Nữ hộ lý bỏ thuốc diệt chuột vào thức ăn thừa tại phòng khám có thể bị xử lý như thế nào?

05/05/2023 18:12 | 1 năm trước

(LSVN) – Theo Luật sư, hành vi bỏ thuốc chuột vào thức ăn thừa để người khác mang về chăn nuôi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu tội phạm của tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.


Phòng khám Hùng Vương Chân Mộng (tỉnh Phú Thọ).

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) đã thông tin chính thức về việc một hộ lý bỏ thuốc diện chuột vào thức ăn thừa, nhằm hãm hại đồng nghiệp.

Theo đó, thời gian gần đây một số vật nuôi như chó, mèo, lợn của gia đình anh H. và D. có địa chỉ tại xã Chân Mộng, Đoan Hùng (anh H. là nhân viên bảo vệ, chị D. là nhân viên cấp dưỡng tại Phòng khám Hùng Vương Chân Mộng - Bệnh viện đa khoa Hùng Vương) bị ốm rồi chết. Riêng với chó, trước khi chết đều có hiện tượng sùi bọt mép, lên cơn giống bệnh dại rồi chết, tất cả số vật nuôi đó đều được chị D. cho ăn các thức ăn thừa lấy từ phòng khám.

Qua điều tra, đấu tranh làm rõ chị P.T.N. (nhân viên hộ lý, tạp vụ tại Phòng khám Hùng Vương Chân Mộng) đã thừa nhận, bản thân là người đã bỏ thuốc chuột vào xô thức ăn thừa tại phòng khám để chị D. mang về chăn nuôi.

Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cho biết do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngày 03/5, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương đã cho hộ lý N. nghỉ việc, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ, vật chứng và các tài liệu, chứng cứ có liên quan đã được báo cáo bàn giao cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đoan Hùng điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: Hành vi bỏ thuốc chuột vào thức ăn thừa để người khác mang về chăn nuôi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu tội phạm của tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Thậm chí trong một số trường hợp còn có thể là tội “Giết người”, do đó cơ quan điều tra cần làm rõ mục đích, ý thức chủ quan của đối tượng và hậu quả của sự việc để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Luật sư Cường, các vật nuôi như chó, mèo, lợn,... được xác định là tài sản của người dân, các tài sản này được pháp luật bảo vệ. Hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi xâm phạm đến tài sản của người khác sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Một người bình thường sẽ nhận thức được rằng thuốc diệt chuột là loại thuốc độc, loại thuốc này nếu trộn vào thức ăn để cho vật nuôi ăn thì vật nuôi sẽ chết, gây thiệt hại đến tài sản của người khác nhưng vẫn cố ý lén bỏ thuốc diệt chuột vào thức ăn để cho vật nuôi ăn thì đây là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Nếu kết quả xác minh cho thấy người này đã cố ý sử dụng thuốc diệt chuột để gây thiệt hại đến tài sản (vật nuôi) của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý người phụ nữ này về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự. Nếu tài sản thiệt hại dưới 200.000.000 đồng nhưng hành vi được xác định là "dùng thủ đoạn nguy hiểm" thì người phụ nữ này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 178 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp bỏ thuốc diệt chuột vào thức ăn thừa với mục đích để cho người khác ăn thì đây là hành vi giết người. Người sử dụng thuốc diệt chuột để sát hại người khác có thể sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng là có động cơ đê hèn và dùng thủ đoạn nguy hiểm có thể làm chết nhiều người.

TIẾN HƯNG

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định mới