Quản trị công ty theo quy định của pháp luật Australia

02/11/2023 23:38 | 6 tháng trước

(LSVN) - Sau bài học từ hệ lụy của các vụ sụp đổ tại một số công ty lớn trên thế giới do năng lực quản trị còn hạn chế, khái niệm “quản trị công ty” đã và đang trở nên ngày càng phổ biến và nhận được sự quan tâm của không chỉ trong giới nghiên cứu mà còn từ cộng đồng các nhà quản trị và lãnh đạo doanh nghiệp. Bài viết giới thiệu khái quát về quản trị công ty và một số quy định về quản trị công ty cổ phần đại chúng theo pháp luật Australia, một trong những quốc gia có năng lực quản trị công ty tốt nhất thế giới.

Ảnh minh họa.

Khái quát về quản trị công ty

“Quản trị công ty” là một khái niệm rộng và hiện vẫn chưa có một định nghĩa nào mang tính chuẩn mực và đầy đủ để giải thích cho thuật ngữ “quản trị công ty”(1).

Vào năm 1992, trong Báo cáo Cadbury, văn bản được xem là nền móng cho các bộ quy tắc về quản trị tại Vương quốc Anh, “quản trị công ty” được định nghĩa như là một “hệ thống mà trong đó, công ty được định hướng và kiểm soát” với hội đồng quản trị là cơ quan chịu trách nhiệm chính về hệ thống đó(2). Mark J. Roe, Giáo sư tại Trường Luật, Đại học Harvard cho rằng quản trị công ty là “một tập các mối quan hệ tại thượng tầng, giữa hội đồng quản trị, các quản lý cao cấp cùng các bên liên quan”(3). Việc quản trị hiệu quả sẽ giúp một công ty thu hút vốn, hoạt động hiệu quả hơn, qua đó đạt được mục tiêu của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định của pháp luật và kỳ vọng từ xã hội.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) định nghĩa quản trị công ty như một khái niệm trong đó “kéo theo một loạt các mối quan hệ giữa những người điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, hội đồng quản trị, các cổ đông cùng các bên có liên quan khác”(4).

Theo quan điểm của OECD, mục tiêu của quản trị công ty là xây dựng một môi trường trung thực, minh bạch và trách nhiệm, qua đó thúc đẩy lợi ích lâu dài, ổn định tài chính và tăng cường tính liêm chính trong các hoạt động kinh doanh của công ty. Quản trị công ty cũng giúp doanh nghiệp đạt được các mục đích kinh tế dài hạn thông qua việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư và tiếp cận thị trường vốn nhằm phục vụ tăng trưởng. Trong môi trường toàn cầu hóa, việc được quản trị hiệu quả không chỉ giúp doanh nghiệp giữ vững niềm tin với các nhà đầu tư trong nước mà còn tiến gần hơn tới dòng vốn của các nhà đầu tư quốc tế(5).

Ngoài ra, một công ty với năng lực quản trị tốt sẽ mang lại cho các cổ đông, kể cả cổ đông thiểu số, một cơ hội tham gia vào việc tạo ra giá trị cho chính công ty đó một cách công bằng và bình đẳng(6).

Trên thế giới, có nhiều mô hình quản trị công ty khác nhau được áp dụng. Tuy nhiên, hiện có 02 mô hình quản trị nổi bật được thừa nhận rộng rãi tại nhiều quốc gia, đó là mô hình hội đồng quản trị một tầng (đơn nhất) và mô hình hội đồng quản trị hai tầng.

Về mô hình quản trị công ty đơn nhất, mô hình này được phát triển và trở nên rất phổ biến tại các quốc gia sử dụng hệ thống thông luật, trong đó có nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand. Trong mô hình này, cổ đông của công ty được lấy làm trung tâm và hội đồng quản trị được kỳ vọng sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông. Hội đồng quản trị thường bao gồm cả các thành viên tham gia điều hành và các thành viên không tham gia điều hành công ty. Hội đồng quản trị này đồng thời thực hiện vai trò giám sát hoạt động của công ty thông qua một ủy ban kiểm toán trực thuộc hội đồng quản trị(7).

Ở chiều ngược lại, Cộng hòa Liên bang Đức và một số quốc gia châu Âu khác lại áp dụng mô hình hội đồng quản trị theo hai tầng, qua đó tạo ra hai cơ quan riêng biệt phụ trách chức năng kiểm soát và chức năng quản lý công ty.

Theo mô hình quản trị công ty tại Cộng hòa Liên bang Đức, hội đồng quản trị của một công ty bao gồm hội đồng kiểm soát và hội đồng điều hành. Hội đồng kiểm soát của công ty chỉ bao gồm các thành viên không điều hành, trong đó có thể có đại diện của cổ đông, người lao động và các bên có liên quan khác.

Hội đồng kiểm soát chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ hoạt động của hội đồng điều hành, bổ nhiệm thành viên ban điều hành cùng các nhiệm vụ khác liên quan đến tình hình tài chính của công ty. Thành viên của ban điều hành sẽ không được phép trở thành thành viên của ban kiểm soát tại cùng một thời điểm(8).

Mô hình hội đồng quản trị hai tầng như tại Đức góp phần tạo ra sự tách biệt rõ ràng giữa vai trò giám sát và điều hành của hội đồng quản trị, qua đó bảo vệ tốt hơn lợi ích của không chỉ cổ đông lớn mà còn của các cổ đông thiểu số và cộng đồng xã hội.

Đôi nét về quản trị công ty theo quy định của pháp luật Australia

Australia là một quốc gia sử dụng thông luật và mô hình quản trị công ty đơn nhất. Việc sử dụng mô hình quản trị này có thể được lý giải từ việc hệ thống pháp luật tại Australia được xây dựng dựa trên nền tảng của hệ thống luật Vương quốc Anh. Tuy nhiên, trải qua thời gian, hệ thống pháp luật về quản trị công ty của Australia lại được phát triển dựa trên xu hướng quản trị diễn ra tại một số quốc gia khác, chẳng hạn như Mỹ. Ngoài ra, các chính sách về quản trị công ty tại Australia cũng được nâng cấp sau bài học từ các bê bối công ty lớn trong nước, tiêu biểu như trường hợp sụp đổ của Công ty Bảo hiểm HIH Insurance(9). 

Bộ luật Công ty 2001 (Corporations Act 2001) và quy định của Sở Giao dịch chứng khoán Australia (ASX) là những nhân tố chủ chốt góp phần định hình khung pháp lý về quản trị công ty tại Australia(10).

Nhân tố quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật về quản trị công ty tại Australia có thể kể đến Bộ luật Công ty 2001. Kể từ khi bộ luật này ra đời, khung pháp lý đối với quản trị công ty tại Australia đã được nâng cấp và trở nên chặt chẽ hơn rất nhiều. Bộ luật Công ty 2001 đã đưa ra nhiều điều khoản rõ ràng, chặt chẽ, mang tính ràng buộc, qua đó tăng cường hiệu quả quản trị công ty tại quốc gia này.

Các bổn phận chính mà thành viên hội đồng quản trị cũng như người điều hành của một công ty cần phải tuân thủ được quy định rõ ràng trong Bộ luật Công ty 2001, bao gồm:

- Bổn phận về nghĩa vụ chăm sóc và cẩn trọng (duty of care and dillegence - khoản 1, Điều 180);

- Bổn phận làm việc trung thực (duty to act in good faith - khoản 1a, Điều 181);

-  Bổn phận hành động vì mục đích chính đáng (duty to act for a proper purpose - khoản 1b, Điều 181);

- Bổn phận trung thành, không lạm dụng chức vụ (duty of loyalty - Điều 182 và Điều 183).

