Quảng Bình: Vụ án có dấu hiệu oan sai, TAND tỉnh Quảng Bình 2 lần trả hồ sơ

30/12/2021 09:03 | 2 năm trước

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có hàng loạt bài báo phân tích chỉ rõ nhiều dấu hiệu dẫn đến oan sai cho cán bộ Ban Quản lý dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình trong thực hiện gói thầu DH/NT.03 rà phá bom mìn, vật nổ, những sai sót của các cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Bình trong điều tra truy tố các bị can.

Quyết định số 60/2021/HSST-QĐ của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Diễn biến của vụ việc

Như Tạp chí Luật sư đã phản ánh, ngày 12/12/2017, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt Quyết định 4522/QĐ-UBND, Sở Xây dựng Quảng Bình thẩm định tại Quyết định số 3914/SXD-PTTD&HTKT ngày 25/10/2017. Theo đó, gói thầu DH/NT.03: Rà phá bom mìn được phê duyệt giá trị là 849,5 triệu đồng. Để thực hiện gói thầu này Binh đoàn 12 có Công văn số 1009/TCT-DA ngày 09/6/2017 gửi trực tiếp Chủ dự án (UBND tỉnh Quảng Bình). Được ông Nguyễn Xuân Quang, Phó chủ tịch thường trực, Trưởng ban chỉ đạo dự án bút phê chuyển Ban Quản lý dự án (QLDA).

Sau đó, Ban QLDA có Công văn số 333a/CV-QLDA gửi Bộ Tư lệnh Quân khu 4 – Bộ Quốc phòng về việc đề nghị giao nhiệm vụ cho đơn vị xử lý bom mìn, vật nổ. Ngày 13/12/2017, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã có Quyết định số 2493/QĐ-BTL về tổ chức thực hiện khảo sát lập phương án dự toán và thi công rà phá bom mìn, vật nổ gói thầu DH/NT.03. Tại Quyết định này, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã giao nhiệm vụ cho Binh đoàn 12 thực hiện và cơ quan chức năng Quân khu 5 giám sát chất lượng thi công rà phá bom mìn.

Quá trình triển khai thực hiện dự án, năm 2018 các đơn vị quân đội đã hoàn thành gói thầu DH/NT.03: Rà phá bom mìn và bàn giao mặt bằng sạch cho Chủ đầu tư. Ngày 16/5/2018, Ban QLDA đã bàn giao mặt bằng sạch bom mìn của gói thầu DH/NT.03 cho đơn vị thi công xây lắp gói thầu Xây dựng nghĩa trang để phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB). Đơn vị xây lắp đã thi công theo thiết kế đã được UBND tỉnh phê duyệt (hạ cốt mặt bằng san nền sâu bình quân 1.5m và làm đường) đảm bảo tuyệt đối an toàn về bom mìn.

Ngày 22/01/2019, Sở Xây dựng Quảng Bình (Cơ quan quản lý chất lượng công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Bình) đã có Văn bản số 309/SXD-QLXD gửi Ban QLDA chấp nhận kết quả nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng và đã bàn giao công trình xây dựng cho đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng, di dời xây dựng tập trung lăng mộ là UBND xã Bảo Ninh. Từ khi bàn giao đến nay, người dân đã xây dựng hầu hết các lăng mộ (822/902 lăng mộ) trong phạm vi 6,2ha và đảm bảo tuyệt đối an toàn, không xảy ra vấn đề gì về bom mìn, vật nổ.

Từ khi bàn giao mặt bằng đến nay hơn 3 năm cho đơn vị thi công xây dựng xong và bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng, Chủ dự án (UBND tỉnh Quảng Bình) và đơn vị quản lý sử dụng (UBND xã Bảo Ninh) và người dân không báo cáo thiệt hại gì và không bỏ ra thêm nguồn kinh phí nào ngoài hợp đồng trọn gói đã được ký kết, cũng không báo cáo xảy ra hậu quả gì về bom mìn vật nổ.

Tuy nhiên, không hiểu sao ngày 11/6/2021, trên cơ sở Bản kết luận giám định số 02/GĐ-KHĐT ngày 20/02/2020 và Bản kết luận giám định bổ sung số 100/GĐ-KHĐT ngày 20/4/2020 của Giám định viên tư pháp Nguyễn Phước Khoa thực hiện. Điều đáng nói đưa ẩu con số thiệt hại gần 604 triệu đồng “nếu có” làm căn cứ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình để khởi tố điều tra, Viện Kiểm sát có cáo trạng truy tố các cán bộ Ban QLDA về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 30/9/2021, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 41/2021/HSST-QĐ về việc Trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều nội dung trong đó có việc điều tra làm rõ thiệt hại cụ thể do hành vi thiếu trách nhiệm của từng bị can thuộc Ban QLDA; Điều tra bổ sung các tài liệu liên quan đến Giám định tư pháp, làm rõ năng lực, chuyên môn, tư cách pháp lý của Giám định viên tư pháp; xem xét, xác định quy trình giám định tư pháp có diễn ra đúng quy định pháp luật không?... Tuy những yêu cầu Điều tra bổ sung này chưa được thực hiện đầy đủ nhưng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình tiếp tục có cáo trạng truy tố các bị can nguyên cán bộ Ban QLDA  ra Tòa án để xứt xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra từ ngày 17-20/12/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 60/2021/HSST-QĐ trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình để điều tra bổ sung, làm rõ sáu vấn đề quan trọng của vụ án. Trong đó nội dung:

“1. Trưng cầu giám định viên hoặc tổ chức giám định có năng lực, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về giám định về rà phá bom mìn, vật nổ để thực hiện việc giám định lại; 2. Điều tra làm rõ nhóm người ông Phùng Mạnh Lý thi công rà phá bom mìn, vật nổ trên hiện trường với số lượng người thi công, thời gian thi công, tiền công thi công là bao nhiêu?; 3. Điều tra làm rõ giá trị tài sản chiếm đoạt mà bị cáo Thái Vĩnh Tính khi thực hiện hành vi lừa đảo cụ thể là bao nhiêu?

4. Điều tra làm rõ hậu quả trực tiếp xả ra do hành vi thiếu trách nhiệm của các bị can Nguyễn Văn Thuận, Trương Tấn Lâm, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Huỳnh Minh Tuấn và Lê Văn Sỹ; 5. Điều tra làm rõ trách nhiệm của Kho K77 Công binh trong việc tiến hành khảo sát, lập phương án kỹ thuật thi công và nhận số tiền 23 triệu đồng do bị cáo Thái Vĩnh Tính thanh toán; 6. Điều tra làm rõ Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu 4 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra đối với hành vi của bị cáo Thái Vĩnh Tính thực hiện chiếm đoạt tài sản tại gói thầu DH/NT.03 của Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Như vậy, Tòa án đã 2 lần trả hồ sơ điều tra cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung thể hiện rõ sự thận trọng, công tâm, công bằng, dân chủ và khách quan trong xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình. Nó cũng cho thấy những thiếu sót vi phạm của cơ quan điều tra, công tố và giám định viên tư pháp trong hoạt động tố tụng.

Về thiếu sót, sai phạm của Giám định viên cũng như tính thiếu căn cứ của Kết luận giám định do ông Nguyễn Phước Khoa thực hiện

