Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về miễn hình phạt và kiến nghị hoàn thiện

24/03/2024 22:49 | 1 tháng trước

(LSVN) - Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự..

Ảnh minh hoạ.

Quy định về miễn hình phạt trong Bộ luật Hình sự năm 2015

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985, BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 đều quy định miễn hình phạt trong Phần chung (hiện nay là Phần những quy định chung) và Phần các tội phạm với nhiều tiêu chí khác nhau. BLHS năm 2015 có bổ sung thêm đối tượng được miễn hình phạt là pháp nhân thương mại phạm tội.

Phần chung BLHS năm 2015 quy định các trường hợp miễn hình phạt như sau:

Thứ nhất, miễn hình phạt chung đối với người phạm tội (Điều 59)

Điều 59 BLHS năm 2015 quy định: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự...”. Từ quy định này mà có ý kiến cho rằng: Điều luật dùng liên từ và, không phải là liên từ hoặc nên khoản 1 và khoản 2 không thể là hai trường hợp độc lập để miễn hình phạt mà miễn hình phạt theo Điều 59 BLHS chỉ xác định là 01 trường hợp miễn hình phạt, được áp dụng chung đối với người bị kết án nếu họ có đủ các điều kiện quy định ở cả khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS.

Nếu hiểu theo cách này thì BLHS năm 2015 đã thu hẹp phạm vi miễn hình phạt đối với người bị kết án theo đó ngoài các điều kiện như người bị kết án phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS), đáng được khoan hồng đặc biệt thì họ còn phải là người phạm tội lần đầu và là người giúp sức trong vụ án. Như vậy, thì việc miễn hình phạt chỉ được áp dụng đối với một đối tượng cụ thể là người phạm tội lần đầu giữ vai trò giúp sức và chỉ áp dụng đối với vụ án có đồng phạm, trong khi đó nhiều vụ án chỉ có một bị cáo thực hiện với tính chất, mức độ, nhân thân và các tình tiết khác của vụ án thể hiện việc áp dụng hình phạt đối với người thực hiện tội phạm là không cần thiết, cần phải miễn hình phạt đối với họ thì lại không được thực hiện. Điều này sẽ không đúng với tinh thần lập pháp và chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước.

Do đó, có thể có sự sai sót về mặt kỹ thuật lập pháp và cần sửa liên từ và bằng liên từ hoặc; Điều 59 BLHS phải được hiểu là có 02 trường hợp miễn hình phạt, đó là: Một là, trường hợp miễn hình phạt nếu người bị kết án thuộc trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 54 BLHS, theo đó, các điều kiện để được miễn hình phạt bao gồm: Người bị kết án có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 51 BLHS; Người bị kết án đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn TNHS. Hai là, trường hợp miễn hình phạt nếu người bị kết án thuộc trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS, theo đó các điều kiện để người bị kết án được miễn hình phạt bao gồm: Người bị kết án là người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể; Người bị kết án đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn TNHS.

Bị cáo phạm tội lần đầu và là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Phạm tội lần đầu được hiểu là bị cáo lần đầu thực hiện hành vi phạm tội (Theo quy định hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì được coi là phạm tội lần đầu khi thuộc một trong các trường hợp: Trước đó chưa phạm tội lần nào; Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích). Người giúp sức trong vụ án đồng phạm không phải là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy hay trực tiếp thực hiện tội phạm, mà người giúp sức chỉ là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm (Điều 17 BLHS năm 2015).

Người bị kết án đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn TNHS. Trong điều kiện này, lưu ý cơ sở để Tòa án coi là người phạm tội xứng đáng được khoan hồng đặc biệt, nhưng chưa đến mức được miễn TNHS là sự đánh giá và cân nhắc tổng thể, có hệ thống, đầy đủ và toàn diện của Tòa án đối với các tình tiết mà chúng làm cho tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và nhân thân người phạm tội giảm nhẹ đặc biệt, tạo khả năng tự cải tạo, giáo dục của bị cáo, do đó, không cần phải áp dụng bất kỳ hình phạt nào đối với bị cáo.

Vấn đề đặt ra là nếu xác định Điều 59 BLHS quy định là 02 trường hợp miễn hình phạt và khoản 2 Điều 54 là một trường hợp miễn hình phạt riêng thì có cần yêu cầu phải có các tình tiết giảm nhẹ hay không, hay chỉ cần là người phạm tội lần đầu và giữ vai trò thứ yếu trong vụ án đồng phạm, đáng được khoan hồng là có đủ điều kiện để miễn hình phạt. Do đó, BLHS cần sửa đổi, bổ sung quy định này cho rõ ràng và hợp lý hơn thì việc miễn hình phạt mới được chặt chẽ và không gây lúng túng, khó khăn cho Thẩm phán trong thực tiễn xét xử.

Thứ hai, miễn hình phạt quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (khoản 4 Điều 91)

Khoản 4 Điều 91 BLHS năm 2015 quy định: “Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc... áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa”. Theo đó, mặc dù các nhà làm luật nước ta không ghi nhận trực tiếp đây là trường hợp miễn hình phạt đối với người dưới 18 tuổi, nhưng căn cứ vào nội dung điều luật, cho rằng đây cũng là một trường hợp miễn hình phạt, nhưng là miễn hình phạt có điều kiện. Theo quy định này thì khi xét thấy việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là có hiệu quả, bảo đảm phòng ngừa thì Tòa án không áp dụng hình phạt (đồng nghĩa việc miễn hình phạt) đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, mà sẽ áp dụng biện pháp tư pháp “giáo dục tại trường giáo dưỡng”.

Mặc dù quy định tại khoản 4 Điều 91 là quy định về miễn hình phạt áp dụng đối với đối tượng đặc thù là người dưới 18 tuổi phạm tội, nhưng không phải cứ người chưa thành niên là sẽ được áp dụng miễn hình phạt, nên nó không phải là quy định có tính cố định, bắt buộc, hay nói cách khác không phải là trường hợp miễn hình phạt về mặt lập pháp mà cũng là một hoạt động quyết định hình phạt của Tòa án trong giai đoạn xét xử. Vì vậy, nó cũng thuộc phạm vi nghiên cứu của Luận án.

Tuy nhiên, việc quy định miễn hình phạt gián tiếp cho người dưới 18 tuổi phạm tội trong cùng khoản 4 Điều 91 liên quan đến miễn TNHS đối với người dưới 18 tuổi đã không làm rõ nét trường hợp miễn hình phạt này; mặt khác, BLHS cũng không quy định rõ việc miễn hình phạt trong trường hợp này có yêu cầu điều kiện về tình tiết giảm nhẹ hay không, nên cần phải sửa đổi để làm rõ hơn về điều kiện áp dụng cũng như làm căn cứ để cơ quan thống kê đưa vào số liệu các trường hợp miễn hình phạt.

Thứ ba, miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 88)

Đây là trường hợp miễn hình phạt quy định với pháp nhân thương mại phạm tội mới được bổ sung trong BLHS năm 2015, đáp ứng yêu cầu nguyên tắc xử lý đối với đối tượng này. Điều 88 BLHS năm 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra”. Theo đó, có 02 điều kiện để pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt bao gồm: Pháp nhân thương mại phải khắc phục toàn bộ hậu quả, có nghĩa pháp nhân thương mại đã tự nguyện khắc phục toàn bộ hậu quả đã gây ra như: tiến hành, thực hiện sửa chữa tài sản đã bị hư hỏng, có các biện pháp khôi phục và trả lại nguyên trạng môi trường, cảnh quan rừng…; Pháp nhân thương mại đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra được hiểu là pháp nhân thương mại đã tiến hành thực hiện việc bồi thường tất cả về vật chất thiệt hại về tài sản, thể chất, tinh thần… qua đó, bảo đảm quyền lợi cho Nhà nước, cơ quan, tổ chức và người bị thiệt hại.

Tuy nhiên, khác với đối tượng là cá nhân, BLHS năm 2015 vẫn chưa quy định việc pháp nhân thương mại được miễn hình phạt cũng coi như chưa có án tích như đối với người phạm tội.

Hoàn thiện quy định miễn hình phạt theo BLHS 

Trường hợp miễn hình phạt chung theo quy định tại Điều 59 BLHS

Thứ nhất, Điều 59 BLHS không hạn chế quy định loại tội gì để được miễn hình phạt. Tuy nhiên, đối với trường hợp miễn hình phạt chung, các nhà làm luật nước ta nên hạn chế phạm vi loại tội mà người phạm tội có thể được miễn hình phạt đó là loại tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt khác như là người phạm tội lần đầu, giữ vai trò giúp sức thì người phạm tội rất nghiêm trọng mới được miễn hình phạt, không miễn hình phạt đối với tội “đặc biệt nghiêm trọng”, để có sự phân hóa hơn nữa trong chính sách hình sự, phân biệt với trường hợp áp dụng hình phạt cảnh cáo, cũng như tránh lạm dụng để áp dụng tràn lan đối với cả những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, không bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm trong thực tiễn xét xử, gây bức xúc trong dư luận quần chúng Nhân dân.

Thứ hai, như đã phân tích tại điểm a, tiểu mục 3.1.2 mục 3.1 Chương 3 của Luận án, với cách quy định “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn TNHS…”, thì rõ ràng ở đây chỉ có 01 trường hợp miễn hình phạt mà điều kiện là cả quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS, như vậy thì việc miễn hình phạt chỉ được áp dụng đối với một đối tượng cụ thể là người phạm tội lần đầu, giữ vai trò giúp sức trong vụ án đồng phạm và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, làm hạn chế đối tượng được áp dụng miễn hình phạt, trong khi nhiều vụ án chỉ có 01 bị cáo thực hiện với lỗi vô ý, tính chất ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có khả năng tự giáo dục, tự cải tạo mà không cần thiết phải áp dụng một hình phạt nào thì lại không được miễn hình phạt. Theo cần sửa đổi liên từ “và” tại Điều 59 thành liên từ “hoặc”, hoặc viết lại điều luật để quy định rõ hơn, tránh gây hiểu lầm khi áp dụng.

Trường hợp miễn hình phạt cho người phạm tội không tố giác tội phạm

Hiện nay, những điều kiện để miễn hình phạt cho người không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 390 BLHS cũng chính là các điều kiện để miễn TNHS mà chưa phân hóa rõ được, trong khi miễn hình phạt và miễn TNHS khác nhau về nội dung, bản chất pháp lý, hậu quả, đối tượng bị áp dụng, chủ thể áp dụng, giai đoạn áp dụng nên cần phân tách cho bảo đảm tính chính xác hơn. Mức độ khoan hồng của miễn TNHS cao hơn miễn hình phạt. Do đó, trong trường hợp này cần phân tách nếu có hành động can ngăn tội phạm thì người không tố giác tội phạm có thể được miễn hình phạt, còn nếu can ngăn và hạn chế được tác hại của tội phạm tức là giảm được mức độ thiệt hại của hành vi phạm tội thì người không tố giác tội phạm có thể được miễn TNHS.

Bổ sung thêm trường hợp đương nhiên miễn hình phạt

Trên cơ sở tham khảo thực tiễn xét xử, so sánh với quy định về miễn, giảm hình phạt theo BLHS Việt Nam thì thấy rằng quy định về miễn hình phạt tại BLHS Đức có tính ưu việt hơn khi quy định cụ thể trường hợp đương nhiên miễn hình phạt đối với tội nhẹ (xử dưới 01 năm tù) mà người phạm tội đã phải gánh chịu tổn thương từ chính hậu quả của tội phạm do mình gây ra. Trường hợp này có điều kiện là người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng do vô ý, sau khi phạm tội, người này đã bị tổn hại nặng về sức khỏe hoặc phạm tội đối với người thân thích của mình… Quy định này vừa có tính nhân văn, vừa bảo đảm xu hướng nhân đạo hóa trong pháp luật hình sự và tương thích với pháp luật quốc tế, vừa thể hiện được bản chất, mục đích của hình phạt, bởi lẽ hậu quả của tội phạm đã chính là hình phạt đối với họ thì không cần phải áp dụng thêm một hình phạt nào khác cũng đã đủ sức răn đe và giáo dục người phạm tội cũng như ngăn ngừa người khác phạm tội, nếu người phạm tội lại bị áp dụng thêm một hình phạt nào nữa thì có lẽ có thể sẽ gây ra một hậu quả khác từ việc tác động của hình phạt và không có tác dụng giáo dục con người khi mà họ thấy pháp luật không còn tính nhân đạo.

Bổ sung quy định miễn hình phạt đối với người khi thực hiện hành vi phạm tội có năng lực TNHS nhưng sau đó lại không có năng lực TNHS

Điều 451 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về trường hợp có thể miễn hình phạt đối với người khi thực hiện hành vi phạm tội có năng lực TNHS nhưng sau đó thì không có năng lực TNHS. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 lại không quy định trường hợp này, nên dẫn đến những khó khăn trong việc áp dụng như: 1) Nếu BLHS không quy định thì có được áp dụng chỉ quy định BLTTHS để miễn hình phạt cho người phạm tội không có năng lực TNHS hay không; 2) Đối với trường hợp miễn hình phạt theo Điều 451 BLTTHS có đòi hỏi phải có đủ các điều kiện miễn hình phạt khác theo BLHS hay không, có đòi hỏi người phạm tội ít nhất phải có 02 tình tiết giảm nhẹ TNHS hoặc là tội phạm phải là tội không tố giác thì có cần phải có hành động can ngăn, hạn chế tác hại của tội phạm hay không.

Mặt khác, từ BLHS năm 1999 và Bộ luật tố tụng hình năm 2003 đã có sự không nhất quán của các quy định trong Luật nội dung và Luật hình thức, nhưng đến BLHS năm 2015 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 vẫn chưa khắc phục được vấn đề này. Do đó, cần phải bổ sung quy định về miễn hình phạt đối với người không có năng lực TNHS vào quy định tại BLHS và quy định theo hướng khi xem xét cho người phạm tội không có năng lực TNHS thì cũng phải cần có sự đánh giá toàn diện về tội mà họ phạm, mức độ lỗi, tính chất hành vi và các tình tiết giảm nhẹ mà họ có và tình trạng mất năng lực TNHS hiện tại của họ để xem xét mức độ khoan hồng mà họ được hưởng đã đủ để miễn hình phạt hay chưa. Tuy nhiên, trong trường hợp này, không buộc phải có tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, bởi bản thân tình trạng mất năng lực TNHS của người phạm tội cũng đã là một tình tiết giảm nhẹ đặc biệt, nên vì mất năng lực TNHS có thể họ cũng sẽ không thể có được các tình tiết giảm nhẹ khác như tự thú hay khai báo thành khẩn… Vì vậy, trong trường hợp này, Tòa án xem xét toàn diện vụ án để đánh giá tính chất, mức độ và xem xét có cho người phạm tội được miễn hình phạt hay không.

ĐẶNG ĐÌNH THÁI

Toà án quân sự Khu vực Quân khu 4

Sở hữu bất động sản của người nước ngoài tại Việt Nam - Khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn

Từ khoá : lsvn.vn LSVN