nơi xảy ra hiện trường;

- Công tác tiếp cận, triển khai bảo vệ hiện trường trước khi cơ quan điều tra, lực lượng khám nghiệm hiện trường đến chưa được đảm bảo, khiến hiện trường bị xáo trộn, xê dịch, thay đổi, mất dấu vết, chứng cứ. Chưa chú ý bảo vệ hiện trường trong suốt quá trình khám nghiệm; các thông tin hiện trường còn bị lộ ra ngoài, bị các phần tử xuyên tạc gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án; thậm chí ảnh hưởng đến an ninh, chính trị. Ngoài ra, công tác bảo vệ hiện trường chưa thực sự được thực hiện cẩn thận, sự an toàn của lực lượng bảo vệ hiện trường bị đe dọa, dẫn đến nhiều thương vong đáng tiếc.

Từ những hạn chế còn tồn tại trong công tác bảo vệ hiện trường đã nêu ở trên, cần phải có một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hiện trường trong điều tra vụ án hình sự như sau:

Một là, hoàn thiện các quy định của pháp luật về vị trí, vai trò, thành phần, thẩm quyền, nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ hiện trường đảm bảo việc bảo vệ hiện trường được kịp thời, phá bỏ các hạn chế về thời gian, khoảng cách của lực lượng bảo vệ di chuyển đến hiện trường. Tăng cường xây dựng lực lượng bảo vệ hiện trường trong tương lai được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp có trình độ cao.

Hai, đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo công tác bảo vệ hiện trường được diễn ra thuận lợi, các thiết bị, công cụ hỗ trợ vừa mang tính bảo vệ cao vừa có khả năng di chuyển tốt, nhỏ gọn, thuận tiện, tránh cồng kềnh mà không đảm bảo được yêu cầu bảo vệ, nhất là các phương tiện sơ cứu cho nạn nhân phải được đảm bảo có hiệu quả.

Ba, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho mỗi người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa và những vấn đề có liên quan đến công tác bảo vệ hiện trường để họ không cản trở mà tích cực giúp đỡ hoặc chủ động, tích cực tham gia bảo vệ hiện trường đúng quy định khi lực lượng bảo vệ chưa kịp đến hiện trường. Đồng thời  nâng cao ý thức của người dân trong việc tiếp nhận, truyền bá thông tin, đảm bảo mỗi người dân có thái độ hợp tác, không cản trở lực lượng bảo vệ khám nghiệm hiện trường, không quay phim, chụp ảnh và đăng tin sai sự thật, không tập trung đông người.

Cuối cùng là, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng chuyên môn cho lực lượng bảo vệ hiện trường, nhất là đối với Công an xã, phường, bảo vệ dân phố còn chưa có những kỹ năng, nhận thức cơ bản về bảo vệ hiện trường. Đặc biệt là đào tạo nâng cao, bồi dưỡng chuyên môn trong việc sơ cứu nạn nhân, bảo vệ tài sản.

Mặt khác, cần phải đào tạo thêm về nghiệp vụ điều tra vụ án để lực lượng bảo vệ xác định được đối với vụ án thì việc thu thập chứng cứ nào là quan trọng, từ đó tập trung bảo vệ chứng cứ đó cho thật tốt. Bên cạnh đó, không ngừng bồi dưỡng đạo đức, nâng cao ý thức trách nhiệm, tập trung làm việc cho lực lượng bảo vệ, phải luôn tỉ mỉ, thận trọng không chỉ bảo vệ được hiện trường mà còn phải bảo vệ được chính bản thân mình.

                                                                              PHẠM VĂN PHƯƠNG

Tòa án Quân sự Quân khu 7

Quy định pháp luật về tội ‘Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự’: Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện