/ Tích hợp văn bản mới
/ Sau khi sáp nhập, mỗi xã sẽ có bao nhiêu biên chế cán bộ, công chức, viên chức?

Sau khi sáp nhập, mỗi xã sẽ có bao nhiêu biên chế cán bộ, công chức, viên chức?

02/05/2025 11:20 |21 ngày trước

(LSVN) - Với mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, Chính phủ vừa có định hướng cụ thể về biên chế cấp xã sau khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính. Theo đó, bình quân mỗi xã mới hình thành sau sắp xếp dự kiến sẽ có khoảng 32 biên chế chính thức, gồm cán bộ, công chức, viên chức.

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, trong đó nêu rõ về biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã.

Đáng chú ý trong đề án là việc tái cơ cấu toàn diện hệ thống hành chính cấp xã, theo hướng tinh giản đầu mối nhưng không cắt giảm vội vàng biên chế, mà sẽ tiến hành giữ nguyên biên chế hiện có để đảm bảo quá trình chuyển đổi không bị đứt gãy trong thực thi công vụ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, toàn bộ biên chế của cấp huyện và cấp xã trước khi sắp xếp sẽ được điều chuyển phù hợp cho các đơn vị hành chính cấp xã mới. Trong giai đoạn đầu, số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp xã vẫn được giữ nguyên, tuy nhiên sẽ có lộ trình rà soát, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ trong vòng 05 năm, đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc trong điều kiện quản lý mới rộng hơn và phức tạp hơn.

Đồng thời, Chính phủ cũng giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng lại hệ thống vị trí việc làm tại cấp xã, căn cứ vào dân số, địa bàn quản lý, trình độ phát triển và khối lượng công việc thực tế. Từ đó, trình cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ chính thức biên chế phù hợp cho từng địa phương.

Bên cạnh đó, sẽ chấm dứt việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo mô hình cũ. Tuy nhiên, chính quyền địa phương có thể xem xét sắp xếp lại lực lượng này để đảm nhận công tác tại thôn, tổ dân phố nếu phù hợp, hoặc giải quyết chính sách nghỉ việc theo đúng quy định pháp luật đối với những trường hợp không bố trí được công tác.

Căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế xã hội của các đơn vị hành chính cấp xã, Chính phủ định hướng giao tổng biên chế chính quyền địa phương cấp xã cho các địa phương (dự kiến bình quân khoảng 32 biên chế/01 cấp xã).

Trên cơ sở đó, giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định số lượng biên chế đối với chính quyền địa phương từng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Về chế độ, chính sách, quy định nêu rõ, bảo lưu chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ hiện hưởng (nếu có) của cán bộ, công chức được bố trí làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp trong thời gian 6 tháng. Sau thời gian này sẽ thực hiện chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ phù hợp với quy định mới của pháp luật.

Đồng thời, tiếp tục xác định thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính; trước mắt giữ nguyên thôn, tổ dân phố hiện có. Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu và xác định lộ trình sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế và thực hiện chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý các trường THCS, tiểu học, mầm non, trạm y tế của đơn vị cấp xã mới để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại cơ sở và bảo đảm đủ trường, lớp cho học tập của học sinh trên địa bàn cấp xã.

Đối với đơn vị sự nghiệp khác, Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tinh gọn đầu mối, bảo đảm cung ứng nhiều dịch vụ công cơ bản, thiết yếu trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã, liên xã, phường.

Ngoài ra, một nội dung quan trọng khác được công bố tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 khóa XIII vào chiều ngày 12/4 là định hướng giảm khoảng 60–70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay trên phạm vi toàn quốc. Đây sẽ là đợt sáp nhập sâu rộng nhất từ trước đến nay, hướng đến xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu quả.

Để phục vụ cho kế hoạch lớn này, Bộ Nội vụ đã trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025. Dự thảo cũng đưa ra quy định về cách đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập, trong đó ưu tiên đặt tên ngắn gọn, dễ nhớ, mang yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống địa phương và nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Đặc biệt, tên mới không được trùng với tên đơn vị hành chính cùng cấp trong cùng địa phương hoặc các địa phương khác theo định hướng phát triển tương lai. Dự thảo cũng khuyến khích đặt tên theo số thứ tự hoặc gắn với tên huyện, giúp dễ dàng đồng bộ trong quá trình số hóa và quản lý dữ liệu thông tin.

Với các bước đi được tính toán kỹ lưỡng và có lộ trình rõ ràng, Đề án không chỉ giúp tinh giản bộ máy hành chính mà còn hướng đến xây dựng nền hành chính số, hiện đại và gần dân hơn, đồng thời đảm bảo quyền lợi, công việc và chất lượng phục vụ người dân trong bối cảnh đổi mới toàn diện hệ thống quản lý nhà nước ở cấp cơ sở.

TRẦN QUÂN

Các tin khác