Ảnh minh họa.
Theo Chỉ thị 29/CT-TTg, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đối với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá linh hoạt theo thị trường nhằm ổn định thị trường ngoại tệ... góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng: nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức tín dụng bảo đảm các chính sách của Nhà nước đến với người dân, doanh nghiệp kịp thời, đúng đối tượng.
Chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi, như: Chương trình gói tín dụng 140 nghìn tỉ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; mở rộng Chương trình cho vay 30.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử
Bộ Công thương chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính sớm nghiên cứu và xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử hiện đang tạo sức ép lớn lên hàng hóa sản xuất trong nước, ảnh hưởng tới tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nội địa.
Đồng thời, tổ chức các chương trình khuyến mại trên phạm vi vùng và toàn quốc, phối hợp với các địa phương tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, phân phối các sản phẩm OCOP, đưa hàng hóa đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp để kích cầu tiêu dùng trong nước.
Tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và doanh nghiệp lớn toàn cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Rà soát, xử lý các tồn đọng ở các dự án sản xuất các mặt hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến có vai trò quan trọng; kịp thời tháo gỡ khó khăn để các dự án này sớm đi vào hoạt động, góp phần tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng dịp cuối năm.
Thúc đẩy thu hút đầu tư các dự án sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu, tăng năng lực sản xuất và tạo thêm việc làm, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên, nhiên vật liệu cơ bản của nước ngoài.
MẠNH TRẦN
Gia tăng giả mạo ngân hàng hỗ trợ xác thực khuôn mặt, mở thẻ, ứng lương