Pháp luật về tập sự hành nghề Luật sư: Một số vấn đề cần bàn

11/02/2024 05:29 | 3 tháng trước

(LSVN) - Pháp luật về tập sự hành nghề luật sư là những quy định quan trọng làm căn cứ, nền tảng để người tập sự hành nghề luật sư thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình cũng như thực hành, rèn luyện kỹ năng để chuẩn bị hành trang cho quá trình hành nghề sau khi đủ điều kiện hành nghề luật sư. Trên cơ sở các quy định của pháp luật về tập sự hành nghề luật sư hiện hành và từ thực tiễn, bài viết đưa ra một số ý kiến nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về tập sự hành nghề luật sư.


Ảnh minh họa.

Với số lượng hơn 18.000 thành viên đang hành nghề trên cả nước, đội ngũ luật sư Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng của mình trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích của khách hàng, góp phần bảo vệ công lý và góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đi đôi với quá trình phát triển về số lượng thành viên, việc nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư có trình độ về kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề cũng như đạo đức nghề nghiệp là vấn đề quan trọng để bảo đảm phát triển đồng đều giữa lượng và chất trong phát triển nghề luật sư ở Việt Nam.

Để có thể bảo đảm được cả hai mục tiêu đó, việc thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về tập sự hành nghề luật sư nhằm chuẩn bị nền tảng về kiến thức, kỹ năng hành nghề chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp vững vàng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề luật sư(1). Nền tảng ấy cần thiết và cấp thiết phải được xây dựng vững chắc ngay từ khi đang tập sự hành nghề luật sư mà không phải đợi đến khi trở thành luật sư mới xây dựng.

Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành về tập sự hành nghề luật sư, qua thời gian thi hành trong thực tiễn đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập không còn phù hợp với thực tế và đòi hỏi của đời sống xã hội, cần sớm được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người tập sự hành nghề luật sư, làm cơ sở xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư về chất lượng và số lượng đáp ứng nhu cầu và sự tin tưởng của khách hàng, cộng đồng xã hội với luật sư và nghề luật sư.

Quy định pháp luật hiện hành về tập sự hành nghề luật sư

Hoạt động tập sự hành nghề luật sư hiện đang được quy định tại các văn bản: Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012 và 2015 (Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-VPQH ngày 31/12/2015, gọi tắt là Luật Luật sư); Thông tư số 10/2021/TT-BTP ngày 10/12/2021 của Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư (Thông tư 10/2021/TT-BTP).

Điều kiện, thủ tục, thời gian tập sự hành nghề luật sư

Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 14 Luật Luật sư và Điều 3 Thông tư số 10/2021/TT-BTP, công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt; có bằng cử nhân luật hoặc bằng thạc sỹ luật; có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư tại Việt Nam hoặc quyết định công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài hoặc giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề luật sư nhưng thuộc trường hợp phải tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Luật sư thì được đăng ký tập sự hành nghề luật sư.

Người có nhu cầu tập sự hành nghề luật sư lựa chọn và thỏa thuận với một tổ chức hành nghề luật sư để tập sự. Tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự cử luật sư hướng dẫn và gửi giấy xác nhận về việc nhận tập sự hành nghề luật sư cho người tập sự và Đoàn luật sư ở địa phương nơi đặt trụ sở.

Việc thỏa thuận giữa người có nhu cầu tập sự và tổ chức hành nghề luật sư về việc tập sự dựa trên cơ sở tự nguyện giữa các bên. Vì lời văn của điều luật không thể hiện việc thỏa thuận phải bằng văn bản nên về nguyên tắc, các bên có thể thỏa thuận bằng miệng, bằng hành vi cụ thể (nhận và ban hành văn bản xác nhận tập sự) hoặc bằng văn bản giấy (điện tử). Tuy nhiên, để việc lập, lưu trữ hồ sơ tập sự của tổ chức hành nghề luật sư bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học thì người có nhu cầu tập sự nên có đơn/văn bản đề nghị tập sự gửi tổ chức hành nghề luật sư làm cơ sở để cử luật sư hướng dẫn tập sự.

