"Phiên tòa sơ thẩm sắp tới chưa được quyền kết án Huyền Như về tội "Tham ô""

04/01/2018 02:22 | 6 năm trước

LSVNO - “Phiên tòa sơ thẩm sắp đến, Hội đồng xét xử (HĐXX) chưa được quyền kết án Huỳnh Thị Huyền Như về tội Tham ô”, đây là ý kiến trao đổi của Luật sư Nguyễn Hồng Hà với tình huống tố tụng về...

LSVNO - “Phiên tòa sơ thẩm sắp đến, Hội đồng xét xử (HĐXX) chưa được quyền kết án Huỳnh Thị Huyền Như về tội Tham ô”, đây là ý kiến trao đổi của Luật sư Nguyễn Hồng Hà với tình huống tố tụng về giới hạn xét xử theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLTTHS) mới có hiệu lực.

Vừa qua, báo chí đưa tin, ngày 2/1, Tòa án nhân dân tối cao (TAND) TP. HCM sẽ xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ VietinBank Chi nhánh TP.HCM) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, phiên tòa này bất ngờ bị hoãn chưa rõ lý do.

Nhưng mới đây, Báo Pháp luật TP. HCM  đăng bài: “Huyền Như tham ô tài sản chứ không lừa đảo?” của tác giả Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND tối cao). Theo đó, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao cho rằng, quy định của BLTTHS 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) thì tòa án có quyền xét xử Huyền Như về tội danh Tham ô tài sản sau khi đã trả hồ sơ vụ án để VKS truy tố lại nhưng VKS vẫn không thay đổi tội danh (khoản 3 Điều 298 BLTTHS 2015). Với quy định trên, thiết nghĩ qua xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa sắp tới, nếu HĐXX xác định Huyền Như tham ô tài sản thì có quyền kết án Huyền Như về tội này. 

Huyền Như và các đồng phạm tại phiên xử phúc thẩm lần đầu. Ảnh: plo.vn

Trao đổi về ý kiến trên, Luật sư Nguyễn Hồng Hà cho rằng: "Tôi đồng ý với tác giả về nguyên tắc tố tụng, thời điểm xét xử sơ thẩm vụ án này là áp dụng quy định của BLTTHS năm 2015, nhưng theo khoản 3 Điều 298 BLTTHS 2015 thì HĐXX sơ thẩm lần thứ nhất sắp tới đây".

Cụ thể, Luật sư Hà cho biết, Tòa án chưa được quyền kết tội Huyền Như về tội nặng hơn, bởi những căn cứ sau đây:

Thứ nhất, thời điểm ban hành cáo trạng và đưa vụ án ra xét xử đối với bị cáo Huyền Như là áp dụng BLTTHS 2003. Theo đó, cả Viện và Tòa đều quyết định truy tố, xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tòa án không có thông báo xét xử bị cáo về tội nặng hơn (tội tham ô). Phiên tòa ngày 2/1/2018, là phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất đối với Huyền Như, do đó không thể áp dụng tố tụng theo hướng bất lợi cho bị cáo.

Thứ hai, với lý do thứ nhất, giả sử phiên tòa sơ thẩm ngày 2/1/2018 không bị hoãn thì quy định về Giới hạn của việc xét xử đã được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS 2015: “Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố  lại  và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.”

Theo quy định này, nếu qua kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa có căn cứ xác định Huyền Như tham ô tài sản thì  HĐXX phải trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết. Nếu Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên cáo trạng đã truy tố thì HĐXX sơ thẩm lần thứ hai mới có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn.

Trong trường hợp này, không thể căn cứ vào quyết định của bản án phúc thẩm để cho rằng Tòa án đã trả hồ sơ một lần, để sử dụng quyền kết tội nặng hơn đối với bị cáo Huyền Như, vì đây là giai đoạn xét xử sơ thẩm phải tuân thủ giới hạn xét xử tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS. 

"Cũng cần nói thêm, trong trường hợp tranh tụng công khai tại phiên tòa sơ thẩm lần một này có đủ căn cứ để kết luận Huỳnh Như về tội danh khác nặng hơn thì KSV cũng không thể luận tội theo hướng đồng tình với quan điểm của HĐXX  về tội  nặng hơn. Trường hợp này, Kiểm sát viên phải đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để xem xét và báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát quyết định theo Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự mới được Viện trưởng VKSND tối cao ban hành có hiệu lực ngày 1/1/2018", Luật sư Hà phân tích.

Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, nếu tại phiên tòa xét xử có những tình tiết khác với nội dung truy tố của Viện kiểm sát cấp trên thì Viện kiểm sát đề nghị hoãn phiên tòa và báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình để báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên xem xét, quyết định. Trường hợp Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử thì Kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình để báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên xem xét, quyết định…

Với căn cứ pháp lý nói trên, nếu HĐXX sơ thẩm lần thứ nhất kết án về tội nặng hơn đối với bị cáo Huyền Như là vi phạm về giới hạn xét xử được quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS 2015 .

Đây là quy định của BLTTHS 2015 mới có hiệu lực, chắc chắn sẽ  có ý kiến khác nhau, rất mong nhận ý kiến của quý đồng nghiệp về tình huống tố tụng hy hữu này.

Luật sư Hồng Hà

Điều 298 BLTTHS 2015.

1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử. 

2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.