Một vài ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư

01/11/2023 23:07 | 6 tháng trước

(LSVN) - Luật Luật sư có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 được sửa đổi bổ sung năm 2012, đã góp phần tạo hành lang pháp lý cho nghề luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư và lực lượng Luật sư  phát triển khá nhanh chóng, mạnh mẽ, góp phần rất lớn vào công cuộc bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Nhà nước, pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. 

Ảnh minh hoạ.

Sau hơn 16 năm, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng qua thực tế áp dụng cùng với yêu cầu phát triển xã hội như hiện nay, một số  quy định của Luật Luật sư  đã thể hiện sự bất cập, không hiệu quả, không hợp lý cần được bổ sung, điều chỉnh để phát huy hiệu quả của Luật này, nâng cao hơn nữa chất lượng của đội ngũ Luật sư, vai trò của các tổ chức hành nghề luật sư và sự vững mạnh, hiện đại của nghề luật sư Việt Nam. Cụ thể như sau:

1. Về hình thức cấu trúc của Luật

Có những điều luật có cấu trúc chưa hợp lý cụ thể như: Điều 9 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định: Các hành vi bị nghiêm cấm có cấu trúc: Khoản 1 của điều luật bao gồm 10 điểm quy định nghiêm cấm Luật sư thực hiện các hành vi sau đây… Khoản 2 của Điều luật quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư”. Nội dung khoản 2 của Điều Luật này chưa có sự logic với nội dung khoản 1 nêu trên. Bởi lẽ, khoản 1 nêu các hành vi nghiêm cấm Luật sư không được làm, tương ứng là nếu vi phạm sẽ phải chịu chế tài còn nghiêm cấm người khác cản trở thì phải là cản trở quyền. Do đó, nên đưa nội dung “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư” vào một trong những điều luật tương ứng tại chương III Mục 1: Hoạt động hành nghề của Luật sư -  nhằm đảm bảo cho hoạt động hành nghề của Luật sư được bảo vệ, không bị ảnh hưởng bởi sự cản trở của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

2. Về nội dung các quy định của Luật cần được quan tâm sửa đổi, bổ sung

2.1. Quy định về nguyên tắc quản lý và hành nghề luật sư

Điều 6 Luật Luật sư quy định: Quản lý Luật sư và hành nghề luật sư thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý Nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư. Điều 83 của Luật quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề luật sư. Theo quy định tại Điều 83 thì trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước bao gồm việc thanh tra, kiểm tra, cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư; cấp, thu hồi giấy phép thành lập tổ chức hành nghề luật sư. Điều 61 Luật Luật sư quy định, Đoàn Luật sư có nhiệm vụ quyền hạn thực hiện rà soát, đánh giá hàng năm chất lượng đội ngũ Luật sư; giám sát Luật sư là thành viên, Luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư và chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương trong việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, xử lý kỷ luật đối với Luật sư.

Tuy nhiên, quy chế giám sát, rà soát, đánh giá cụ thể quy định tại Điều 61 chỉ chủ yếu thuộc phạm vi tuyên truyền, vận động các Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tuân thủ pháp luật, thường xuyên cập nhật, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đánh giá kết quả hoạt động hàng năm. Việc Đoàn Luật sư các tỉnh giám sát các chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương trong thực tế cũng là vấn đề không hề đơn giản do Luật sư của chi nhánh, trưởng chi nhánh… không sinh hoạt với Đoàn Luật sư tại địa phương có chi nhánh, không có quy định ràng buộc nào trong việc liên hệ của họ với Đoàn luật sự sở tại. Do đó, phát hiện vi phạm chủ yếu qua các kênh khác là rất khó khăn, chưa đạt hiệu quả, chưa kịp thời ngăn chặn những vi phạm. Mặt khác chế độ tự quản dẫn đến rất nhiều công việc, hoạt động chung của Đoàn Luật sư nhằm hỗ trợ cộng đồng, xã hội hay góp ý các dự thảo luật… cũng chỉ kêu gọi trên tinh thần tự giác, chưa thực sự phát huy nguồn lực của ngành nghề - của một tổ chức xã hội nghề nghiệp với cộng đồng, xã hội.