Trường hợp người có nhu cầu tập sự hành nghề luật sư không thỏa thuận được với tổ chức hành nghề luật sư về việc nhận tập sự thì có thể đề nghị ban chủ nhiệm Đoàn luật sư giới thiệu tổ chức hành nghề luật sư để tập sự. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm phân công một luật sư thành viên của Đoàn là người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư nhận người đó vào tập sự. Người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư được phân công từ chối nhận tập sự khi không có lý do chính đáng thì bị xem xét, xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Thông tư 10/2021/TT-BTP.

Tổ chức hành nghề luật sư phân công luật sư hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư. Luật sư hướng dẫn tập sự phải là người có ít nhất ba năm kinh nghiệm hành nghề luật sư và không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Luật sư. Tại cùng một thời điểm, một luật sư không được hướng dẫn quá ba người tập sự.

Tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự bao gồm: văn phòng luật sư, công ty luật; chi nhánh của văn phòng luật sư, công ty luật; chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam; công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

Người tập sự hành nghề luật sư đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự và được Đoàn luật sư cấp giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư. Người đăng ký tập sự cần nộp hồ sơ đăng ký tập sự theo quy định tại Điều 5 Thông tư 10/2021/TT-BTP.

Khoản 1 Điều 14 Luật Luật sư và Điều 10 Thông tư 10/2021/TT-BTP quy định thời gian tập sự hành nghề luật sư là 12 tháng, kể từ ngày ban chủ nhiệm Đoàn luật sư đăng ký tập sự; người được giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Luật sư thì thời gian tập sự hành nghề luật sư là 04 tháng; người được giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Luật sư thì thời gian tập sự hành nghề luật sư là 06 tháng.

Thời gian tập sự 12 tháng theo hướng dẫn trên đây được áp dụng đối với người đã tham gia và được cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ luật sư do Học viện Tư pháp tổ chức theo chương trình đào tạo thời gian 12 tháng và những người được miễn đào tạo nghề luật sư nhưng không được miễn tập sự (chỉ được giảm thời gian tập sự) theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 Luật Luật sư.

Trước đây, khi thực hiện Luật Luật sư năm 2006 (chưa được sửa đổi, bổ sung), thời gian đào tạo nghề luật sư là 06 tháng (khoản 2 Điều 12) và thời gian tập sự hành nghề luật sư là 18 tháng (khoản 1 Điều 14). Tuy nhiên, khi Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012 đã quy định thời gian đào tạo nghề luật sư và thời gian tập sự hành nghề đều là 12 tháng. Vì vậy, theo quy định tại các văn bản hiện hành thì thời gian tập sự hành nghề luật sư là 12 tháng, không phụ thuộc vào thời gian đào tạo nghề luật sư là 06 tháng hay 12 tháng vì các văn bản quy định nội dung tập sự hành nghề luật sư là 18 tháng đều đã hết hiệu lực.

Trong thời gian tập sự hành nghề luật sư, người tập sự hành nghề luật sư có thể thay đổi nơi tập sự, gia hạn thời gian tập sự, tạm ngừng, chấm dứt việc tập sự hành nghề luật sư và có các quyền, nghĩa vụ theo quy định tại các điều từ Điều 9 đến Điều 12 Thông tư số 10/2021/TT-BTP.

Nội dung tập sự hành nghề luật sư

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 10/2021/TT-BTP, tập sự hành nghề luật sư bao gồm các nội dung sau đây: (1) Pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam; (2) Kỹ năng nghiên cứu, thu thập tài liệu và đề xuất hướng giải quyết hồ sơ vụ việc; (3) Kỹ năng tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự; (4) Kỹ năng tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật; (5) Kỹ năng tư vấn pháp luật; (6) Kỹ năng đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật; (7) Kỹ năng thực hiện dịch vụ pháp lý khác.

Các hoạt động người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn thực hiện và không được thực hiện

Khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư quy định: Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật. Người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi được người đó đồng ý; giúp luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ, việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ, việc và các hoạt động nghề nghiệp khác; được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.

Như vậy, có thể thấy đối với những hoạt động nghề nghiệp mang tính chất chủ động của luật sư như nghiên cứu, tra cứu văn bản pháp luật, nghiên cứu hồ sơ tại tổ chức hành nghề, thu thập đồ vật, tài liệu hoặc soạn thảo luận cứ… thì người tập sự hành nghề luật sư hoàn toàn chủ động thực hiện theo sự phân công của luật sư.

