Phụ nữ Luật sư TP. Hà Nội tích cực tham gia công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý

21/07/2021 02:20 | 2 năm trước

(LSVN) - Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật, có vai trò hết sức quan trọng, là cầu nối để truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân, nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

  ​Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài trình bày bài Tham luận trước Đại hội Đại biểu Hội Phụ nữ Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Khi các văn bản pháp luật được Quốc hội ban hành ngày càng nhiều thì công tác phổ biến giáo dục pháp luật càng đóng vai trò quan trọng. Đội ngũ Luật sư là những người được đào tạo bài bản về chuyên môn, kiến thức pháp luật, có kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình hành nghề cả về tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng… Do đó, cần phát huy lợi thế, vai trò, trách nhiệm của Luật sư trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đối với xã hội, với cộng đồng.

Các hình thức trợ giúp pháp lý của Luật sư rất đa dạng, bao gồm: Tham gia phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý, đại diện ngoài tố tụng cho người có yêu cầu…

Trong suốt nhiệm kỳ qua, Hội Phụ nữ Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã nỗ lực không ngừng, liên tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, đã đạt được những kết quả tích cực, rất đáng biểu dương.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hội Phụ nữ Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã phát­­ triển với 505 hội viên Luật sư nữ trực thuộc 28 chi Hội Phụ nữ Luật sư. Các chi hội thường xuyên có hoạt động sinh hoạt tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý, đóng góp ý kiến vào dự thảo luật như Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em, Luật Báo chí, Luật Doanh nghiệp… Bên cạnh đó, các nữ Luật sư của Hội Phụ nữ Luật sư TP. Hà Nội đã tham gia tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo tại trụ sở tiếp dân trung ương, Thanh tra Chính phủ; phối hợp tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em như Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Đất đai…

Hàng năm, Hội Phụ nữ Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có 28 nữ Luật sư chính thức được Sở Tư pháp phê duyệt danh sách là cộng tác viên, tư vấn viên của Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ kết hôn của Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Hà Nội, thường xuyên tổ chức nhiều các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn lưu động tại các quận, huyện, xã, phường trong địa bàn TP. Hà Nội, đặc biệt là các huyện, xã xa trung tâm, với sự tham gia của hàng trăm người tham dự mỗi buổi và đã giải quyết được rất nhiều thắc mắc cho bà con ở các xã, đặc biệt là hỗ trợ, tư vấn cho các chị em phụ nữ tại các xã thuộc các địa bàn xa trung tâm Hà Nội.

Năm 2020, Hội Phụ nữ Luật sư TP. Hà Nội đã phối hợp tổ chức 17 cuộc tuyên truyền tại cộng đồng các quy định pháp luật về phòng chống mua bán người, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em… cho trên 5.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ của 26 xã, phường, thị trấn, đặc biệt là tuyên truyền cho phụ nữ nông thôn xa trung tâm Thành phố; trực tiếp tổ chức 02 buổi tuyên truyền cho phụ nữ vùng dân tộc tại Hà Giang.

Thông qua các buổi Hội nghị tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý đã góp phần trang bị cho các chị em phụ nữ những nội dung cơ bản của các luật như: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ quyền trẻ em, Luật Chống bạo hành phụ nữ và trẻ em, Luật Bầu cử quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp..., để từ đó nâng cao hiểu biết pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, tránh hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và giảm thiểu những vấn đề bức xúc diễn ra trong đời sống hàng ngày.

Về công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý 

Các nữ Luật sư của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã tích cực tham gia tuyên truyền phổ biến pháp luật, hướng dẫn nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật, tham gia tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của Trung ương theo chương trình phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Liên đoàn Luật sư và Hội Luật gia do Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam chủ trì; Tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí tại nhiều phường, xã, trường học trên địa bàn thành phố theo kế hoạch và chương trình trợ giúp pháp lý hàng năm của Trung tâm tư vấn pháp luật và Hỗ trợ kết hôn của Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Hà Nội; Tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang… Tư vấn pháp luật miễn phí cho cộng đồng nhân ngày Luật sư Việt Nam 10/10 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và cho nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội...

Như vậy, có thể thấy, thời gian qua, công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý của Hội Phụ nữ Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực, rất đáng ghi nhận. Đội ngũ nữ Luật sư, luật gia đã rất tích cực tham gia triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý bằng các hình thức thông qua các hoạt động chuyên môn, hành nghề hoặc trực tiếp tham gia tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại các buổi tư vấn. Công tác trợ giúp pháp lý, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật được đánh giá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là thế mạnh của phụ nữ Luật sư Hà Nội.  

Một số khó khăn và đề xuất hoàn thiện

Số lượng các Luật sư làm báo cáo viên pháp lý chưa nhiều, do đặc thù nghề nghiệp, phụ nữ Luật sư hoạt động phân tán ở các tổ chức hành nghề khác nhau trên nhiều địa bàn hành chính nên việc bố trí, sắp xếp thời gian của các nữ Luật sư còn khó khăn. Bên cạnh đó, do không có trụ sở làm việc nên việc sinh hoạt Hội phụ thuộc nhiều vào các tổ chức hành nghề, chi hội có đông hội viên càng khó bố trí sắp xếp địa điểm sinh hoạt, hạn chế đến việc triển khai hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý đến hội viên.

Tài chính của Hội phụ thuộc chủ yếu vào quỹ hội và sự đóng góp của hội viên nên điều kiện, kinh phí để tổ chức các phong trào, hoạt động Hội còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Khoản hỗ trợ kinh phí cho các Luật sư tham gia chương trình không có, hầu hết là các Luật sư làm tình nguyện, không có thù lao và hỗ trợ kinh phí nhưng gặp khá nhiều khó khăn khi tham gia trợ giúp pháp lý và tuyên truyền pháp luật tại các xã vùng xa, hẻo lánh, đi lại xa xôi, khó khăn.

Địa điểm tổ chức, đầu mối kết nối với các địa phương không có nhiều do chương trình này chưa nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo từ các cấp, các ngành. Do đó, cho đến nay, hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý thường phải tổ chức kết hợp với Trung tâm tư vấn Pháp luật và hỗ trợ phụ nữ kết hôn, Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội để có được sự phối hợp cả về việc liên hệ địa điểm tổ chức, các cấp hội tại địa phương, bố trí nhân sự, thông báo và triển khai hoạt động tới người dân, về phương tiện đi lại cho các Luật sư là báo cáo viên, trợ giúp viên pháp lý.

Với những khó khăn trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý nêu trên, trong nhiệm kỳ II, Hội Phụ nữ Đoàn Luật sư TP. Hà Nội mong muốn và phấn đấu đạt được những nội dung sau:

- Tăng cường thêm các hình thức trợ giúp miễn phí mới cho người dân như phối hợp với các tổ chức đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, hội cựu chiến binh, Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng Luật sư, Câu lạc bộ Luật sư trẻ… để tổ chức hội thi tìm hiểu, tư vấn pháp luật qua điện thoại, qua các mạng xã hội. 

- Trong quá trình xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình hoạt động cần bám sát sự hướng dẫn của tổ chức Hội cấp trên, sự lãnh đạo của Đảng ủy Đoàn Luật sư, sự ủng hộ tạo điều kiện của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội.

- Thường xuyên nghiên cứu các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết, Kế hoạch của tổ chức Hội cấp trên để xây dựng Chương trình, Kế hoạch đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với tình hình thực tế của Đoàn Luật sư.

- Lắng nghe ý kiến đóng góp của các cán bộ Hội và hội viên để hoạt động TGPL được đi vào chiều sâu và rộng khắp.

- Thường xuyên quan tâm và nâng cao trình độ, kỹ năng xử lý công việc cho đội ngũ cán bộ hội, đặc biệt là cán bộ chi hội thông qua các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng hoạt động trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật của Luật sư nhằm quảng bá và nâng cao vị thế của người Luật sư.

- Mở rộng thêm đối tượng, phạm vi được tư vấn và trợ giúp pháp lý đến các trường học phổ thổng, các trường Đại học, các Khu phố… nhằm tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chính sách, pháp luật của nhà nước tới người dân.

- Cần có kế hoạch để tuyên truyền, giới thiệu chương trình đến nhiều nơi, liên hệ, lập kế hoạch xin tài trợ, kinh phí để chương trình hoạt động ngày một hiệu quả.

- Các đề án công tác phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý của nhiệm kỳ mới cần sớm được xây dựng và triển khai thực hiện để mang lại những tác động ngay trong nhiệm kỳ, đồng thời định hướng cụ thể hơn cho các đơn vị, cơ sở trong xây dựng kế hoạch công tác phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý hàng năm.

Luật sư NGUYỄN THỊ THU HOÀI

Ban chấp hành Hội Phụ nữ Đoàn Luật sư TP. Hà Nội khóa II

Một số quy định mới về kiểm tra tổ chức, hoạt động Luật sư