Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Luật sư góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật

11/04/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật” được xác định là trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới được quy định tại khoản 2, Mục III, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Ảnh minh họa.

Nghề Luật sư và con người Luật sư với tư cách là một bộ phận cấu thành của nguồn nhân lực pháp luật được ghi nhận và quy định cụ thể trong nhiều đoạn của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Tại đoạn 2, khoản 7, Mục IV, Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định: “Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá”. Cấu thành của hoạt động tranh tụng trong tố tụng tư pháp có nhiều yếu tố, nhiều chủ thể nhưng nổi bật, quan trọng và trực tiếp, chủ động thực hiện luôn luôn có hai nhóm chủ thể bao gồm bên buộc tội là Viện Kiểm sát và bên gỡ tội là Luật sư. Để đảm bảo chất lượng và tạo được sự đột phá của hoạt động tranh tụng việc nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư là đòi hỏi tất yếu.

Tại đoạn 10, khoản 7, Mục IV Nghị quyết số: 27-NQ/TW quy định: “Phát triển nhân lực Tư pháp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý. Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực Tư pháp”. Phát triển nguồn nhân lực pháp luật trong đó có phát triển nguồn nhân lực là Luật sư trong giai đoạn mới đã được Nghị quyết số 27-NQ/TW khẳng định và chỉ rõ.

Khoản 7, Mục IV Nghị quyết số: 27-NQ/TW quy định: “Hoàn thiện thể chế về Luật sư và hành nghề Luật sư, bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với Luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề Luật sư. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Củng cố Hội luật gia các cấp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thành viên Hội luật gia trong thực hiện nhiệm vụ đúng quy định pháp luật”. Luật sư và nghề Luật sư đã được Đảng, Nhà nước quan tâm quy định riêng trong một đoạn tại Nghị quyết số: 27-NQ/TW. Nghị quyết số 27-NQ/TW đã chỉ rõ nhiệm vụ trong quản lý, xây dựng, phát triển nghề Luật sư có thể kể đến bao gồm nhưng không giới hạn bởi các yếu tố sau.

Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực Luật sư trong tổng thể phát triển nguồn nhân lực pháp luật. Luật sư là một bộ phận cấu thành của nguồn nhân lực pháp luật, trong khi đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật được xác định là trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ hai, xây dựng và phát triển nghề Luật sư gắn với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là Luật sư thực hiện thông qua việc hoàn thiện thể chế về Luật sư và hành nghề Luật sư. Hiện nay chúng ta đang tiến hành việc tổng kết để xây dựng Luật Luật sư mới thay thế Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Luật sư qua việc bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Luật sư có chất lượng trước hết phải là Luật sư luôn tuân thủ chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Nghề Luật sư phát triển, để tạo được bước đột phá trong hoạt động tranh tụng, yếu tố kiên quyết là các quyền của Luật sư phải được bảo đảm trên thực tiễn và song song với đó đòi hỏi mỗi Luật sư thực hiện đúng, đủ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Luật sư được thực hiện thông qua việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của Tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với Luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề Luật sư. Quản lý hoạt động Luật sư kết hợp giữa quản lý Nhà nước và tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư; các hoạt động này cần thực hiện song song, hài hòa, không chồng lấn, đùn đẩy. Những công việc tổ chức xã hội – nghề nghiệp có khả năng thực hiện, thực hiện tốt, thực hiện có hiệu quả giao cho tổ chức xã hội – nghề nghiệp thực hiện tự quản. Nhưng công việc tư vấn có tính chất then chốt, bản chất phải quản lý theo nguyên tắc quản lý hành chính Nhà nước. Trong quá trình thực hiện các bên chủ động thực hiện nhiệm vụ, chủ động phối hợp theo đúng quy định của pháp luật. Bảo đảm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được mỗi cá nhân Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư, tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư tuân thủ và chủ chấp hành, thực hiện. 

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Luật sư thực hiện thông qua việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Nghị quyết quy định và chỉ ra nhiệm vụ phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư. Mục tiêu, sản phẩm của việc đào tạo, bồi dưỡng để có nguồn nhân lực lực Luật sư đáp ứng các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. 

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Nghĩa vụ của Luật sư