Đối với các hoạt động nghiệp vụ hành nghề phải làm việc trực tiếp với khách hàng thì người tập sự hành nghề luật sư ngoài điều kiện cần là được luật sư hướng dẫn phân công giúp đỡ, thực hiện công việc thì còn phải được khách hàng đồng ý. Đối với hoạt động tư vấn pháp luật thì nếu được luật sư hướng dẫn phân công và được khách hàng đồng ý thì người tập sự hành nghề được thực hiện nhưng người ký văn bản tư vấn vẫn là luật sư hướng dẫn, không phải người tập sự hành nghề luật sư.

Người tập sự hành nghề luật sư không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật.

Với quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư, nhà làm luật đã thể hiện quan điểm: những người chưa phải là luật sư thì không có quyền nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng(2). Đây là quy định khác so với các văn bản trước đây về những việc người tập sự được thực hiện trong thời gian tập sư.

Theo Điều 12 Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987, luật sư tập sự được bào chữa và làm các việc giúp đỡ pháp lý khác, có các quyền và nghĩa vụ như luật sư, trừ quyền bầu và được bầu vào ban chủ nhiệm và ban kiểm tra của Đoàn.

Khoản 3 Điều 11 Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 37/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25/7/2001 về luật sư có quy định: Luật sư tập sự chỉ được thực hiện các hoạt động nghề nghiệp theo sự phân công của luật sư hướng dẫn. Đồng thời, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Luật sư quy định: Luật sư tập sự được tham gia tố tụng trong các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân cấp huyện, tòa án quân sự khu vực theo sự phân công của luật sư hướng dẫn và khi được khách hàng đồng ý. Khi tham gia tố tụng, luật sư tập sự có các quyền và nghĩa vụ của luật sư theo quy định của pháp luật tố tụng và Pháp lệnh Luật sư. Đối với những vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án quân sự quân khu và tương đương, luật sư tập sự được cùng với luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ, gặp bị can, bị cáo và đương sự khác, khi được họ đồng ý. Luật sư tập sự được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác cho khách hàng theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý, nhưng không được ký văn bản tư vấn pháp luật và phải chịu trách nhiệm về chất lượng công việc mà mình thực hiện trước luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư nơi mình tập sự.

Như vậy, Luật Luật sư hiện hành đã quy định theo hướng thu hẹp rất nhiều các hoạt động nghiệp vụ mà người tập sự hành nghề luật sư được thực hiện so với Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 và Pháp lệnh Luật sư năm 2001.

Quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư được đánh giá là đang quá thận trọng và điều đó làm giảm đi đáng kể mục đích và giá trị cần đạt được của một quá trình tập sự hành nghề luật sư kéo dài 12 tháng(3).

Những vấn đề bất cập phát sinh trong hoạt động tập sự hành nghề luật sư

Về tư cách tham gia tố tụng của người tập sự hành nghề luật sư

Hiện nay, quy định về người tập sự hành nghề luật sư được quy định trong Luật Luật sư và Thông tư 10/2021/TT-BTP. Tuy nhiên, người tập sự hành nghề luật sư lại không phải là chủ thể tham gia tố tụng theo quy định trong các luật tố tụng hiện hành nên dẫn đến chưa có sự đồng bộ trong quy định của các văn bản pháp luật. Người tập sự hành nghề luật sư bị hạn chế bởi theo các đạo luật tố tụng thì tất cả các hoạt động tố tụng đều phải tuân theo quy định của luật tố tụng tương ứng, trừ trường hợp trong chính bản thân các luật tố tụng có dẫn chiếu quy định về việc thực hiện theo quy định của Luật Luật sư hoặc pháp luật về luật sư.

Đối với một số hoạt động thuộc kỹ năng chủ động của luật sư hoặc làm việc trực tiếp với đương sự khi được đương sự đồng ý thì người tập sự hành nghề luật sư có thể trực tiếp làm việc hoặc giúp đỡ luật sư thực hiện.

Tuy nhiên, đối với các hoạt động do các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện thì nhiều khi người tập sự hành nghề luật sư không được phép tham gia vì không có tư cách tham gia tố tụng nên phụ thuộc vào người tiến hành tố tụng có cho phép tham gia cùng hay không.

Đặc biệt, mặc dù luật có quy định “người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” nhưng trên thực tế điều này là không thể thực hiện khi người cần gặp đang bị tạm giữ hoặc bị can, bị cáo đang bị tạm giam, bởi người tập sự hành nghề luật sư không có tư cách tố tụng và quyền gặp những người này thực hiện theo luật tố tụng và pháp luật về thi hành tạm giữ tạm giam.

