Nỗ lực của ngành tư pháp Hậu Giang trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

22/02/2018 19:00 | 6 năm trước

LSVNO - Hậu Giang là một tỉnh mới được tái lập vào ngày 01/01/2004 trên cơ sở tách ra từ tỉnh Cần Thơ (cũ). Với tổng diện tích tự nhiên là 160.772 ha, dân số 773.800 người (số liệu 2013 của Tổng cụ...

LSVNO - Hậu Giang là một tỉnh mới được tái lập vào ngày 01/01/2004 trên cơ sở tách ra từ tỉnh Cần Thơ (cũ). Với tổng diện tích tự nhiên là 160.772 ha, dân số 773.800 người (số liệu 2013 của Tổng cục Thống kê) chia thành 8 đơn vị hành chính gồm: 1 thành phố, 2 thị xã và 5 huyện.

Là một tỉnh thuần nông, trình độ dân trí còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước nên ngành tư pháp Hậu Giang xác định công tác phổ biến pháp luật là rất quan trọng nhằm góp phần ổn định xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển mọi mặt của địa phương. Thạc sỹ luật Phạm Thanh Tuyền - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang đã có một cuộc trao đổi thân tình với Tạp chí Luật sư Việt Nam về công tác này.

PV: Xin bà vui lòng cho biết những kết quả về công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật mà ngành tư pháp Hậu Giang thực hiện trong năm 2017 vừa qua?

Bà Phạm Thanh Tuyền: Thực hiện Quyết định số 2694/QĐ- BTP ngày 30/12/2016 của Bộ Tư pháp về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, ngành tư pháp Hậu Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch số 13/KH-UBND ban hành ngày 25/01/2017 nhằm cụ thể hóa những biện pháp và mục tiêu để thực hiện tốt công tác này. Tỉnh Hậu Giang đã thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) do đồng chí Đồng Văn Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tổ chức triển khai và hướng dẫn các thành viên là các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện tốt trong phạm vi chức năng của mình. Đa dạng hóa các hình thức giáo dục, tuyên truyền để nâng cao kiến thức từ đó xây dựng ý thức chấp hành tốt pháp luật cho người dân. Các hình thức PBGDPL phổ biến là: các hội nghị triển khai các văn bản pháp luật, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên internet, in tờ bướm phổ biến kiến thức luật… Đặc biệt chúng tôi đã tổ chức rất thành công “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam” 09 tháng 11 hàng năm với 100% các địa phương và ban ngành trong tỉnh tích cực tham gia, qua đó giúp cán bộ và nhân dân tỉnh nhà dễ dàng tìm hiểu, tiếp thu kiến thức về pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Riêng Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang trong năm 2017 đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức 03 hội nghị triển khai luật, 02 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng PBGDPL cho gần 300 lượt người tham dự. Biên soạn 8.000 bản tin tư pháp và 70.000 tờ bướm giải đáp về pháp luật phát hành miễn phí rộng rãi trong dân.

Phòng truyền thống của TAND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Công lý.

PV: Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh nhà thì mô hình nào khiến bà tâm đắc nhất?

Bà Phạm Thanh Tuyền: Mô hình nào thì cũng có những ưu điểm và nhược điểm riêng của nó. Trong năm 2017 tỉnh Hậu Giang chúng tôi đã cho ra mắt mô hình câu lạc bộ “Phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý’’ tại phường 7, thành phố Vị Thanh. Thành viên của mô hình câu lạc bộ này gồm các đối tượng mới ra tù, người đang chịu án treo, người cải tạo không giam giữ, người có nguy cơ phạm pháp… Ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã tổ chức được 06 cuộc sinh hoạt với 185 lượt đối tượng trong phạm vi quản lý và 120 lượt người dân tham dự. Qua đó chúng tôi đã tuyên truyền, giới thiệu được 15 văn bản luật và chính sách xã hội như: Bộ luật Hình sự mới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Xử lý vi phạm hành chính; các chính sách vay vốn, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm… Có thể nói đây là một mô hình mới và bước đầu đã phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần làm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ phạm tội và tái phạm tội cho các đối tượng; đồng thời tạo điều kiện cho họ tiếp cận với các chính sách hỗ trợ xã hội theo chủ trương của Đảng và Nhà nước để vươn lên trong cuộc sống.

PV: Theo chúng tôi được biết thì hiện nay có một số tòa án địa phương đang trong tình trạng quá tải với nhiều vụ việc tồn đọng. Bên cạnh việc phổ biến, tuyên truyền kiến thức về pháp luật cho người dân, bà nghĩ như thế nào về tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở?

Bà Phạm Thanh Tuyền: Theo tôi, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở có mối quan hệ hữu cơ. Kiến thức về pháp luật của người dân càng cao thì số lượt khiếu kiện càng ít và tỷ lệ hòa giải ở cơ sở thành công càng lớn, tình làng nghĩa xóm được giữ gìn đồng thời giảm bớt tình trạng quá tải cho các cơ quan xét xử, cơ quan bảo vệ pháp luật. Chúng tôi luôn coi công tác hòa giải ở cơ sở là một mảng quan trọng trong rất nhiều mảng mà ngành tư pháp đảm trách. Có thể nói công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã thật sự đi vào nề nếp và ngày càng phát huy tính hiệu quả, góp phần củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Đại đa số người dân đều có ý thức chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Những mâu thuẫn dẫn tới tranh chấp thường tập trung vào các lĩnh vực đất đai, hôn nhân gia đình… Để hòa giải thành công những trường hợp này đòi hỏi hòa giải viên, ngoài kiến thức pháp luật, sự công tâm cần phải có thêm kỹ năng nắm bắt diễn tiến tâm lý của từng đối tượng mà mình tiến hành hòa giải. Trong năm 2017, ngành tư pháp Hậu Giang đã tổ chức được 18 lớp tập huấn cho đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở. Hiện tại trong toàn tỉnh có 543 tổ hòa giải với 3.377 hòa giải viên, tỷ lệ các vụ hòa giải thành công là 89,5%. Riêng thành phố Vị Thanh tỷ lệ này là 98,2%, huyện Long Mỹ đạt 95,83%.

PV: Là cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương, bà nghĩ như thế nào về vai trò của người luật sư trong giai đoạn hiện nay?

Bà Phạm Thanh Tuyền: Chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền theo tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi mối quan hệ xã hội đều phải được điều chỉnh bằng pháp luật thì vai trò của người luật sư là không thể thiếu. Hiện nay trong dân chưa thật sự hình thành thói quen sử dụng định chế luật sư để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chính thói quen này dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho xã hội. Đoàn luật sư tỉnh Hậu Giang chúng tôi hiện nay chỉ có 19 thành viên, tỷ lệ luật sư trên đầu người dân chỉ đạt 1/60.000 nên cần được quan tâm, phát triển thêm.

PV: Xin chân thành cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc nói chuyện hôm nay. Kính chúc bà và ngành tư pháp Hậu Giang bước vào năm 2018 có thêm nhiều thắng lợi mới!

Nguyễn Thụy Vũ