/ Kết nối
/ Nhận thức và áp dụng pháp luật nhìn từ thực tiễn xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua - Một số ý kiến và giải pháp

Nhận thức và áp dụng pháp luật nhìn từ thực tiễn xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua - Một số ý kiến và giải pháp

06/03/2025 22:01 |

(LSVN) - Tham luận tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” tổ chức tại Hà Nội ngày 06/3/2025.

Kính thưa Lãnh đạo Đảng và Nhà nước;

Kính thưa Ban tổ chức Hội thảo;

Kính thưa các nhà khoa học, các quý vị đại biểu tham dự Hội thảo.

Tôi xin trân trọng cám ơn Ban Tổ chức Hội thảo cho phép tôi được phát biểu tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”. Liên quan chủ đề của Hội thảo, tôi đã có bài tham luận “Nhận thức và áp dụng pháp luật nhìn từ thực tiễn xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua - Một số ý kiến và giải pháp”. Trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp của Hội thảo, tôi xin phép được phát biểu làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến tham luận của mình như sau:

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài phát biểu tại Hội thảo.

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài phát biểu tại Hội thảo.

Thứ nhất, suy nghĩ về nguyên nhân và điều kiện nảy sinh các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng

Tôi xin phép chia sẻ ở phạm vi cá nhân, nhìn lại quãng thời gian 43 năm kể từ khi vào ngành tư pháp TP. Hồ Chí Minh, tôi được chứng kiến dòng chảy lịch sử pháp luật nước nhà từ sau chủ trương đổi mới Đảng từ Đại hội IV (1986), thấy được những bước chuyển quan trọng trong hệ thống pháp luật khi điều chỉnh các quan hệ của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Đến nay, hệ thống pháp luật (trong đó có pháp luật trong lĩnh vực quản lý kinh tế) cơ bản được hoàn thiện, trở thành lực đẩy thúc đẩy sự phát triển các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, tiến trình cải cách tư pháp của đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả to lớn, cùng với mặt trái của nền kinh tế thị trường, có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến quá trình xây dựng và thực thi pháp luật. Tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương, nhiều ngành để xảy ra các vụ án trong lĩnh vực quản lý kinh tế, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến vận khí đất nước. Là một trong những chủ thể tham gia tố tụng, thực hiện chức năng xã hội cao quý của nghề luật sư, thời gian qua, đội ngũ luật sư Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc góp phần cùng các cơ quan và người tiến hành tố tụng làm rõ sự thật khách quan, nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và công dân, thể hiện được bản chất dân chủ trong hoạt động tố tụng hình sự.

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Hội thảo.

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Hội thảo.

Từ thực tiễn tham gia tố tụng hình sự từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay, chúng tôi nhận thấy, mỗi vụ án hình sự nảy sinh bao giờ cũng có những nguyên cớ của nó. Các nhà tội phạm học khi đề cập đến tình hình phạm tội như một hiện tượng xã hội, xác định các tiêu chí đánh giá và nguyên nhân, điều kiện thực hiện tội phạm, dự báo kế hoạch phòng chống tội phạm đều quan tâm đến sự tác động, điều chỉnh của các chính sách, pháp luật trong nhiều trường hợp, đã nảy sinh những bất cập, mâu thuẫn với sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội. Các vụ án hình sự liên quan lĩnh vực quản lý kinh tế, đôi khi là sự biểu hiện ra bên ngoài của quá trình tích tụ mâu thuẫn, va đập giữa chính sách, pháp luật và đời sống.

Sự biểu hiện ra bên ngoài những mâu thuẫn nội tại của bản thân nền kinh tế, sự va đập của chính sách, pháp luật trong đời sống đã chỉ ra những bất cập của nó. Mục đích tồn tại của xã hội không phải chỉ vì luật pháp và ngược lại, chính luật pháp, nói hẹp hơn là nền tư pháp, trong một chừng mực nhất định cần thấu hiểu hơn ai hết “cơ thể xã hội” mà nó đang tồn tại, để điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển. C.Mác đã từng nói: “Dưới chế độ dân chủ, không phải con người tồn tại vì luật pháp, mà luật pháp tồn tại vì con người… Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy”.

Đánh giá cho đúng những mặt biểu hiện của nó không phải là điều đơn giản, nhưng qua thực tiễn xét xử các vụ án hình sự trong lĩnh vực quản lý kinh tế có thể cho phép nhận ra mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa chủ trương, chính sách và pháp luật với thực tiễn sinh động của đời sống kinh tế-xã hội. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp, các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ quyền lợi cho các đương sự có nhiều nỗ lực trong việc phát hiện sự bất cập, mâu thuẫn, thiếu sót trong các quy định của pháp luật. Từ đó, trong nhiều trường hợp, đã chỉ ra một phần nguyên nhân nảy sinh tội phạm xuất phát từ pháp luật không theo kịp với đời sống, nhận thức và áp dụng pháp luật không đúng trở thành nguyên nhân phát sinh tội phạm. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, các bản án có hiệu lực pháp luật trở thành tiêu chí đánh giá mức độ phát triển và thực thi pháp luật, là cơ sở quan trọng trong định hướng xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong kỷ nguyên mới của đất nước.

Thứ hai, một số bất cập, vướng mắc trong hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế nhìn từ thực tiễn xét xử một số vụ án kinh tế, tham nhũng

Nhìn lại thực tiễn xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thời gian qua, chúng tôi nhận thấy khi đánh giá nguyên nhân và điều kiện phát sinh vụ án và dẫn đến hành vi bị coi là tội phạm được xem xét trên 02 phương diện: (1) Sự bất cập, vướng mắc, thiếu sót nội tại của hệ thống pháp luật; và (2) Nhận thức và áp dụng pháp luật của các chủ thể xã hội. Có một thực tế là trong nhiều vụ án hình sự, ngay cả một số người từng được đảm nhận trách nhiệm cao trong bộ máy nhà nước cho đến chủ doanh nghiệp nhà nước, được đào tạo và trang bị kiến thức pháp luật cơ bản, nhưng khi điều hành, quyết định xử lý vụ việc lại có nhận thức và áp dụng pháp luật khác nhau, là nguyên nhân dẫn đến hành vi bị coi là sai phạm. Đại diện một số Bộ, ngành chức năng khi trả lời yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, một số kết luận giám định của các Hội đồng giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp về tài chính, kế toán, cũng thể hiện cách hiểu và vận dụng pháp luật rất khác nhau…

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Về sự bất cập, vướng mắc trong nội tại của các quy định pháp luật về quản lý kinh tế, nhận thức và áp dụng, là yếu tố tác động đến việc xác định sự thật khách quan và là một trong những nguyên nhân phát sinh các vụ án hình sự. Qua thực tiễn xét xử một số vụ án kinh tế, tham nhũng điển hình, tôi xin nêu ra một số bất cập chính mà Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã chỉ ra, các luật sư kiến nghị, được ghi nhận trong các bản án của tòa án các cấp:

- Trong vụ án Tamexco cách đây hơn 30 năm, có liên quan đến chủ trương làm thử việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng (hay còn gọi chủ trương “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng”) áp dụng thí điểm cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau đó nhiều địa phương khác cũng áp dụng, trước thời điểm ban hành Nghị định 18/CP. Đây là chủ trương đúng đắn, nhưng là vấn đề mới, việc tổ chức thực hiện của địa phương không đúng với sự chỉ đạo của Chính phủ, việc đấu thầu công trình gắn liền với việc xét giao quyền sử dụng đất làm không chặt chẽ, dẫn đến sai phạm, các Đoàn kiểm tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Đoàn công tác của Chính phủ phải tiến hành kiểm tra trong năm 1994, từ đó phát sinh vụ án.

- Trong vụ án Minh Phụng-Epco xảy ra cách đây gần 30 năm, liên quan đến nhận thức và cách hiểu khác nhau về khái niệm về quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất, cùng với nó là sự khác biệt khái niệm giữa giá trị đất và giá trị quyền sử dụng đất, giữa cơ chế giao đất và cho thuê đất. Khi Nghị định 18/CP ngày 13/02/1995 được ban hành, quy định từ 01/01/1995 phải chuyển sang chế độ cho thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm (có hiệu lực hồi tố) đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp đã được giao đất trước đây, nhất là các chi phí đã bỏ ra cho việc đền bù, nộp các khoản tiền sử dụng đất có khả năng rất lớn nhưng không thu hồi được, bắt đầu đứng bên bờ vực của sự đổ vỡ. Nguyên nhân vụ án Minh Phụng-Epco có một phần khởi nguồn từ những thay đổi trong quy định của pháp luật về đất đai, khởi đầu cho thời kỳ đóng băng của thị trường nhà đất…

- Trong vụ án Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), có liên quan việc thí điểm hình thành các Tập đoàn kinh tế Nhà nước (lúc đó ở nước ta có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước thí điểm, 08 tập đoàn thành lập năm 2005 - 2006; 04 tập đoàn thành lập năm 2009 – 2010). Có thể khẳng định, chủ trương của Đảng về thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước là đúng đắn, đạt được nhiều kết quả, phù hợp với xu hướng quốc tế và có bước đi thận trọng phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa có một hệ thống cơ chế, chính sách hoạt động ổn định, còn mang nặng tính thăm dò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, việc thực hiện quyền chủ sở hữu của nhà nước, việc quản lý nhà nước đối với các tập đoàn có rất nhiều bất cập.

Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước vào thời điểm nói trên là một mô hình rất phức tạp về địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, về cơ cấu tổ chức và nhất là việc thực hiện quyền đối với phần vốn Nhà nước. Tuy nhiên, vào thời điểm 2006-2010 các tập đoàn ở nước ta đều được thành lập chính thức, là một chủ thể quan trọng của nền kinh tế, trong khi chưa được thể chế hóa thành văn bản quy phạm pháp luật về thí điểm ở tầm một Nghị quyết của Quốc hội trong đó quy định rõ phạm vi lĩnh vực, thời gian thí điểm, mô hình tổ chức, địa vị pháp lý xử lý những vấn đề mâu thuẫn với các luật, phân công trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xác định thời hạn tổng kết… Do là thí điểm nên không thể tránh khỏi những lúng túng, thậm chí, có những rủi ro trong quá trình thực hiện, dẫn đến là một phần nguyên nhân phát sinh vụ án.

- Trong vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn vào Ngân hàng Oceanbank xảy ra vào cuối năm 2017, bên cạnh khuôn khổ pháp lý và tính hợp pháp trong việc PVN được phép đầu tư vốn ngoài ngành. Tuy nhiên, việc góp vốn và thoái vốn của PVN tại Oceanbank gặp nhiều lúng túng liên quan nhận thức và áp dụng pháp luật, trong bối cảnh PVN không thể thoái vốn được vì vi phạm Luật chứng khoán (cổ đông có người tham gia là thành viên của HĐQT của một doanh nghiệp thì không được thoái vốn, muốn thoái vốn thì thành viên tham gia HĐQT phải thôi giữ chức trước 06 tháng). Trong giai đoạn chuyển giao giữa Luật Các tổ chức tín dụng cũ và mới, tình trạng chung của các cổ đông có tỉ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng TMCP vượt hạn mức quy định đều lúng túng trong việc thực hiện quy định này.

- Trong vụ án tại Tổng Công ty Viễn thông MobileFone (MBF) xảy ra vào năm 2018, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi sai phạm của các bị cáo, là nhận thức không đầy đủ và lúng túng trong áp dụng pháp luật, bao gồm Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26/11/2014 (“Luật số 69”) và Luật Đầu tư ngày 26/11/2014 (“Luật số 67”) liên quan đến việc xác định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án và điều chỉnh đối với giao dịch chuyển nhượng cổ phần thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ hay Bộ chủ quản? Nhận thức của nhiều Bộ, ngành và các bị cáo về việc áp dụng luật điều chỉnh về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định phê duyệt dự án rất khác nhau. Bản án có hiệu lực của tòa án kết luận việc Bộ chủ quản ban hành Quyết định chấp thuận chủ trường đầu tư bị coi là trái thẩm quyền, xuất phát từ nhận thức và áp dụng pháp luật không đúng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi sai phạm của các bị cáo.

- Trong vụ án Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) xảy ra vào năm 2020 cho thấy bất cập, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật điều chỉnh liên quan đến chuyển nhượng dự án giữa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) với các Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở. Đặc biệt là việc thẩm định giá chuyển nhượng được thực hiện trước hay sau khi chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp chấp thuận chủ trương chuyển nhượng dự án. Thực tế xét xử vụ án cho thấy pháp luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể về trình tự, thủ tục chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ làm chủ đầu tư đòi hỏi vừa đảm bảo thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản, vừa đảm bảo thực hiện Luật 69. Pháp luật chưa quy định trình tự thực hiện quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước hay sau, thực hiện quy định về chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản. Những bất cập trong nhận thức và áp dụng pháp luật liên quan vấn đề này còn thể hiện trong rất nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng khác được xét xử thời gian qua.