Về hoạt động thực hành kỹ năng nghề nghiệp trong thời gian tập sự của người tập sự hành nghề luật sư

Khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư quy định: “Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật”. Quy định này của luật hiện hành được hình dung như “người đi học bơi nhưng lại không được xuống nước”, trong khi đây lại là những kỹ năng chính và cần thiết phải được người tập sự hành nghề luật sư thực hành thực tế ngay trong quá trình tập sự để có thể thực hành thành thạo kỹ năng nghề nghiệp sau khi chính thức được hành nghề luật sư.

Có quan điểm cho rằng quy định về việc người tập sự hành nghề luật sư không được đại diện cho khách hàng tại phiên tòa theo khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư hiện hành là chưa thật sự phù hợp với ý nghĩa của hoạt động tập sự hành nghề luật sư. Bởi lẽ, thực tế cho thấy trong một số vụ việc dân sự đơn giản, khách hàng vẫn tin tưởng và đồng ý với luật sư hướng dẫn là để người tập sự đại diện cho mình tại phiên tòa để tiết giảm chi phí thù lao luật sư. Trong trường hợp này, rõ ràng xét về khía cạnh ý chí và lợi ích thiết thực thì cả tổ chức hành nghề luật sư nơi tập sự, luật sư hướng dẫn, khách hàng và người tập sự đều được thỏa mãn. Đối với người tập sự thì rất cần và mong muốn có thêm kinh nghiệm quý báu này nhưng lại vướng phải rào cản không đáng có từ một quy định thiếu thực tế; trong khi có những người tập sự hành nghề luật sư có kiến thức chuyên môn rất tốt, thậm chí đang là nghiên cứu sinh luật học hoặc thạc sĩ luật học, hoàn toàn có thể đáp ứng khả năng đại diện cho khách hàng trong một số vụ việc cụ thể. Thiết nghĩ, cho người tập sự thử thách sớm khả năng đại diện tham gia tố tụng cho khách hàng khi được sự đồng ý của khách hàng, dưới sự dìu dắt của luật sư hướng dẫn và chấp thuận của tổ chức hành nghề luật sư nơi tập sự cũng là một cách để giúp người tập sự cảm thấy hoạt động tập sự luật sư ý nghĩa và thiết thực hơn, từ đó thêm yêu và quý trọng nghề nghiệp mình hơn(4).

Đồng thời, đối với quy định về việc người tập sự hành nghề luật sư không được đại diện cho khách hàng tại phiên tòa vẫn còn là vấn đề hiện nay đang có quan điểm không thống nhất trong cách hiểu, nhận định quy định của luật từ phía các luật sư cũng như một số cơ quan tiến hành tố tụng(5).

Về nội dung công việc tham gia trong thời gian tập sự hành nghề luật sư

Theo quy định hiện hành, nội dung tập sự hành nghề luật sư gồm có 07 loại công việc. Đồng thời, trong thời gian tập sự, người tập sự hành nghề luật sư lập sổ nhật ký tập sự hành nghề luật sư theo mẫu quy định để ghi chép các công việc thuộc nội dung tập sự mà mình thực hiện trong thời gian tập sự. Tuy nhiên, theo mẫu sổ nhật ký tập sự ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BTP thì nhật ký tập sự cần phải được lập theo tuần và thể hiện rõ vụ việc tham gia thực hiện là “tư vấn” hay “tranh tụng”. Như vậy, những công việc hành chính như trực văn phòng tổ chức hành nghề luật sư, nghiên cứu văn bản pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư… có được coi là công việc được thể hiện vào trong sổ nhật ký tập sự hay không là vấn đề mà nhiều người tập sự băn khoăn khi lập sổ nhật ký. Vấn đề này cần phải được hướng dẫn thêm từ phía cơ quan có thẩm quyền để thống nhất thực hiện.

Đây là những khó khăn cần được các nhà làm luật nghiên cứu và khắc phục trong thời gian tới để góp phần tiến tới hoàn thiện pháp luật về tập sự hành nghề luật sư, đồng bộ với hệ thống pháp luật về tố tụng và hoạt động tập sự hành nghề thực sự làm nền tảng tạo ra những luật sư trong tương lai có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có kinh nghiệm thực tế và kỹ năng hành nghề chuyên nghiệp.

Đề xuất, kiến nghị

Xuất phát từ những vướng mắc của người tập sự hành nghề luật sư đã trình bày trên đây, vấn đề đặt ra là cần hoàn thiện quy định pháp luật về người tập sự hành nghề luật sư, tạo sự đồng bộ giữa Luật Luật sư và các luật về tố tụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người tập sự luật sư được tham gia những hoạt động tố tụng trong quá trình tập sự. Dưới đây là một số giải pháp được chúng tôi đề xuất thực hiện:

(1) Nên sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn hoạt động nghiệp vụ chuyên môn luật sư mà người tập sự hành nghề luật sư được thực hiện và không được thực hiện trong hoạt động tham gia tố tụng theo hướng người tập sự hành nghề luật sư được phép tham gia đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng nếu được khách hàng đồng ý (trừ hoạt động bào chữa trong vụ án hình sự) và giới hạn ở tính chất vụ việc như vụ, việc đơn giản, ít nghiêm trọng và giới hạn số lượng vụ việc được tham gia so với tổng thời gian tập sự hành nghề luật sư.

(2) Cần có quy định rõ về quyền tham gia phiên tòa, địa vị pháp lý trong phiên tòa của người tập sự hành nghề luật sư, khi phiên tòa đó có sự tham gia của luật sư hướng dẫn. Thực tiễn thi hành nguyên tắc tòa án xét xử công khai và mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa còn tồn tại nhiều bất cập, thậm chí gây bức xúc trong đời sống xã hội, bởi vẫn còn tồn tại tình trạng người dân, sinh viên chuyên ngành luật, người tập sự hành nghề luật sư… không được một số tòa án cho vào xem, tham dự phiên tòa xét xử các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, vụ án tham nhũng… mà không có lý do chính đáng, mặc dù vụ án không thuộc trường hợp xử kín theo quy định của luật(6).

(3) Quy định nhật ký tập sự cần phải được lập theo tuần và thể hiện rõ vụ việc tham gia thực hiện là “tư vấn” hay “tranh tụng” cần được hướng dẫn thêm để thống nhất thực hiện với quy định về nội dung tập sự và nếu số lượng vụ, việc của luật sư hướng dẫn không đáp ứng nhu cầu tập sự thì có thể mở rộng hơn về loại vụ việc của người tập sự tham gia thực hiện, không chỉ giới hạn trong số vụ việc của luật sư hướng dẫn mà có thể tham gia thêm những vụ việc trong phạm vi của tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia tập sự, các hoạt động tham dự phiên tòa để dự khán theo lịch xét xử của tòa án với một tỷ lệ phù hợp để nâng cao tính đa dạng và chất lượng của hoạt động tập sự hành nghề luật sư.

Mặt khác, đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề xuất Bộ Tư pháp xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương để bảo đảm hoạt động tham gia tố tụng, tham dự phiên tòa nhằm tích lũy kinh nghiệm thực tế của người tập sự hành nghề luật sư được thuận lợi.

(1) Lời nói đầu, Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc.

(2) TS Nguyễn Văn Tuân, Thể chế về luật sư và hành nghề luật sư trong Nhà nước pháp quyền, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2021, tr.87.

(3) https://lsvn.vn/kie-n-nghi-su-a-do-i-bo-sung-khoa-n-3-die-u-14-cu-a-lua-t-lua-t-su-1694100669.html,  ngày 04/12/2023.

(4) https://lsvn.vn/kie-n-nghi-su-a-do-i-bo-sung-khoa-n-3-die-u-14-cu-a-lua-t-lua-t-su-1694100669.html, ngày 04/12/2023.

(5) Luật gia Thiều Hữu Minh, Bàn về dịch vụ pháp lý đại diện của luật sư và đại diện theo ủy quyền của cá nhân, pháp nhân khác, Tạp chí Luật sư Việt Nam, số 7/2023, tr. 34.

(6) Luật gia Thiều Hữu Minh, Nguyên tắc tòa án xét xử công khai và quyền tham dự phiên tòa của người dân, Tạp chí Luật sư Việt Nam, số 11/2023, tr.40.

Luật gia THIỀU HỮU MINH 

Hội Luật gia TP. Đà Nẵng

TRẦN KHÁNH VÂN

Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng

Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất