Sắp xử phúc thẩm vụ đất đai ở Đồng Tâm

07/11/2017 17:49 | 6 năm trước

LSVNO - Liên quan đến vụ việc sai phạm đất đai ở Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), chiều 7/11, TAND TP. Hà Nội cho biết, ngày 14/11 sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm.

LSVNO - Liên quan đến vụ việc sai phạm đất đai ở Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), chiều 7/11, TAND TP. Hà Nội cho biết, ngày 14/11 sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm.

>>>Xét xử vụ ở Đồng Tâm: Những sai phạm dần được làm rõ

>>>Xét xử vụ ở Đồng Tâm: Mức án đề nghị cao nhất 7-8 năm tù

Theo đó, HĐXX phúc thẩm sẽ gồm 3 thẩm phán do ông Trương Việt Toàn - Phó Chánh Tòa Hình sự,  TAND TP Hà Nội làm chủ tọa.

Trước đó, ngày 8 và 9/8, TAND huyện Mỹ Đức xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với 14 bị cáo nguyên là cán bộ xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức.

Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 8/2017.

Theo cáo trạng, từ năm 2002 đến năm 2013, do buông lỏng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai tại địa bàn xã Đồng Tâm, Nguyễn Văn Bột, Nguyễn Văn Sơn, Lê Đình Thuần, Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Tiến Triển và một số cán bộ nguyên là chủ chốt của xã Đồng Tâm vì động cơ vụ lợi đã thực hiện việc cấp, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định.

Cụ thể, năm 2002, khi UBND xã Đồng Tâm đo đạc, điều chỉnh bản đồ đất thổ cư, ông Nguyễn Tiến Triển (Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm từ năm 1995-2010) cùng Nguyễn Văn Sơn (Chủ tịch xã Đồng Tâm từ năm 2002-2010); Nguyễn Xuân Trường (cán bộ Địa chính xã Đồng Tâm từ năm 1995-2015) đã tự chia cho nhau mỗi người một suất đất mặt đường với chiều ngang 5m, chiều dài 48m. Một năm sau, những mảnh đất này đều đứng tên người thân của các cán bộ xã trên. Đến năm 2011-2012, hai trong ba suất đất được hoàn chỉnh hồ sơ, cấp sổ đỏ.

Đến năm 2003, ông Nguyễn Văn Sơn đã cùng với ông Nguyễn Tiến Triển, Nguyễn Xuân Trường chuyển 10 suất đất với diện tích khoảng 1.300 m2 cho 10 cán bộ chủ chốt của xã và thu tiền theo giá 100.000 đồng/m2. Đây là 10 trong số 49 thửa đất năm 1996 được UBND tỉnh Hà Tây cũ ra quyết định số 868 thu hồi, giao cho 49 hộ dân làm nhà ở theo diện cấp đất giãn dân.

Tuy nhiên, Chủ tịch xã đương nhiệm lúc đó là ông Nguyễn Văn Bột và cán bộ Địa chính Nguyễn Xuân Trường đã tổ chức giao đất cho 39/49 hộ dân, số còn lại UBND xã Đồng Tâm không giao nốt cho 10 hộ trong danh sách đã trình tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt.

Theo đó, trong số những cán bộ được chia đất có gia đình ông Bột, ông Sơn, ông Trường, ông Triển và ông Lê Đình Thuần (Chủ tịch xã từ năm 2010-2014) đều được người thân đứng tên.

Đến năm 2008, khi đo đạc lại diện tích đất toàn xã, ông Nguyễn Xuân Trường đã đề nghị ông Nguyễn Văn Sơn cho làm biên bản hội nghị Đảng ủy, HĐND, UBND xã thống nhất việc chia đất cho 10 cán bộ UBND xã. Biên bản này được ghi lùi thời gian thành 10/12/2002 với nội dung: “Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã nhất trí cấp quyền sử dụng đất cho 10 cán bộ có thời gian công tác lâu năm và có nhu cầu về đất ở”.

Bên cạnh đó, các cán bộ Đồng Tâm còn hợp thức khống hồ sơ đề nghị cấp GCN cho 12 hộ dân với diện tích hơn 1.800m2. Đây đều là đất được giao trái phép hoặc lấn chiếm trong năm 2002- 2003 nhưng xã xác nhận họ sử dụng đất liên tục, không tranh chấp khiếu kiện từ trước năm 1993. Tiếp quản hồ sơ, cán bộ của Văn phòng đăng ký đất đai và Phòng TN&MT huyện Mỹ Đức đã không xem xét, kiểm tra kỹ mà lập tờ trình gửi UBND huyện. 

Vì vậy, tòa sơ thẩm tuyên phạt 3 bị cáo nguyên là Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm gồm Nguyễn Văn Sơn 36 tháng tù, Lê Đình Thuần 42 tháng tù, Nguyễn Văn Bột 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo khác là cán bộ xã Đồng Tâm lĩnh án từ 24 tháng tù tới 6 năm 6 tháng tù cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”,

Nhóm bị cáo là cán bộ huyện Mỹ Đức cũng lĩnh án về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cụ thể, Phạm Hữu Sách và Trần Trung Tấn (cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức) cùng bị phạt 24 tháng tù treo, thời gian thử thách 48 tháng; Đinh Văn Dũng 36 tháng tù, Bạch Văn Đông lĩnh 30 tháng tù.

Sau khi án sơ thẩm được tuyên, 10 bị cáo làm đơn kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm. 4 bị cáo Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Văn Sơn, Trần Trung Tấn, Nguyễn Văn Bột không làm đơn kháng cáo.

Trong số 10 người kháng cáo, 9 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng Phạm Hữu Sách, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Mỹ Đức - kháng cáo kêu oan, cho rằng bản thân không phạm tội như quy kết của tòa án.

H.Thủy