Trong các bổn phận trên, bổn phận về nghĩa vụ chăm sóc và cẩn trọng được đánh giá là bổn phận quan trọng bậc nhất. Đây cũng đồng thời là bổn phận gây nhiều tranh cãi do đặt rất nhiều áp lực lên thành viên hội đồng quản trị và người điều hành công ty trong việc thừa hành nhiệm vụ. Vì vậy, khoản 2 Điều 180 Bộ luật Công ty Australia đã đưa ra một quy tắc nhằm bảo vệ các thành viên hội đồng quản trị cũng như người điều hành của một công ty, với tên gọi “quy tắc quyết định kinh doanh”. Theo đó, khi thành viên hội đồng quản trị hoặc người điều hành của công ty đưa ra quyết định kinh doanh một cách trung thực, tin tưởng một cách trung thực và hợp lý rằng quyết định hoặc hành vi này vì lợi ích hợp pháp tối đa của công ty trên cơ sở thông tin đầy đủ và không có dấu hiệu tư lợi thì họ không phải chịu trách nhiệm với quyết định hoặc hành vi của mình. Tuy nhiên, việc chứng minh sự “trong sạch” của thành viên hội đồng quản trị hoặc người điều hành của công ty dựa theo nguyên tắc trên là không dễ dàng. Luật sư bào chữa sẽ cần phải vận dụng uyển chuyển các điều khoản của Bộ luật Công ty 2001, kết hợp với hệ thống án lệ, dựa trên tình tiết của từng vụ việc.

Không chỉ Bộ luật Công ty 2001, các quy định của Sở Giao dịch chứng khoán Australia (ASX) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nguyên tắc quản trị công ty tại quốc gia này.

ASX là sàn giao dịch chứng khoán chính cho cổ phiếu niêm yết ở Australia. Các công ty được niêm yết trên ASX phải tuân thủ các quy tắc niêm yết do ASX ban hành, hay được biết đến với tên gọi Bộ quy tắc niêm yết ASX (ASX Listing Rules). Bộ quy tắc niêm yết này bổ sung cho Bộ luật Công ty 2021 và các quy tắc luật chung ở một số khía cạnh quan trọng, bao gồm quy định về việc phát hành thêm cổ phiếu của các tổ chức được niêm yết, yêu cầu về sự chấp thuận của cổ đông đối với các giao dịch quan trọng, yêu cầu công bố thông tin định kỳ và liên tục, cũng như các yêu cầu về việc triệu tập và tiến hành các cuộc họp của đại hội đồng cổ đông…

Bộ quy tắc niêm yết ASX có hiệu lực như một hợp đồng giữa một công ty được niêm yết công khai và ASX. Ngoài ra, Bộ luật Công ty 2021 cũng cho phép Ủy ban chứng khoán và đầu tư Australia (ASIC) và những người bị thiệt hại bởi bất kỳ trường hợp không tuân thủ nào nộp đơn lên tòa án để yêu cầu công ty niêm yết (cùng các công ty liên kết) thực hiện nghiêm các quy định trong Bộ quy tắc này.

Bên cạnh Bộ quy tắc niêm yết trên, sau những vụ sụp đổ doanh nghiệp để lại nhiều tai tiếng vào đầu những năm 2000, ASX đã thành lập một Hội đồng tư vấn quản trị công ty, bao gồm đại diện của giới học giả, chuyên gia tư vấn chính sách, luật sư, các tổ chức ngành nghề và lãnh đạo doanh nghiệp. Kể từ năm 2003, Hội đồng đã ban hành và cập nhật định kỳ Bộ nguyên tắc và khuyến nghị quản trị công ty, hay còn được biết đến với tên gọi Bộ quy tắc quản trị ASX, cho các công ty được niêm yết trên ASX(11).

Bộ nguyên tắc và khuyến nghị trên bao gồm 38 khuyến nghị. Một số khuyến nghị tiêu biểu có thể kể đến khuyến nghị về nâng cao tính độc lập của thành viên hội đồng quản trị, thành lập và quy định vai trò của các ủy ban trực thuộc hội đồng quản trị, phân tách vai trò của chủ tịch hội đồng quản trị và giám đốc điều hành, quy định thù lao điều hành, tăng cường tính đa dạng trong lực lượng lao động, các quy định ứng xử và chính sách nội bộ, cũng như phương thức tiến hành các cuộc họp cổ đông. Ngoài ra, các khuyến nghị mới nhưng có tính thực tiễn cao liên quan tới văn hóa và giá trị doanh nghiệp hay tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị) cũng đã được bổ sung trong bản cập nhật của bộ nguyên tắc này(12).

Bộ quy tắc quản trị ASX hoạt động trên cơ sở “nếu không, tại sao không”. Theo đó, các công ty niêm yết trên ASX cần phải báo cáo về tình hình tuân thủ các khuyến nghị. Nếu các khuyến nghị không được tuân thủ đầy đủ, công ty cần phải giải thích rõ lý do của sự không tuân thủ này.

Bên cạnh Bộ luật Công ty 2001 và các bộ quy tắc của ASX, điều lệ công ty cũng đóng một vai trò quan trọng trong chính sách quản trị công ty tại Australia. Điều lệ công ty ở Australia đề cập chi tiết tới các vấn đề quản trị nội bộ của công ty, chẳng hạn như quyền hạn của hội đồng quản trị, bổ nhiệm các thành viên hội đồng quản trị hay các nhân sự điều hành của một công ty. Thông thường, nhiều quy định trong bản điều lệ này sẽ được lấy từ chính những điều khoản của Bộ luật Công ty 2021. Các quy định cụ thể phù hợp với tình hình của từng công ty cũng được bổ sung vào điều lệ này.

Có thể nói, quy định về quản trị công ty tại Australia đã được xây dựng và phát triển một cách chặt chẽ và đồng bộ. Điều này giúp Australia được đánh giá là một trong các quốc gia với chất lượng quản trị công ty tốt hàng đầu thế giới. Theo bảng xếp hạng của Hiệp hội Quản trị công ty châu Á (ACGA) phối hợp với CLSA Limited, Australia được đánh giá là thị trường với năng lực quản trị công ty tốt nhất khu vực trong 2 kỳ đánh giá gần nhất vào năm 2018 và 2020, vượt qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển khác như Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, hay Hàn Quốc.

* Bài viết có sự tham gia của: Bùi Mai Anh (Công ty cổ phần Bavieco), Lê Thị Thanh Mai (Công ty TNHH nhà nước MTV TM&XNK Viettel), Nguyễn Bá Tùng (Viettel Commerce).

(1) Bui.D.G. (2023), Góc nhìn đương đại về quản trị công ty và vai trò của quản trị công ty hiệu quả, Tạp chí Ngân hàng.

(2) Cadbury, A. (1992), Report of the Committee on the Financial Aspects of Corporate Governance, London: Gee & Co. Ltd.

(3) Roe, M. J. (2004), The institutions of corporate governance, Harvard Law School Discussion Paper, 488: 1-27.

(4) OECD (2015), G20/OECD Principles of Corporate Governance, OECD Publishing.

(5) OECD, tlđd.

(6) OECD, tlđd.

(7) Anderson, B. and Kim, J. (2019), Corporate Governance in Asia A Comparative Apporach, Cambridge University Press, pp. 37-64.

(8) Anderson, B. and Kim, J., tlđd, tr.65-93.

(9) Anderson, B. and Kim, J., tlđd, tr.121-149.

(10) Anderson, B. and Kim, J., tlđd, tr.121-149.

(11) Bowley, T. (2020), Corporate Governance in Australia, European Corporate Governance Institute (https://www.ecgi.global/ content/corporate-governance-australia).

(12) ASX Corporate Governance Council (2019), Corporate Governance Principles and Recommendations, 4th Edition.

Thạc sĩ NGUYỄN ANH TÙNG - Thạc sĩ ĐÀO TUẤN ĐỨC* 

Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội

Một vài ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư