Những bất cập trong quy định về tội 'Mua bán người', tội 'Mua bán người dưới 16 tuổi' và kiến nghị hoàn thiện

19/01/2024 23:17 | 7 tháng trước

(LSVN) - Đối với công tác phòng chống tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em, các cơ quan Nhà nước tại Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh. Trong đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015) đã tạo dựng một khung pháp lý vững chắc, trở thành một công cụ hữu hiệu trong đấu tranh với tội phạm mua bán người. Sau nhiều năm áp dụng Bộ luật hình sự năm 2015, tội phạm buôn bán người đã có sự biến đổi trong tình hình mới khiến các quy định pháp luật bộc lộ những bất cập, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Nhằm góp sức vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người tại Việt Nam, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu và chỉ ra những bất cập trong quy định của Bộ luật hình sự về tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những bất cập trong quy định của bộ luật hình sự về loại tội phạm này.

Ảnh minh họa.

1. Đặt vấn đề

Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, con người luôn được đặt vào vị trí trung tâm, nhờ vậy, vấn đề phòng, chống mua bán người luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị. Dù được triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp nhưng tình hình tội phạm mua bán người tại nước ta vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Từ năm 2016 - 2021, kết quả xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về tội "Mua bán người" của TAND các cấp là 450 vụ/506 vụ án đã thụ lý; tội "Mua bán người" dưới 16 tuổi đã giải quyết là 190 vụ/225 vụ án thụ lý. Riêng trong năm 2022, số vụ án được TAND các cấp thụ lý là 77 vụ/202 bị cáo phạm các tội về mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi và các tội danh liên quan. Trong đó, Tòa án đã đưa ra xét xử 58 vụ/128 bị cáo, tăng 02 vụ, 22 bị cáo so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu vụ án TAND các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm năm 2022 về các tội "Mua bán người".

Bảng 1: Số vụ án mua bán người đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm năm 2022 theo Tỉnh/Thành phố

Với tính thần kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tội phạm mua bán người, việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về phòng, chống mua bán người mang ý nghĩa tiên quyết. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quy định pháp luật về tội "Mua bán người" tại Bộ luật Hình sự năm 2015.

2. Quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội "Mua bán người"

Trong hình thái kinh tế xã hội chiếm hữu nô lệ, mua bán người xuất hiện và tồn tại kéo dài cho đến ngày nay. Mua bán người đã và đang bị lên án gay gắt, trở thành một loại tội phạm nguy hiểm trong xã hội. Trong nhưng năm đầu thế kỷ XX, các Công ước quốc tế về phòng chống mua bán người ra đời như: Công ước bãi bỏ buôn bán nô lệ da trắng năm 1904, Công ước ngăn chặn tệ buôn bán phụ nữ năm 1910, Công ước về chống buôn bán nô lệ năm 1926… Sau khi Liên hợp quốc được thành lập năm 1945, nhiều văn kiện pháp lý quốc tế ra đời nhằm thay thế, bổ sung, giải quyết các vấn đề mới như: Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế năm 1948; Công ước quốc tế về loại trừ các hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965; Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội năm 1966; Công ước về xóa bỏ tất cả hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979; Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000; Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em năm 2000…

Pháp luật quốc tế hiện nay không ghi nhận khái niệm “mua bán người” mà quy định chung về khái niệm “buôn bán người”. Buôn bán người chính là hình thức mua bán, chiếm hữu nô lệ, coi con người là một loại hàng hóa và tước đoạt của họ những quyền cơ bản về tự do một cách trái pháp luật và vô đạo đức. Do có những đặc điểm riêng về truyền thống lịch sử, văn hóa xã hội, điều kiện kinh tế mà pháp luật mỗi quốc gia quy định về khái niệm buôn bán người khác nhau.

Tại Việt Nam, khái niệm và dấu hiệu pháp lý của tội "Mua bán người", tội "Mua bán người" dưới 16 tuổi được ghi nhận tại Điều 150, Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

Thứ nhất, tội "Mua bán người" xâm phạm đến quyền tự do thân thể, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của con người được pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ.

Thứ hai, mặt khách quan của tội "Mua bán người" thể hiện ở 03 nhóm hành vi sau: (i) Hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; (ii) Hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; (iii) Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện các hành vi nêu trên.

Hậu quả của hành vi khách quan là con người được xem như một món hàng hóa để trao đổi, mua bán, nhân phẩm của con người bị chà đạp, sự tự do của con người bị hạn chế.

Trường hợp khi người phạm tội thực hiện các hành vi như tìm kiếm người, liên hệ nơi mua bán, thỏa thuận giá cả, nơi giao nhận… nhưng vì lý do khách quan ngoài ý muốn mà người phạm tội không thực hiện được hành vi mua bán người thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thứ ba, người từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự là chủ thể của tội này. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và 3 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015. Chủ thể chưa thành niên thường phạm tội này với vai trò là đồng phạm.

Thứ tư, người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Tuy người thực hiện hành vi nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và họ cũng thấy trước hậu quả nhưng người phạm tội vẫn mong muốn hậu quả xảy ra hoặc dù không mong muốn nhưng vẫn ý thức để mặc hậu quả xảy ra khi thực hiện hành vi mua bán người.

              So với Bộ luật Hình sự năm 1999, các quy định về về tội "Mua bán người" trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có những điểm thay đổi. Tác giả Lê Văn Thanh cho rằng:

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mô tả cụ thể các hành vi khách quan của tội “Mua bán người” còn Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ quy định “người nào mua bán người” là cần thiết, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay. Trong điều luật nhà làm luật quy định một số dấu hiệu còn chung chung, cần phải giải thích như “thủ đoạn khác”, “để bóc lột tình dục”, “để cưỡng bức lao động”, “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”, “vì mục đích vô nhân đạo khác”; tuy nhiên, ngày 11/01/2019 Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội “Mua bán người” và Điều 151 về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” của Bộ luật Hình sự, đã giải thích rõ những thuật ngữ nêu trên tạo tiền đề, cơ sở để áp dụng pháp luật một cách đúng đắn.

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi về hình phạt so với Bộ luật hình sự năm 1999. Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội "Mua bán người" được quy định bao gồm 03 khung hình phạt. Trong đó, khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Bên cạnh hình phạt chính, Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng ghi nhận hình phạt bổ sung gồm phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

tội "Mua bán người" dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng bao gồm 03 khung hình phạt. Đặc biệt, tại khoản 3 Điều 151 Bộ luật Hình sự, mức cao nhất của khung hình phạt được ghi nhận là tù chung thân. Ngoài ra, mức phạt tiền được quy định từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cao hơn so với Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015.

3. Một số bất cập trong quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội "Mua bán người"

Qua khảo sát 100 người thường xuyên sử dụng, nghiên cứu và tiếp xúc với những quy định của pháp luật hình sự về tội "Mua bán người" đã cho kết quả như sau: 96% số người được khảo sát cho rằng quy định về tội "Mua bán người" trong pháp luật hình sự hiện nay chưa phù hợp. Trong đó, những người được khảo sát cho rằng quy định về tội "Mua bán người" hiện nay có những mặt hạn chế sau: dấu hiệu định tội (38,1%), dấu hiệu định khung hình phạt (33%), kỹ thuật lập pháp (28,9%) . Bằng phương pháp phân tích, tổng hợp và so sánh, nhóm tác giả nhận thấy quy định về tội "Mua bán người" trong Bộ luật Hình sự năm 2015 xuất hiện những bất cập, vướng mắc sau:

Thứ nhất, gây nhầm lẫn với một số tội danh khác có sự tương đồng về cấu thành tội phạm trong Bộ luật Hình sự năm 2015

Qua phân tích các dấu hiệu pháp lý tội của tội "Mua bán người" và tội "Mua bán người" dưới 16 tuổi, nhóm tác giả nhận thấy: hành vi khách quan của 02 tội phạm này có điểm giống nhau với một số tội phạm khác được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (gồm Điều 154 về tội "Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người"; Điều 297 về tội "Cưỡng bức lao động"; Điều 327 về tội "Chứa mại dâm"; Điều 328 về tội "Môi giới mại dâm"; Điều 348 về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép"; Điều 349 về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép") gây nhầm lẫn trong quá trình áp dụng pháp luật. Các tội danh này có sự giống nhau về hành vi khách quan nhưng khác nhau mục đích phạm tội khi thực hiện hành vi đó và sự đồng thuận của nạn nhân.