2.2. Về điều kiện thành lập, hoạt động tổ chức hành nghề luật sư

Theo quy định tại Điều 2 của Luật Luật thì “Luật sư là người đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề”. Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư bao gồm tham gia hoạt động tố tụng, tư vấn pháp luật, thực hiện các dịch vụ pháp lý khác. “Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư góp phần bảo vệ công lý….” Điều 3 Luật Luật sư. Như vậy, Luật sư là một nghề nghiệp tham gia vào hoạt động của hoạt động tư pháp, một nghề thuộc hệ thống tư pháp chứ không đơn thuần là một nghề nghiệp kinh doanh. Ngoài tham gia hoạt động tố tụng, tư vấn pháp luật là thực hiện các dịch vụ pháp lý khác, thì các Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư còn có nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc đào tạo, hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư. Do tính chất đặc thù của ngành nghề, Luật Luật sư đã có quy định riêng về điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư. Tức là, tổ chức hành nghề luật sư được thành lập theo mô hình tổ chức kinh doanh nhưng là kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của ngành nghề nên pháp luật có quy định yêu cầu về điều kiện bắt buộc nhưng không có chính sách đặc thù tương xứng mà phải thực hiện nghĩa vụ như một tổ chức kinh doanh thông thường. Do vậy, việc bổ sung chính sách đặc thù cho Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư là cần thiết, hợp lý hơn. 

2.3. Về tiêu chuẩn để trở thành Luật sư

Ngoài các tiêu chuẩn về sức khỏe, đạo đức, bằng cấp chuyên môn thì tại Điều 10 Luật Luật sư quy định tiêu chuẩn để trở thành Luật sư là “đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư”. Đây là hai tiêu chuẩn bắt buộc cần thiết. Như đã đề cập ở trên, Luật sư là một ngành nghề đặc biệt, ngoài kiến thức chuyên môn về lý thuyết thì phải có kỹ năng thực hành tham gia tố tụng hoặc tư vấn. Muốn có các kỹ năng trên thì phải học, phải thực hành. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề thực tế đang có nhiều ý kiến và có những điều chưa hợp lý.

Thứ nhất: Quy định về điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư tại Điều 13 Luật Luật sư: Đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư là những người “Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát”. Thực tế, quy định trên là chưa đủ, chưa phù hợp thực tiễn, cần có quy định thêm về việc thời gian giới hạn của việc áp dụng điều kiện miễn, giảm. Cụ thể, các đối tượng trên chỉ được miễn đào tạo nghề luật sư trong một khoảng thời gian nhất định sau khi không đảm nhiệm các chức danh trên. Nếu sau một khoảng thời gian giới hạn không kể từ khi họ không còn đảm nhiệm các chức danh trên thì bắt buộc phải qua lớp đào tạo, cập nhật một số môn học. Bởi thực tế, nghề luật sư không chỉ tư vấn, tham gia tố tụng hoặc thực hiện dịch vụ pháp lý ở một vài lĩnh vực mà là rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống xã hội.

Nếu sau một khoảng thời gian dài không làm nghề, không thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn thì kiến thức của họ về chính lĩnh vực mà những người đó đã từng đảm nhiệm cũng bị mai một, sa sút. Hơn nữa, trong thực tế, khi đảm nhiệm chức vụ thì không phải tất cả những người trên đều nắm vững chuyên môn về tất cả các lĩnh vực khác dẫn đến kỹ năng tư vấn, xử lý các vấn đề pháp lý thuộc lĩnh vực họ chưa từng đảm nhiệm là rất khó đạt chất lượng. Ví dụ: Một điều tra viên nếu chưa được đào tạo thêm về lĩnh vực dân sự, kinh doanh thương mại hoặc hôn nhân gia đình thì rất khó để nắm vững kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng tư vấn xử lý các vấn đề thuộc các lĩnh vực trên chưa nói đến việc sau một khoảng thời gian dài không làm nghề thì không thể chắc chắn là họ không cần đào tạo.  

Thứ hai: Về đối tượng được miễn tập sự hành nghề luật sự được quy định tại Điều 16 của Luật Luật sư bao gồm: “Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát”. Tương tự như điều kiện đào tạo Luật sư đã đề cập ở trên, những đối tượng trên cũng cần có giới hạn một khoảng thời gian nhất định sau khi họ không đảm nhiệm chức vụ. Nếu sau khi không đảm nhiệm chức vụ, họ không chuyển sang hành nghề luật sư ngay mà đứt quảng một thời gian cụ thể thì cũng nên tham gia tập sự ít nhất bằng 1/3 thời gian tập sự hành nghề luật sư do thực tế yêu cầu với Luật sư là ngoài kiến thức chuyên môn về luật pháp thì còn phải thành thạo kỹ năng tranh tụng, kỹ năng tư vấn, thuyết phục, đàm phán, thương lượng. 

Thứ ba: Quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật Luật sư “Người tập sự hành nghề luật sư không được đại diện cho khách hàng tại phiên tòa” là chưa hợp lý, không nâng cao được kỹ năng cho người tập sự hành nghề để họ có một hành trang tốt nhất khi hành nghề luật sư. Một trong những kỹ năng cần thiết của Luật sư là kỹ năng tranh tụng, tư vấn, đàm phán, thương lượng. Thực tế cho thấy, do người tập sự không trực tiếp thực hiện các kỹ năng trên (chỉ tham gia với tư cách là người quan sát) nên khi độc lập đảm nhận vai trò Luật sư hoặc người đại diện theo ủy quyền của khách hàng tham gia giải quyết các vụ việc, các tranh chấp, thậm chí tham gia tư vấn, đàm phán đều không khỏi lúng túng. Để thành thạo họ tiếp tục phải tập thêm một thời gian, đôi khi là khá dài. Mặt khác, việc người tập sự hành nghề luật sư nhận đại diện theo ủy quyền của người khác tham gia giải quyết, xử lý các vấn đề pháp lý, các vụ kiện không trái với các luật khác. Khi họ tham gia với sự hướng dẫn, giám sát, chịu trách nhiệm của Luật sư hướng dẫn là điều kiện bắt buộc để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Do đó, cần bổ sung quy định cho phép người tập sự hành nghề luật sư trong thời gian tập sự được nhận ủy quyền đại diện cho khách hàng tối đa 03 vụ, việc dưới sự giám sát và chịu trách nhiệm của Luật sư hướng dẫn sẽ hiệu quả hơn cho hoạt động nghề nghiệp Luật sư của họ sau này.

2.4. Cần bổ sung quy định Luật sư tham gia tố tụng đối với các vụ án có người tham gia tố tụng là vị thành niên

Hiện chúng ta đã có Tòa án cho người vị thành niên, có những quy định riêng về phiên tòa hoặc việc tiến hành tố tụng đối với các vụ án có người tham gia tố tụng là vị thành niên. Các Thẩm phán, những người tiến hành tố tụng và lực lượng trợ giúp đã và đang được bồi dưỡng, trang bị những kỹ năng, kiến thức để thấu hiểu nhất về tâm lý của đối là bị cáo, bị hại hoặc người tham gia tố tụng là vị thành niên nhằm bảo vệ họ ở mức tốt nhất. Tương tự, đào tạo một đội ngũ Luật sư cho đối tượng vị thành niên với kỹ năng, kiến thức chuyên sâu, thành thạo, thông hiểu về lĩnh vực này nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tranh tụng, tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như hỗ trợ tốt nhất về mặt tinh thần cho các đối tượng tham gia tố tụng là vị thành niên là yêu cầu cần thiết của xã hội văn minh và phát triển.

Hiện nay, pháp luật chỉ quy định Luật sư bào chữa chỉ định đối với bị cáo vị thành niên còn đối với bị hại thì gia đình, người giám hộ có quyền nhờ hoặc yêu cầu Tòa án có văn bản đề nghị Đoàn Luật sư cử Luật sư tham gia. Thực tế, cùng với sự tham gia tố tụng của người giám hộ thì sự tham gia của Luật sư có kỹ năng, kiến thức pháp luật và am hiểu tâm lý trẻ em sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ trẻ em cao hơn, tốt hơn. Đó chính là mong muốn của toàn xã hội. Do vậy, việc bổ sung thêm quy định về nghĩa vụ tham gia tố tụng của Luật sư đối với các phiên tòa có bị hại hoặc người tham gia tố tụng là vị thành niên mà gia đình, người giám hộ không mời Luật sư cũng là việc cần thiết góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tốt đẹp. 

2.5. Cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn về khái niệm “Xác nhận giấy tờ, các giao dịch” trong hoạt động dịch vụ pháp lý khác của Luật sư tại quy định của Điều 30 Luật Luật sư

Đây cũng là vấn đề hiện đang có nhiều tranh cãi do có những cách hiểu khác nhau. Điển hình trong thời gian vừa qua, có khá nhiều ý kiến trái chiều của các Luật sư về việc: Luật sự có được ký làm chứng cho các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các cá nhân hay không. Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đã 2 lần tổ chức hội thảo với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, các chuyên gia pháp lý, các giảng viên có kinh nghiệm từ các trường đại học, những cán bộ có kinh nghiệm của các cơ quan chuyên môn, các công chứng viên, thẩm phán, kiểm sát viên và đông đảo đội ngũ Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai và đại diện một số Đoàn Luật sư các tỉnh trao đổi về vấn đề này. Đa số ý kiến cho rằng Luật sư làm chứng với tư cách một công dân thì không sai và chỉ đơn thuần là làm chứng cho sự thỏa thuận của các bên nhằm hạn chế sự bội tín của một trong các bên nhưng nếu làm chứng với tư cách Luật sư xác nhận thì sẽ gây nhầm lẫn cho người dân dẫn tới việc họ lần tưởng rằng hợp đồng chuyển nhượng đất có chứng nhận của Luật sư cũng có giá trị như hợp đồng được công chứng, chứng thực.  Điều đó có thể gây thiệt hại cho các bên tham gia giao dịch và thực tế đã có trường hợp Luật sư ký làm chứng cho các hợp đồng chuyển nhượng đất đã tiếp tay cho hành vi lừa đảo.

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều ý kiến khác cho rằng, khoản 2 của Điều 30 Luật Luật sư quy định “Khi thực hiện dịch vụ pháp lý khác, Luật sư có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan”. Điều 167 Luật Đất đai chỉ quy định:“Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn  bằng quyền sử dụng đất… phải được công chứng hoặc chứng thực…”, không quy định Luật sư chứng thực nhưng cũng không có quy định cấm nên Luật sư cũng như những công dân khác, được quyền làm những gì pháp luật không cấm.

Do vậy, để tránh có những cách hiểu khác nhau dẫn đến áp dụng không đúng, gây hiểu nhầm, thiệt hại cho người dân nên chăng cần bổ sung quy định cho rõ: “Khi thực hiện dịch vụ pháp lý khác, Luật sư có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan, nghiêm cấm Luật sư thực hiện những dịch vụ không thuộc chức năng, thẩm quyền của mình”.

