Quy định của pháp luật về người cao tuổi được miễn nộp tạm ứng án phí, án phí trong vụ án dân sự

20/03/2024 21:19 | 1 tháng trước

(LSVN) - Việc pháp luật quy định một số đối tượng được miễn nộp tạm án phí, án phí khi tham gia tố tụng trong vụ án dân sự tại Tòa án là chính sách nhân đạo trong đó có đối tượng là người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay còn có nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng.

Ảnh minh họa.

Theo Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định: “Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326 quy định những trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí, án phí : “…người cao tuổi…”. Khoản 1 Điều 14 Nghị quyết 326 quy định: “Người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm”.

Theo các quy định nêu trên thì người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên có đơn đề nghị nộp cho Tòa án thì được xem xét miễn nộp tạm ứng án phí, án phí. Vấn đề đặt ra, đương sự là người cao tuổi không có đơn đề nghị miễn án phí thì có được miễn án phí không? Thực tiễn xét xử trong thời gian qua còn có quan điểm khác nhau trong vấn đề áp dụng pháp luật về án phí đối với trường hợp người cao tuổi không có đơn đề nghị miễn án phí:

- Quan điểm thứ nhất: Đương sự là người cao tuổi không có đơn đề nghị miễn án phí, phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

- Quan điểm thứ hai: Đương sự là người cao tuổi thuộc trường hợp được miễn án phí nên đương nhiên được miễn án phí theo quy định tại Điều 13 Nghị quyết 326.

- Quan điểm thứ ba: Đương sự là người cao tuổi không có đơn đề nghị miễn án phí nhưng tại phiên đối thoại, hòa giải hoặc phiên tòa, đương sự đề nghị miễn án phí thì vẫn được miễn án phí theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Nghị quyết 326.

Theo quan điểm của tác giả, đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326 quy định về miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án như sau:

1. Những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí:

đ) Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ….

Đồng thời, tại Điều 14 Nghị quyết số 326 quy định về Hồ sơ đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án:

“1. Người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải, có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm.

2. Đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án phải có các nội dung sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn;

b) Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;

c) Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm".

Như vậy, theo các quy định trên thì đối với người cao tuổi chỉ được miễn án phí trong trường hợp người đó phải có đơn đề nghị Tòa án xem xét miễn nộp tiền án phí theo đúng quy định tại Điều 14 Nghị quyết 326. Vì vậy, nếu không có đơn đề nghị thì đương sự phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Từ những quan điểm nêu trên, có thể thấy khi áp dụng quy định về miễn án phí đối với trường hợp đương sự là người cao tuổi vẫn còn vướng mắc và nhiều bất cập cho nên thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn hoặc giải đáp đối với vướng mắc nêu trên nhằm áp dụng thống nhất trong thời gian tới.

Trên đây là quan điểm của tác giả, kính mong các đọc giả đóng góp ý kiến hoàn thiện!

TRẦN VĂN MINH

Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 7

Uống rượu bia, dắt xe máy qua chốt kiểm tra nồng độ cồn vẫn có thể bị xử phạt