Trong các bài báo trước đây, Tạp chí Luật sư đã phân tích rất rõ những vi phạm nghiêm trọng trong Giám định và Kết luận giám định như: Ông Nguyễn Phước Khoa không có chứng chỉ đấu thầu và không biết gì chuyên môn về bom mìn nhưng lại giám định về hồ sơ mời thầu, phân tích đánh giá hồ sơ dự thầu về gói thầu bom mìn vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu và Luật Giám định tư pháp. Mặt khác, ông Khoa là cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình (Phó Phòng Thanh tra) được Giám đốc Sở ký Quyết định cử thực hiện giám định tư pháp gói thầu DH/NT.03 (và một số gói thầu khác liên quan đến rà phá bom mìn, vật nổ của 2 dự án mà UBND tỉnh Quảng Bình làm Chủ dự án, Chủ đầu tư). Đây là cơ quan chuyên môn của Chủ dự án (UBND tỉnh Quảng Bình được xác định là bị hại) nên không được giám định gói thầu nêu trên (vi phạm khoản 2 điều 34 của Luật Giám định tư pháp).

Đặc biệt, vi phạm nghiêm trọng là ông Khoa không thực hiện giám định tại hiện trường. Kết luận giám định đưa ra các con số mang tính “giả định”, “tham khảo” hoặc “nếu có”. Điều này cũng được chính ông Nguyễn Phước Khoa thừa nhận tại các phiên tòa của Tòa án Quân sự Quân khu 4 và Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình. Điều này cũng được khẳng định rõ trong Quyết định số 02/2021/HSST-QĐ ngày 02/11/2021 của Tòa án Quân sự Quân khu 4 khi tuyên trả hồ sơ để giám định lại trong việc thực hiện 2 gói thầu DH-3.1 và DH/NC1 Rà phá bom mìn tại Ban QLDA thực hiện bởi lý do ông Giám định viên Nguyễn Phước Khoa vi phạm pháp luật về Giám định tư pháp. Tại Quyết định số 41/2021/HSST-QĐ ngày 30/9/2021 và Quyết định số 60/2021/HSST-QĐ ngày 20/12/2021 của Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng nhận định, ông Nguyễn Phước Khoa không đủ năng lực, chuyên môn về rà phá bom mìn và đấu thầu, cần phải được trưng cầu giám định viên hoặc tổ chức giám định có đủ năng lực, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về giám định rà phá bom mìn, vật nổ để thực hiện việc giám định lại.

Cơ quan điều tra và công tố Quảng Bình vi phạm pháp luật tố tụng?

Với diễn biến vụ việc và quá trình tố tụng đó cho thấy ngoài việc cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Bình sử dụng  kết luận giám định tư pháp vụ việc không đúng tư cách, không có năng lực nghiệp vụ chuyên môn thực hiện với những số liệu không trung thực, mang tính “giả định, tham khảo và nếu có”, tức không kết luận điều gì, để truy tố các bị can về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thì còn có những biểu hiện thiếu khách quan, vi phạm pháp luật tố tụng hình sự, thể hiện ở những khía cạnh sau:

Vi phạm về thẩm quyền điều tra, truy tố

Trong vụ án này các bị can nguyên là cán bộ Ban QLDA bị điều tra truy tố cùng với bị can Thái Vĩnh Tính về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời điểm này, cơ quan quân đội đã và đang điều tra vụ án Thái Vĩnh Tính về hành giả mạo cấp bậc, chức vụ và sử dụng giấy tờ, con tài liệu con dấu giả của cơ quan nhà nước… Ngày 28/4/2021, Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu 4 đã có Quyết định khởi tố vụ bổ sung vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại các tỉnh Quảng Bình, Kon Tum, Phú Yên và Ninh Thuận trong thời gian từ năm 2011 đến 2018 (trong đó có gói thầu DH/NT.03 này).

Tuy nhiên, vụ án đang trong quá trình điều tra của Cơ quan Điều tra Hình sự Quân khu 4 thì Thái Vĩnh Tính bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc ký kết hợp đồng với Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình thực hiện gói thầu DH/NT.03 về thi công rà phá bom mìn, vật nổ công trình xây dựng nghĩa trang xã Bảo Ninh.…

Dù vậy, vụ án Thái Vĩnh Tính lừa đảo phải thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố xét xử của các Cơ quan tố tụng Quân đội chứ không thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình, như vậy đương nhiên không thuộc quyền kiểm sát điều tra và truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình… Điều này được thể hiện rất rõ tại Công văn số 142/ĐTHS-ĐTV ngày 14/5/2021 của Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 4 gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đề nghị chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền Quân đội, nội dung công văn ghi rõ “Trong vụ án trên, bị can Thái Vĩnh Tính đã có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của các cơ quan, đơn vị Quân đội, giả mạo cấp bậc Đại tá, chức Giám đốc Trung tâm dò tìm xử lý bom mìn vật nổ thuộc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn để thực hiện tội phạm, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự và uy tín của Quân đội. Gói thầu rà phá bom mìn vật nổ DH/NT.03 là một trong 18 gói thầu rà phá bom mìn mà Cơ quan Điều tra hình sự Quân đội phát hiện cùng một thời điểm và đang giải quyết, liên quan đến hành vi lừa đảo của bị can Thái Vĩnh Tính. Trong 18 gói thầu trên có nhiều cá nhân trong Quân đội giúp sức, tạo điều kiện để bị can Thái Vĩnh Tính thực hiện hành vi phạm tội, nên Cơ quan ĐTHS Quân đội cần phải tiến hành điều tra tổng thể 18 gói thầu trong cùng một vụ án, cùng một bị can mới đảm bảo tính khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật”.

Căn cứ đề nghị này, ngày 18/5/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 280/CV-PC03 đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu 4 tiến hành điều tra theo thẩm quyền. Vậy mà lạ lùng thay Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình không chuyển hồ sơ vụ án theo yêu cầu của cơ quan Điều tra hình sự Quân Khu 4 theo đúng quy định của Luật Tố tụng hình sự để đảm bảo nguyên tắc giải quyết một cách toàn diện đúng đắn vụ án cũng như đảm bảo nguyên tắc một hành vi phạm tội không bị kết án hai lần. 

Vi phạm tố tụng về chứng cứ và chứng minh, điều tra không đầy đủ

Sau khi hợp đồng kết thúc đã bàn giao cho Chủ đầu tư. Trong quá trình thi công các hạng mục, Chủ đầu tư không có báo cáo kết quả về thiệt hại xảy ra. Hiện nay, trên mặt bằng sau khi rà phá bom, mìn, vật nổ, gói thầu xây lắp xây dựng nghĩa trang xã Bảo Ninh. Chủ đầu tư đã hoàn thành tất cả các hạng mục không có hậu quả, thiệt hại xảy ra… Điều tra và Cáo trạng truy tố không chứng minh được có hay không có thiệt hại, số thiệt hại là bao nhiêu? Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại mà đã truy tố các bị can. Các loại chi phí thực tế mà Thái Vĩnh Tính đã chi để thực hiện gói thầu là bao nhiêu cũng không được làm sáng tỏ…

Cắt khúc trong điều tra, truy tố

Theo tài liệu hồ sơ của cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 4 và diễn biến tại các phiên tòa, Cơ quan Điều tra quân đội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Tính về 15 hành vi, trong đó có 10 hành vi lừa đảo xảy ra tại Quảng Bình. Cụ thể có 8 Chủ đầu tư đã ký hợp đồng rà phá bom mìn với ông Thái Vĩnh Tính là Ban quản lý dự án ODA huyện Quảng Trạch (với 2 gói thầu giá trị là 948.380.000 đồng và 1.891.801.000 đồng); Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình (với giá trị hợp đồng là 2.400.295.000 đồng); Ban quản lý dự án khu vực huyện Quảng Trạch (với giá trị hợp đồng là 1.169.895.000 đồng); Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình (với 02 gói thầu giá trị hợp đồng là 84.489.000 đồng và 420.452.000 đồng); Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình (với giá trị hợp đồng là 1.487.757.000 đồng); UBND xã Tiến Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình (với giá trị hợp đồng là 54.841.000 đồng); Công ty Cổ phần SPM.INVEST (với giá trị hợp đồng là 2.664.400.000 đồng) và Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới với gói thầu DH/NT.03 với giá trị hợp đồng là 612.522.715 đồng. Nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình không tiến hành điều tra một cách toàn diện mà chỉ khởi tố, điều tra, truy tố duy nhất tại gói thầu DH/NT.03 của Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới với giá trị nhỏ nhất.

Rà phá bom mìn, vật nổ là là một công việc đặc biệt nguy hiểm có tính đặc thù riêng mang tính trách nhiệm cao, đây là nhiệm vụ chính trị có ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội, không đơn thuần như các hoạt động kinh tế xã hội khác, chỉ có các lực lượng công binh chuyên trách có đủ năng lực (về con người và trang thiết bị) mới được giao thực hiện nhiệm vụ này. Như vậy, Ban QLDA không có quyền được lựa chọn việc ký hợp đồng với đơn vị nào, để thực hiện rà phá bom mìn là do Quân đội giao nhiệm vụ rồi Ban QLDA ký hợp đồng thực hiện, cụ thể ở đây là Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Ông Thái Vĩnh Tính có hành vi giả mạo cấp bậc, chức vụ trong Quân đội, sử dụng các tài liệu giả, con dấu giả của các đơn vị trong Quân đội, giả chữ ký của Thủ trưởng cơ quan trong Quân đội để được ký hợp đồng với Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới thì Ban QLDA không thể nào biết được.

Ông Thái Vĩnh Tính đã bị quân đội truy cứu trách nhiệm hình sự với các hành vi sử dụng các tài liệu giả, con dấu giả của các đơn vị trong Quân đội, giả chữ ký của Thủ trưởng cơ quan trong Quân đội, làm ảnh hưởng đến uy tín Quân đội. Vậy nhưng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã không tuân thủ quy định của Luật Tố tụng hình sự mà chỉ dựa trên suy đoán “có thể xảy ra nguy hiểm” để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cán bộ Ban QLDA về tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là hết sức phi lý, có nguy cơ hiện hữu gây oan sai cho công dân.

Đặc biệt, tại phiên tòa ngày 19/11/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình, các Luật sư đã nói rõ nếu xử bị cáo Thái Vĩnh Tính về hành vi bị truy tố ở phiên tòa này thì phải áp dụng hình phạt của một tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng nếu hành vi này được xét xử ở Tòa án quân sự Quân khu 4 thì chỉ được xem xét là một tình tiết tăng nặng, còn về hành vi thiếu trách nhiệm các Luật sư cũng nói rõ rằng Điều 360 Bộ luật Hình sự không hề có quy định hậu quả của việc thiếu trách nhiệm là "làm cho người khác thực hiện hành vi lừa đảo trót lọt", hậu quả được quy định trong cấu thành cơ bản của tội này là: chết người, gây thương tích cho người, gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu.

Thế nhưng Viện Kiểm sát vẫn bỏ qua các ý kiến tranh luận này và giữ nguyên quan điểm truy tố, tức là vẫn đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố có tội và áp dụng hình phạt cho các bị cáo. Theo các Luật sư, tham gia tố tụng tại phiên tòa, ở vụ này, đại diện Viện Kiểm sát không chú ý đến việc vô tình làm hại người bị truy tố về việc họ phải chịu hình phạt quá nặng mà lẽ ra họ không phải chịu, còn về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" thì Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã truy tố hoàn toàn sai vì hậu quả mà Viện Kiểm sát chỉ ra không được quy định trong Bộ luật Hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và kịp thời thông tin đến bạn đọc về những diễn biến mới cũng như những vấn đề cần tiếp tục được làm sáng tỏ trong vụ án này.

                                                                          PV

Đưa trang thiết bị y tế vào mặt hàng phải kê khai giá