2.6. Cần có chính sách hỗ trợ Luật sư các vùng xa xôi hẻo lánh

Cũng như một số ngành nghề khác, sự phát triển số lượng Luật sư chưa đồng đều giữa các địa phương, các vùng miền. Mặc dù ở các vùng xa xôi hẻo lánh, số lượng các vụ án ít hơn nhiều so với các thành phố lớn. Tuy nhiên, đối tượng gặp khó khăn, yếu thế cần trợ giúp pháp lý ở các tỉnh vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh không hề thấp. Do vậy, cần có quy định về tiêu chuẩn, chế độ đặc thù đối với Luật sư hành nghề tại các vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh, đặc biệt khó khăn để các Luật sư nơi đây yên tâm bám trụ, hành nghề. Mặt khác cũng rất cần có chính sách trợ giúp pháp lý nhiều hơn nữa đối với đồng bào vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh, đặc biệt khó khăn như quy định về chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho các Luật sư từ địa phương khác tự nguyện đến các vùng cao, vùng xa xôi, hẻo lánh để trợ giúp pháp lý cho bà con. Đồng thời, cũng nên có quy định về việc phối hợp hỗ trợ giữa các Đoàn Luật sư các tỉnh, tổ chức hành nghề luật sư khi cần thiết cho những trường hợp đối tượng cần bảo vệ thuộc những vùng khó khăn, xa xôi hẻo lánh, những địa bàn không có hoặc còn thiếu Luật sư.  

2.7. Cần xây dựng pháp luật theo hướng ưu tiên áp dụng công nghệ, kỹ thuật số trong hoạt động nghề nghiệp của Luật sư

Hiện chúng ta đang tăng cường áp dụng công nghệ trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống nên hoạt động của Luật sư cũng không nên loại trừ. Do đó, việc xây dựng các quy định về việc áp dụng công nghệ trong hoạt động nghề nghiệp của Luật sư nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hiệu quả hơn cho hoạt động hành nghề của Luật sư cũng như người dân khi cần được bảo vệ và các cơ quan nhà nước, cơ quan tố tụng liên quan là việc cần làm ngay trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể như quy định: Thẻ Luật sư có mã vạch, có mã QR code, xây dựng App Luật sư tích hợp với giấy tờ tùy thân của các Luật sư để phân biệt thật giả và khi Luật sư đăng ký bào chữa hay liên hệ các cơ quan, tổ chức trong hoạt động nghề nghiệp thì chỉ cần mở App, mở mã QR code, quẹt mã vạch… không cần phải xuất trình, giao nộp chứng chỉ hành nghề, thẻ Luật sư photo có chứng thực như hiện nay. Hoặc bổ sung quy định về đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự… có thể đăng ký online, việc thông báo, tống đạt các văn bản tố tụng cho Luật sư bằng phương tiện điện tử…

Hoạt động hành nghề của Luật sư cũng như của tổ chức hành nghề của Luật sư liên quan đến hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội. Hoạt động hỗ trợ, tư vấn, tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn pháp luật của Luật sư tốt là một trong những yếu tố quan trọng mang lại hiệu quả cho công cuộc giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật, trình độ hiểu biết pháp luật và sự tuân thủ pháp luật của người dân, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Để phát huy hiệu quả nguồn lực của nghề luật sư cần có một lực lượng Luật sư lớn mạnh với đội ngũ Luật sư tinh thông, am tường luật pháp và các kỹ năng nghề nghiệp. Để có một lực lượng Luật sư lớn mạnh với đội ngũ Luật sư am tường luật pháp, tinh thông nghề nghiệp và yêu nghề, gắn bó, tâm huyết làm nghề, với xã hội thì việc xây dựng, ban hành những  quy định pháp luật phù hợp, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để những người có nguyện vọng, có chí hướng trở thành Luật sư, những người đã và sẽ làm nghề luật sư phấn đấu, rèn luyện và phát huy năng lực, nhiệt huyết, trách nhiệm của mình với cộng đồng, với xã hội với đất nước là điều vô cùng cần thiết.

Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN THỊ HỒNG TUYẾN

Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Dự án Luật Căn cước: Một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính

Từ khoá : lsvn.vn LSVN