Nhiều trường hợp chưa đủ điều kiện vẫn được cấp phép xây dựng?

18/01/2018 02:47 | 6 năm trước

LSVNO – Dù chưa đảm bảo được hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện, nước, viễn thông,... nhưng UBND quận Hà Đông lại cho phép nhiều hộ gia đình xây dựng những ngôi nhà kiên cố, khiến họ phải đi n...

LSVNO – Dù chưa đảm bảo được hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện, nước, viễn thông,... nhưng UBND quận Hà Đông lại cho phép nhiều hộ gia đình xây dựng những ngôi nhà kiên cố, khiến họ phải đi nhờ sang phần đất của người khác, điều này có đúng với quy định của pháp luật hiện hành?

Hà Đông, Hà Nội: Chính quyền nhận tiền của dân nhưng không giao đất?

Bài 2: Hủy kết quả xét duyệt đối tượng giao đất dịch vụ của dân, ai đang được lợi?

 

Như Luật sư Việt Nam Online đã phản ánh về việc 153 hộ dân chưa được cấp đất dịch vụ theo Nghị định 17/2006/NĐ-CP và Nghị định 84/2006/NĐ-CP của Chính phủ, để họ yên tâm sinh sống, lao động sản xuất thì mới đây, tòa soạn lại tiếp tục nhận được đơn thư của bà Nguyễn Thị Ái (người dân tại tổ dân phố số 5, phường La Khê, quận Hà Đông).

Theo trình bày trong đơn của bà Nguyễn Thị Ái, gia đình bà được Hợp tác xã La Khê giao khoán theo nghị định của Nhà nước, diện tích đất nông nghiệp theo nhân khẩu là 1.370m2 để cấy lúa, trồng hoa màu, chăn nuôi, phục vụ mưu sinh cuộc sống.

Do chính sách, chủ trương của Nhà nước và Chính phủ thay đổi phát triển đô thị hóa nông thôn, Nhà nước tiến hành quy hoạch thu hồi đền bù giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp để xây dựng khu đô thị, đường giao thông, hạ tầng cơ sở,... thuộc địa bàn xã Văn Khê (nay là phường La Khê - PV).

“Tất cả các hộ gia đình có nhà xây xung quanh đó đều không có nối đi, mà hàng ngày họ tự nhiên đi trên phần đất nông nghiệp của gia đình tôi”, bà Ái thông tin.

Anh Đào Ngọc Hiếu (con trai bà Ái) chỉ mốc giới đất nông nghiệp của gia đình mình cho PV

Theo tìm hiểu của PV, gia đình bà Ái đã bỏ đất, tiền ra làm một đường bằng bê tông. Do không còn lối đi nào khác nên 05 hộ gia đình hàng ngày phải đi nhờ vào lối đi của gia đình bà Ái.

Khu đất của các hộ gia đình ở đây thuộc lô đất NO16 – NO20 trong khu dịch vụ LK8, LK9, LK9, LK10, LK15, LK21, LK23, LK24, LK26, C6, TH17 được UBND quận Hà Đông giao cho từ tháng 8/2012.

Tại thời điểm đó, ngày 08/8/2012, UBND quận Hà Đông đã ban hành Thông báo số 317/TB-UBND về việc thu hồi đất thuộc địa bàn phường La Khê, để thực hiện dự án các tuyến đường kết nối khu đất dịch vụ LK21, LK26, HT5 (nơi các hộ thuộc khu đất từ NO16 – NO20 chưa có lối đi-PV). Thế nhưng, đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai do vẫn còn nhiều hộ chưa chấp nhận phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trung Đô – Phó Chủ tịch phường La Khê, Hà Đông cho biết: “Tại khu đất dịch vụ này có khoảng 200 hộ xây dựng công trình, trong khu đất NO16 có khoảng 30 công trình đã xây dựng. Riêng khu đất từ NO16 – NO20 thì chưa có hạ tầng đường đấu nối vào các dự án liền kề, các công trình trên đều được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng”.

