Nộp phí thành viên và nguyên tắc độc lập của nghề Luật sư

20/05/2024 16:48 | 1 giây trước

(LSVN) - Độc lập là một trong các nguyên tắc tối cao, nền tảng hình thành, hoạt động, phát triển của nghề nghiệp của Luật sư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, nguyên tắc độc lập đã luôn được đề cao, khẳng định trong cả văn bản pháp quy và trong quy định nội bộ giới Luật sư Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Quy tắc 2 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định: “Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp”.

Độc lập của nghề Luật sư chính là sự tự quản của nghề Luật sư. Muốn tự quản, độc lập nghề nghiệp, giới Luật sư cần phải độc lập về cơ cấu tổ chức, độc lập về quản lý điều hành, độc lập về thể chế qua việc tự ban hành các văn bản để quản lý điều hành hoạt động của giới Luật sư. Trên thực tế tính tự quản của nghề Luật sư tại Việt Nam hiện nay cũng đã ở mức tương đối cao và đang tiếp tục được khẳng định, tạo lập phù hợp thế giới và đặc thù lịch sử, truyền thống dân tộc Việt Nam.

Trong các nội dung độc lập, tự quản có một nội dung rất quan trọng đó là phải tự chủ, độc lập được về tài chính. Tức là giới Luật sư và nghề Luật sư phải tự chủ, tự đóng góp xây dựng để duy trì được bộ máy hoạt động của mình từ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đến Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố. Luật sư duy trì các hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư cụ thể là các Công ty Luật, các Văn phòng Luật sư. Mỗi cá nhân các Luật sư phải sống được và phát triển được bằng chính thu nhập từ nghề Luật sư, mà không phải bằng nguồn thu nhập từ nghề khác. 

Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố là tổ chức xã hội nghề nghiệp, đại diện, bảo vệ, tổ chức điều hành các hoạt động của nghề Luật sư tại Việt Nam. Đây là tổ chức tự chủ trong đó có tự chủ về kinh phí. 

Trong giai đoạn khó khăn nhà nước có những hỗ trợ nhất định, nhưng với sự phát triển của nghề nghiệp, dần dần các tổ chức này phải phấn đấu tự chủ trong đó có tự chủ về tài chính. Khi nào nghề Luật sư tự chủ được toàn bộ hoàn toàn về vấn đề tài chính thì lúc đó nguyên tắc độc lập trong hoạt động nghề Luật sư mới thực sự được đảm bảo. Để được thực hiện được điều đó, mỗi Luật sư phải thực hiện nghiêm các nghĩa vụ của mình trong đó có nghĩa vụ nộp phí thành viên. 

Từ năm 2023 phí thành viên của Luật sư được phân định rõ thành phí thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, và phí thành viên Đoàn Luật sư nơi Luật sư đăng ký hoạt động. Trong đó phí thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam Luật sư nộp 200.000 đồng một người trên năm. Phí thành viên Đoàn Luật sư là 150.000 đồng một người trên năm.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng quy định trường hợp Luật sư không thực hiện nghĩa vụ đóng phí từ trên 18 tháng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang