Phú Thọ: Thẩm phán bị “tố” hành xử thiếu chuẩn mực khi làm việc với đương sự

17/09/2019 20:29 | 4 năm trước

LSVNO – Tác phong làm việc thiếu chuẩn mực, dùng từ ngữ không đúng khi tiếp công dân, sử dụng điện thoại trong quá trình làm việc… là những vấn đề công dân phản ánh khi làm việc với Thẩm phán Ph...

LSVNO – Tác phong làm việc thiếu chuẩn mực, dùng từ ngữ không đúng khi tiếp công dân, sử dụng điện thoại trong quá trình làm việc… là những vấn đề công dân phản ánh khi làm việc với Thẩm phán Phùng Thị Ái Nguyên.

>>>Phú Thọ: Mất đất sau gần 30 năm được cấp

Luật sư Việt Nam Online nhận được đơn của ông Nguyễn Đức Trụ (khu Minh Tâm, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) phản ánh ông là người khởi kiện trong vụ án hành chính yêu cầu TAND tỉnh Phú Thọ hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vào sổ cấp số 1045/QSDĐ do UBND huyện Thanh Sơn (nay là UBND huyện Tân Sơn) cấp ngày 16/8/2001 cho hộ ông Phùng Đức Thái (khu Minh Tâm, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ).

Ông Trụ phản ánh Thẩm phán Phùng Thị Ái Nguyên làm việc thiếu chuẩn mực.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán này đã 2 lần mời ông Trụ đến TAND tỉnh Phú Thọ để làm việc vào ngày 14/8/2019 và ngày 28/8/2019.

Khi đến làm việc, ông Trụ khá bất ngờ với cách làm việc của Thẩm phán Phùng Thị Ái Nguyên. Ông Trụ cho rằng, thái độ, cách hành xử khi tiếp dân của Thẩm phán Phùng Thị Ái Nguyên là thiếu chuẩn mực.

Lần đầu, với lý do bị ốm, bà Nguyên đã không có mặt, mà chỉ có Thư ký là bà Nguyễn Thị Hoa tiếp ông Trụ. Bà Hoa đã thay bà Nguyên hướng dẫn ông Trụ viết bản tự khai.

Lần thứ 2, Thẩm phán Phùng Thị Ái Nguyên cử Thư ký đến trước, bản thân mình đến sau. “Khi vào phòng tiếp dân, bà Nguyên đã không chào hỏi công dân, không giới thiệu. Trong quá trình trình làm việc, bà Nguyên luôn thể hiện ở thế trên, nói rất to tiếng”, ông Trụ cho biết.

Cũng do bà Nguyên đến muộn, nên Thư ký Nguyễn Thị Hoa đã chủ động hướng dẫn ông Trụ viết bản tự khai. Tuy nhiên, khi bà Nguyên đến không chấp nhận bản tự khai mà ông Trụ đã viết theo sự hướng dẫn của Thư ký Nguyễn Thị Hoa.

“Bà Nguyên còn sử dụng từ ngữ nói không chuẩn mực. Bà nói với tôi rằng, ông ‘thò’ bút vào ký mà không biết nội dung là gì à? Thêm vào đó, bà Nguyên còn nghe điện thoại di động làm ảnh hưởng đến buổi làm việc”, ông Trụ phản ánh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ cho biết, trên cơ sở báo cáo của Thẩm phán Phùng Thị Ái Nguyên, TAND tỉnh Phú Thọ nhận thấy phản ánh của ông Nguyễn Đức Trụ là có căn cứ.

Với tinh thần cầu thị, lãnh đạo TAND tỉnh Phú Thọ đã nhắc nhở, chấn chỉnh cách làm việc của bà Nguyên.

Nội quy của TAND tỉnh Phú Thọ được treo trang trọng tại hành lang lối đi quy định rõ tác phong làm việc của các cán bộ, công chức tòa án.

Liên quan đến cách hành xử của Thẩm phán Phùng Thị Ái Nguyên đối với đương sự, Luật sư Nguyễn Tiến Trung - Giám đốc Công ty Luật Trung Nguyễn (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành vi ứng xử của thẩm phán được quy định tại Quyết định số 87/QĐ-HĐTC ngày 04/7/2018 của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán; Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014.

Theo đó, thẩm phán là một chức danh cao quý, nhân danh Nhà nước để phán quyết đúng sai, liên quan đến quyền sinh tử của con người, đến lợi ích xã hội, cộng đồng…

Một người thẩm phán phải đảm bảo rằng, bất cứ khi nào hay bất cứ đâu, phải luôn biết cách hành xử thận trọng, chừng mực cả trong hay ngoài tòa án. Vì vậy, khi người thẩm phán có những thái độ hạch sách, hành vi khiếm nhã gây khó dễ cho bị can, đương sự hay người tham gia tố tụng khác thì đó là điều không thể chấp nhận được.

Hành vi như vậy sẽ làm xấu hình ảnh chức danh tư pháp mà xã hội đã phân công, gây ra sự nghi ngờ và thiếu niềm tin khi giải quyết vụ việc.

Với những hành vi vi phạm về chuẩn mực ứng xử của thẩm phán khi làm việc với người dân cần phải được lãnh đạo cơ quan chủ quản nghiêm khắc xem xét, đánh giá và đưa ra hình thức xử lý phù hợp.

Qua đó nhắc nhở, rút kinh nghiệm với những thẩm phán khác trong quá trình làm việc, tiếp công dân. Nếu đủ căn cứ xác định hành vi vi phạm và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của thẩm phán có thể bị cách chức theo quy định.

Khoản 1 Điều 7 và điểm e khoản 2 Điều 10 Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán năm 2018 quy định về quy tắc xử sự của Thẩm phán

Điều 7. Sự đúng mực

1. Trong mọi hoạt động của mình, Thẩm phán phải hành xử đúng mực, lịch thiệp, thận trọng; duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong quá trình tố tụng; luôn thể hiện sự kiên nhẫn, nhân ái đối với các bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác.

Điều 10. Ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ

2. Những việc Thẩm phán không được làm:

e) Sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng.

Khoản 2 Điều 17 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về văn hóa giao tiếp với nhân dân

Điều 17. Văn hóa giao tiếp với nhân dân

2. Cán bộ, công chức không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ:

Thẩm phán có thể bị cách chức theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014

Điều 82. Cách chức Thẩm phán

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Thẩm phán có thể bị cách chức khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

d) Vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp Thẩm phán.

Thành Trung - Thanh Hà