/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn xét xử đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi

Những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn xét xử đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội ở Việt Nam xảy ra nhiều và diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử các đối tượng này nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn, nhiều quan điểm khác nhau, cần nghiên cứu tháo gỡ, qua đó đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và áp dụng thống nhất pháp luật.

Ảnh minh họa (Nguốn: Internet).

1. Vướng mắc, khó khăn

1.1. Xác định tuổi của người dưới 18 tuổi phạm tội

Theo quy định tại Điều 12, Điều 90 của BLHS thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

Chính vì vậy, đối với các vụ án mà bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi ngoài những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự thì điều đáng quan tâm hiện nay là vấn đề xác định tuổi của người dưới 18 tuổi. Nhưng để xác định thế nào cho đúng tuổi khi họ phạm tội là rất quan trọng và rất khó, để từ đó buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự. Muốn xác định tuổi của họ như thế nào cho đúng thì phải căn cứ vào giấy khai sinh, bản khai lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc theo lời khai của cha me, các giấy tờ khác.

Trong thực tiễn xét xử cũng có trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội nhưng trong giấy khai sinh thì họ chưa đủ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, bởi vì trên thực tế người đó đi học muộn nên cha mẹ đã khai nhỏ tuổi để con đi học. Ngược lại, có trường hợp cha, mẹ lại khai tăng tuổi để cho con đi học sớm hơn, đến khi người đó phạm tội trên thực tế chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng theo giấy khai sinh là đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Có trường hợp căn cứ giấy khai sinh xác định là người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nhưng qua xem xét thực tế về hình dáng bên ngoài con người họ, lời nói, cử chỉ, ứng xử… thấy nghi ngờ về tuổi nên trưng cầu giám định pháp y để xác định lại tuổi của họ.

Ví dụ: Ngày 26/5/2020 Tòa án nhân dân A xét xử sơ thẩm vụ án Lê Văn H, sinh ngày 31/01/2004 về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 134 BLHS. Tại phiên tòa, người bào chữa cho bị cáo H xuất trình giấy chứng sinh do Bệnh viện đa khoa tỉnh T cấp ngày 01/02/2005 trong đó chứng nhận H sinh vào ngày 31/01/2005. Vì muốn cho con đi học sớm nên gia đình đã khai thêm cho H một tuổi. Vì vậy, người bào chữa đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo H không phạm tội vì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Qua ví dụ trên cho thấy khi các cơ quan điều tra, viện kiểm sát thu thập lý lịch bị can H từ sổ hộ khẩu, giấy khai sinh vẫn chưa bảo đảm tính chính xác tuyệt đối bởi vì còn liên quan đến giấy chứng sinh. Trên thực tế việc thu thập giấy chứng sinh của bị can dưới 18 tuổi rất khó khăn vì liên quan đến thời gian và việc lưu trữ.

Khi tiến hành xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội gặp không ít khó khăn khi xác định tuổi của họ, đó là có trường hợp một người chưa thành niên phạm tội nhưng trong giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh xác định độ tuổi khác nhau nhưng không còn giấy chứng sinh thì căn cứ vào giấy tờ nào?

Theo chúng tôi trong trường hợp này, giấy khai sinh là văn bản có đủ cơ sở pháp lý nhất để xác định tuổi của họ, bởi vì tuổi của cá nhân được ghi trong giấy khai sinh căn cứ vào tuổi được ghi ở giấy chứng sinh, tuổi được ghi trong sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân đều căn cứ vào giấy khai sinh, còn việc tuổi trong sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân không đúng theo giấy khai sinh là do người có thẩm quyền khi cấp các văn bản này làm sai. Nhưng nếu thấy còn nghi ngờ về giấy khai sinh thì nên trưng cầu giám định pháp y để xác định lại tuổi của họ, đây là biện pháp cuối cùng để xác định chính xác tuổi của người dưới 18 tuổi phạm tội, biện pháp này liên quan đến việc phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Do đó, Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa phải tập trung nghiên cứu chặt chẽ hồ sơ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, kiểm tra chứng cứ một cách toàn diện và đầy đủ. Việc xác định chính xác tuổi của người dưới 18 tuổi tránh được tình trạng xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm.

1.2. Xác định người đại diện hợp pháp của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi

Việc xác định người đại diện của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi trong thực tiễn xét xử cũng chưa thống nhất.

Quan điểm thứ nhất xác định: Cha, mẹ, người giám hộ của người dưới 18 tuổi chính là người đại diện của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi vì căn cứ vào Khoản 1, Khoản 2 Điều 136 BLDS.

Quan điểm thứ hai lại xác định: Cha, mẹ, anh, chị, cô, dì, chú, bác hoặc những người thân thích khác là người đại diện của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên vì căn cứ vào điểm b mục 4 Phần I Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC; điểm e Điều 4 BLTTHS năm 2015.

Theo chúng tôi, việc xác định người giám hộ của người chưa thành niên là người đại diện của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo dưới 18 tuổi rõ ràng là không đúng. Bởi vì, theo quy định của BLTTHS năm 2015 về tư cách người tham gia tố tụng không có người giám hộ; khái niệm “Người giám hộ” chỉ dùng trong quan hệ pháp luật dân sự. Trong BLTTHS chỉ quy định người đại diện của người bị buộc tội gồm: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo dưới 18 tuổi chứ không có quy định nào về người giám hộ của những người này.

Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTHS năm 2003, cũng chỉ nêu trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì có người đại diện hợp pháp và chỉ rõ những người có mối quan hệ với bị can, bị cáo như thế nào thì được xác định là người thân thích của bị can, bị cáo.

Hiện nay, việc xác định ai là người đại diện của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo dưới 18 tuổi cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Theo chúng tôi, người đại diện của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo dưới 18 tuổi đó là người đại diện theo pháp luật bao gồm cha, mẹ của họ, bởi vì cha mẹ của họ còn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thay cho họ trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015; Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; mục 15 Phần II Công văn số 80/TA-NCTH ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương “V/v giải đáp vướng mắc nghiệp vụ năm 2007”.

Người đại diện của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo dưới 18 tuổi thì họ thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo quy định của BLTTHS.

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 72; Điều 75; Điều 76; Điều 422 BLTTHS thì người đại diện của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo dưới 18 tuổi được quyền tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, lựa chọn người bào chữa và yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa; Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội thành viên của tổ chức mình; trong trường hợp này người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

Theo chúng tôi, tại phiên tòa nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi và người đại diện của bị cáo vẫn giữ nguyên ý kiến từ chối người bào chữa thì phải ghi vào biên bản phiên tòa và tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung mà không có sự tham gia của người bào chữa được cử. Nếu chỉ có bị cáo là người dưới 18 tuổi từ chối người bào chữa còn người đại diện của bị cáo không từ chối người bào chữa hoặc ngược lại chỉ có người đại diện của bị cáo từ chối người bào chữa, còn bị cáo không từ chối người bào chữa, thì tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung, có sự tham gia của người bào chữa đã được cử.

1.3. Thủ tục tố tụng khi xét xử người thành niên mà khi họ thực hiện hành vi phạm tội là người dưới 18 tuổi

Trong thời gian qua vẫn có ý kiến cho rằng ngày mở phiên tòa xét xử bị cáo thành niên mà khi phạm tội là người dưới 18 tuổi, thì HĐXX, người bào chữa và đại diện của bị cáo là bắt buộc như xét xử đối với bị cáo dưới 18 tuổi. Bởi vì, khi xét xử người đã thành niên mà khi phạm tội là người dưới 18 tuổi nếu thủ tục tố tụng phiên tòa bình thường như người thành niên phạm tội, thì ý nghĩa của vấn đề quan tâm đến người dưới 18 tuổi bị giảm sút.

Trong khi đó có quan điểm lại cho rằng: Ngày mở phiên tòa xét xử bị cáo thành niên mà khi phạm tội là người dưới 18 tuổi, thì áp dụng thủ tục tố tụng theo các phiên tòa xét xử người đã thành niên, nghĩa là phiên tòa không nhất thiết phải có hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên, người bào chữa hoặc người đại diện của bị cáo. Nếu phải bồi thường thì tòa án quyết định đó là trách nhiệm của bị cáo.

Ngoài ra, vẫn còn một số vướng mắc khác, ví dụ: Hồ Văn C (17 tuổi 9 tháng) là người chưa đủ 18 tuổi phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 134 BLHS. Trong quá trình điều tra, bị can C không đủ tài sản để bồi thường nên cha mẹ của bị can C đã bồi thường thay các khoản chi phí cho bị hại A. Khi xét xử bị cáo C đã đủ 18 tuổi thì thủ tục tố tụng theo các phiên tòa bình thường nhưng vấn đề đặt ra là có cần triệu tập cha hoặc mẹ của bị cáo C không và triệu tập họ tham gia phiên tòa với tư cách tố tụng gì?

Quan điểm thứ nhất: Khi xét xử bị cáo C đủ 18 tuổi thì thủ tục tố tụng theo các phiên tòa bình thường nên không cần triệu tập cha mẹ của bị cáo C.

Quan điểm thứ hai: Khi xét xử bị cáo C đủ 18 tuổi thì thủ tục tố tụng như các phiên tòa bình thường, nhưng vì trước khi mở phiên tòa bị cáo C là người chưa thành niên, không đủ tài sản để bồi thường thiệt hại nên cha, mẹ của bị cáo C có nghĩa vụ liên quan đến việc bồi thường thiệt hại và đã bồi thường cho bị hại A. Vì vậy, cần triệu tập cha hoặc mẹ của bị cáo C tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Theo quan điểm của chúng tôi: Trong các trường hợp nêu trên thì HĐXX như các phiên tòa xét xử đối với người đã thành niên, tuy nhiên phải có người bào chữa cho bị cáo C cho đến khi kết thúc phiên tòa để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của bị cáo C, cần triệu tập cha hoặc mẹ của bị cáo C tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, nhằm xác định, thẩm tra, làm rõ tại phiên tòa số tiền thực tế cha, mẹ của bị cáo C đã bồi thường cho bị hại A là bao nhiêu, cha mẹ của bị cáo C đã thực hiện nghĩa vụ liên quan đến việc bồi thường thiệt hại như thế nào, có ý kiến gì về số tiền đã bồi thường thay cho bị cáo C và đường lối xét xử đối với bị cáo C là bắt buộc phải áp dụng đúng quy định tại Chương XII của BLHS năm 2015 về những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

1.4. Việc tham gia của người bào chữa trong các vụ án mà bị cáo dưới 18 tuổi là bắt buộc

Trên thực tế việc áp dụng thủ tục này còn thiếu sót, có trường hợp người bào chữa được chỉ định tham gia phiên tòa nhưng vì bận công việc hoặc thiếu trách nhiệm nên chỉ gửi bản bào chữa cho Tòa án mà không tham gia phiên tòa, khiến cho việc xét xử gặp nhiều khó khăn, nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi không đồng ý với việc người bào chữa vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền bào chữa cho bị cáo.

Ngoài ra, có trường hợp người bào chữa có mặt tại phiên tòa nhưng chỉ đơn thuần thay mặt bị cáo để xin giảm nhẹ hình phạt chứ chưa thật sự đưa ra các chứng cứ, chứng minh thỏa đáng để bảo vệ cho bị cáo.

1.5. Quy định về Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thành niên

Khoản 1 Điều 423 BLTTHS quy định về Hội thẩm khi tham gia xét xử vụ án mà bị cáo dưới 18 tuổi, bắt buộc phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thành niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi. Trong thực tiễn xét xử của Tòa án quân sự, Hội thẩm quân nhân là giáo viên, họ thường là giáo viên của Trường quân sự Quân khu, giáo viên biệt phái Trường Đại học giảng dạy cho đa số học viên là người đã thành niên dẫn đến những kiến thức nhất định về đặc điểm tâm sinh lý, khoa học giáo dục người chưa thành niên còn hạn chế. Do đó, việc đánh giá các tình tiết của vụ án như nguyên nhân, điều kiện phạm tội… gặp không ít khó khăn có ảnh hưởng đến công tác xét xử.

1.6. Việc tham gia của đại diện nhà trường, tổ chức chưa được chú trọng

Đại diện nhà trường và tổ chức ít có mặt tại phiên tòa xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội, vấn đề này có nhiều nguyên nhân khác nhau, có trường hợp Tòa án không triệu tập họ đến tham gia phiên tòa nhưng cũng có trường hợp nhận được giấy triệu tập của Tòa án nhưng các cơ quan này lại không quan tâm phối hợp với Tòa án trên cơ sở pháp luật.

2. Một số kiến nghị

Các quy định của BLHS về người dưới 18 tuổi phạm tội thể hiện chính sách nhân đạo, dân chủ trong pháp luật của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tra phòng, chống tội phạm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì pháp luật hình sự về lĩnh vực này tiếp tục hoàn thiện.

Thứ nhất, trên cơ sở những quy định tại Điều 91 BLHS về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội có một số vấn đề cần phải hoàn thiện thêm. Vì xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội không thuần túy là vấn đề pháp lý mà còn là vấn đề xã hội, nên trong các nguyên tắc về xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải có quy định cụ thể về vấn đề này. Thực tiễn cho thấy môi trường xã hội có ảnh hưởng rất lớn đối với việc phạm tội cũng như việc tái hòa nhập cộng đồng của người dưới 18 tuổi. Có một số chủ thể như gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội. Mặc dù vậy, BLHS chưa đưa ra một nguyên tắc để phát huy vai trò của các chủ thể này trong việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo chúng tôi, Điều 91 BLHS cần bổ sung một khoản như sau: Các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội trong việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội.

Thứ hai, pháp luật chưa quy định trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Chính điều này đã làm giảm hiệu quả của việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Trong thực tiễn, đã có những gia đình không phối hợp với chính quyền địa phương trong việc thực hiện biện pháp tư pháp này. Do đó, luật hình sự phải có quy định cụ thể về trách nhiệm của gia đình trong việc phối hợp với các cơ quan Nhà nước thực hiện biện pháp này, đồng thời quy định chế tài áp dụng nếu gia đình không thực hiện trách nhiệm của mình.

Thứ ba, tuổi chịu trách nhiệm hình sự có ý nghĩa rất quan trọng trong việc làm sáng tỏ trách nhiệm hình sự của người phạm tội, quyết định đối với quá trình giải quyết vụ án hình sự. Theo chúng tôi để điều luật quy định chặt chẽ hơn cần sửa đổi, bổ sung vào khoản 1 Điều 12 BLHS như sau: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ trường hợp nội dung điều luật trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự này có quy định khác”.

Bộ luật tố tụng hình sự của nước ta đã thể hiện đầy đủ chính sách nhân đạo trong xử lý hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên cũng còn thiếu các quy định cụ thể để hướng dẫn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự về xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo chúng tôi cần bổ sung để hoàn thiện BLTTHS; đó là khái niệm “Bị cáo là người dưới 18 tuổi”, trong đó có quy định độ tuổi, bị Tòa án xét xử để làm cơ sở áp dụng các thủ tục đặc biệt trong việc xét xử. Theo chúng tôi: Bị cáo dưới 18 tuổi là người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quy định cụ thể “Người đại diện” của người dưới 18 tuổi phạm tội là ai?

Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn áp dụng BLHS, BLTTHS trong việc xét xử vụ án đối với bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn như đã nêu trên để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật được chặt chẽ, thống nhất.

TANDTC cần tổ chức các Hội nghị chuyên đề hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các vụ án mà bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, thực hiện đúng trình tự thủ tục tố tụng, những căn cứ cụ thể để quyết định hình phạt, bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

NGUYỄN TẤN TÙNG (TAQSKV1 QK 5)/TẠP CHÍ TÒA ÁN

/cac-loai-giay-to-nao-dung-de-xac-dinh-viec-su-dung-dat-on-dinh.html