Phân biệt tội ‘Chống người thi hành công vụ’ với một số tội khác

19/09/2022 22:41 | 1 năm trước

(LSVN) - Bài viết đưa ra các ý kiến để phân biệt tội “Chống người thi hành công vụ” với các tội khác có hành vi chống người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Ảnh minh họa.

Tội “Chống người thi hành công vụ” (Điều 330); các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; các tội xâm phạm danh dự, nhân phẩm người đang thi hành công vụ trong Bộ luật Hình sự ra đời nhằm xử lý hành vi xâm phạm tính mạng sức khỏe, nhân phẩm, danh dự để chống lại việc thi hành công vụ trong quản lý nhà nước xảy ra nhiều và có tính chất nghiêm trọng; xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan nhà nước.

Mặc dù đã được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thống nhất áp dụng quy định về các tội nêu trên nhưng việc phân biệt tội “Chống người thi hành công vụ” với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; các tội xâm phạm danh dự, nhân phẩm người đang thi hành công vụ còn nhiều bất cập. Do vậy thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự gặp không ít khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn nêu trên, bài viết đưa ra ý kiến để phân biệt tội “Chống người thi hành công vụ” với các tội khác có hành vi chống người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Người thi hành công vụ

Khái niệm người thi hành công vụ được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, quy định cụ thể như sau: “Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội” [1].

Ngoài ra, khái niệm người thi hành công vụ còn được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, cụ thể như sau: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án” [2].

Từ hai khái niệm trên, để xác định người thi hành công vụ phải xét ở hai khía cạnh:

Thứ nhất, về chủ thể, người thi hành công vụ phải là cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước hoặc công dân bất kỳ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều động, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ;

Thứ hai, về phạm vi nhiệm vụ thực hiện, chỉ có thể được coi là thi hành công vụ khi công việc mà họ làm phải là thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án nhằm phục vụ lợi ích chung của nhà nước, của xã hội.

Như vậy, về tính chất, thì công vụ mà người thi hành công vụ đang thực hiện có thể liên quan hoặc không liên quan trực tiếp tới lợi ích của người thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ.

Phân biệt tội “Chống người thi hành công vụ” với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân

Hành vi chống người thi hành công vụ và hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ có điểm giống nhau đều liên quan tới việc thi hành công vụ trong công tác quản lý hành chính nhà nước, trong hoạt động tố tụng và trong công tác thi hành án. Tội “Chống người thi hành công vụ” và các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do do công vụ của nạn nhân đều là những tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý.

Tuy nhiên hai nhóm hành vi này có điểm khác nhau cơ bản như sau:

Thứ nhất, về thời điểm thực hiện hành vi, hành vi chống người thi hành công vụ chỉ có thể xảy ra trong quá trình người bị phạm tội đang thi hành công vụ; còn hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ có thể xảy ra trước trong hoặc sau khi thi hành công vụ. Vì thế, để phân biệt hai nhóm hành vi này cần phải xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc thi hành công vụ.

Thứ hai, về mức độ tổn hại cho tính mạng, sức khỏe thì hành vi phạm tội “Chống người thi hành công vụ” không gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ. Còn hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân gây ra thiệt hại về sức khỏe cho người thi hành công vụ. Nghĩa là, khi thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ gây ra thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, thì hành vi chống người thi hành công vụ đã chuyển thành các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người quy định tại Điều 123 và 134 Bộ luật Hình sự. Đây là điểm khác nhau về bản chất giữa hai nhóm hành vi này.

Do đó, hành vi chống người thi hành công vụ không gây ra thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ bị coi là phạm tội chống người thi hành công vụ; hành vi tước đoạt tính mạng của người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân bị coi là phạm tội giết người; còn hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân bị coi là phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. 

Phân biệt tội “Chống người thi hành công vụ” với các tội xâm phạm danh dự, nhân phẩm người đang thi hành công vụ

Hành vi chống người thi hành công vụ và hành vi làm nhục, vu khống người thi hành công vụ có điểm giống nhau về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng tác động của tội phạm. Theo đó, thời điểm chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 và thời điểm thực hiện hành vi làm nhục hoặc vu khống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 155, 156 Bộ luật Hình sự là thời điểm người bị phạm tội đang thi hành công vụ. Hành vi chống người thi hành công vụ và làm nhục, vu khống người thi hành công vụ trong công tác quản lý hành chính nhà nước, trong hoạt động tố tụng và trong công tác thi hành án. Điểm khác nhau cơ bản giữa tội “Chống người thi hành công vụ” và làm nhục hoặc vu khống người thi hành công vụ là mức độ thiệt hại.

Cụ thể, nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ chưa đến mức nghiêm trọng thì hành vi xúc phạm người thi hành công vụ cấu thành tội chống người thi hành công vụ. Nếu xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ thì bị coi là phạm tội làm nhục người khác quy định tại điểm d khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự.

Nếu bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thi hành công vụ hoặc bịa đặt là người thi hành công vụ phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị coi là phạm tội vu khống quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự. Nếu bịa đặt người thi hành công vụ phạm tội rất nghiêm trọng, đặt biệt nghiêm trọng và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị coi là vu khống quy định tại điểm đ và h khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự.

Qua nội dung trên, bài viết đã đưa ra khái niệm về người thi hành công vụ và trình bày ý kiến phân biệt tội "Chống người thi hành công vụ" với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân và các tội xâm phạm danh dự, nhân phẩm người đang thi hành công vụ với mong muốn nâng cao hiệu quả hoạt động áp dụng pháp luật tội chống người thi hành công vụ. 

[1] Khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP.

[2] Khoản 2 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017.

PHẠM MINH HIẾU

Tòa án Quân sự Quân khu 9

Phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch khi xác minh tài sản, thu nhập thông qua bốc thăm