Phòng, chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật

25/05/2024 23:43 | 3 tháng trước

(LSVN) -  Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, việc nhận diện bản chất, thủ đoạn, phương thức để lựa chọn giải pháp phù hợp nhằm phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ “lợi ích nhóm” trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật là thực sự cần thiết. Bài viết phân tích những biểu hiện và tác động của lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện những hoạt động nói trên, qua đó gợi ý một số giải pháp về phòng, chống lợi ích nhóm trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật ở Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa. 

Đặt vấn đề

Khi bàn về những cống hiến quan trọng của văn minh đối với sự sống còn của nhân loại, Luật gia người Mỹ Roscoe Pound (1870-1964) từng nhận định rằng, có hai phát kiến quan trọng là sự kiểm soát giới tự nhiên bên ngoài và kiểm soát bản tính của con người. Nếu như sự phát triển của khoa học - kỹ thuật giúp kiểm soát yếu tố đầu tiên thì việc kiểm soát đức hạnh bên trong của mỗi người được thực hiện thông qua đạo đức, tôn giáo và pháp luật nhằm duy trì trật tự xã hội. C. Mác từng nói: “Chẳng qua chế độ lập pháp về chính trị cũng như về dân sự chỉ làm việc nói lên, ghi chép lại những yêu cầu của những quan hệ kinh tế mà thôi”(1). Như vậy, pháp luật là sản phẩm ra đời phản ánh sự phát triển của văn minh nhân loại, là yếu tố cấu thành không thể tách rời của xã hội hiện đại trong bất kỳ nhà nước nào. Đặc biệt, đối với các quốc gia đã và đang theo đuổi xây dựng nhà nước pháp quyền, pháp luật là một công cụ tất yếu trong quản trị quốc gia. Tuy nhiên, khi xây dựng, ban hành và thực thi chính sách, pháp luật, sự tương tác giữa các nhóm chủ thể có liên quan với nhau là không thể tránh khỏi. Một trong những tương tác mang tính chất tiêu cực được dư luận xã hội quan tâm là có hay không sự câu kết, “móc ngoặc” tạo thành “lợi ích nhóm” trong quá trình xây dựng và thực thi thể chế ở nước ta? Những nhóm lợi ích này, nếu có, sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW(2) ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới?

Nhận diện lợi ích nhóm trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Về mặt thuật ngữ, “lợi ích” là điều có ích, có lợi cho một đối tượng nào đó, trong mối quan hệ với đối tượng ấy(3); là điều cần thiết và có lợi cho mình(4). Như vậy, lợi ích được hiểu là những thứ có thể mang lại, thỏa mãn cho cá nhân, tập thể về một hoặc một số nhu cầu vật chất hay tinh thần nhất định. Trong đời sống hàng ngày cũng như hoạt động công vụ, lợi ích có thể được xem như một trong những động lực thúc đẩy hoạt động của con người. C. Mác đã nhấn mạnh: “Tất cả cái gì mà con người đấu tranh để giành lấy, đều gắn liền với lợi ích của họ”(5). Nếu lợi ích chính đáng có thể thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển thì các lợi ích cá nhân tiêu cực, phi pháp sẽ kìm hãm, thậm chí là triệt tiêu sự phát triển, gây mất đoàn kết nội bộ, đe dọa đến trật tự pháp quyền.

Trong xã hội hiện đại, con người nói chung và những cá nhân mang quyền lực công nói riêng có thể bị chi phối bởi những lợi ích đa dạng. Tuy nhiên, trong số những lợi ích đó, lợi ích kinh tế vẫn được xem là động lực cơ bản nhất, là mục tiêu hoạt động của phần lớn con người nhưng cũng đồng thời là mục tiêu của những kẻ cầm quyền “tha hóa” và lạm dụng quyền lực để tham ô, tham nhũng. Nói như nhà triết học người Pháp Claude Adrien Helvétius, “trên thế giới, lợi ích là người có phép thần thông làm biến đổi mọi hình dáng của mọi sự vật”(6). Lợi ích kinh tế, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, có thể làm xói mòn đạo đức cách mạng, suy giảm lập trường chính trị của nhà cầm quyền và gây nên những tác động không nhỏ đối với hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước ở bất kỳ quốc gia nào.

Đặc biệt, khi những cá nhân được giao quyền lực công cùng bị thu hút bởi những giá trị kinh tế, họ sẽ tìm đến nhau, “thông đồng, móc nối với nhau ăn cắp hoặc sử dụng nhập nhằng tài sản của Nhà nước, của tập thể, lợi dụng lẫn nhau làm sai phép nước để mưu lợi ích cá nhân”(7). Đó được xem là biểu hiện cụ thể và rõ ràng nhất về lợi ích nhóm mà xã hội đang lo ngại hiện nay. Lợi ích nhóm có thể diễn ra trong bất kỳ lĩnh vực nào, bất kỳ cơ quan, tổ chức nào miễn là nơi đó, lĩnh vực đó có những giá trị lợi ích nhất định mà họ mong muốn theo đuổi. Do vậy, sự nghi ngại của các chuyên gia, đại biểu dân cử và đặc biệt là nhân dân về nguy cơ xảy ra lợi ích nhóm trong xây dựng, ban hành và thực thi chính sách, pháp luật ở nước ta hay còn được gọi là “tham nhũng chính sách” không phải không có cơ sở.” Có thể nhận diện những biểu hiện cụ thể của lợi ích nhóm trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật qua một số đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, chủ thể thực hiện hành vi. Tương tự như nhiều hành vi tiêu cực khác, lợi ích nhóm trong xây dựng, thực thi chính sách công thông thường xảy ra đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, đặc biệt là những người có chức, có quyền hoặc liên quan mật thiết đối với những người có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Có thể thấy, những người được giao thẩm quyền càng nhiều trong các khâu của quy trình lập pháp, hành pháp thì nguy cơ tạo thành những nhóm lợi ích càng cao. Nếu như chủ thể của các hành vi tiêu cực khác có thể là một cá nhân thì chủ thể của hành vi vi phạm trong lợi ích nhóm lại là một nhóm người, có tính tổ chức cao và tạo thành vây cánh, phe phái. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ: …bây giờ nhiều khi không chỉ quan hệ giữa hai bên, hai người mà đã thành “đường dây”, “sự ăn cánh” của một nhóm người mưu lợi ích riêng, làm hại lợi ích chung”(8). Chính vì vậy, lợi ích nhóm trong xây dựng và vận hành thể chế lại càng đáng lo ngại hơn vì những hậu quả gây ra đối với lợi ích của xã hội, của quốc gia là khôn lường.

Thứ hai, phương thức và thủ đoạn thực hiện. Cho đến nay, đã có khá nhiều bàn luận về những biểu hiện của lợi ích nhóm trong quá trình thiết lập và vận hành chính sách công. Điểm chung của các thảo luận đều thống nhất cho rằng phương thức, thủ đoạn của các nhóm lợi ích này hết sức tinh vi, phức tạp và đa dạng, được ẩn giấu dưới những lớp nguỵ trang kín đáo bằng danh nghĩa vì lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia, dân tộc nên việc phát hiện, xử lý là vô cùng khó khăn. Có thể nhận diện rõ ràng một số nguy cơ sau đây:

(i) Hành vi lạm dụng quyền lực công để tranh thủ khởi xướng, đề xuất các dự án luật nói chung có lợi cho một nhóm người hoặc một bộ, ngành, địa phương. Điều này là hoàn toàn có thể tồn tại nếu như cơ quan lập pháp không làm rõ các vấn đề sau đây: lợi ích của quy định, chính sách đó thuộc về đối tượng nào; lợi ích đó có phải thuộc về nhân dân, về cộng đồng, quốc gia hay chỉ một nhóm đối tượng nhất định được phép thụ hưởng; nhóm đối tượng hướng đến của chính sách, pháp luật đó có thực sự cần đến chúng hay không. Có thể nói, việc kiểm soát, ngăn chặn những biểu hiện của lợi ích nhóm ở ngay “cổng vào” này thực sự rất cần thiết.

(ii) Hành vi “mở rộng” hoặc “thu hẹp” so với thẩm quyền được giao trong các văn bản pháp quy. Một trong những bất cập của hệ thống pháp luật nước ta hiện nay là tình trạng luật “khung”, luật “ống” vẫn còn tồn tại. Đây là điều mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong các cuộc họp gần đây(9). Tình trạng này không chỉ làm suy giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước mà còn dễ dàng dẫn đến những tiêu cực. Đó là nguy cơ thiếu sự thống nhất, đồng bộ trong văn bản hướng dẫn luật, cụ thể hóa những nội dung vượt quá thẩm quyền được giao, mở rộng hoặc thu hẹp nội hàm của quy phạm pháp luật.

(iii) Hành vi “móc nối” giữa cơ quan ban hành và cơ quan thực thi chính sách, pháp luật. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra ở nước ta hiện nay vì số lượng cơ quan thuộc nhánh hành pháp được chủ trì soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành luật là rất lớn. Do đó, nếu như các chủ thể có thẩm quyền không tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật sẽ rất dễ xảy ra tình trạng thông đồng giữa người soạn thảo, người thẩm định, thẩm tra và người thi hành pháp luật.

Thứ ba, xác định trách nhiệm pháp lý. Cùng với phương thức, thủ đoạn thực hiện, việc xác định trách nhiệm pháp lý của các chủ thể có liên quan trong vấn đề này vô cùng khó khăn và phức tạp. Sự khó khăn này thể hiện ở việc định lượng hành vi, đo lường mức độ vi phạm của các chủ thể móc nối, câu kết với nhau. Tính phức tạp của việc xác định trách nhiệm pháp lý còn xuất phát từ bản chất của hoạt động xây dựng pháp luật. Nếu như trong quá trình thực thi pháp luật, việc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm tương đối dễ dàng vì có biểu hiện rõ ràng nhưng đối với công tác lập pháp lại khác. Xuất phát từ tính chất tập thể rất lớn của quy trình làm luật, làm chính sách, nếu khâu ghi chép, lưu trữ, phản ánh không chính xác sẽ rất khó xác định được “tác giả” đích thực của những quy phạm pháp luật(10). Chính sự “ẩn nấp” đằng sau các hoạt động tập thể của quy trình lập pháp, lập quy khiến cho các cá nhân tha hóa lợi dụng để “móc ngoặc”, tạo dựng vây cánh, đường dây nhằm trục lợi từ chính sách.

Từ những phân tích, làm rõ về chủ thể, phương thức, thủ đoạn và xác định trách nhiệm pháp lý ở trên, có thể hiểu một cách khái quát: “Lợi ích nhóm” trong xây dựng, ban hành và thực thi chính sách, pháp luật là hành vi phức tạp, tinh vi của một nhóm người lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp để tạo cơ chế, chính sách hoặc kẽ hở của văn bản nhằm mục đích trục lợi trong các giai đoạn của xây dựng, ban hành và áp dụng pháp luật dưới những hình thức nhất định, làm phương hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tác động của lợi ích nhóm trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật đối với quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Một là, lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Trong mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, dù chịu sự quyết định của cơ cấu kinh tế, hệ thống kinh tế nhưng pháp luật, với tư cách là một thành tố của kiến trúc thượng tầng, vẫn có sự tác động trở lại đối với kinh tế. Do đó, nếu như việc thiết kế chính sách, pháp luật bị chi phối bởi lợi ích của một nhóm thiểu số, trở thành lợi ích “sân sau” sẽ tác động sâu rộng đến sự phát triển bền vững của toàn xã hội nói chung và nền kinh tế quốc dân nói riêng.

Hai là, lợi ích nhóm còn ảnh hưởng, thậm chí làm lệch lạc bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Đảng và Nhà nước ta đã định hướng. Khoản 1 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Điều này đồng nghĩa với việc mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, phục vụ cho lợi ích của nhân dân mà không riêng gì bất kỳ nhóm lợi ích nào khác.

Ba là, lợi ích nhóm trong thiết kế và vận hành thể chế tạo sự đối lập, mâu thuẫn với tiến trình ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Sự xuất hiện của lợi ích nhóm trong quá trình kiến tạo và thực thi thể chế có thể khiến cho các quyền và lợi ích hợp pháp của con người, công dân bị ảnh hưởng. Vụ án các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam tại nước ngoài khi đại dịch Covid-19 bùng phát là một minh chứng rõ ràng và cụ thể nhất đối với hành vi trục lợi trên chủ trương, chính sách nhân đạo đầy nhân văn, nhân ái của Đảng và Nhà nước ta. Qua vụ án này cho thấy, quá trình triển khai chính sách chồng chéo, mập mờ về thẩm quyền, thiếu sự kiểm tra, giám sát đã vô tình tạo cơ hội cho một số cá nhân có chức vụ tại các bộ, ngành, địa phương liên quan móc nối, tạo cơ chế “xin - cho” buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để “bôi trơn”, đưa hối lộ tạo nên gánh nặng cho công dân khi muốn bay về nước(11).

Bốn là, tham nhũng chính sách còn tác động không nhỏ đối với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện “hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Về mặt bản chất, lợi ích nhóm trong xây dựng và thi hành chính sách, pháp luật là sự can thiệp thiếu thiện chí, phi pháp, tiêu cực ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình làm luật và áp dụng pháp luật. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những chính sách, pháp luật bị cài cắm lợi ích nhóm ra đời, tạo nên những hệ lụy vô cùng to lớn như: sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật; tạo nên xung đột trong thực hiện pháp luật; chính sách, pháp luật thiếu tính khả thi, tuổi thọ ngắn; gây lãng phí ngân sách và nguồn lực quốc gia suy giảm...(12) Những hệ lụy này làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo nên sự rối loạn trật tự chính đáng mà Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng đến.

Năm là, lợi ích nhóm là tiền đề của tham nhũng, tiêu cực, từ đó làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, vô hình trung tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá, xuyên tạc thành tựu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thực vậy, các vụ đại án tham nhũng gần đây đều cho thấy những dấu hiệu móc ngoặc, kết nối tạo thành các nhóm lợi ích để trục lợi. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, vụ việc của Công ty Việt Á mang những biểu hiện rõ ràng của lợi ích nhóm thông qua hành vi lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng chính sách để nâng giá kit test Covid-19 nhằm thu lợi nhuận khủng, chia phần trăm hoa hồng cho lãnh đạo trung tâm kiểm soát bệnh tật, đơn vị y tế(13). Đây được xem là điển hình về tham nhũng, tiêu cực có tính hệ thống, tổ chức. Đặc biệt, trong vụ đại án này, đã có rất nhiều cán bộ công quyền, những người có chức vụ, quyền hạn cao trong hệ thống chính trị đã làm dấy lên không ít những nghi ngại của dư luận đối với phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Đáng sợ hơn, nhiều tổ chức, lực lượng phản động, lưu vong, cơ hội chính trị đã lợi dụng vụ việc trên để xuyên tạc về công tác cán bộ của Đảng, về năng lực quản lý của Nhà nước ta.

Một số vấn đề đặt ra về phòng, chống lợi ích nhóm trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật ở Việt Nam

Trong những năm qua, ý thức được những nguy cơ mà tham nhũng, tiêu cực tác động đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội, đứng trước yêu cầu đặt ra phải kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng trên các lĩnh vực, trong đó có vấn đề lợi ích nhóm trong xây dựng và thi hành chính sách, pháp luật, nhiều văn bản có tính chất chỉ đạo chung đã được ban hành như:

Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khóa IX. Kết luận đặt ra yêu cầu: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và công tác tổ chức thi hành pháp luật…

Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, nhấn mạnh: Chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.

Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030 cũng đặt ra yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật; kịp thời ngăn chặn vi phạm trong ban hành văn bản pháp luật, lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”.

Qua những yêu cầu, định hướng trên cho thấy, phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách giữ vị trí, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo dựng “khung đỡ” công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh để phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra. Để thực hiện tốt mục tiêu này, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác xây dựng và áp dụng pháp luật, trong đó cần chú trọng hơn nữa một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, kiên quyết, kiên trì bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác thiết kế và vận hành thể chế. Đây là điều kiện tiên quyết nhằm tạo ra những chính sách, pháp luật thực chất, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể là 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 định hướng lớn mà Đại hội XIII của Đảng đề ra. Có như vậy, chính sách, pháp luật mới thực sự là “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, bám sát với nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của toàn xã hội. Để làm được điều đó, các cá nhân, tập thể có liên quan cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của Đảng, của Nhà nước trong trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành và áp dụng pháp luật. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục lãnh đạo công tác luật hóa, pháp điển hóa và củng cố khung pháp lý hiện có liên quan đến các vấn đề như: kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong xây dựng và thi hành luật...

Thứ hai, cần tiếp tục nghiên cứu ban hành quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Một trong những vấn đề thiết thân nhất hiện nay là phải sớm ban hành quy định của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Văn bản này sẽ góp phần giải quyết những khó khăn đang vướng phải hiện nay là nhận diện biểu hiện, hành vi, phương thức, thủ đoạn, mục đích, động cơ của hành vi tham nhũng chính sách; quy trình, thủ tục xác định, xử lý đối với cán bộ, đảng viên tham gia. Đây là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cụ thể hóa thành các quy phạm pháp luật để truy cứu trách nhiệm pháp lý khi có sai phạm xảy ra.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng chính sách, pháp luật. Những năm qua, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã quy định khá cụ thể, rõ ràng về quy trình, thủ tục và trách nhiệm của từng chủ thể ở mỗi giai đoạn, góp phần hạn chế sự chi phối tiêu cực từ các nhóm lợi ích. Tuy nhiên, cần thiết phải nghiên cứu hoàn thiện một số khâu của quy trình lập pháp để phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng, chống lợi ích nhóm như: đánh giá tác động, lấy ý kiến đối với dự thảo luật; thời gian thẩm định, thẩm tra dự thảo luật; sự tham gia đóng góp ý kiến, phản biện xã hội, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và người dân.

Thứ tư, phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, ở các cơ quan, tổ chức, địa phương. Như đã phân tích, thiết kế chính sách, pháp luật có sự tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của một quốc gia. Chính sách tốt là tiền đề thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ và ngược lại. Vì vậy, từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, cần “dọc ngang thông suốt”, hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách, pháp luật đối với yêu cầu quản trị quốc gia, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Từ đó,“trên dưới đồng lòng” thực hiện thắng lợi định hướng Nghị quyết số 27- NQ/TW đề ra là tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật. Xây dựng hệ thống quy định, cơ chế để xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan soạn thảo đối với dự án luật trước Quốc hội và nhân dân cả nước.

Thứ năm, tăng cường phản biện độc lập và rà soát chính sách trước khi trình cho Quốc hội thảo luận, thông qua. Lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, pháp luật thường đi cùng với những khuất tất, thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình. Do vậy, cần tăng cường phản biện độc lập đối với dự thảo luật từ các chuyên gia, nhà khoa học bên ngoài cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, có phương thức gắn uy tín, danh tiếng của chuyên gia phản biện vào đạo luật đó. Điều này nếu được thực hiện nghiêm túc sẽ tạo ra những đạo luật có chất lượng, phát huy được trách nhiệm của các chuyên gia, tránh tình trạng góp ý nửa vời, “huề cả làng”, “nghiêng” theo quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo khi được mời góp ý, phản biện.

Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động giám sát đối với công tác xây dựng và áp dụng pháp luật. Những năm gần đây, các quy định về hoạt động giám sát đã được quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện như: giám sát của Đảng, của Quốc hội; hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; giám sát của cơ quan thông tấn báo chí và đặc biệt là sự giám sát của nhân dân. Chính vì vậy, cần tiếp tục nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định về hoạt động giám sát đối với công tác xây dựng, thi hành pháp luật; trong đó, chú trọng phát huy vai trò chủ thể nhân dân trong tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của nhân dân một cách thực chất, có hiệu quả gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch của cơ quan nhà nước.

- - -

(1)       C.Mác và Ăng-ghen, Toàn tập (tập 4), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 159.

(2)       Sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 27-NQ/TW.

(3)       Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 2003, tr. 587.

(4)       Nguyễn Lân, Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2014, tr. 380.

(5)       C.Mác và Ph.Ăng-ghen,, Toàn tập (tập 1), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 109.

(6)       Đỗ Đức Minh, Một số vấn đề xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ và nguyên nhân, Pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ trên thế giới và ở Việt Nam, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr. 104.

(7)       Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 478.

(8)       Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.42.

(9)       Song Hà, Hạn chế tối đa luật “khung”, luật “ống”, https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/Han-che-toi-da-luat- khung-luat-ong-i283507/, ngày 30/4/2023.

(10)     Lê Hồng Hạnh, Mô hình xây dựng pháp luật trong nhà nước pháp quyền - Từ lý luận đến thực tiễn, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2017, tr. 52.

(11)     Xem thêm: Q. Đông, Những “lợi ích nhóm” có được từ các chuyến bay giải cứu trong đại dịch Covid-19, https://thanhtra. com.vn/phong-chong-tham-nhung/ho-so-tu-lieu/nhung-loi-ich-nhom-co-duoc-tu-cac-chuyen-bay-giai-cuu-trong-dai-dich- covid-19-208956.html; Đăng Trường, Chuyến bay trên trời, băng ngầm dưới đất, https://cand.com.vn/Chuyen-de/chuyen-bay-tren- troi-bang-ngam-duoi-dat-i689614/, ngày 01/5/2023.

(12)     Điển hình là vụ án liên quan đến sai phạm trong hoán đổi nhà đất số 57 Cao Thắng lấy đất vàng Nhà nước tại số 185 Hai Bà Trưng (TP. Hồ Chí Minh), gây thiệt hại hơn 186 tỷ đồng, vụ án sai phạm trong việc giao “đất vàng” số 8-12 Lê Duẩn (Quận 1)... Xem thêm: Tân Châu, Vụ hoán đổi “đất vàng” ở TPHCM: Y án đối với ông Nguyễn Thành Tài và nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp, https://tienphong.vn/vu-hoan-doi-dat-vang-o-tphcm-y-an-doi-voi-ong-nguyen-thanh-tai-va-nu-dai-gia-duong-thi-bach-diep- post1475968.tpo; Hoàng Yến, Vụ giao đất vàng số 8-12 Lê Duẩn: Thiệt hại bao nhiêu?, https://plo.vn/vu-giao-dat-vang-so-8-12-le- duan-thiet-hai-bao-nhieu-post659224.html, ngày 01/5/2023.

(13)     Xem thêm: An Thanh, “Tham nhũng chính sách” ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, https://kinhtedothi.vn/tham-nhung-chinh- sach-ngay-cang-tinh-vi-phuc-tap-hon.html, ngày 01/5/2023.

ThS. NCS NGUYỄN QUANG THÀNH 

Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học quốc gia TP. HCM

Thỏa thuận không cạnh tranh và bảo mật thông tin giữa DN và NLĐ: Kinh nghiệm của Pháp, Mỹ và đề xuất cho Việt Nam

Từ khoá : lsvn.vn LSVN