Quy định của pháp luật về biện pháp phòng tránh bạo lực học đường

28/11/2017 20:44 | 6 năm trước

LSVNO - Con tôi bị bạn đánh chưa gây thương tích. Tôi được biết bạo lực học đường là hành vi bị nghiêm cấm. Quy định pháp luật cụ thể về biện pháp phòng tránh bạo lực học đường thế nào? (Bạn đọc Ng...

LSVNO - Con tôi bị bạn đánh chưa gây thương tích. Tôi được biết bạo lực học đường là hành vi bị nghiêm cấm. Quy định pháp luật cụ thể về biện pháp phòng tránh bạo lực học đường thế nào? (Bạn đọc Nguyễn Văn T., Ninh Bình).

Ảnh minh họa

Luật sư tư vấn:

Ngày 17/7/2017, Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 9 năm 2017.

Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.

Bạo lực học đường ảnh hưởng trực tiếp đến học tập, tâm lý của các em, người bị bạo lực sẽ bị tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần với những chấn động nặng nhẹ phụ thuộc vào mức độ của bạo lực. Theo thông tin bạn nêu thì con bạn bị bạn học đánh. Đây là hành vi bạo lực thể chất với hành vi đánh đập chưa gây thương tích đối với bạn học là một trong những hành vi cấm học sinh không được làm. Học sinh đánh con bạn có thể chịu hình thức kỷ luật khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, nếu đánh nhau có tổ chức thì có thể chịu hình thức cảnh cáo trước toàn trường. Ngoài ra theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12.12.2011 học sinh bị xếp loại yếu về hạnh kiểm, khi có hành vi đánh nhau, gây rối trật tự, trị an trong nhà trường hoặc ngoài xã hội

Biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường là công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân là một trong những biện pháp quan trọng làm giảm bạo lực học đường. Ngoài ra việc kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội là cần thiết ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

(Công ty Luật TNHH Đức An)