Nghị quyết 66-NQ/TW: Cột mốc chiến lược trong xây dựng thể chế pháp quyền số
Ngày 30/4/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật tại Việt Nam. Văn kiện này không chỉ định hướng hoàn thiện thể chế pháp luật mà còn nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong việc kiến tạo một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện đại, minh bạch và hiệu quả.
Khác với các giai đoạn trước, Nghị quyết 66-NQ/TW không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện hệ thống pháp luật thuần túy, mà còn đề cao tính “phát triển” của pháp luật – chuyển từ quản lý sang kiến tạo, từ phản ứng sang chủ động – với sự hỗ trợ của công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và các nền tảng tích hợp pháp lý. Đây là một bước tiến mang tính cải cách thể chế có chiều sâu.
Trong bối cảnh đó, vai trò của đội ngũ luật sư – với tư cách là lực lượng bổ trợ tư pháp theo Luật Luật sư – trở nên đặc biệt quan trọng, không chỉ ở phương diện hành nghề, mà còn ở vai trò đồng kiến tạo thể chế, định hình chuẩn mực pháp lý và lan tỏa tinh thần pháp quyền trong xã hội.

Luật sư Lưu Tiến Dũng - Hãng luật La Défense.
Những thách thức thể chế cần được nhìn nhận thẳng thắn
Không thể phủ nhận rằng trong những năm qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có bước tiến lớn về tính đồng bộ, công khai, minh bạch và khả năng thích ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều “nút thắt thể chế” gây cản trở trong thực tiễn áp dụng phải kể đến như:
Nhận thức pháp luật của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến nhiều vi phạm không chủ ý. Năng lực thi hành pháp luật của một số cơ quan còn chưa đồng đều, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận công lý; Một số cơ quan nhà nước chưa thực sự quyết liệt trong thi hành pháp luật.
Tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn pháp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật vẫn diễn ra phổ biến, nhất là trong các lĩnh vực mới như fintech, bảo vệ dữ liệu cá nhân, giao dịch điện tử hoặc công nghệ blockchain gây khó khăn cho việc áp dụng.
Tư duy quản lý theo kiểu hành chính – mệnh lệnh vẫn còn đậm nét trong hoạt động lập pháp, làm hạn chế vai trò giám sát và phản biện của xã hội, bao gồm giới luật sư;
Thiếu cơ chế thử nghiệm pháp lý (sandbox) cho các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo – khiến các doanh nghiệp, nhất là startup công nghệ, rơi vào “vùng trũng pháp lý”.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, luật sư phải đối mặt với thách thức kép: vừa tư vấn dựa trên các quy định hiện hành, vừa dự đoán xu hướng pháp lý mới để hỗ trợ thân chủ hiệu quả. Thực trạng này đòi hỏi một cuộc cải cách thể chế mạnh mẽ, trong đó số hóa pháp lý trở thành hướng đi tất yếu.
Chính trong bối cảnh đó, Nghị quyết 66-NQ/TW không chỉ đưa ra các mục tiêu chính sách mà còn định hình lại cách tiếp cận lập pháp và thực thi pháp luật dựa trên nền tảng số và sự tham gia sâu rộng của xã hội – trong đó có đội ngũ luật sư.
Tầm nhìn chiến lược từ Nghị quyết 66-NQ/TW
Nghị quyết 66-NQ/TW mang đến một tư duy đột phá, chuyển từ quản lý bằng luật sang phát triển bằng luật, trong đó công nghệ số đóng vai trò cốt lõi. Văn kiện này định hướng rõ các giải pháp chiến lược, từ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong rà soát và xây dựng văn bản pháp luật, phát triển các nền tảng số như Cổng Pháp luật quốc gia, đến xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật trong xã hội. Nghị quyết nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, đồng thời khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào quá trình lập pháp và giám sát thi hành pháp luật.
Nghị quyết 66 không chỉ là định hướng cho các cơ quan nhà nước mà còn là cơ hội để luật sư khẳng định vai trò trong việc kết nối pháp luật với thực tiễn. Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Cổng Pháp luật quốc gia, ra mắt ngày 31/5/2025, với sự tích hợp trí tuệ nhân tạo, là một công cụ quan trọng giúp luật sư tiếp cận nhanh chóng các văn bản pháp luật, từ đó nâng cao hiệu quả tư vấn và hỗ trợ thân chủ. Những đổi mới này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của luật sư mà còn đặt ra yêu cầu mới về năng lực chuyên môn và khả năng ứng dụng công nghệ.

Luật sư Nguyễn Linh - Hãng luật La Défense.
Luật sư – Nhân tố trung gian kết nối pháp luật với đời sống số hóa
Luật sư, với tư cách là lực lượng bổ trợ tư pháp theo Luật Luật sư 2006 (sửa đổi), đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 66-NQ/TW. Trong bối cảnh số hóa, trách nhiệm của luật sư không chỉ dừng lại ở việc đại diện và bảo vệ quyền lợi thân chủ mà còn mở rộng sang tư vấn pháp lý trong các lĩnh vực công nghệ mới, tham gia xây dựng chính sách, phổ biến pháp luật và thúc đẩy dịch vụ pháp lý số.
Trong các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain hay bảo vệ dữ liệu cá nhân, luật sư cần am hiểu cả pháp luật và công nghệ để tư vấn hiệu quả. Các tranh chấp liên quan đến giao dịch điện tử hoặc vi phạm quyền riêng tư trên mạng ngày càng gia tăng, đòi hỏi luật sư phải cập nhật liên tục các quy định như Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2023. Việc sử dụng các công cụ số để phân tích dữ liệu pháp lý cũng giúp luật sư đưa ra các giải pháp nhanh chóng và chính xác hơn.
Luật sư còn có vai trò quan trọng trong việc tham gia xây dựng và phản biện chính sách pháp luật. Nghị quyết 66 khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội, trong đó luật sư có thể đóng góp ý kiến thông qua Cổng Pháp luật quốc gia để hoàn thiện các dự thảo luật. Việc đề xuất cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong các lĩnh vực như fintech hay kinh tế số sẽ giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Tham gia vào quá trình này không chỉ giúp luật sư bảo vệ lợi ích của thân chủ mà còn góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ và khả thi.
Việc phổ biến và giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng của luật sư trong kỷ nguyên số. Thông qua các nền tảng trực tuyến hoặc mạng xã hội, luật sư có thể giải thích các quy định pháp luật một cách dễ hiểu, từ đó nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về quyền, nghĩa vụ của mình. Việc sử dụng các công cụ số như video hoặc bài viết trực tuyến là cách hiệu quả để tiếp cận các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt trong các vấn đề như bảo vệ dữ liệu cá nhân hay chống lừa đảo trên không gian mạng.
Luật sư cũng có thể thúc đẩy dịch vụ pháp lý số và trợ giúp pháp lý để hỗ trợ các đối tượng yếu thế. Nghị quyết 66 đề xuất nghiên cứu chế định luật sư công, mở ra cơ hội để luật sư hỗ trợ người nghèo và doanh nghiệp nhỏ tiếp cận công lý thông qua các nền tảng số như Cổng Pháp luật quốc gia.
Những thách thức nội tại của nghề luật sư trong kỷ nguyên số
Mặc dù Nghị quyết 66-NQ/TW mang lại nhiều cơ hội, luật sư cũng đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh số hóa. Sự thiếu hụt nhân lực luật sư có chuyên môn về công nghệ số là một vấn đề lớn. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, Việt Nam dù có hơn 15.000 luật sư đang hành nghề, nhưng số lượng người có thể tư vấn sâu về công nghệ số, AI, dữ liệu cá nhân còn rất hạn chế.
Việc áp dụng các công cụ số như trí tuệ nhân tạo pháp lý đòi hỏi đầu tư lớn về hạ tầng và kỹ năng, dẫn đến một thực trạng chênh lệch về nguồn lực giữa các công ty luật:Trong khi các hãng lớn có điều kiện đầu tư công nghệ pháp lý, nhiều văn phòng luật sư nhỏ gần như “đứng ngoài cuộc chơi”.
Chưa kể đến, việc ứng dụng AI vào công việc tư vấn nếu không có khuôn khổ đạo đức sẽ tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng và sai lệch pháp lý, có khả năng dẫn đến thiếu chuẩn đạo đức hành nghề trong môi trường số.
Để khắc phục những rào cản nêu trên, các đoàn luật sư cần tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về công nghệ số, từ phân tích dữ liệu pháp lý đến sử dụng các nền tảng như Cổng Pháp luật quốc gia. Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ các hãng luật nhỏ tiếp cận công nghệ, thông qua Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật theo Nghị quyết 66. Việc nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp trong môi trường số cũng rất quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và tránh lạm dụng công nghệ.
Luật sư – người kiến tạo niềm tin pháp lý trong hành trình hiện đại hóa thể chế toàn dân tộc
Nghị quyết 66-NQ/TW không chỉ là định hướng mang tính chiến lược của Đảng về hoàn thiện thể chế pháp luật, mà còn là lời hiệu triệu đối với giới luật sư trong việc chủ động tham gia kiến tạo pháp quyền số hóa. Đó là một hành trình đòi hỏi tư duy cải cách, năng lực thích ứng công nghệ, tinh thần trách nhiệm xã hội và cam kết gìn giữ sự chuẩn mực nghề nghiệp trong kỷ nguyên mới.
Luật sư không chỉ bảo vệ công lý – mà còn kiến tạo niềm tin pháp lý – góp phần quan trọng vào việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại, dân chủ, minh bạch và vì nhân dân phục vụ.
Luật sư LƯU TIẾN DŨNG - Luật sư NGUYỄN LINH
HÃNG LUẬT LA DÉFENSE