Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Nghị định này quy định chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (sau đây gọi tắt là bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện); Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; hồ sơ, thủ tục tham gia, giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; quyền và trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, người lao động đối với bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Người lao động thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện (sau đây gọi tắt là người lao động).
Nghị định này cũng được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Nghị định số 143/2024/NĐ-CP nêu rõ, người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định là giám định mức suy giảm khả năng lao động, trợ cấp tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;
- Không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Cụ thể, người lao động không được hưởng các chế độ tai nạn lao động theo quy định nếu tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân sau:
- Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động;
- Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
- Sử dụng chất ma tuý, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.
Có thể thấy, đây là quy định mới, trước đây, các quy định về bảo hiểm tai nạn lao động chủ yếu được quy định trong Nghị định 37/2016/NĐ-CP, Nghị định 88/2020/NĐ-CP và Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015. Những văn bản này chỉ áp dụng cho người lao động có hợp đồng lao động chính thức. Theo đó, bảo hiểm tai nạn lao động bắt buộc được thực hiện bởi người sử dụng lao động, nghĩa là doanh nghiệp hoặc cá nhân sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm cho người lao động có hợp đồng từ đủ 1 tháng trở lên.
Với lao động không có hợp đồng, không có quy định cụ thể nào cho phép tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, do đó không được bảo vệ bởi các chế độ như trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, hay hỗ trợ phục hồi chức năng nếu gặp tai nạn trong quá trình làm việc.