Quảng Ninh: Nhiều sai phạm tại Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn

20/05/2024 02:09 | 1 giây trước

(LSVN) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, sẽ tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan tới Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn bị “đắp chiếu” nhiều năm theo Kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh.

Các công trình xây dựng tại dự án.

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn (đảo Cỏ Ngoài, xã Vạn Yên) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt từ năm 2011 với tổng mức đầu tư hơn 230 tỉ đồng, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ 2012-2016. 

Đến năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có quyết định điều chỉnh dự án với thời gian thực hiện từ 2015-2019, tổng mức đầu tư còn hơn 213 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hơn 115 tỉ đồng, vốn địa phương hơn 38 tỉ đồng, còn lại hơn 59 tỉ đồng là nguồn vốn khác. Theo quyết định phê duyệt, dự án có tổng diện tích 300ha mặt nước vịnh Bái Tử Long và 7,6ha mặt đất trên đảo.

Giữa năm 2016, dự án vùng sản xuất giống nhuyễn thể do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dựng. Sau 3 năm xây dựng, tháng 6/2019, các hạng mục hạ tầng như tuyến kè biển, san lấp, hệ thống giao thông kho bãi, hệ thống cấp điện nước, hệ thống thoát nước và xử lý rác, nạo vét luồng tàu, phao tiêu, nhà điều hành,… với tổng kinh phí hơn 136 tỉ đồng đã hoàn thành. 

Tuy nhiên, các công trình hạ tầng của dự án hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn sau khi hoàn thành đã phải “đắp chiếu” từ đó đến nay. 

Theo ghi nhận của phóng viên, chân đảo là bờ kè bê tông cốt thép dựng đứng chạy dài hơn nửa cây số, dọc theo bờ kè là con đường bê tông. Phía trong là khu mặt bằng đã được san gạt, giữa khu đất là khoảng sân bê tông, bên trong tường rào là các công trình khu nhà điều hành, khu văn phòng, khu xử lý rác. Công trình nhà điều hành, văn phòng cũng như trạm điện, cấp nước ngọt cách đó không xa đều trong tình trạng cửa đóng then cài, tường sơn bám bụi loang lổ, có chỗ đã bám rêu phong. 

Theo tìm hiểu, dự án này được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, ngoài hệ thống hạ tầng dùng chung được đầu tư, dự án còn phải tiếp tục đầu tư 7 hạng mục gồm kè đá hộc chống sạt lở, hệ thống cấp nước sản xuất, xử lý nước thải, sân bãi kho vật tư, cải tạo vùng ươm giống cùng với các trại sản xuất giống và thiết bị kiểm định giống. Tuy nhiên, các hạng mục này đến nay vẫn chưa thể triển khai. 

Trước tình trạng dự án bị “đắp chiếu”, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành thanh tra dự án, đến 17/10/2022, đã hoàn tất Kết luận thanh tra. 

Theo đó, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh xác định dự án có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai. Cụ thể, dự án được triển khai căn cứ theo Quyết định 2194/QĐ-TTg (ngày 25/12/2009) của Thủ tướng Chính phủ, đáng lẽ ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ tối đa không quá 50% đối với 3 hạng mục giao thông, thuỷ lợi và xử lý chất thải, tuy nhiên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh này báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mức hỗ trợ xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng bằng 100% ngân sách. 

Dự án có quy mô sử dụng đất hơn 300ha thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long nhưng tới nay mới có 7,6 ha đảo Cỏ Ngoài được đưa ra khỏi ranh giới, còn 300ha mặt nước vẫn chưa được loại ra khỏi Vườn quốc gia Bái Tử Long. 

Cũng theo kết luận, thời điểm chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh khởi công dự án (tháng 6/2016), dự án chưa được UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định giao đất, chưa được bàn giao đất tại thực địa; phải tới 17/10/2919, khi phần hạ tầng dùng chung đã cơ bản hoàn thành mới có quyết định giao đất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh còn không lập quy hoạch chi tiết 1/500 theo quy định, khi triển khai xây dựng trên thực địa không đúng quy hoạch tổng mặt bằng đã được phê duyệt.

Sau hơn 1 năm các hạng mục hạ tầng dùng chung hoàn thành, tháng 10/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã nhận bàn giao quản lý. Dự án đã được phê duyệt quyết toán 136,56 tỉ đồng (ngân sách Trung ương 101,34 tỉ đồng, địa phương 35,22 tỉ đồng). Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cho rằng, 3 gói thầu 09, 11 và 13 nhà thầu và chủ đầu tư quyết toán chưa chính xác 761 triệu đồng cần thu hồi. 

Đặc biệt, gói thầu số 09, phần nạo vét lẽ ra chất thải phải phải được đổ vào dự án khu dân cư độ thị Ocean Park (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) nhưng nhà thầu đã đổ vào vị trí khác. Chi phí đổ thải tại vị trí này giảm 910 triệu đồng so với vị trí được phê duyệt, nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhà thầu đã phải nộp 910 triệu chênh lệch này vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra để khắc phục. 

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết Sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo Kết luận thanh tra. Đảng uỷ khối các cơ quan đã giao cho Đảng uỷ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể cá nhân liên quan. Theo đó, Sở này sẽ phải làm việc với tất cả những cán bộ liên quan dự án qua các thời kỳ, kể cả những người đã nghỉ hưu và thuyên chuyển công tác về kiểm điểm, xác định trách nhiệm. Việc này sẽ được thực hiện xong trước ngày 30/11. 

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cán bộ liên quan tới dự án đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn được đầu tư bằng vốn ngân sách nhưng phải “đắp chiếu” kéo dài chưa thể đi vào hoạt động theo kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh”, ông Nguyễn Minh Sơn cho hay.

Các công trình xây dựng tại dự án.

“Đau đầu” tìm hướng tháo gỡ cho dự án 

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết thêm: Tới nay dự án mới hoàn thành các công trình do ngân sách nhà nước đầu tư, các hạng mục thuộc nguồn vốn huy động khác chưa được triển khai (các trại giống, kè chống sạt lở phía ta luy dương khu vực sản xuất, hệ thống cấp nước sản xuất, xử lý nước thải, cải tạo vùng ươm giống cấp 1, thiết bị kiểm định giống…) nên chưa thể đưa dự án vào hoạt động được. Để dự án tiếp tục được triển khai thì phải báo cáo Thủ tướng để đưa phần diện tích mặt nước khoảng 300ha còn lại của dự án ra khỏi ranh giới Vườn quốc gia Bái Tử Long. 

Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất phương án lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các hạng mục còn lại của dự án. Tuy nhiên, các hình thức lựa chọn nhà đầu tư đều tắc.  Lựa chọn theo hình thức đối tác công tư thì lĩnh vực này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 35/2021.

“Theo hình thức cho thuê tài sản công thì phải đầu tư hoàn chỉnh đưa vào sử dụng nhưng chưa hết công suất. Theo hình thức cho thuê tài sản công là kết cấu hạ tầng thì chưa có quy định cho thuê tài sản này. Theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và khu vực biển thì không thuộc trường hợp đấu giá theo quy định của Luật Đất đai. Theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 25/2020”, ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, sau khi họp bàn, các ngành thống nhất có 2 phương án tiếp tục triển khai dự án phù hợp với quy định của pháp luật: Phương án 1 là lựa chọn doanh nghiệp thực hiện theo hướng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tối đa không quá 50% giá trị hạ tầng ba hạng mục giao thông, thuỷ lợi và xử lý chất thải; phương án 2 là lựa chọn Nhà nước đầu tư 100% dự án, giao cho đơn vị thuộc nhà nước quản lý, sử dụng. 

Thanh tra tỉnh Quảng Ninh lại cho rằng phương án 1 khả thi hơn. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án 1 lựa chọn nhà đầu tư thì doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ 50% giá trị 3 hạng mục, sau khi trừ đi phần hỗ trợ này, doanh nghiệp phải hoàn trả số tiền còn lại trong tổng số 136,56 tỉ đồng đã đầu tư bằng vốn ngân sách. Vì thế, việc lựa chọn nhà đầu tư bị đánh giá sẽ khó có khả năng thực hiện được.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, trong trường hợp không thực hiện lựa chọn được nhà đầu tư thì thực hiện theo phương án 2, Nhà nước sẽ đầu tư hoàn thiện phần hạ tầng sau đó giao cho đơn vị nhà nước (Trung tâm khuyến nông) quản lý, vận hành. Đơn vị này có thể thực hiện các hợp đồng liên doanh liên kết để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư đưa vùng sản xuất nhuyễn thể này vào hoạt động phục vụ nhu cầu con giống rất cấp thiết của khu vực. 

NGUYÊN TRUNG