Điều đáng chú ý, tại khu đất từ NO16 – NO20 chưa có lối đi nhưng UBND quận Hà Đông lại cấp Giấy phép xây dựng cho nhiều hộ dân để làm nhà kiên cố. Hiện đã có hơn 05 ngôi nhà được UBND quận Hà Đông cho phép “mọc" lên khi chưa có đường đi, phải đi nhờ vào đường của gia đình bà Ái.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Hữu Lợi đang được thi công phải đi nhờ và tập kết vật liệu trên phần đất của gia đình bà Nguyễn Thị Ái.

Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Hữu Lợi, mua lại lô đất dịch vụ của gia đình ông Lê Đăng Quốc và bà Ngô Thị Lan (tổ dân phố số 3, phường La Khê, quận Hà Đông) tại thửa đất số NO16-LK16-43. Sau khi làm mọi thủ tục thì đến ngày 31/10/2017, gia đình ông Lợi đã được UBND quận Hà Đông cấp Giấy phép xây dựng số 2991/GPXD.

Theo ông Lợi, sau khi thi công đến tầng 02 của ngôi nhà thì lực lượng chức năng đã vào kiểm tra và “thu hồi” Giấy phép xây dựng của ông Lợi mà không đưa ra một lý do nào, khiến ông rất bức xúc.

Giấy phép xây dựng số 2991/GPXD của UBND quận Hà Đông cấp cho hộ dân để xây dựng nhà.

Lý giải về những vấn đề này, ông Nguyễn Trung Đô cho hay: “Khu đất từ NO16 – NO20 thì chưa có hạ tầng đường đấu nối vào các dự án liền kề. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của các hộ xin nhận đất (các hộ đã có bản cam kết nhận đất), do đó UBND quận tiến hành giao đất cho các hộ”.

Khi PV hỏi đến vấn đề tại sao lại thu lại Giấy phép xây dựng của gia đình ông Lợi thì ông Nguyễn Trung Đô nói: “Chắc là họ mượn để phô tô thôi”. Đến chiều cùng ngày thì lực lượng chức năng đã mang Giấy phép xây dựng trả lại cho ông Lợi.

Căn cứ vào bản cam kết của các hộ này, các hộ gia đình thuộc khu đất từ NO16 – NO20, xin nhận đất dịch vụ. Đồng thời, kính đề nghị UBND quận Hà Đông sớm thực hiện dự án đường đấu nối vào các dự án và vào đất dịch vụ này để tiện cho việc sử dụng đất của các hộ. Điều này, có nghĩa là các hộ gia đình này chỉ được nhận lô đất, chứ chưa được quyền xây dựng nhà ở!

Gia đình bà Nguyễn Thị Ái phải tự làm barie để bảo vệ con đường mà gia đình đã bỏ tiền, đất ra làm.

Mặt khác, tại khoản 2, Điều 5 Nghị định số 64/2012/NĐ-CP của Chính phủ về “Điều kiện chung để được cấp giấy phép xây dựng đối với các loại công trình xây dựng và nhà ở riêng lẻ” đã quy định rõ:

“Tùy thuộc vào quy mô, tính chất, địa điểm xây dựng, công trình được cấp giấy phép xây dựng phải: Tuân thủ các quy định về chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng; đảm bảo an toàn công trình và công trình lân cận và các yêu cầu về: Giới hạn tĩnh không, độ thông thủy, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, phòng cháy chữa cháy (viết tắt là PCCC), hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, nước, viễn thông), hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa và đảm bảo khoảng cách đến các công trình dễ cháy, nổ, độc hại, các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia”.

Quy định là vậy, nhưng đến thời điểm này, dự án trên vẫn chưa được triển khai nhưng UBND quận Hà Đông lại cấp nhiều Giấy phép xây dựng cho các hộ để xây dựng nhà ở là có trái quy định của pháp luật?

 

Đoàn Vĩnh