Các tình tiết như: bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, hành vi với mục đích vô nhân đạo khác chỉ dừng lại ở ý định thì bị truy cứu về tội "Mua bán người" hoặc tội "Mua bán người" dưới 16 tuổi. Còn nếu đã thực hiện hành vi trên thực tế sẽ phải chịu trách nhiệm về các tội như: tội cưỡng bức lao động, tội mua bán hoặc chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người, tội môi giới mại dâm, tội chứa mại dâm… được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, việc phân biệt còn căn cứ vào sự đồng thuận của nạn nhân và bị hại. Nếu nạn nhân đồng ý, tự nguyện về việc đưa bản thân xuất, nhập cảnh hoặc trốn đi nước ngoài, thậm chí chi trả một khoản tiền để được xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị truy cứu theo tội danh tại Điều 348, Điều 349 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu nạn nhân không đồng ý về việc bị mua bán, bị cưỡng ép, lừa gạt, dụ dỗ thì bị truy cứu về tội "Mua bán người".

Tuy nhiên, trên thực tế để phân định rõ ràng giữa các tội danh này không phải là một điều dễ dàng. Điển hình như việc phân biệt tội "Mua bán người", tôi mua bán người dưới 16 tuổi với tội chứa mại dâm gặp khó khăn trong thực tiễn áp dụng. Mục đích hành vi chứa chấp người của tội chứa mại dâm là để thực hiện hành vi mua bán dâm, trong khi đó, mục đích tội "Mua bán người" và tội "Mua bán người" dưới 16 tuổi là để chuyển giao người đó cho một người hoặc nhóm người khác và người chứa chấp biết được mục đích của người tiếp nhận nạn nhân là để bóc lột tình dục nhưng hành vi bóc lột tình dục chưa xảy ra trên thực tế mà mới chỉ ở mục đích, ý định của người tiếp nhận người. Do đó, vấn đề bóc lột tình dục đều nằm trong ý định, mục đích của người phạm tội. Nhưng điểm khác biệt giữa hai tội danh này chính là tính chất trực tiếp hay gián tiếp của mục đích bóc lột tình dục. Ở tội chứa mại dâm, bóc lột tình dục là mục đích trực tiếp của người thực hiện hành vi chứa chấp người. Còn với tội "Mua bán người", bóc lột tình dục chỉ là mục đích gián tiếp, bởi người thực hiện hành vi chứa chấp người là để nhằm mục đích trực tiếp là chuyển giao người và sau đó mới là để bóc lột tình dục. Mặc dù vậy, để phân định rạch ròi giữa hai tội danh này cũng là vấn đề khó khăn trong thực tiễn bởi sự tương đồng trong hành vi khách quan và vấn đề bóc lột tình dục nằm trong mục đích phạm tội.

Thứ hai, chưa hoàn toàn tương thích với các chuẩn mực của pháp luật quốc tế và một số đạo luật khác

Quy định về tội "Mua bán người" dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành đang có “khoảng cách” so với Nghị định thư TIP (Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc). Theo điểm d Điều 3 Nghị định thư TIP thì trẻ em là bất kì người nào dưới 18 tuổi. Trong khi Luật trẻ em năm 2016 của Việt Nam nêu rằng trẻ em là người 16 tuổi. Do đó, nếu nạn nhân dưới 16 tuổi thì tội phạm mới bị xử lý theo Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015. Giai đoạn từ 16 - dưới 18 tuổi là giai đoạn phát triển nhạy cảm, hậu quả của tội "Mua bán người" có thể để lại di chứng về sức khỏe, tâm lý cho nạn nhân nhưng chỉ phải chịu trách nhiệm nhẹ hơn vì tội "Mua bán người" không có hình phạt tù chung thân như tội "Mua bán người" dưới 16 tuổi.

Mặt khác, Bộ luật Hình sự năm 2015 còn xem nhẹ hành vi đưa người di cư trái phép, trong khi đây là một trong những nội dung có mối liên hệ chặt chẽ và mật thiết với tội phạm mua bán người. tội "Mua bán người" theo điều 150 bao gồm trường hợp nạn nhân bị mua bán trong phạm vi quốc gia và bị mua bán qua biên giới. Còn đưa người di cư trái phép là việc giao dịch để đạt được trực tiếp hoặc gián tiếp lợi ích về tài chính hoặc lợi ích vật chất khác từ việc một người nhập cảnh trái phép vào một quốc gia thành viên, mà người này không phải là công dân của quốc gia đó hoặc thường trú tại quốc gia đó. Hành vi này thường được tội phạm lợi dụng nhằm thực hiện thành công hành vi mua bán người. Người di cư trái phép chỉ nhận ra mình là nạn nhân của mua bán người khi bị bóc lột để thu lợi cho đối tượng phạm tội, lúc này tội phạm mua bán người cũng đã hoàn thành. Tại Việt Nam xuất hiện nhiều tuyến trọng điểm của tội phạm mua bán người qua biên giới như tuyến đường bộ giáp biên giới Trung Quốc, Campuchia. Trong khi đó, pháp luật hình sự Việt Nam chưa có tội danh đưa người di cư trái phép mà chỉ có tội danh tội "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài" trái phép (Điều 349). Điều này là chưa đúng với tinh thần của của Công ước TOC (Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia) và Nghị định thư TIP.

Thứ ba, chưa tương thích với thực tế và khó khăn trong quá trình áp dụng

Hiện nay xuất hiện hành vi mới là tình trạng mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Đây là hành vi vô nhân tính cần xử lý nghiêm. Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra dẫn tới khó khăn trong công tác xử lý. Theo pháp luật hình sự nước ta hiện nay thì chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi mà đứa trẻ được sinh ra, còn khi vẫn đang còn là bào thai trong bụng mẹ thì chưa thể coi là con người, chưa là đối tượng của hành vi phạm tội, cho nên cơ quan chức năng không có căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi. Đồng thời, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng chưa có quy định nào về hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ để làm cơ sở, căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự.

Sự phát triển của tội phạm mua bán người dẫn tới việc hình thành các tổ chức, đường dây quy mô lớn, xuyên biên giới quốc gia, tinh vi, nguy hiểm và số lượng nạn nhân lớn. Các tổ chức phạm tội núp bóng dưới danh nghĩa pháp nhân đã được đăng ký kinh doanh. Hiện nay, pháp luật hình sự Việt Nam đang thiếu quy định nhằm xử lý chủ thể này. Do đó, việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống loại tội phạm này gặp khó khăn do xung đột pháp luật.

Mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng là chưa tương thích. Theo tác giả hình phạt bổ sung này hiện nay đang ở mức thấp vì “lợi nhuận” thu được từ hành vi mua bán người là rất lớn, cơ quan tiến hành tố tụng rất khó có thể chứng minh và tịch thu được.

Thứ tư, một số vướng mắc khác

Về tình tiết định khung tăng nặng là hậu quả của việc thực hiện hành vi mua bán người đối với nạn nhân “gây rối loạn tâm thần và hành vi” tại điểm c khoản 2, 3 Điều 150, hiện nay việc vận dụng vào thực tế còn nhiều cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất. Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã hướng dẫn áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 150 và Điều 151 của Bộ luật Hình sự năm 2015 bằng Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP. Tuy nhiên, tình tiết “gây rối loạn tâm thần và hành vi” vẫn chưa được Nghị quyết này giải thích một cách cụ thể.

Tại điểm b khoản 3 Điều 150 quy định tình tiết định khung tăng nặng “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” nhưng trong điều luật lại không thấy quy định tình tiết định khung tăng nặng “đã bóc lột tình dục” và “đã cưỡng bức lao động”. Điều này là không thống nhất.

 Về tính tiết “thủ đoạn khác” tại Điều 150 cũng dẫn nhiều cách hiểu chưa rõ ràng, đầy đủ và thống nhất, dẫn đến việc định tội danh gặp nhiều khó khăn. 

4. Giải pháp hoàn thiện quy định Bộ luật hình sự về tội "Mua bán người"

Theo Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): “…hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội”.

Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội bằng pháp luật và coi pháp luật là công cụ hữu hiệu để thực hiện vai trò quyền lực của mình. Hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật. Trong hệ thống pháp luật thì pháp luật hình sự, mà cụ thể là Bộ luật Hình sự được coi là một trong những bộ luật “rường cột” để bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Chính vì thế, sự minh bạch, rõ ràng trong mỗi quy định của Bộ luật Hình sự cũng như tính đồng bộ, thống nhất của Bộ luật Hình sự với các đạo luật khác trong hệ thống pháp luật có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự, trong đó có quy định về tội "Mua bán người", tội mua bán trẻ em.

Quán triệt tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam trong giai đoạn mới, việc hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự cần đáp ứng các yêu cầu sau: (i) Cần đảm bảo sự rõ ràng trong các quy định của Bộ luật Hình sự và sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế, thể hiện xu hướng hội nhập quốc tế; (ii) Yêu cầu đảm bảo quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận tại chương II; (iii) Đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới theo chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam; (iv) Yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm tại Việt Nam.

Từ những khó khăn, vướng mắc, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về tội "Mua bán người" với một số nội dung:

Một là, Bộ luật Hình sự cần bổ sung thêm chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội “Mua bán người” nhằm đáp ứng được thực tiễn tình hình phạm tội có tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia hiện nay. Tham khảo kinh nghiệm pháp luật của Hoa Kỳ, Canada…, nhóm tác giả đề xuất sửa đổi “Điều 76. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại” như sau: “Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm sau đây: 1. Điều 150 (tội "Mua bán người"); Điều 151 (tội "Mua bán người" dưới 16 tuổi)...”.

Hai là, Bộ luật Hình sự cần bổ sung tình tiết định khung tăng nặng “đã bóc lột tình dục” và “đã cưỡng bức lao động” để đảm bảo thống nhất trong điều luật.

Ba là, bổ sung tình tiết định khung tăng nặng về nạn nhân của tội "Mua bán người" trong độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi sao cho đúng với tinh thần của Nghị định thư TIP

Bốn là, cần sửa khoản 4 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 về hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nâng mức xử phạt từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng thành từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng để đảm bảo tính răn đe, phù hợp với lợi ích bất chính từ hành vi mua bán người mang lại cho người phạm tội.

Nhóm tác giả đề xuất sửa đổi Điều 150, Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

Điều 150. tội "Mua bán người"

1. (Giữ nguyên)

2. (Giữ nguyên)

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

c) Đã bóc lột tình dục;

d) Đã cưỡng bức lao động;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

e) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

g) Đối với 06 người trở lên;

h) Tái phạm nguy hiểm;

i)  Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Điều 151. tội "Mua bán người" dưới 16 tuổi

1. (Giữ nguyên)

2. (Giữ nguyên)

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

c) Đã bóc lột tình dục;

d) Đã cưỡng bức lao động;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

e) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

g) Đối với 06 người trở lên;

h) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Năm là, Bộ luật Hình sự cần bổ sung loại tội mới về hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ để làm cơ sở cho việc xử lý trách nhiệm hình sự trước tình hình mua bán diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi hiện nay.

Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia và đảm bảo sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế:

Một là, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai nghiên cứu việc gia nhập Nghị định thư Chống đưa người di cư bất hợp pháp bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, góp phần triệt phá đường dây tội phạm xuyên biên giới - “cánh tay phải” của tội phạm mua bán người tại Việt Nam.

Hai là, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm mua bán người đặc biệt tại khu vực biên giới.

Thứ ba, ban hành văn bản hướng dẫn để việc áp dụng pháp luật được thực hiện một cách thống nhất, chính xác, tương thích trong thực tế với một số nội dung:

Một là, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành hướng dẫn tình tiết “gây rối loạn tâm thần và hành vi” để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất trong việc xử lý.

Hai là, cần sửa đổi các văn bản hướng dẫn theo xu hướng cụ thể, phân biệt rạch ròi giữa tội "Mua bán người" với các tội phạm khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có sự tương đồng nhất định trong cấu thành tội phạm. Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 để truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội hay nhiều tội khi người phạm tội thực hiện nhiều hành vi có trong cấu thành cơ bản của các tội khác nhau.

Ba là, bổ sung, thống nhất cách hiểu về các “thủ đoạn khác” được quy định tại điều 150 nhằm định tội danh một cách chính xác và hạn chế việc bỏ lọt tội phạm.

5. Kết luận

Việc hoàn thiện quy định của pháp luật Hình sự Việt Nam về tội "Mua bán người" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm. Trong bài viết, nhóm tác giả đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận chung về quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Mua bán người", mua bán người dưới 16 tuổi trong thời gian gần đây. Qua đó, các tác giả đã chỉ ra một số bất cập trong quy định và đưa ra những kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm hoàn thiện quy định của của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Mua bán người", "Mua bán người dưới 16 tuổi". Bài viết góp phần cung cấp thêm thông tin pháp lý về tội phạm mua bán người, đóng góp vào nguồn tư liệu để các nhà làm luật có thể tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về tội danh này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Cao Văn Mạnh, Quy định của pháp luật hình sự về tội mua bán người và những vướng mắc, kiến nghị, Tạp chí Tòa án, (13h30 26/4/2022), https://tapchitoaan.vn/quy-dinh-cua-phap-luat-hinh-su-ve-toi-mua-ban-nguoi-va-nhung-vuong-mac-kien-nghi6244.html
[2]. Lê Thị Vân Anh, Tội mua bán người và tội mua bán trẻ em theo pháp luật hình sự Việt Nam, (Luận án tiến sĩ Luật học), Trường Đại học Luật Hà Nội (2022).
[3]. Lê Văn Thanh, Một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện quy định về tội ‘Mua bán người’, Tạp chí Luật sư Việt Nam, (22h01 04/06/2022), https://lsvn.vn/mot-so-vuong-mac-va-kien-nghi-hoan-thien-quy-dinh-ve-toi-mua-ban-nguoi1654355487.html 
[4]. Ngô Thị Bích Thu, Tăng cường thực hiện pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người của lực lượng cảnh sát hình sự công an các tỉnh Tây Bắc hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (30/7/2021),  http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/210833/Tang-cuong-thuc-hien-phap-luat-ve-phong--chong-toi-pham-mua-ban-nguoi-cua-luc-luong-canh-sat-hinh-su-cong-an-cac-tinh-Tay-Bac-hien-nay.html     
[5]. Nguyễn Thị Hà, Đậu Đình Nam, Hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội mua bán người, Kỷ yếu cuộc thi Nghiên cứu khoa học Euréka năm 2020 (2020). 
[6]. Phạm Minh Tuyên, (2018) Kỹ năng xét xử các vụ án hình sự, NXB Thanh niên, Hà Nội (2018).
[7]. Phạm Minh Tuyên, Thực trạng các vụ án mua bán người, mua bán trẻ em – Một số vướng mắc và kiến nghị, Tạp chí Tòa án, (09h05 26/02/2018), https://tapchitoaan.vn/thuc-trang-cac-vu-an-mua-ban-nguoi-mua-ban-tre-em-mot-so-vuong-mac-va-kien-nghi 
[8]. Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam phần các tội phạm Quyển 1, NXB Công an nhân dân, Hà Nội (2018). 
[9]. Bộ Công an, Kết quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người năm 2022, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, (01/02/2023), https://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-an-ninh-trat-tu/ket-qua-cong-tac-phong-chong-toi-pham-mua-ban-nguoi-nam-2022-d22-t34215.html 
[10]. Đại Thắng, Những đánh giá sai lệch về công tác phòng, chống mua bán người ở Việt Nam, Công an nhân dân online, (07h12 01/8/2022), https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/nhung-danh-gia-sai-lech-ve-cong-tac-phong-chong-mua-ban-nguoi-o-viet-nam-i662381/ 
[11]. Lê Anh, Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép, Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, (08/7/2022), https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=66353

BÙI LÊ HIẾU - DƯƠNG LAN PHƯƠNG

Học viện Tòa án

 Bảo đảm an ninh con người trên không gian mạng từ góc độ pháp luật tại Việt Nam