- Trong vụ án xảy ra tại UBND tỉnh Khánh Hòa vào năm 2021 liên quan Dự án “Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự” và Khu đất số 01 Trần Hưng Đạo, TP. Nha Trang (trụ sở cũ của Trường Chính trị, tỉnh Khánh Hoà), hình thức đầu tư BT (xây dựng-chuyển giao) theo Luật Đầu tư công năm 2014 nhằm sử dụng tài sản công (đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản công khác) để thanh toán cho nhà đầu tư. Theo quy định, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải theo pháp luật về đầu tư; thanh toán theo nguyên tắc ngang giá, giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán; việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu… Tuy nhiên, bất cập chính yếu trong thực tiễn đầu tư theo hình thức BT là xác định giá trị quyền sử dụng đất thanh toán cho Dự án BT theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Tại thời điểm đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT và ký hợp đồng BT đã xác định được giá trúng thầu công trình BT. Giá trúng thầu là giá thị trường, theo nguyên tắc ngang giá thì giá trị quỹ đất hoặc trụ sở làm việc dùng để thanh toán dự án BT cũng phải được xác định tại thời điểm này. Một số bất cập nêu trên dẫn đến những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai các dự án đầu tư theo hình thức BT.

- Trong vụ án Tập đoàn FLC, liên quan quy định về niêm yết chứng khoán theo Luật Chứng khoán 2006, cho đến thời điểm xảy ra vụ án, vẫn chưa có quy định về cơ chế, trách nhiệm kiểm tra công bố thông tin trước khi người nội bộ hay người có liên quan thực hiện giao dịch. Đoàn kiểm tra của Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã tham vấn ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đối chiếu với các quy định của pháp luật, phát hiện nhiều bất cập, sơ hở trong các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hoạt động đăng ký kinh doanh, hoạt động đầu tư tài chính, cho vay, ủy thác đầu tư.

- Trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 thời gian qua, theo đánh giá của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, liên quan công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực chứng khoán, tài chính, ngân hàng (quản lý ngoại hối, công tác phòng, chống rửa tiền, tín dụng) còn có sơ hở, thiếu sót trong một số văn bản quy phạm pháp luật. Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (giai đoạn 2) đã nhận định: “Quá trình điều tra, truy tố đối với vụ án đã cho thấy còn có sơ hở, thiếu sót trong một số văn bản quy phạm pháp luật, trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực chứng khoán, tài chính, ngân hàng (quản lý ngoại hối, công tác phòng, chống rửa tiền, tín dụng) là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can”. Từ kết quả điều tra vụ án và thực tiễn xét xử, cùng với kiến nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bản án sơ thẩm (giai đoạn 2) của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực chuyển tiền quốc tế, các quy định của pháp luật về thành lập, đăng ký doanh nghiệp.

Các ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hôi đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các tác giả có tham luận tại Hội thảo.

Các ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hôi đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các tác giả có tham luận tại Hội thảo.

Thứ ba, về việc đề xuất một số kiến nghị:

Nhìn từ thực tiễn xét xử một số vụ án kinh tế, tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua, các vấn đề liên quan đến thể chế, môi trường pháp lý và thực tiễn xét xử các vụ án, vấn đề nhận thức và áp dụng pháp luật là vấn đề lớn, phức tạp, nhiều kiến nghị tại các Bản án có hiệu lực pháp luật chưa được rà soát, kiểm tra việc thực hiện, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật.

Điều 6 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) quy định: “Trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm phát hiện nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và phòng ngừa”. Trong phạm vi Hội thảo, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị cụ thể như sau:

- Kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an xem xét, có ý kiến chỉ đạo tổng kết thực tiễn xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thời gian qua, đánh giá quá trình chuyển đổi chính sách về kinh tế với phạm vi điều chỉnh pháp luật; xem xét thực tế một phần nguyên nhân phát sinh các vụ án do pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ, không theo kịp với sự chuyển biến từ chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi thiển nghĩ đây là một trong những “kênh dẫn” hướng đến việc đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

- Trên cơ sở tổng kết, đánh giá từ thực tiễn xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua như đã nêu trên, trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, chúng tôi xin kiến nghị bổ sung một nhiệm vụ của các Bộ, ngành liên quan là rà soát, kiểm tra và thực thi các kiến nghị của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao thông qua thực tiễn xét xử, được nêu cụ thể trong các bản án có hiệu lực pháp luật. Trên cơ sở đó có định hướng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, khắc phục và loại trừ việc nhận thức và áp dụng pháp luật không đúng, bị coi là một trong các các nguyên nhân phát sinh tội phạm.

Luật sư, Tiến sĩ PHAN TRUNG HOÀI

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Các tin khác