Tại sao Luật sư phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn

27/02/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Lời mở đầu của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam quy định: “Luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn”.

Ảnh minh họa.

Việc nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn giúp cho Luật sư bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng, có năng lực cạnh tranh trong xã hội pháp luật thường xuyên thay đổi, đồng thời thể hiện được sự tận tâm, uy tín của Luật sư.

Nâng cao trình độ kỹ năng chuyên môn giúp Luật sư bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng. Kỹ năng chuyên môn là một quá trình rèn luyện và không ngừng học tập của mỗi Luật sư. Sự rèn luyện thường xuyên giúp cho hoạt động của Luật sư đạt hiệu quả cao hơn. Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư là góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. 

Để có thể làm tốt các chức năng mà xã hội giao phó, người Luật sư cần phải xác định được tầm quan trọng của việc học tập, rèn luyện và coi đây là công việc thường xuyên hằng ngày, là trách nhiệm cụ thể thiết thân của mọi Luật sư. Muốn có kỹ năng hành nghề tốt, ngoài kiến thức chuyên môn ra ở mỗi Luật sư cần phải có sự chuyên cần cập nhật về kiến thức pháp luật. 

Pháp luật thường xuyên thay đổi, Luật sư cần thường xuyên học tập nâng cao năng lực nghề nghiệp để thích nghi với những thay đổi của pháp luật. Trong điều kiện Việt Nam ngày càng ra nhập vào nhiều hiệp định hợp tác quốc tế, pháp luật Việt Nam cũng cần thay đổi để tương thích với pháp luật quốc tế. Bên cạnh đó, khi tiến hành hội nhập quốc tế, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế ở nước ta cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu hiểu biết pháp luật cần sự trợ giúp của những Luật sư để tránh những rủi ro, thua thiệt trong tranh chấp kinh tế thương mại và đây là cơ hội nghề nghiệp cho Luật sư. 

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao tinh thần trách nhiệm, buộc tất cả các Luật sư phải cùng thực hiện, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 02/2019/TT–BTP quy định nghĩa vụ tham gia bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của Luật sư. Theo đó thời gian tham gia khóa bồi dưỡng tối thiểu là 08 giờ/năm (có quy định miễn giảm, quy đổi…). Nội dung khóa bồi dưỡng đề cập về vấn đề: Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư; cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật; kỹ năng hành nghề Luật sư và kỹ năng hỗ trợ cho hoạt động hành nghề Luật sư; kỹ năng quản trị tổ chức hành nghề Luật sư.

Việc học tập, nâng cao trình độ kỹ năng chuyên môn, Luật sư góp phần kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của Luật sư. Quy tắc 3.2 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư quy định: “Luật sư có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề Luật sư; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn; giữ gìn phẩm chất, nhân cách và uy tín nghề nghiệp; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống; xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với Luật sư và nghề luật sư”.  

Không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn là trách nhiệm của mỗi Luật sư nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho khách hàng cũng như giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của Luật sư.

THIÊN AN

Bàn về quy định Luật sư cần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng